Saturday, March 3, 2012

Người Việt hải ngoại nô nức kéo về DC vận động cho nhân quyền VN

Thanh Trúc, phóng viên RFA

Vào khi số chữ ký online vào thỉnh nguyện thư gởi Nhà Trắng đã vượt quá một trăm lẻ năm ngàn, người Việt khắp các tiểu bang trên đất Mỹ cũng đang nô nức kéo về Washington DC để yêu cầu hành pháp và lập pháp Mỹ áp lực Việt Nam cải thiện nhân quyền và trả tự do cho những tù nhân lương tâm đang bị Hà Nội giam giữ.


RFA file
Tòa Bạch Ốc ở Hoa Thịnh Đốn.
Thanh Trúc có bài chi tiết sau đây:
Để đáp ứng thỉnh cầu tổng thống Obama lưu ý Hà Nội cải thiện nhân quyền, Nhà Trắng sẽ có một buổi gặp cùng đại diện các đoàn thể vận động người Mỹ gốc Việt vào thứ Hai tuần tới.
Tiếp đó, thứ Ba là ngày mọi người cùng vào quốc hội để yêu cầu các vị dân biểu và nghị sĩ Hoa Kỳ chú tâm nhiều hơn nữa đến tình trạng quyền con người bị vi phạm nghiêm trọng bởi chính phủ Việt Nam.
Trên nguyên tắc thì chỉ cần hai mươi lăm đến ba chục nghìn chữ ký là đủ lôi kéo sự chú ý của tổng thống. Thế nhưng đến lúc này con số đã vượt quá một trăm lẻ năm ngàn. Trong lúc người Việt khắp nơi trên đất Mỹ chuẩn bị kéo về thủ đô với tâm trạng phấn khích thì người Việt ở Washington DC cũng đang nao nức và tất bật lo liệu cho hai ngày 5 và 6.

Hạnh phúc

white-house-petition-250.jpg
Cuộc vận động đã thu thập được 115,153 chữ ký tính đến trưa ngày 03/03/2012. RFA photo.
Một trong những người đứng đầu ban tổ chức, anh Võ Thành Nhân, cho biết vì là cư dân thủ đô nên những gì anh và các tình nguyện viên phải phối hợp lo liệu là vấn đề vận hành, chuyên chở, đưa rước, nơi ăn chốn ở, kể cả những hồ sơ đi vào quốc hội, sắp xếp thế nào để những phái đoàn từ các tiểu bang xa về có thể tiếp xúc được với các dân biểu nghị sĩ đại diện cho họ trong quốc hội:
“Mà cái tinh thần nó rất là vui, lần này mình thấy những người họ về thứ nhất là người ta không câu nệ vấn đề tiền bạc mặc dầu người ta chỉ mới biết có bốn năm ngày trước khi về Washington DC mà người ta vẫn mua vé may bay để về.
Có những vé máy bay rất là mắc tiền. Có những người không mua vé máy bay được vì lý do tiền bạc thì họ đi xe bus sớm hơn giờ mà họ dự định. Do đó cho nên mình thấy được sự cố gắng, sự náo nức của cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ khi mà họ nhận thấy vai trò của họ trong việc đấu tranh cho nhân quyền ở trong nước.
Là người đặc trách nơi ăn chốn ở và tạo điều kiện cho đồng hương về đây, bản thân tôi cảm thấy vui và hạnh phúc, lâu lắm mình mới có dịp thực hiện một giấc mơ chung, mơ thấy một ngày Việt Nam thực sự có được tự do, dân chủ và nhân quyền.”

Hãnh diện

Cũng từ thủ đô Washington, một tình nguyện viên, ông Trí Tôn:
Lần trước là hiện tượng Trần Trường treo cờ mà tôi thấy người Việt Nam biểu hiện sự đoàn kết và đây là lần thứ hai tôi thấy người Việt Nam mình đoàn kết cho một lý tưởng cao đẹp như ngày hôm nay và tôi rất hãnh diện.
Ô.Trí Tôn
“Tôi sống ở Mỹ hai chục năm nay rồi. Lần trước là hiện tượng Trần Trường treo cờ mà tôi thấy người Việt Nam biểu hiện sự đoàn kết và đây là lần thứ hai tôi thấy người Việt Nam mình đoàn kết cho một lý tưởng cao đẹp như ngày hôm nay và tôi rất hãnh diện.
Nếu tôi đóng góp được phần nào, nếu cần đưa rước hoặc làm gì đó mà tôi có thể giúp được thì tôi giúp. Thực sự tâm trạng tôi rất là vui mừng rất là hạnh phúc.”
Người tình nguyện thứ hai, ông Trần Du:
“Trong phạm vi khả năng của tôi việc làm thiện nguyện viên trong hai ngày để đưa đón phái đoàn thì sự đóng góp của tôi quá bé nhỏ so với những người từ các tiểu bang khác bỏ công sức và tiền bạc về đây. Tôi nô nức lắm và tôi cũng đang chờ đợi, tôi náo nức lắm, tôi háo hức lắm.”

Phấn khởi

viet-khang-250.jpg
Nhiều người biểu tình đã mặc những áo thun có tên 2 bản nhạc của anh Việt Khang. Photo by Hiền Vy/RFA.
Được biết chỉ một trăm người được phép tham dự cuộc gặp lịch sử tại Nhà Trắng ngày thứ Hai, trong lúc số người từ các tiểu bang kéo về dự kiến có thể lên đến năm trăm hoặc hơn. Đây cũng là những người sẽ kéo đến quốc hội Mỹ ngày hôm sau. Có người tự liên lạc với ban tổ chức rồi đi một mình, cũng có người đi cùng phái đoàn của cộng đồng trong tiểu bang.
Từ thành phố Chicago tiểu bang Illinois, bà Đỗ Ngọc Hà, chủ tịch Hội Đồng Quản Trị của Hội Người Việt Illinois:
“Tôi rất là háo hức, nôn nóng và cảm thấy rất sung sướng. Đây không phải lần đầu tiên tôi được vào Tòa Bạch Ốc, nhưng cảm giác của tôi lần này rất là khác bởi vì thấy tinh thần của người Việt Nam mình, ai cũng phấn khởi vì mình có sự thông cảm hợp tác chặt chẽ với nhau.”

Chờ lâu lắm rồi

Bạn trẻ Nguyễn Quốc Tuấn, Florida, sẽ lên thủ đô trong vai trò thiện nguyện viên, nói rằng bạn sẽ đi một mình nhưng không có cảm giác đơn độc:
“Tâm trạng của em phải nói là náo nức khó tả lắm, vui thì cũng không đúng mà phải nói là xúc động. Em đi một mình thôi nhưng lúc nào cũng cảm thấy có sự đồng hành của cả dân tộc Việt Nam mình. Người Việt Nam mình chờ chuyện này xảy ra lâu lắm rồi.”
Người Việt Nam mình chờ chuyện này xảy ra lâu lắm rồi.
Ô. Nguyễn Quốc Tuấn, Florida
Bà Trinh, vừa đến Washington hôm nay:
“Tôi là Nguyễn Ngọc Trinh ở San Diego, ở đây cũng có nhiều người đi. Tôi về Washington DC là lần thứ hai nhưng lần này rất là nôn nao, tôi biết gặp rất đông người, tôi cũng bị lây cái nôn nao của những người khác. Lần này tổng thống Obama tái ứng cử, cử tri người Việt cần nói cho ông biết nguyện vọng của người Việt tị nạn hôm nay.”
Tin báo từ Texas là 150 người của tiểu bang này về DC cho hai ngày 5 và 6. Vùng phụ cận thủ đô, tiểu bang New Jersey, ông Nguyễn Tường Thược báo cho biết:
“Cả gia đình tôi hơn hai mươi người đã ký vào thỉnh nguyện thư, con tôi cũng theo tôi về Washington và chúng tôi được vào Tòa Bạch Ốc. Bên Philadelphia giờ phút này cũng khoảng độ 20, New Jersey tối đa 30 người. Tại New Jersey có những cựu tù nhân anh em chúng tôi đi cả gia đình 10 người.”

Tinh thần đoàn kết


Video: Hiện tượng Việt Khang và cuộc vận động cho Nhân quyền Việt Nam
Thực tế đến giờ phút này thì riêng thành phố Philadelphia thuộc tiểu bang Pensylvania đã có khoảng 50 người về Washington. Tuy nhiên, con số 50 này có thể tăng lên sau khi từ Pittsburg, thành phố lớn thứ nhì của Pensylvania, bạn Trần Minh Khánh báo cho biết sẽ cùng các anh chị em con lai khác trong Gia Đình Mỹ Việt xuống tham dự:
“Là một người con lai mang hai giòng máu, một nửa giòng máu của em là người Việt. Lần này về DC em hy vọng anh chị em con lai chúng em cũng có được bài học về tự do dân chủ. Nhưng mà quan trọng là tâm huyết, và cũng như mọi người, dù khó khăn thế nào cũng phải về DC lần này để nói lên cái tinh thần đoàn kết.”
Tiểu bang Georgia, cô Trish Thùy Dương Nguyễn, nói về chuyến đi Washington:
“Cộng đồng Người Việt Quốc Gia ở Georgia đã ký hơn ba ngàn chữ ký, phái đoàn Georgia sẽ tới khoảng mười lăm người. Em đã sắp xếp được chiếc xe mười lăm chỗ ngồi. Cũng rất là nao nức, rất là vui bởi vì mọi người mong muốn được đến DC, được đến quốc hội.”
Nhưng đến giờ này kế hoạch về Washington DC của Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia ở Georgia thay đổi chút ít vì số người tham dự chính thức từ Georgia là 60 người.
Đây cũng là trường hợp tương tự ở tiểu bang Massachusetts, từ mấy chục người lúc đầu nay đã là 170 người.
Nhưng mà quan trọng là tâm huyết, và cũng như mọi người, dù khó khăn thế nào cũng phải về DC lần này để nói lên cái tinh thần đoàn kết.
Ô. Trần Minh Khánh, Pensylvania
Trong khi đó, chủ tịch Cộng Đồng Việt Nam New Hampshire, ông Cao Xuân Khải cho hay:
“Cộng đồng New Hampshire đi tất cả là mười sáu người, nhưng cũng có một số người đi riêng vì có người quen ở trên Maryland hay những nơi khác. Chúng tôi đi bằng xe riêng, hoàn toàn tự túc và có một sự kích động như một ngày hội. Đây là sự náo nức mà bấy lâu nay chúng ta từng mong đợi, đây là sự háo hức lắm.”
Từ tiểu bang Arkansas xa xôi, ông Lê Văn Thao, 70 tuổi, nhất quyết phải về thủ đô cho bằng được:
“Tôi sắp sửa Chúa Nhật này là đi máy bay lên Washington DC. Trong lòng tôi rất vui mừng mặc dầu tôi lớn tuổi nhưng tôi cũng cố gắng tôi đi. Già cả lớn tuổi nhưng biết việc nào quan trọng cần làm thì phải làm nhất là cho quốc gia dân tộc mình, thành ra trong lòng tôi rất nao nức.”
Hiện chưa thể biết đích xác số người từ tiểu bang California về Washington DC là bao nhiêu. Tin sơ khởi hôm thứ Sáu cho thấy chỉ riêng Quận Cam, được coi là thủ đô tị nạn của người Mỹ gốc Việt, số người về là 50.

Từ Úc, Nhật

Và có hai người ở rất xa, ngoài nước Mỹ,  đang trên đường về thủ đô Hoa Kỳ. Người thứ nhất, đến từ Australia:
“Tôi là Trần Đông, từ Melbourne, Australia, mới đến Hoa Kỳ mấy hôm nay thì trùng hợp sự kiện trên một trăm ngàn người ký tên vào thỉnh nguyện thư. Hiện tôi đang trên đường từ Quận Cam ra phi trường để lên Washington với tâm trạng rất vui mừng, rất phấn khởi, rất náo nức, để cùng người Việt tự do đòi nhân quyền cho Việt Nam.”
Hiện tôi đang trên đường từ Quận Cam ra phi trường để lên Washington với tâm trạng rất vui mừng, rất phấn khởi, rất náo nức, để cùng người Việt tự do đòi nhân quyền cho Việt Nam.
Ô. Trần Đông, Australia
Người thứ hai, một nhà báo ở Tokyo, Nhật Bản:
“Tôi là Đỗ Thông Minh, đang trên đường ra phi trường. Hôm nay ở bên Nhật là thứ Sáu mùng 2. Rất là háo hức để được bay qua Washington DC. Cá nhân tôi tuy ở bên Nhật và không được ký nhưng mà rất háo hức đi để ủng hộ cũng như để viết phóng sự gởi cho đồng hương ở khắp nơi trên thế giới.”
Hôm qua, tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, giám đốc điều hành BPSOS, tổ chức đã cùng hệ thống truyền hình SBTN của nhạc sĩ Trúc Hồ khởi xướng chiến dịch ký thỉnh nguyện thư đến Nhà Trắng, cho đài Á Châu Tự Do biết hiện tại nhóm thiện nguyện trẻ người Việt và người Mỹ ở Washington đang ráo riết liên lạc với các vị dân biểu và thượng nghị sĩ để thu xếp các buổi hẹn ở quốc hội.
Tóm lại, các bạn trẻ này gần như phải chạy nước rút để có thể hoàn thành công tác mà họ đảm nhận.


Theo dòng thời sự:

LÀNG Ô KHẢM, TẤM GƯƠNG ĐẨY LÙI CƯỜNG QUYỀN Ở TRUNG QUỐC


Họ còn lập một « trung tâm báo chí » để tiếp đón các nhà báo nước ngoài về đưa tin vụ Ô Khảm, thanh niên trong làng thì sử dụng mạng nternet đưa tin tức ra bên ngoài. Cuối cùng tiếng vang của Ô Khảm đã đẩy chính quyền vào chân tường, không còn cách nào khác là nhượng bộ.

.
Trong không khí bầu cử sôi nổi ở khắp nơi, có một cuộc bầu lãnh đạo ở cấp làng xã tại Trung Quốc lại thu hút sự quan tâm đặc biệt của báo giới, đó là cuộc bầu cử của dân làng chài Ô Khảm, Quảng Đông Trung Quốc vào ngày 3/3 . Nhật báo Le Monde và Libération có hai bài phóng sự về những người dân làng Ô Khảm đã dũng cảm nổi dậy chống lại áp bức bất công buộc chính quyền phải lùi bước.
Libération dành kín hai trang báo cho bài phóng sự với hàng tựa «Khu làng khiến chế độ ở Trung Quốc phải lùi bước ».

Ngày mai, dân làng Ô Khảm bước vào cuộc bầu cử lãnh đạo mới cho mình sau khi vùng lên đánh đổ cường quyền tham nhũng. Theo Libération, cuộc đấu tranh của dân làng Ô Khảm đến ngày hôm nay là một tấm gương chưa tùng có về dân chủ địa phương ở Trung Quốc. Tuy nhiên những thành quả của cuộc đấu tranh này vẫn còn khá mỏng manh.

Cuộc bầu cử của dân làng Ô Khảm không chỉ thu hút dư luận quốc tế, các nhà báo của Trung Quốc cũng rất quan tâm. Dù bị chính quyền cấm đưa tin, một nhà báo Trung Quốc giấu tên, vẫn kín đáo đến Ô Khảm theo dõi cuộc bầu cử này. Ông nói với phóng viên của Libération rằng: «Ngôi làng chài nổi dậy tuyệt vời này sẽ còn được nói đến dài dài. Giờ đây nó đã di vào huyền thoại ». Nhà báo này thổ lộ thêm « Lệnh kiểm duyệt cấm các nhà báo đưa tin về sự kiện này. Nhưng vì đây là một bước tiến quan trọng trên con đường dân chủ của Trung Quốc nên tôi quyết định bí mật tới chứng kiến trang sử mới này ».

Tác giả bài viết đã mô tả cuộc vận động tranh cử của dân làng Ô Khảm diễn ra trong bầu không khí dân chủ chưa từng có. Tháng trước người dân đã bầu ra một ban bầu cử gồm 109 người để giám sát cuộc bầu cử. Những ứng cử viên từng tham gia cuộc nổi dậy giờ ra ứng cử đều đăng đàn diễn thuyết kêu gọi « dân chủ và hài hòa ». Bà Tiết Kim Uyển, con gái của người anh hùng Tiết Kim Ba cũng ra ứng cử vào lãnh đạo xã, bà hứa sẽ tiếp tục sự nghiệp của cha bà nếu được bầu. Ông Lâm Tổ Luyến, một trong những lãnh đạo của cuộc nổi dậy, tháng trước được chính quyền bổ nhiệm làm bí thư đảng ủy xã thay bí thư đảng ủy tham nhũng trước đây, kêu gọi mọi người đoàn kết để làm nên sức mạnh. Người dân Ô Khảm giờ đây thề sẽ làm tất cả để bảo vệ thành quả dân chủ của họ vừa giành được, và thu hồi 660 ha đất của làng đã bị lãnh đạo địa phương bán cho các nhà thầu và đút túi những khoản tiền hối lộ khổng lồ.

Một lãnh đạo khác của cuộc nổi dậy ở Ô Khảm là ông Trương Kiến Thành cho Libération biết, năm 2009 chỉ có một số người dân làng Ô Khảm dám can đảm quyết định đối mặt với cả một hệ thống chính trị địa phương. Ban đầu chỉ có khoảng 300 người đứng đơn khiếu nại lên cơ quan chính phủ ở Quảng Đông, nhưng tất cả đều bị chính quyền địa phương đe dọa, ngăn chặn. Sau nhiều lần đấu tranh như vậy không kết quả, dân làng quyết định huy động mạnh hơn, con số lên tới 6 nghìn người. Họ lại kéo đến trước trụ sở của cơ quan chính phủ. Nhưng cũng chỉ nhận được lời hứa hẹn sẽ giải quyết.

Cuộc đấu tranh của những người dân làng tay không chỉ bùng lên dữ dội sau khi chính quyền đưa công an đến giải tán thô bạo những người biểu tình làm hàng chục người bị thương. Đỉnh điểm của vụ việc là ông Tiết Kim Ba bị chết tại đồn công an khi cùng các đại diện cho nông dân lên định dàn xếp với chính quyền.

Người dân Ô Khảm kiên quyết đấu tranh. Chính quyền tìm cách kiểm duyệt thông tin, phong tỏa cô lập ngôi làng nhưng không thành. Trong khi đó người dân làng cũng tổ chức đội tuần tra riêng để tự bảo vệ. Họ còn lập một « trung tâm báo chí » để tiếp đón các nhà báo nước ngoài về đưa tin vụ Ô Khảm, thanh niên trong làng thì sử dụng mạng nternet đưa tin tức ra bên ngoài. Cuối cùng tiếng vang của Ô Khảm đã đẩy chính quyền vào chân tường, không còn cách nào khác là nhượng bộ.

Để kết thúc vụ việc có nguy cơ lan rộng khắp nước, chính quyền tỉnh Quảng Đông đã phải chọn giải pháp lùi bước chấp nhận yêu sách của người dân, và cuộc bầu cử ngày mai là một trong những nhượng bộ của chế độ đối với dân Ô Khảm. Ông Trương Kiến Thành khẳng định với Libération « Không có các nhà báo nước ngoài, có lẽ chúng tôi sẽ không làm được gì».

Tuy nhiên tấm gương Ô Khảm có vẻ mỏng manh. Ông Viên Dụ Lai, một luật sư Trung Quốc bình luận « Vụ Ô Khảm chắc chắn không dừng lại ở đây. Liệu đảng cộng sản có thể thực sự nuốt hận mà không tính đến trả thù ?».

Tác giả bài báo kết luận : Một đám mây đen sẽ có thể một lần nữa kéo đến Ô Khảm. Ông Trương Kiến Thành và nhiều lãnh đạo khác của cuộc nổi dậy giờ không dám đi ra khỏi làng. Ông cho biết: « Ở bên ngoài, tôi bị những người mặc thường phục theo dõi, sách nhiễu. Đây là một kiểu cảnh cáo, tôi khá bi quan về tương lai ». Như vậy thắng lợi hôm nay của dân làng Ô Khảm mới chỉ là bước đầu trong cuộc đấu tranh vì dân chủ ở Trung Quốc.

Nguồn: RFI

Có bớt sự dối trá được không?

HỒ BẤT KHUẤT
Hiện nay đại bộ phận chúng ta không đói, không khát nhưng luôn cảm thấy ngột ngạt, ấm ức, tức tối, vô vọng… Sở dĩ chúng ta có cảm giác này vì sự dối trá đang tràn lan trong cuộc sống.
Hầu như ngày nào chúng ta cũng “chạm trán” với sự giả dối, nhưng chúng ta lại cố tình lờ đi vì đấu tranh với sự giả dối không đơn giản chút nào. Có những sự giả dối vô hại, thậm chí có chút lợi ích nho nhỏ, nhưng đại đa số giả dối có hại – cái hại đó lớn tới mức làm băng hoại đạo đức xã hội, suy tàn quốc gia.
Ai cũng ghét sự giả dối nhưng hầu như ai cũng mắc phải (Đọc tiếp…)
     

No comments:

Post a Comment