Wednesday, June 9, 2010

GIẤC MỘNG DÀI - Nguyễn Thị Thanh Dương


Tôi vừa về đến nhà là bố tôi hỏi ngay:
-        Thủ tục đã xong xuôi chưa con?
-        Xong cả rồi bố ạ, bên ấy ông Mấn chỉ đợi phỏng vấn thôi.
    Ông Mấn là chú của bố tôi, người mà tôi phải gọi bằng ông trẻ. Ông đang sống ở miền Bắc Việt Nam, và bố tôi đang làm thủ tục bảo lãnh chú sang Mỹ theo diện du lịch.
    Sau năm 1975, bố tôi phải đi “Học tập cải tạo” ròng rã 8 năm trời. Ra tù, về nhà bố tôi sống khép kín cho qua ngày, vả lại, một người sĩ quan chế độ cũ đi tù về, chẳng có cơ hội nào để vươn lên trong xã hội mới cả. Cho tới khi có chương trình HO, cho những người tù cải tạo được định cư tại Mỹ, thế là cả nhà tôi đi Mỹ.
    Cuộc sống mới nơi xứ người đã phục hồi lại con người thật của bố tôi, bố mẹ đã đi làm, nuôi chúng tôi ăn học, cuộc sống dần dần ổn định mọi bề.
    Năm 2000 bố mẹ và tôi lần đầu tiên về thăm quê hương Việt Nam, hay nói cho đúng hơn là về miền Bắc để tìm lại người thân. Bố đã gặp lại người mà bố muốn gặp, đó là ông Mấn, vì bố đã nghe tin ông vẫn còn  đang sống ngay tại làng quê cũ.
    Ký ức tuổi thơ của bố vẫn còn những kỷ niệm đẹp với ông chú, thuở còn trai trẻ, chú Mấn đã bỏ làng, đi buôn bán phương xa, từ buôn bè trên sông đến buôn hàng chuyến đủ loại thượng vàng hạ cám, miễn là cuộc đời được giang hồ tứ xứ.
    Đi xa như thế, mỗi lần trở về làng, dù lời lãi hay không, chú Mấn đều mang quà về cho nhà, bố tôi là cháu ruột, cũng được nếm đủ loại quà bánh của chú, ngon như bánh cốm, bánh xu xê, bánh đậu xanh, bánh khảo của Hải Dương, hay tầm thường thì có những cục kẹo lạc, kẹo vừng hay kẹo bột ngọt ngào mà trẻ con nào không ưa thích
    Bố đã nhìn ông chú bằng ánh mắt kính phục và ngưỡng mộ, đôi chân chú khoẻ, đi hoài mà không biết mỏi, không chịu quay về làng quê ở hẳn như gia đình mong muốn. Ngoài quà bánh, chú Mấn còn có nhiều câu chuyện kể cho lũ cháu trẻ ranh làm chúng nó mê mẩn, bố tôi thích nhất những câu chuyện chú Mấn đi buôn bè trên sông, thả gỗ từ thượng nguồn xuôi về hạ nguồn, có khi gặp nước lũ, bè trôi, những người buôn bè phải chống trả với phong ba bão táp, những hình ảnh ấy hồi hộp và ly kỳ hơn trong phim truyện. Đến nỗi bố đã từng mơ, lớn lên sẽ đi buôn bè, giang hồ dọc ngang như chú Mấn.
    Chú Mấn rất hào phóng, nhiều lúc chú đã dúi tiền cho bố tôi, bảo tao cho mày, cất đi mà tiêu, đừng cho bố mẹ mày biết. Những đồng tiền  ngày đó đối với bố tôi đã lớn biết bao.
    Chúng tôi đến nhà con gái ông Mấn, họ bảo ông đang ở căn lều ngoài nghĩa địa, ông thích ở riêng, khỏi phiền con cháu, mà nhà chúng nó cũng chẳng phải là một căn nhà nên ông chẳng chen chân vào làm gì, rồi lại mang tiếng ở nhà con rể.
    Đứa cháu ngoại của ông dẫn chúng tôi đến căn lều, cô hơn 20 tuổi mà trình độ, kiến thức của cô vẫn ngô nghê như một đứa trẻ bậc Tiểu học, làm như từ hồi cha sinh mẹ đẻ đến giờ, cô chỉ từ làng quê này đi kinh tế mới Lào Cai, và trở lại làng, nên chẳng biết gì hơn ngoài núi rừng và đồng ruộng
    Huyền thoại về “chú Mấn” cũng làm tôi thích thú và khao khát được gặp ông bằng xương bằng thịt. Bây giờ “chú Mấn” là một ông già 73 tuổi, ông to cao như cây cổ thụ, nước da nâu sẫm của người nông dân cả ngày phơi mặt ngoài đồng. Ông Mấn dựng một túp lều nhỏ ngay tại nghĩa địa, sống một mình, ngoài thì giờ làm vườn, làm ruộng, ông về lều thảnh thơi ngồi uống rượu như một kẻ nhàn du.
    Khi tôi hỏi ông ở một mình nơi nghĩa địa ông có sợ ma không? Thì ông Mấn coi như đó là một câu hỏi ngớ ngẩn, ông bảo ma sợ ông chứ ông sợ gì nó!
    Ông có một đứa con gái, hai vợ chồng nó nghèo xơ xác, căn nhà ọp ẹp dựng ở ven đê, mùa mưa con đường đê dấy lên bùn sình như bột nhão, đặt chân xuống bùn, dở lên để đi bước nữa thật là vất vả và khó khăn, vợ chồng chị đã từng đi kinh tế mới ở Lào Cai, chẳng thể sống nổi lại kéo nhau về làng cũ với căn bệnh sốt rét, nay ốm mai đau, tiền bạc không có, ruộng vườn trắng tay, đành phải ra đê mà ở là vậy.
    Sau này cũng đơn lên đơn xuống các cấp xã, huyện, mới xin được một mẩu đất ruộng xấu nhất cuối làng, để cày cấy lấy hạt gạo đổ vào mồm, tuy không đủ no nhưng có còn hơn không. Vợ chồng chị đều ốm yếu, con thơ nhếch nhác, nên ông Mấn đã phải xông pha, mang hết sức lực ra, đổ mồ hôi trên ruộng vườn để phụ giúp con cháu suốt bao nhiêu năm nay, ngoài ra ông còn sẵn sàng làm thuê cuốc mướn cho những nhà khác nữa.
    Khác với lòng mong ước và sự tưởng tượng của tôi. Ông Mấn không hề vồ vập hay xúc cảm với bố tôi, thằng cháu nhỏ năm xưa ông từng âu yếm cho quà và cho tiền, ông nhìn chúng tôi bằng ánh mắt không thiện cảm cho lắm, ánh mắt ấy như nói rằng, lũ chúng tôi đã chạy theo “Mỹ Nguỵ” chẳng tốt lành hay ho gì.
    Suốt câu chuyện, ông kiêu ngạo và hãnh diện khoe đất nước Việt Nam sau cuộc chiến thắng vinh quang 1975, đã dần dần đổi mới và tiến lên. Cụ thể là ngôi làng này, con đường làng bụi đất và gồ ghề khi xưa nay đã được tráng nhựa, nhiều nhà gạch xây lên và có điện thắp sáng, có ti vi, có đài radio, dân không phải nghe tin tức bằng cái loa ở trụ sở ấp nữa…
    Dĩ nhiên, không phải cả làng ai cũng khá giả như thế, bằng chứng là nhà con gái ông và ông vẫn chưa có những thứ ấy. Nhưng ông Mấn vẫn khẳng định chắc như đinh đóng cột, trong tương lai nhà nhà sẽ no ấm hơn, cuộc sống tiện nghi đầy đủ hơn, xã hội chủ nghĩa sẽ đi đến đỉnh cao của thành công và quang vinh.
Ông Mấn khoe thêm, cuộc sống bây giờ dân chủ, ai có tiền thì cứ việc ăn ngon mặc đẹp, không như dạo xưa, giết một con gà để ăn cũng phải lén lút, dấu diếm sợ hàng xóm phê bình.
     Tội nghiệp ông! Đã trải qua những năm dài đăng đẳng đói ăn, thiếu mặc của miền Bắc trong thời kỳ chiến tranh, đã quen với những vùi dập của cơ chế bao cấp thị trường, gạo, thịt, nhu yếu phẩm mua bằng tem phiếu. Nay được hưởng một chút tiện nghi rất sơ đẳng, rất bình thường, đã cho là đổi mới vĩ đại, đã hài lòng mãn nguyện.
    Chúng tôi được biết ông Mấn đã là đảng viên, đang lãnh lương hưu trí, số tiền hưu cho một anh bộ đội quèn chẳng là bao, nhưng nó khẳng định cái giá trị công lao của anh đã đóng góp cho đảng và nhà nước.
    Bố tôi và tôi đều thất vọng về “chú Mấn” ngày xưa, bố mẹ đã biếu ông Mấn một số tiền và đặc biệt là một cái áo ấm bằng da mà chính tay bố đã mua cho ông, vì bố đã biết mùa Đông đất Bắc mưa phùn gió bấc lạnh thế nào!
    Tuy ông Mấn có ý chê trách chúng tôi theo “Mỹ Nguỵ”, nhưng ông không chê những món quà của “Mỹ Ngụỵ”, ông cẩn thận gấp những đồng tiền đô la bỏ vào túi và mặc thử cái áo ấm to dày với vẻ hài lòng. Tôi liếc nhìn quanh căn lều chông chênh, trống toang toác của ông, bốn bề gió lộng giữa bãi tha ma, làm sao mà không lạnh!
      Về tới Mỹ, nghĩ đi nghĩ lại, bố tôi vẫn thương “chú Mấn”, ở cái tuổi già bên Mỹ đã được nghỉ ngơi, an hưởng đời sống đầy đủ từ vật chất đến y tế thuốc men, thì ông Mấn vẫn cơ cực làm công việc nặng nhọc, mà đời sống vẫn thiếu thốn mọi bề, chỉ có những giấc mộng của ông thì đầy ắp những ấm no, giàu đẹp. Không biết giấc mộng sẽ kéo dài tới bao lâu? Và ông có còn sống để mà hưởng không hay phải đợi đầu thai kiếp khác?
    Mỗi năm sau đó, chúng tôi vẫn gởi tiền về cho ông Mấn, dù bất đồng ý kiến, nhưng chẳng ai nỡ nhìn người thân của mình ở tuổi già gần đất xa trời vẫn loay hoay đánh vật với cuộc sống để kiếm cơm cháo qua ngày như thế !
    Cô cháu ngoại của ông Mấn thỉnh thoảng viết thư cho chúng tôi, kể về ông, năm nay ông 79 tuổi rồi, không còn khoẻ như hồi chúng tôi về thăm nữa. Bố tôi ngậm ngùi thương cho ông, và có ý định làm bảo lãnh cho ông Mấn sang Mỹ thăm thân nhân, coi như một món quà bất ngờ cho ông. Một con người từng yêu thích ngang dọc một thời, đây là cơ hội ông không thể bỏ qua, dù ông chưa tin tụi Mỹ cho lắm.

                          ***    ***  ****
    Ba tháng sau, ông Mấn của chúng tôi đã đặt chân đến Mỹ, ông như người từ cung trăng vừa rơi xuống mặt đất này, cái phi trường, nơi ông vừa ra khỏi máy bay đã làm ông choáng váng, ông bảo nó to đẹp cực kỳ mà ông chưa bao giờ tưởng tượng được.
Rồi đường xá, xe cộ…Trời ơi, thì ra có đất nước giàu có và tiện nghi cao cấp vượt bực đến vậy! ông bảo có nằm mơ ông cũng không thấy, ông đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, mỗi ngày ông biết thêm những điều mà ông cho là từ “vô lý” đến “đại vô lý” không thể tin được.
    Ai đời, một người khách lạ đến từ nước khác, một nước theo xã hội chủ nghĩa như ông, mà chẳng cần phải khai báo, đăng ký tạm trú với chính quyền địa phương gì cả, tự do dân chủ đến độ ông không tin nổi !
    Ai đời, người già, người tàn tật, dù không sinh đẻ ở Mỹ, dù chưa đi làm ngày nào trên đất Mỹ, chỉ được thân nhân bảo lãnh sang đây, cũng được hưởng tiền trợ cấp và bảo hiểm sức khoẻ!
    Ông bảo nước Mỹ giàu có quá hoá…ngu! Chúng nó bảo lãnh nhau sang đây, được nước chủ nhà cho định cư là qúy rồi, thì vợ chồng, con cái chúng nó phải nuôi nhau, lo cho nhau, việc gì nhà nước phải đứng ra trợ cấp?
Đã thế, tiền trợ cấp hàng tháng được gởi tới tận nhà, không bao giờ trễ nãi hay sai sót, trong khi ở làng quê ông, có chuyện gì cần đến xã, đến huyện thì thật là nhiêu khê, với đầy đủ giấy tờ, chứng cớ trong tay mà  phải chầu chực, xin xỏ, có khi vẫn không xong.
Đây là những bài học dân chủ lần đầu tiên ông học được trong đời.
    Hai tháng ở Mỹ, ông đã lên cân, khoẻ mạnh hẳn ra và vui vẻ thư thái, có lẽ vì ông được ăn uống đầy đủ, không phải vác cuốc ra đồng mỗi ngày, và nhất là ông đã cảm nhận một đời sống tự do, thoải mái?.
    Dường như ông thấy thời gian trôi quá nhanh, ông chưa muốn trở về làng quê, dù đôi lúc ông cũng nhớ con nhớ cháu, dòng máu giang hồ đang trổi dậy trong người ông, y như ngày xưa, ông trôi dạt đó đây, thú vui phương xa đã níu giữ bước chân ông.
    Ông Mấn đến Mỹ với chiếc áo ấm to dày mà ngày xưa bố mẹ tôi đã mang từ Mỹ về để tặng ông, chắc đây là chiếc áo ông quý lắm và chỉ mặc khi có chuyện “đại sự” nên trông vẫn còn tốt. Nhưng bố tôi vẫn bảo ông bỏ đi và dẫn ông đi sắm vài bộ đồ khác ở chợ Wal- Mart.
    Ông Mấn tưởng đây là cửa hàng quần áo sang trọng bậc nhất thế giới mà ông đã hân hạnh được vào, dù bố tôi đã nói là cửa tiệm bình dân, nhưng ông nào tin, cứ cho là bố tôi khiêm nhường hay nói đùa.
    Ba tháng du lịch của ông Mấn trôi qua, tới ngày ông phải trở về Việt Nam . Chúng tôi sắm cho ông hai va li đầy những quần áo và quà cáp.
    Cả nhà ra phi trường tiễn ông, trước khi đi vào trong cổng, ông đã nắm tay bố tôi, ân cần, thân thiện như “chú Mấn” ngày xưa, và rưng rưng:
    - Năm xưa cháu về Việt Nam, chú đã tuyên truyền cho cháu một thiên đường trong mộng, nhưng vẫn không bằng một góc cái hiện tại này, thực tế này, mà các cháu đang được hưởng. Gẫm lại, cùng một kiếp người mà đời chú và con cháu của chú đã gánh chịu bao nhiêu thiệt thòi. Cả thời tuổi trẻ, chú từng đi xa, đây là một chuyến đi xa đẹp nhất và có ý nghĩa nhất trong cuộc đời chú.
    Rồi ông cười nhếch mép, vừa đùa vừa tủi thân: - Kiếp sau, chú vẫn sẽ là một thằng thích giang hồ, xa xứ. Nhưng chú mong sẽ bước tới bất cứ miền nào, vùng đất nào có tự do, dân chủ và no ấm như nước Mỹ này.
    Máy bay cất cánh, mang ông Mấn trở về Việt Nam, về ngôi làng quê, nơi có con đường tráng nhựa, có những căn nhà gạch, có ánh điện, có ti vi, có đài…
    Nhưng chắc chắn giấc mộng dài của ông về một đất nước xã hội chủ nghĩa thì không còn nữa.
                            Nguyễn Thị  Thanh Dương  


===============

Tiếng Gào Trong Đêm       Nguyễn Thị Ngọc Nhung


Dưới đây là một truyện ngắn giá trị của tác giả Nguyễn Thị Ngọc Nhung, mô tả những diễn biến rùng rợn của một chuyến vượt biên, trong đó tác giả là nạn nhân. Truyện được viết dưới dạng tự thuật, nên lôi cuốn từ đầu đến cuối, khiến người đọc vô cùng hồi hộp, như được sống lại những kỷ niệm hãi hùng của ngày xưa... vượt biên.

* * *

Ghe chòng chành giữa dòng nước, tôi sợ hãi ngồi bám chặt mạn thuyền, mắt láo liên nhìn trời đêm sáng lờ mờ ánh trăng mười chín. Chúng tôi ngồi dồn đống trong khoang thuyền. Hai tên đàn ông to người chèo ghe gõ nhẹ trên mui báo hiệu đã đến nơi tạm an toàn, chúng tôi có thể cử động đôi chút. Người chèo mũi vén tấm lá che mui nhìn vào.
"Bây giờ mình phải đi bộ một khoảng, tui dẫn hai người một lần. Chia ra để khỏi lộ. Mấy người khác cứ ngồi đợi đến phiên, nhớ đừng nói chuyện lớn tiếng."
Hắn dẫn hai người đàn bà ngồi sát cửa mui đi trước. Cả đám ngồi đợi ẩn nhẫn. Tim tôi chưa hết hồi hộp đập thình thịch thể như bất cứ người nào ngồi gần cũng đều có thể nghe được nhịp ấy. Phong nắm tay tôi. Tay Phong đẫm mồ hôi và lạnh. Tôi phải ngồi bệt và khom lưng, hai đầu gối co đụng cằm, gọn lỏn trong lòng Phong. Khoang ghe quá chật cho mười người ngồi lèn nhau, phía ngoài còn tấn mấy buồng chuối mùi nhựa nồng chát. Bên trái tôi, cha mẹ Phong dúi sát nhau. Một bé trai độ bốn, năm tuổi, bị uống thuốc ngủ, nằm im lìm trong lòng cha nó. Bà vợ ngồi kế bên, chân trái đạp chân tôi nhưng hình như bà không biết và tôi cũng không thể dời chân đi nơi khác. Đành chịu. Người con gái ngồi kế có lẽ là em gái bà, mặc bà ba đen như gái quê, mặt từa tựa nét.
Khí trời đêm hơi lạnh nhưng bên trong khoang, nóng hầm hơi người. Hình như cái nóng hậm hực ấy tăng gấp bội vì trộn lẫn với nỗi căng thẳng bập bùng ngập ngụa không gian. Tôi lén nhìn đồng hồ giấu trong ngực áo. Khoảng 2g15 sáng. Tôi thì thầm nơi tai Phong "Hơn hai giờ sáng rồi anh." Phong gật nhẹ đầu. Người đàn ông chèo lái ngồi im như pho tượng. Đôi khi ánh mắt của hắn lấp lánh nhẹ dưới ánh trăng khi chớp. Cái mũi dài mang nét khoằm khiến mặt hắn lộ đầy vẻ gian ác nhưng nụ cười nở rộng với hàm răng thưa làm giảm bớt ấn tượng xấu nơi người đối diện. Hắn mặc áo bà ba đen, tay áo xắn quá cùi chỏ.
Người đàn ông đưa hai người đàn bà lội bộ băng qua hàng cây thấp trở lại. Hơi thở của hắn nóng hôi hổi phà ngay mặt tôi khi thò đầu vào khoang kêu người đàn ông ẵm đứa con ngủ mê mệt. Người chồng bò ra đằng lái, vác đứa bé trên vai như vác bị gạo mò mẫm bước lên bờ. Vấp phải vật gì trên bờ đất, ông chúi nhủi suýt té, tay cố giữ thằng bé, người lảo đảo bước quàng xiên lòm khòm rồi mới đứng thẳng lên được.
Tên đàn ông dẫn đường mặc áo sơ mi màu nâu đen, quần tây nhàu nát ống nhỏ túm hơi ngắn trên mắt cá, có chỗ sờn, đôi dép mỏng. Hắn ta tương đối trông được hơn người ngồi lái. Với nước da tái, môi thâm vì thuốc lá nhưng lại vẽ nên một nụ cười thật đẹp với lúm đồng tiền bên trái, kẽ răng đóng nhựa thuốc. Đôi mắt mí to với hàng mi rậm, duy có ánh mắt của hắn là không thẳng thắn, còn ngoài ra hắn dễ dàng lấy cảm tình của người xa lạ với giọng nói trầm và chậm.
Tôi và Phong chưa bao giờ gặp hai người đàn ông này. Chuyến đi này chúng tôi qua trung gian bởi người bạn thân giới thiệu. Người bạn đó đã đến Mã Lai an toàn, chính vì vậy mà tôi và Phong mới tin tưởng nơi người trung gian này. Hơn nữa, chuyến đi có cả gia đình người thân gì đó của người trung gian cùng đi, như vậy thì không có gì để chúng tôi lo ngại. Thường là chắc ăn, người trung gian mới dẫn gia đình đi sau khi đã mối lái nhiều lần có vàng có tiền làm của hoặc manh mối bắt đầu bị lộ. Ba mẹ Phong và tôi phải xuống Cần Thơ, giả đi thăm bà con. Tôi mặc hai bộ đồ trên người, giấu theo ít vàng và nữ trang. Phong mặc quần áo nhăn nhíu không ủi. Mẹ Phong thì mặc bà ba quần thâm. Ba Phong thì vận đồ rách, vá chùm vá đụp mấy chỗ, chân mang dép rách quai cột nối bằng cọng kẽm. Tất nhiên là không dễ gì qua mắt người miệt quê đó nhưng hình như họ cảm thông (hay tội nghiệp) trước sự trá hình không mấy chỉnh nên tôi thường bắt gặp ánh mắt ái ngại nhìn mà không dám hỏi vài lần suốt đường đi.
Đến nơi, cả bốn được dẫn đến một căn nhà nằm dựa mé sông chờ đến tối mới xuống ghe nhỏ theo sông ra cửa biển nơi có ghe lớn đợi sẵn. Trong nhà có độ hơn mười người khác đợi sẵn khi chúng tôi đến rồi chia nhóm theo ghe. Tôi dặn Phong tìm cách đi chung với người trung gian, bảo đảm hơn. Phong gật nhưng gia đình người đó cả thảy là tám, thêm hai người thì vừa đủ cho một chuyến. Nhưng tôi lẫn Phong đều không muốn đi tẻ riêng thành ra đành phải chờ chuyến chót, mười người, hơn mười giờ tối.
Thoạt đầu, ngồi chen chúc trong khoang, tôi muốn ngộp thở với hơi người và mùi bùn non lẫn mùi nước đọng hôi hám nơi đáy ghe. Hai người chèo bắt chúng tôi khom lưng gần như nằm mọp xuống, tấn bên ngoài dằn bên trên, mấy buồng chuối xanh ngắt sau khi đậy bao bố tời dơ bẩn lên đầu mọi người. Đường đi may mắn yên tĩnh không có chuyện gì xảy ra tuy rất chậm và kéo dài như không bao giờ đến nơi.
Người đàn ông dẫn đường trở lại, kêu bà vợ và cô em gái của bà cùng đi. Tôi chợt ngửi phải mùi nồng tanh tưởi nơi áo hắn khi hắn nghiêng người khều vai bà vợ. Bỗng dưng tôi nghe lợm giọng không hiểu tại sao. Cái mùi thật lạ lùng. Bóng tối trong khoang không cho phép tôi nhìn rõ mặt hắn. Mùi tanh đến lạ. Hơi thở của hắn cũng nặng nề hơn. Tôi thì thào với Phong sau khi hắn đã đi.
"Anh có nghe mùi gì không?"
"Không. Mùi gì?"
"Có mùi tanh tanh kỳ lắm... "
Phong bâng quơ qua chuyện.
"Mùi bùn đó mà."
Cũng khá lâu người đàn ông dẫn đường mới trở lại. Có thể hắn đi không lâu lắm nhưng khi chờ đợi thì năm ba phút dễ biến thành năm ba giờ. Chỉ còn bốn người trong khoang. Hai tên đàn ông bàn tính nho nhỏ trên bờ. Tôi bỗng nghe gai ốc nổi đầy người. Tôi nắm chặt tay Phong. Mồ hôi tươm ướt lưng. Người đàn ông đẹp trai kêu chúng tôi ra khỏi khoang. Hắn nói, giọng khoan thai.
"Bây giờ tui dẫn ông bà đi, hai người một. Để khỏi mất thì giờ, hai người đi với anh Ban, hai người đi với tui. Tụi tui đi hai đường nhưng đường nào cũng dẫn tới chỗ ghe lớn. Đi đông nhiều tiếng động dễ bị lộ. "
Rồi không đợi phản ứng của người nào hết, hắn hất hàm người mũi khoằm tên Ban, đẩy cha mẹ Phong về phía đó. Quay nhìn hai đứa tôi, hắn cười, hàm răng lởn nhởn dưới ánh trăng, bóng đen lúm đồng tiền nổi rõ trên má, rồi hắn quay lui bắt đầu đi về phía rừng cây thấp. Phong nắm tay tôi đi theo hắn. Rừng cây tối mờ dù là rừng thưa, bóng lá đen ngòm trên đường lồi lõm. Tôi vấp té loạng choạng nhiều lần, đi chậm hẳn lại.
Chợt một nhánh cây đập vào mặt đau điếng, tôi khựng lại, giằng tay khỏi tay Phong rồi đỡ nhánh cây cúi người lom khom. Bỗng dưng, tôi nghe thấy... không chắc mình nghe đúng, nhưng tứ chi chai cứng. Thứ âm thanh nhọn như tiếng mèo gào giữa khuya. Tim tôi đập nhịp cuồng. Tôi quờ quạng tìm tay Phong. Chàng đứng sát tôi, chợt tôi cảm thấy cả người mệt mỏi và thỏng dài. Người đàn ông dẫn đường quay nhìn hai đứa tôi. Bóng tối mờ nhưng tôi vẫn thấy được ánh mắt kỳ lạ của hắn. Bỗng nhiên nỗi sợ hãi ùa tới tràn ngập người tôi với sự im lặng kỳ lạ của người dẫn đường không thúc hối khi thấy chúng tôi khựng lại. Hắn không hề kêu chúng tôi nhanh bước. Thời gian đứng khựng và cả ba đứng im như chờ đợi phản ứng của nhau. Chợt Phong kéo ngược tay tôi chạy trở lại hướng vừa rời đi lúc nãy. Tôi chạy cuống cuồng theo tay kéo mù loà. Rừng cây như mê hồn trận, chúng tôi chạy bất kể mọi thứ.
Rồi cả hai cũng trở lại được bờ sông nơi ghe cặp bến. Người đàn ông tên Ban đang cúi khom lục lọi chi nơi bóng đen nằm im bên chân hắn. Tôi đứng sựng kêu không ra tiếng. Miệng lưỡi dính thành một khối nghèn nghẹn. Bóng đen dưới chân hắn là mẹ Phong, nửa trên loã thể, tư thế co quắp, mặt úp xuống bùn. Ban hình như cũng không ngờ sự có mặt của tôi và Phong. Hắn đờ người, tay còn cầm sợi dây chuyền vàng lòng thòng. Trong khoảnh khắc chúng tôi nhìn hắn, nhìn cái búa bửa củi vất bên chân. Tôi không thấy máu vì bóng đêm làm nhoè bẩn mọi thứ. Nỗi sợ hãi dâng lấp trí óc. Ý nghĩ lướt thật nhanh trong đầu. Tôi đã hiểu tại sao chúng muốn dẫn từng hai người một. Tôi sực nhớ đến người dẫn đường. Đầu óc hoảng sợ nhưng vẫn còn sáng suốt để nghe rõ tiếng chân chạy đuổi và tiếng la của hắn đâu đó "Ê Ban, coi chừng tụi nó chạy. Ban! Ban! Tụi nó chạy rồi!" Phong vụt chạy về chỗ neo ghe. Tôi chạy theo tay níu của Phong đến sát mé nước, chân vấp vật gì. Tôi ré lên như đạp phải giòi. Nhìn xuống, ba Phong nằm nửa người vùi dưới nước. Phong khựng lại vì tiếng la của tôi rồi đẩy tôi ra sông. Tôi sặc sục, nước mới ngang ngực. Phong hét vào tai tôi.
"Lội mau lên, lội ra giữa sông."
Tôi bơi hối hả, tay chân nặng chình chịch vì hai bộ đồ ướt nước. Tôi quay cuồng tứ phía, không rõ mình bơi về hướng nào mới đúng. Tiếng người la hét sau lưng nghe chói tai đến độ hãi hùng. Một tràng đạn bắn vãi quanh tôi và Phong. Chàng đè đầu tôi ngụp xuống nước. Không mấy lâu, tôi ngộp thở hất tay Phong trồi lên hớp không khí. Súng nổ liên hồi như sát mang tai. Tôi luýnh quýnh đập tay chân loạn xạ, chưa đầy mấy phút đã mệt lả. Tôi càng ráng trồi lên chừng nào thì lại càng chìm xuống nhanh chừng nấy. Tôi lặn hụp lên xuống như người sắp chết đuối. Có lẽ nhờ vậy mà tôi tránh được đạn bắn xối xả chung quanh. Phong khi lặn kéo tôi hụp xuống, khi nổi đẩy tôi trùi tới. Tôi bơi tới tấp với cảm tưởng mình nổi ì một chỗ. Đầu óc tôi rối loạn nhưng hình như vẫn tỉnh táo, rất tỉnh táo để thấy ánh trăng mờ trên cao, cây cối đứng im nơi bờ, bóng nước lấp lánh quanh mình, hơi thở hào hễn, cơn mệt muốn đứt hơi và mấy bóng đen trên bờ với loạt đạn dữ dội. Tôi bơi như máy, hơi thở dần ngắn với nước tuôn vào mũi mồm sặc sục. Biết mình không đủ sức, tôi thả ngửa để Phong vịn vai đẩy đi. Hình như chúng tôi đã ra được giữa sông. Tôi nhìn vào bờ, chỉ thấy dạng cái ghe, hai bóng đen tàn ác nhoè lẫn trong bóng đêm nhưng ánh lửa nháng với tiếng nổ vẫn hiện hữu. Tôi đạp chân phụ sức với Phong, mắt nhìn thẳng lên lòng đêm có trăng sao đầy đủ. Trời đất có đó nhưng hình như bịt tai im lặng trước hành động dã man. Tôi nhẩm cầu những đấng tối cao mà tôi có thể nghĩ đến trong nhịp tim hỗn loạn.
Tiếng súng bỗng im. Sự im lặng hãi hùng đè chụp lấy tôi. Tiếng đập nước vùng vẫy của chúng tôi bỗng trở thành tiếng động duy nhất rõ mồn một trong đêm. Tôi lật sấp người lại tiếp tục bơi, bờ bên kia vẫn còn xa thăm thẳm. Có bơi mới thấy con sông không nhỏ như tôi tưởng khi còn ngồi trên ghe. Phong nhìn lại rồi nói qua hơi thở đứt quãng.
"Tụi nó chèo theo... bơi lẹ... lên em... May ra mình... thoát."
Câu nói của Phong lại được đệm bằng tiếng súng nhưng rời rạc hơn lúc nãy. Tôi muốn bịt tai để đừng nghe thứ âm thanh dữ dằn chở đầy gai nhọn đâm thẳng tim óc. Tôi nhìn lui, không hiểu sao trong lúc bấn loạn, trí óc vẫn tiếp tục có lúc minh mẫn để thấu suốt những thứ không dính dáng gì hết, quanh mình. Chiếc ghe trôi lừ lừ ra giữa sông thật nhanh. Lửa đỏ loé quanh. Tôi nghe được tiếng giầm quậy nước lẫn với tiếng súng mỗi lúc thưa hơn. Tiếng lủm chủm của đạn rơi không còn nghe gần đâu đây nữa mà vạt xa xa về phía bờ bên phải. Phong kề tai thì thào.
"Tụi nó không thấy mình. Em bơi nhẹ dưới nước trôi lần vào bờ, đừng gây tiếng động mạnh. Khi tụi nó bắn thì mình bơi nhanh hơn một chút."
Đám lục bình nhẩn nha trôi đâu đó làm hai tên đàn ông lầm lẫn. Chúng la hét lẫn nhau.
"Mày bắn lục bình không hà, Ban! Ê. Đụ mẹ, tụi nó trôi hướng này sao mày cứ bắn hướng đó hoài vậy? Đụ mẹ, giết có hai đứa mà cũng không xong, biết làm gì ăn đây mậy?"
"Câm cái miệng của mày lại. Đứa nào để xẩy? Hả? Mẹ cha nó, tao bắn đúng chỗ, chắc tụi nó chìm rồi. Không tin thì thôi. Đụ má, bỏ cho rồi. Sống chết kệ mẹ tụi nó. Về cho xong, trời gần sáng rồi, làm cả đêm, mệt chết mẹ!"
Mọi thứ vụt im. Không có tiếng chèo lẫn tiếng chửi thề. Tay Phong nắm cứng vai tôi trong khoảnh khắc rồi buông. Tôi chúi đầu sát mặt nước, tay chân cố khuẫy thật nhẹ nhưng vẫn mang cảm tưởng nặng chịt lào xào khuyấy nước. Im lặng nặng như tấm màn sũng nước phủ đè lên tâm trí. Tim tôi đập rối rít, mạch máu nhảy theo nhịp tim hào hễn, tai tôi nghe được tiếng bình bịch của tim mình tưởng như ai cũng đều nghe ra. Chợt có người dúi chân tôi xuống. Tôi hơi giật mình khi chân đạp phải lớp sình mềm. Phong đứng, mặt ngửa chừa mũi thở, cả đầu dìm gần hết dưới nước. Tôi bắt chước Phong, đỡ mệt vì chân chạm đáy sông nhưng phải đổi chân chống vì lớp sình mềm khiến chân chuồi nghiêng không vững. Được một lát, tôi ngẩng nhìn vừa lúc bóng đen nơi ghe lên tiếng.
"Đằng kia kìa. Đó. Đụ... tụi nó vừa hụp xuống. Chỗ này nè. Mày bắn chỗ đó coi."
Phong nắm tay tôi kéo hụp xuống nước. Nghe được câu nói của người trên ghe nên tôi kịp chuẩn bị để hít một hơi không đến nỗi chịu ngộp lâu. Đạn bắn tung toé sát nơi tôi đứng. Phong dò dẫm bước đi dưới nước. Tôi bước theo mò mẫm, chân đạp sình loạng choạng nhằm nơi trũng sâu làm tôi hốt hoảng bíu chặt tay Phong. Miệng há ra bất ngờ khiến nước ùa vào mồm, tôi ngột ngạt trồi đầu lên thở. Trước mặt, đám lục bình kẹt nhánh cây chết dồn đống bên bờ. Tôi truồi sâu vào đám lá, chỗ nước cạn ngang bụng nên ngồi chồm hỗm dưới nước. Bóng ghe đi ngang thật rõ. Tiếng nói chuyện vang vang.
"Kệ mẹ tụi nó, về cho rồi. Mày cất đồ chưa?"
Giọng trầm khoan thai trả lời như không bị ảnh hưởng chi hết với hỗn loạn máu me vừa rồi.
"Rồi, hỏi hoài! Xét hết mấy cái thây rồi. Trừ khi nào họ nuốt vô bụng thì tao chịu chớ... Ờ, hay là mình quay lại mổ mấy cái thây đàn bà. Tụi nó có khi nuốt hột xoàn..."
Giọng kia bẳn gắt hơn. "Sao hồi nãy hổng nói? Mẹ nó. Xì. Đụ má, gì cũng mày. Đợi xong rồi mới nói. Xẩy hết hai đứa... Gần sáng rồi, mổ miết gì nữa. Đụ má."
Tiếng nói nhỏ dần theo dạng ghe loãng dần trong đêm tối. Phong đứng dậy, lần mò trượt lên trượt xuống với lớp sình nơi bờ rồi mò lên bờ đất. Tôi đạp sình nhão nhoẹt len chảy qua mấy kẽ chân, theo Phong lên chỗ có đất cứng. Bờ đất đầy rễ chằng chịt của thân cây chết, không rõ cây gì. Tôi lại vấp chân đau điếng nhưng cơn đau không đủ nồng độ để tôi nhận biết lâu hơn. Ngồi bệt xuống, tôi lần mò ngực áo tìm đồng hồ. Ánh lân tinh mờ ảo. 4g20 sáng. Tôi nói với Phong, hơi khựng lại khi nhận ra mình lạc giọng.
"Gần bốn rưỡi rồi anh. Giờ tính sao đây?"
Phong cởi áo vắt nước không trả lời. Tôi cởi bớt một bộ đồ bên ngoài cố vắt cho ráo rồi phơi đại trên mấy nhánh cây gần đó. Hơi lạnh thấm qua lần áo ướt còn lại trên người khiến tôi nổi ốc. Cả người tôi run từng cơn theo phản xạ cơ thể. Tôi ngồi bó gối, hai tay ôm chân co ro. Phong choàng tay qua vai tôi cho ấm. Hai đứa chúi vào nhau. Trí óc tôi dần dần tỉnh và tôi cố tránh không nghĩ đến những gì vừa xảy ra.
Rừng cây thưa thớt không một bóng nhà hay bóng đèn. Sao thật sáng và thật nhiều. Tiếng ếch nhái ễnh ương đâu đó nổi lên thật bình yên như không có chuyện gì xảy ra. Nước mắt tôi rơi chầm chậm nhiểu trên tay mới hay. Cơn sợ hãi lắng xuống, giờ chỉ còn lạc lõng khốn cùng sau cơn bão tàn khốc. Tôi mang cảm tưởng vừa rỗng không vừa đầy ắp đến độ muốn nôn. Không biết tôi nên nói gì, làm gì. Sau con giông tàn bạo, sực thấy mình không là gì cả, tay chân dư thừa, đầu óc đầy rẫy những hình ảnh chết chóc và cảm tưởng mình rất mỏng manh dễ bị xúc phạm thì lấp đầy cả người.
Giọt nước mắt đầu rơi xuống, khơi dậy trùng dương trong tôi. Tôi khóc ngon lành như chưa bao giờ được khóc. Trí óc lần mò trở lại xác người vấp phải nơi mé nước, sợi dây chuyền vàng đong đưa nơi tay gã đàn ông cúi mình trên cái xác trần. Hoá ra, tim tôi hụt nhịp, những người chung ghe đã chết. Tôi nhớ đứa bé trai ngủ mê vì thuốc. Cô gái trẻ thì thầm với tôi "Bồ em ở Texas. Ảnh hứa sẽ đón khi em tới đảo. Mấy năm rồi em chỉ đợi có dịp này. Tưởng sẽ không bao giờ gặp rồi chứ. " Giọng cười khẽ vui sướng đầy hy vọng của cô. Giờ thì thật là không bao giờ gặp. Tôi gục đầu ủ rũ với nước mắt. Phong ngồi im lặng lẽ. Chúng tôi đã gặp phải lũ cướp cạn tàn ác. Lũ cướp cùng màu da cùng tiếng nói với mình. Tôi thường nghe nói đến hải tặc Thái lan nhưng chưa nghe nói đến lũ cướp cùng màu da tiếng nói với mình. Giờ thì tôi hiểu, nạn nhân chết cả, lấy ai kể lại câu chuyện thương tâm nơi bờ sông vắng. Biết bao bờ sông vắng đã chứng kiến những cảnh tượng tương tự? Tôi lau nước mắt trên tay áo còn ẩm ướt, nằm lăn ra đất. Phong nằm theo, gối đầu tôi lên tay chàng. Tôi sờ soạng mặt Phong trong đêm tối mờ, ngón tay tôi ướt khi lướt ngang mắt. Tôi vùi mình trong lòng Phong, cảm kích và đau đớn vô vàn.
* * *
Bà ngoại Phong mất khoảng sau hai giờ sáng cùng ngày hôm ấy. Dì Sáu cho chúng tôi hay mấy ngày sau, khi hai đứa mò về đến nhà. Bà mất cùng ngày chúng tôi bị nạn. Lúc hai giờ, bà còn đòi dì Sáu rót cho tách trà. Sau đó, dì Sáu về giường của mình. Đến sáng thì bà đã chết cứng, hai chân thò ra ngoài như sửa soạn xuống giường, tay phải níu chặt thành giường, mắt mở hé.
Phong ngồi ôm đầu nghĩ ngợi. Chập sau Phong hỏi.
"Dì có chắc là sau hai giờ không?"
"Chắc. Dì cho ngoại uống nửa tách trà. Lúc để tách xuống bàn sực thấy đồng hồ gần hai giờ chớ dì có tính coi giờ đâu mà nhớ."
Dì Sáu là em út của mẹ Phong. Dì lớn tuổi nhưng không con. Chồng dì còn ở trại học tập nên dì không đi với chúng tôi, vả lại không ai trông nom bà ngoại, đã hơn bảy mươi lăm già yếu nhiều bệnh tật. Dì giống mẹ Phong nhiều nét nhưng khô khan cằn cỗi hơn. Mặt dì sưng húp vì khóc nhiều.
Lúc mở cửa thấy hai đứa tôi, dì oà khóc như trẻ nhỏ. Thấy trở về, hiểu ngay là không thoát, phần mới chôn mẹ một mình nên dì tủi thân. Đến khi biết cha mẹ Phong tử nạn, dì khóc thảm thiết hơn. Phong chỉ ngồi yên nhìn tôi và dì Sáu, mặt chàng chai cứng với giận dữ và oán hờn.
Tối hôm đó, Phong ngồi nơi giường ngoại, vụt nói một câu lạ.
"Mình thoát được là nhờ ngoại!"
Tôi nhìn Phong không hiểu. Dì Sáu hỏi.
"Sao? Con nói sao?"
Phong chậm rãi kể, mắt nhìn mông lung.
"Lúc Ngà giật tay con đứng lại, tự nhiên con thấy bà ngoại. Thấy như thế nào thì con không biết, chỉ biết là thấy mà trong người không hề thắc mắc tại sao. Bà ngoại xua xua tay nói. Chạy đi con, lội qua bên kia sông. Lẹ lên. Chạy đi con! Con nghe rõ ràng giọng thúc hối nóng lòng của Ngoại. Con đang hoang mang chưa biết làm gì thì lại nghe bà nói. Mẹ mày chết rồi. Chạy mau lên con ơi. Rồi như có gì ám, con lôi tay Ngà chạy về phía bờ sông theo lời Ngoại. "
Tôi nghe lạnh nơi sống lưng. Tôi đã không kéo tay Phong đứng lại vô cớ, rõ ràng có nhánh cây đập nơi mặt đau như trời giáng nên tôi đứng lại không suy nghĩ. Khi mặt trời lên, Phong nhìn và không thấy vết bầm hay trầy trụa nào trên mặt tôi cả. Điều này khiến tôi ngạc nhiên vì cái đau xé da thịt kia không thể nào không để lại dấu vết trên mặt. Còn tiếng gào, thứ tiếng đau đớn của một con thú bị nạn. Thứ âm thanh chỉ có thể tạo được bởi cơn đau tận cùng xương tuỷ. Phong đã không nghe tiếng gào nào hết khi giật tay tôi quay lui chạy ngược về hướng cũ. Không dám suy tưởng nhiều hơn, tôi chỉ giản dị cho rằng mẹ Phong đã tìm cách cứu chúng tôi bằng tiếng gào mà bà đã không kịp thoát thành tiếng. Tôi đã nghe được thứ âm thanh xé rách màn đêm chọc thẳng óc mình, đã ngửi được mùi máu trên áo kẻ giết người. Nếu không có nhánh cây quật mặt, tôi đã không dừng lại và đã tiếp tục ngoan ngoãn đi theo tên dẫn đường gian ác. Nếu không có tiếng gào, có lẽ tôi vẫn tiếp tục đi không chút ngờ vực. Tiếng gào và cái đau của nhánh cây quật mặt, cả hai đều thật, thật như nỗi hãi hùng của cuộc thảm sát ghê rợn nơi bờ sông vắng. Tôi đã cảm thấy được tất cả mọi thứ bằng mọi giác quan trên người. Có thể, nhánh cây làm tôi đau nhưng không để lại dấu vết, nhưng còn tiếng gào, tôi phải giải thích làm sao khi Phong không hề nghe có tiếng gào nào hết. Hai đứa tôi đã được báo động cùng một lúc bằng hai hình thức khác nhau. Và nhờ hành động vụt chạy bất thần khiến tên dẫn đường không kịp trở tay. Nếu không, nếu không... tôi vẫn thường tự hỏi, nếu không, nếu không, chuyện gì sẽ xảy ra và tôi sẽ làm gì nếu gã đàn ông không gờm tay với mình giả như tôi và Phong cùng rơi vào tình trạng sống chết dưới tay hắn? Đây là nỗi ám ảnh không biết đến khi nào tôi mới được quên dù đã yên ổn xứ người nhiều năm sau đó... 




***Chuyện Tình Khoai Lang***
 
Chuyện tình này có thật, rất là cảm động, đã được nhiều anh em biết tới. Theo đúng như những kết luận về chuyện tình thời cổ tích, hai vai chính tới nay vẫn còn sống, vẫn thương yêu nhau, gia đình thật là đầm ấm.
 
Chuyện tình yêu này thật là đẹp, thật là đáng ghi nhớ, hay hơn tất cả những chuyện tình yêu trên thế giới. Love Story của Mỹ cũng thua xa! Một câu chuyện tình yêu kéo dài cả ba năm trời, trong đó hai vai chính, một nam một nữ không hề quen biết nhau, không hề tiếp xúc với nhau, nhưng kết cục lại lấy được nhau thật là ngọt ngào. Câu chuyện tình yêu này đã được đặt tên là... Chuyện Tình Khoai Lang, theo lời kể của một chiến hữu Nhẩy Dù của tôi, như sau:
***
Ngày đó, vào khoảng năm 1977, tôi đang bị bọn VC bắt đi tù vì tội có ông Tổng Thống đầu hàng. Cả bọn tôi, đa số là các Sĩ Quan trẻ (cấp bậc từ Thiếu Úy tới Đại Úy) được tập trung ở trại Suối Máu, sau đổi qua Trảng Bom (Biên Hòa). Bọn VC độc ác bắt chúng tôi làm việc cật lực nhưng không cho ăn uống tử tế, thuốc men hoàn toàn không có . Ai sống được thì sống, ai về chầu ông bà ông vải thì cứ việc đi. Phương cách giết người này thật là độc ác, giết nguời mà không cần gươm súng. Mỗi ngày đi lao động bên ngoài, anh em cố gắng kiếm được thêm cái gì thì ráng mà kiếm để sống cho qua ngày. Có người lượm được cái trứng chim, bắt được con thằn lằn, rắn mối...cũng đã cho rằng mình có số sung sướng lắm rồi. Dân làng thì ở ngoài xa, thỉnh thoảng mới gặp một vài người. Bọn VC quái ác không cho dân tiếp xúc với anh em chúng tôi và cũng cấm tuyệt anh em chúng tôi không được lân la tới khu dân chúng. Đói, đói lắm, đói thê thảm, đói lả người ra! Nhưng anh em còn trẻ, sức chịu đựng cao, tinh thần càng cao hơn, nên ráng sống đợi một ngày mai tươi sáng.
 
Bọn VC khoe với chúng tôi: " Đảng ta đã . . . Đại Thắng Lợi"
Thì chúng tôi lại vui mừng nhìn nhau, nói trong ý nghĩ: "Anh em ta . . . Đợi Thắng Lại!"
 
Ruộng mía, khoai lang, khoai mì của đồng bào ở chung quanh rất nhiều, nhưng chúng tôi không đụng tới, vì đó là của dân, mồ hôi nước mắt của họ. Họ cũng đói như chúng tôi vậy, đâu thể nào lấy của dân được. Ngày xưa, chúng tôi bảo vệ họ, ngày nay không làm gì được nữa nhưng không vì đói mà mất tư cách. Đồng bào biết chúng tôi đang bị đầy đọa, họ cũng thương cảm lắm, họ cũng đã tìm đủ mọi cách mà giúp đỡ chúng tôi. Bọn VC cũng biết như vậy, cho nên mỗi lần phải đưa chúng tôi di chuyển ngang khu dân cư, bọn chúng đi kè kè sát bên, không cho ai tiếp xúc với ai. Muốn mua thêm ít đường, ít muối cũng khó lòng mà làm được!

Thế nhưng trời cao còn có mắt mà, không sao! Miễn được thấy dân là lòng người lính thấy ấm lại rồi! Buổi sáng hôm đó, chúng tôi đang trên đường đi lao động. Từ xa, chúng tôi đã thấy khu dân cư ở đằng trước, và thấy bóng dáng những trẻ em, những cô gái đang tung lúa, thẩy khoai lang ra trước nhà để phơi. Khi tới gần khoảng chừng chục thước, chúng tôi thấy một bóng dáng phụ nữ cầm thúng thẩy khoai lang ra ngoài đường đi, chỗ chúng tôi đang bước thấp bước cao. Chúng tôi tuyệt đối không đụng tới tài sản của dân, dù là mấy củ khoai lang nhỏ bé, nên vẫn cứ thế mà bước đều. Mấy hôm sau, khi đi ngang qua xóm nhà này, chúng tôi lại thấy bóng dáng người phụ nữ này. Cô cũng dáng điệu như cũ, cầm thúng khoai lang thẩy ra đường đi. Lần này cô nói bâng quơ:
 
- Má à, mấy đám khoai lang hư này, mình đâu có bán cho ai được! Thôi, dục bỏ, nha Má!
 
Cô vừa nói vừa thẩy khoai lang ra chỗ chúng tôi.
Cô đứng ở xa nói tới, chúng tôi cũng không đi gần nên chỉ nghe cô nói như vậy thôi. Nói là cô gái thì cũng là nói vậy thôi, chứ không thấy rõ hình dáng, nói chi tới mặt mày.
Mấy hôm sau nữa, chúng tôi lại có dịp đi lao động ngang qua khu dân cư này. Chúng tôi lại thấy cô gái hôm trước. Cô vẫn đứng xa xa, nhưng lần này cô cố tình cầm khoai lang thẩy vào chúng tôi rồi bỏ đi, dáng vẻ rất là bình thường.

Tối về khu trại, chúng tôi bàn tán về cô gái, về những củ khoai lang mà cô thẩy ra ngoài. Chúng tôi cùng đồng ý là thái độ của cô rất lạ: Không có ai phơi khoai lang ở chỗ đường đi đó, mà cũng không có ai dục khoai lang trên đường đi như vậy cả.
Một người bạn - tên Phúc - đã nói với tôi:
 
- Tao nghĩ rằng cô gái này muốn cho mình những củ khoai lang đó. Chứ nếu cô muốn dục đi, thì thiếu gì chỗ dục. Hơn nữa, khoai lang dù là hư, không cho người ăn được thì để cho heo ăn, dễ gì mà dục bỏ!

Lần sau nữa, khi đi ngang khu nhà dân đó, chúng tôi lại thấy cô. Lần này chúng tôi không thấy cô thẩy khoai lang ra nữa, mà đứng yên ở phía xa xa chỉ trỏ chỗ này, chỗ kia, ý như muốn chỉ cho chúng tôi những củ khoai lang mà cô đã thẩy ra trước đó.
 
Tối về, chúng tôi lại có dịp bàn tán. Phúc nói với tôi:
 
- Tao có nhìn thấy mấy củ khoai lang ngay trên đường mình đi. Tao thấy khoai lang kỳ này cũ rồi, không tươi như bữa trước nữa. Tao nghĩ rằng, cô thẩy ra cho tụi mình lượm, nhưng không ai lấy, nên cô lại thâu lại để dành, bữa nay thẩy ra nữa. Chắc chắn là cô cho tụi mình đó, tụi mày đồng ý không?
 
Tất cả cùng có ý nghĩ đó! Chắc là cô còn có lòng thương những người lính sa cơ đói khổ, mà tặng những củ khoai lang ăn lót lòng. Củ khoai lang nhỏ nhoi không đáng là bao, nhưng tấm lòng của cô thật đáng quý! Chẳng có ai ở không mà chờ anh em chúng tôi đi gần tới mới thẩy khoai lang ra. Cũng chẳng có ai có nhiều khoai lang để mà thẩy chơi như vậy. Chắc chắn là khi chúng tôi đi khỏi, cô lại thâu lại những củ khoai đó mà để dành thẩy lại cho chúng tôi vào ngày hôm sau. Anh em chúng tôi cùng đồng ý là kỳ tới, nếu có đi ngang khu nhà dân, nếu cô còn có lòng hảo tâm mà thẩy khoai lang ra, chúng tôi sẽ chia nhau lượm.
 
Dịp may đã tới, chúng tôi lại có dịp đi ngang khu nhà dân cũ, và lại thấy bóng dáng cô từ xa. Cô lại thẩy khoai lang ra rồi bỏ đi. Chúng tôi đã bàn với nhau trước rồi, nên chia ra làm nhiều toán nhỏ: Toán đi trước bao chung quanh đám quản giáo để chúng khỏi nhìn thấy phía sau, toán thì đi chậm chậm lượm thật lẹ những củ khoai lang bỏ vào giỏ xách thật nhanh. Lính mà! Chúng tôi thanh toán chiến trường khoai lang lẹ lắm, không thua gì những lúc thanh toán bọn quỷ đỏ trên chiến trường trước đây.
Buổi trưa hôm đó, chúng tôi lại chia ra nhiều toán để dắt bọn quản giáo đi ra xa, trên đầu gió, để đám còn lại lo nướng khoai . Đói lòng ăn được củ khoai lang. Ôi, sung sướng nào hơn!
Đám này ăn xong thì lại ra canh bọn VC để đám kia trở lại ăn những củ khoai lang tình nghĩa đó. Lần sau đi ngang khu nhà dân, đến phiên Phúc lo lượm những củ khoai lang của cô gái hảo tâm. Buổi trưa, Phúc nói nhỏ với tôi:

- Đúng như tao dự đoán, mày ạ! Kỳ này cô ta cho mình toàn là khoai mới, bự và ngon hơn khoai bữa trước nhiều lắm! Chắc cô đã núp đâu đó, thấy mình đã lượm hết khoai kỳ trước nên mới đưa khoai lang mới ra đó!
Nhờ những củ khoai lang đó mà anh em chúng tôi có thêm sức khỏe. Nhờ ở cảm tình mà người dân đã dành cho chúng tôi qua củ khoai lang mà chúng tôi thêm được sức mạnh để chịu đựng cực khổ, chờ đợi ngày mai trời lại sáng. Chúng tôi ăn những củ khoai lang đó của cô gái tốt bụng, nhưng chỉ nhìn thấy dáng của cô từ phía xa xa mà thôi, chứ chưa bao giờ được nhìn thấy mặt cô cả. Cũng chỉ duy nhất có một lần được nghe giọng nói của cô mà thôi.
Thời gian cứ thế trôi qua, chúng tôi vẫn sống, vẫn hiên ngang với đời.
Rồi ngày mai đã tới, ngày tôi và Phúc được bọn VC trả về nguyên quán. Chúng nói là chúng tôi đã... học tập tốt. Nhưng đối với chúng tôi, với riêng tôi và Phúc, chúng tôi vẫn vậy. Muôn đời chúng tôi vẫn là người lính VNCH và càng căm thù bọn Việt Cộng hơn bao giờ hết. Tôi được gia đình lo liệu sẵn, một thời gian ngắn sau khi về lại nhà, tôi đã may mắn vượt biên trót lọt và qua định cư ở Melbourne xứ Úc Đại Lợi.
Tôi cũng có nghe bạn bè nói, Phúc cũng đã vượt biên và hiện ở Sydney, cùng xứ Úc với tôi.
Một ngày đẹp trời vào năm 1990, vợ chồng tôi có dịp đi Sydney và đã ghé thăm Phúc.
Bạn bè ngày xưa gập nhau mừng mừng tủi tủi, nói chuyện huyên thuyên - Chuyện xưa còn đó, nhưng bạn bè nay đâu? Thằng nào còn sống? Thằng nào chết trong trại tù? Thằng nào vượt trại? Thằng nào vượt biên? Đi đâu?
     Cuối cùng mới tới chuyện đời sống hiện tại.
- Mày lấy vợ hồi nào? Lấy từ hồi ở VN hay qua đây mới lấy? Bao nhiêu đứa con rồi? Đứa lớn bao nhiêu? Đứa nhỏ mấy tuổi. Chúng tôi nói như chưa bao giờ được nói.
Phúc kể, đã lấy vợ từ hồi ở VN, hai vợ chồng cùng vượt biên qua đây. Vợ của Phúc chỉ cười cười khi nghe chồng giới thiệu là tôi ở cùng trại tù với anh từ năm 1977.
Một lúc sau, vợ Phúc bưng ra một đĩa mà Phúc nói rằng rất đặc biệt: Khoai lang Dương Ngọc!
- Ăn đi mày, ăn để nhớ lại cái thời bị tù đầy, bị bọn VC vo tròn bóp méo!

Tôi sáng mắt lên, vồ lấy củ khoai lang, ăn không kịp bóc. Tại sao lại phải bóc vỏ? Vỏ khoai cũng là khoai vậy! Tại sao lại vứt bỏ đi?
Bao nhiêu kỷ niệm xưa quay trở lại. Tôi cũng đã kể chuyện khoai lang cho vợ tôi nghe nên tất cả đều cùng nhau góp lại chuyện xưa. Tôi vừa ăn vừa ngậm ngùi:
- Không biết cô gái đã cho mình những củ khoai lang đó, bây giờ ra sao? Có ai biết cô đó là ai không? Cô ta còn ở đó hay đã trôi nổi đi phương trời biền biệt nào rồi?
Phúc trầm ngâm một lúc rồi trả lời tôi:
- Cô gái cứu sống mình bằng những củ khoai lang... đang ở trước mặt mày đó! Tao cưới cổ rồi!
Thật là không ngờ! Vợ chồng tôi ngạc nhiên tới há hốc miệng, rớt cả củ khoai lang ra ngoài:
- Mày... mày nói cái gì? Cô này đây... vợ mày đây... là... là cô gái cho tụi mình khoai lang ở Trảng Bom? Mày... nói chơi hay... nói dỡn vậy? Thiệt không? Làm sao mà mày kiếm ra cổ ? Mà... phải thiệt là cổ không? Làm sao mày biết là cổ mà dám nói là cổ ? Dám lấy cổ?
 
Vợ Phúc (Dung) mỉm cười giải thích cho chúng tôi:
- Em đâu có gueng, đâu có biết ảnh là ai đâu! Tự dưng ảnh tới kiếm em rồi... hỏi cứ (cưới) em đó chớ!
 
Phúc giải thích rõ ràng hơn:
- Khi còn ở trong trại tù, mình đã nói chuyện với nhau thật nhiều về cô gái đó, tao thầm cám ơn cô đã còn nghĩ đến những người lính VNCH đang mắc nạn. Tao đã nghĩ trong đầu rằng, nếu có dịp trở về, thế nào cũng đi tìm cô gái đó mà cảm ơn. Nếu cô ta còn độc thân, tao sẽ cưới cô ta làm vợ. Mặc dù chỉ với một hành động nhỏ nhoi tặng những củ khoai lang cho chúng ta, nhưng cô đã chứng minh được rằng, cô là người chống lại bọn VC, cô là người đã còn nhớ đến người lính VNCH xưa. "Miếng khi đói bằng gói khi no" mà! Mình đang sa cơ mà còn có người dám nghĩ tới mình, thì làm sao mà không cảm động cho được? Đến khi được thả về, tao trở ra Phan Thiết ở với cha mẹ anh em một tuần, thì nói với ba má là tao kiếm đường làm ăn. Tao quay trở lại Biên Hòa, đi vào khu Trảng Bom, nói với Tổ Trưởng vùng đó là tao ở Biên Hòa, muốn về làm rẫy, mua đất trồng khoai lang. Ông này dẫn tao đi giới thiệu với những gia đình đang trồng khoai lang, có dư đất muốn bán. Nhà nào tao cũng vào làm quen để hỏi mua đất, hỏi kỹ thuật trồng khoai, nhưng mục đích chính là kiếm cho ra cô gái đó. Tao cũng như mày, như những anh em trong trại, đâu có ai biết mặt mũi cô ra làm sao? Ngay cả dáng người cũng không nhìn được, nên khó kiếm hết sức. Nhưng tao còn nhớ được giọng nói của cô ta khi nói: "Má à, khoai lang của mình hư hết rồi, không bán được đâu, dục đi nha Má!" Tao nhớ có nhiêu đó thôi. Rồi duyên số cũng giúp cho tao kiếm ra bả. Buổi chiều hôm đó, khi tao đã hết hy vọng kiểm cổ rồi, đang trên đường đi tới nhà Tổ Trưởng chào từ giã. Chợt tao đi ngang qua một căn nhà ở cuối xóm, thấy một cô gái đang gom khoai lang bỏ vô thúng. Tao ngừng lại hỏi bâng quơ:
Cô lựa khoai lang đem bán hả?
- Cô này không quay lại, vừa tiếp tục lựa khoai, vừa trả lời:
- Tui lựa khoai lang dư đặng mai đem thẩy cho mấy người lính "học tập cải tạo".

Tao thấy coi bộ trúng mối rồi, bèn hỏi tới:
- Khoai lang trồng cực khổ mới có. Bộ cô có bà con đang học tập trong đó hay sao mà lại cho họ khoai lang?
- Tui đâu có gueng ai ở trỏng đâu! Bị tui thấy họ tội nghiệp thì tui giúp đở chúc ít dzậy mà! Hồi xưa, mấy người này đi lính để giữ cho làng xóm được yên, khỏi bị bọn VC phá đám giết hại người ta. Nay những người này bị bắt ở tù, mình phải nhớ ơn họ, phải giúp họ chớ! Hổng giúp được nhiều thì có mấy củ khoai lang cũng giúp họ chút đỉnh dzậy mà!
 
Mới nghe bả nói là tao nhớ lại liền. Đúng y là giọng nói "Má à, đám khoai lang này hư rồi . . ." mà tao nhớ không bao giờ quên. Tao lại còn kỹ càng hỏi cho ra lẽ tại sao bả lại giúp mấy đám tù cải tạo như mình? Nghe bả trả lời ngon lành như vậy là tao chịu quá đi, nhất định giá nào cũng phải làm quen, nếu được, sẽ cưới bả làm vợ. Lính mà! Dễ lắm! Giản dị lắm: "Hễ ai thương lính là lính thương lại liền".
 
Tao lại đang trong tình trạng độc thân... "Tròn năm năm lính, chưa hề có bạn tâm tình". Tới luôn! Tao đi tới đi lui nhiều lần làm quen với bả, với gia đình bả, nói là xin học làm rẫy. Khi biết rõ gia đình bả, và biết bả còn đang độc thân, chưa có đám nào, tao mới trở về Phan Thiết kể lại chuyện của bả cho ông bà già tao nghe và nói ý định muốn cưới cô gái quê, nhưng có lòng thương lính đó. Ba má tao đồng ý tao muốn lấy ai thì lấy, miễn là hai vợ chồng hạp với nhau là được rồi. Nhưng mà cô đó có lấy tao hay không thì lại là chuyện khác nữa. Tao trở lại nhà Dung phụ làm rẫy tiếp. Trong một bữa nghỉ trưa ở ngoài ruộng, chỉ có một mình tao với bả, tao mới nói rõ tao là ai? Đã cảm cái tấm lòng của bả và muốn được cưới bả làm vợ. Bả rất ngạc nhiên mà nói với tao, y như bả vừa mới nói với mày vậy:
 
- Tui đâu có gueng biếc gì anh đâu? Tui cho mấy anh khoai lang là cho nguyên đám đó chớ đâu phải cho một mình anh! Bị tui nhớ hồi xưa mấy anh đã đi lính giữ làng xóm tụi tui, chứ tui đâu có biết anh ở trỏng đâu? Mà anh . . . cứ (cưới) tui làm chi?

Làm chi thì tao không biết làm chi, nhưng tao nói tao cảm tấm lòng của bả mà cưới bả, vậy thôi. Tao nói:
- Ít ra thì anh với em cũng còn giống nhau ở một điểm là "THƯƠNG LÍNH".

Nói ba điều bẩy chuyện một hồi, bả cũng không biết nói sao nữa, kêu tao muốn gì thì về nói chuyện với ba má cổ, chứ cổ... hổng biết. Vậy là chịu rồi! Tao mừng quá, cả hai đưa nhau về gập ông già bà già của bả, tao lại kể rõ lai lịch của tao ra và xin đưa cha mẹ tới xin cưới Dung. Hai ông bà ngạc nhiên hết sức, cuối cùng nói là:
 
- Nếu vậy đúng là duyên số rồi. Con Dung nhà tui nó đâu có gueng biếc gì ông đâu. Nó xin tui ít phai lang, nói là để cho mấy ông bị tù cải tạo, tội nghiệp mấy ổng quá. Ai dè có ông ở trỏng, ông thương nó, ông được dzìa rồi thì ráng lội bộ đi cùng khắp chốn kiếm cho ra nó đặng xin 'cứ' nó! Đó là do Ông Tơ Bà Nguyệt cột đó, chứ hổng có ai bầy ra được đâu!
 
Tụi tao định ngày, đưa cha mẹ tao tới làm đám hỏi, xong rồi mới mời ổng bả và Dung về nhà tao chơi. Tới Phan Thiết, thấy nhà cửa của ba má tao thì ổng bả và Dung hoảng hồn, vì nhà tao hồi đó cha mẹ cũng còn nhà cửa, cơ sở làm ăn khá lắm! Dung đã nghéo tao ra sân mà nói:
 
- Nhà anh giào như zậy, mà anh cứ tui là gái guê làm chi? Thôi, thả tui zìa Trảng Bom tui làm rẫy sướng hơn!
 
Tao phải nói khó với bả:
- Mấy thứ đó là của cha mẹ anh, chứ anh... "Trên Răng Dưới . . . Dế ", đâu có cái gì nữa đâu! Có cái mạng cùi cũng nhờ em cho mấy củ khoai lang mới còn sống tới ngày nay. Mà em đừng có lo, mình còn đủ chân đủ tay, mình tự làm mà nuôi thân, chịu không?"
- Anh nói dzậy thì tui chịu!
 
Chịu hay không chịu thì cũng trễ rồi! Lính đã nói là Lính làm:
- Em có ý kiến nhiêu đó là đủ rồi, mọi thứ còn lại để anh lo, đừng có lộn xộn gì hết nữa!
 
Rồi tụi tao làm đám cưới. Cưới xong, tao lo đường vượt biên. Ông bà già vợ thẩy một mớ khoai lang lên tàu, vậy là tụi tao dông. May mắn cho tụi tao, trời yên bể lặng. Sau bốn ngày lênh đênh trên biển, tàu tụi tao cặp được tới Bidong. Tao chọn đi Úc cho nó lẹ và an toàn. Khoảng hai tháng sau tụi tao tới Sydney, gởi điện tín cấp tốc về cho ông bà già tao hay. Hai ổng bả mừng quá, lập tức mướn xe chạy tới Trảng Bom cho ba má Dung hay. Ba Má Dung cũng mừng quá, xá trời xá đất cám ơn lia chia. Ba của Dung cười lớn:
- Dzậy là thằng rể tui khỏi sợ bị Diệc cộng bắt cải tạo nữa rồi ha!
Má của Dung hỏi thêm:
- Ở bển có đất cho tụi nó trồng khoai lang hông dzậy, anh chị sui?
Tụi tao ở bên đây thì cũng giống như tụi bay vậy, ra sức làm mà lo cho gia đình, con cái, lo cho cha mẹ bên Việt Nam. Tụi tao có hai con rồi. Bây giờ bả hết dám hỏi:
- Anh " cứ " tui làm chi, nữa rồi.
Tụi tao lo làm nuôi con ná thở, đâu còn thì giờ mà hỏi nữa! Hỏi nữa tao để ........ đẻ nữa!
 
Người lính VNCH

No comments:

Post a Comment