Friday, June 25, 2010

Ông tướng, ông tổng thống, và nhà báo - Ngô Nhân Dụng - http://www.nguoi-viet.com


Nhầm lẫn lớn nhất của Tướng Stanley McChrystal là ông nhận lời cho một ký giả phản chiến, của tờ báo phản chiến Rolling Stone, đi theo ông và trò chuyện thân mật với bộ Tham Mưu của ông cả tháng trời. Ký giả Michael Hastings được thấy và nghe đủ mọi chuyện, để viết một bài dài gần 8000 chữ có tính cách “duyệt xét tiến trình hình quân sự” ở Afghanistan. Người ta có thể đoán trước nhà báo đó sẽ nhìn bằng con mắt mầu xám và sẽ đưa ra các cảnh tượng không đẹp đẽ, để chứng tỏ mình đã khám phá ra những điều mà các nhà báo khác không thấy. Cả bài báo của McChrystal hầu như chỉ cốt chứng tỏ chính sách Mỹ ở Afghanistan đang thất bại, hầu như không lối thoát.
Muốn bôi đen cũng khó. Quân Mỹ và 40 nước đồng minh tấn công vào Afghanistan từ tháng 10 năm 2001, đến nay đã dài hơn thời gian tham chiến ở Việt Nam. Nhưng cho tới gần đây số tử vong của quân đội Mỹ mới lên tới 1,000 người. Nhà báo không tìm được hình ảnh những tử thi của binh sĩ hay thường dân để tả cảnh đen tối. Cho nên, ông ta đã nhấn mạnh đến những khó khăn nội bộ: Mối nghi ngờ của binh sĩ đối với chiến lược và chiến thuật của cấp chỉ huy chiếm một phần lớn bài báo. Phần nhỏ hơn là thái độ khinh thường do bộ tham mưu của ông tướng biểu lộ khi họ nói về các nhà chính trị ở thủ đô. Trong lúc vui đùa, họ còn nói những lời nhục mạ chính khách một nước đồng minh.
Bài của Hastings trong Rolling Stone số tháng 7, 2010 mở đầu với cảnh Tướng McChrystal bực bội vì phải ngồi chờ đợi trong căn trong phòng sang trọng ở khách sạn Westminster, Paris, với đám tùy viên hàng chục người, bận rộn nghe báo cáo thành phố Kandahar vẫn bị quân khủng bố đánh bom. Ông đang chờ đi ăn tối với một đại diện của chính phủ Pháp. Tướng McChrystal có nhiệm vụ ngoại giao, ve vuốt các nhà chính trị, thuyết phục họ để quân đội Pháp tiếp tục tham chiến ở Afghanistan. Nước Pháp đã hy sinh 40 binh sĩ ở Afghanistan. Năm nay chính phủ các nước Canada, Hòa Lan đã báo trước sẽ rút 4,500 quân về, theo ý muốn của dân chúng nước họ. Tướng McChrystal sẽ gặp ai? Một sĩ quan phụ tá (không nêu tên) trả lời nhà báo: Một anh bộ trưởng Pháp nào ấy mà, một thằng cha đồng tính (gay... kèm với một tiếng thô tục nhà báo tự ý đục bỏ).
Nghĩ tới bữa ăn sắp dự với một chính khách Pháp, ông tướng hỏi: Tại sao tôi bắt buộc phải đi ăn như thế này? (Ông dùng một chữ tục khó dịch). Vị sĩ quan chánh văn phòng trả lời: Thưa ngài vì cương vị của ngài đấy ạ! Ông tướng quay ghế: Ê, Charlie, vì cương vị thật à? Ðại Tá Charlie Flynn đưa ngón tay giữa lên để trả lời!
Phu nhân ông tướng được chồng gọi từ Mỹ qua để dự bữa ăn tối. Bà rất mừng, vì kể từ năm 2003 khi Tướng McChrystal bắt đầu đi đánh nhau ở Iraq, tới nay mỗi năm bà được gặp ông chưa tới 30 ngày. Ông tướng sống rất giản dị. Mới 55 tuổi, chạy bộ 7 miles mỗi sáng, ăn ngày một bữa, đêm chỉ ngủ 4 tiếng. Nhà báo kể trong một tháng chỉ gặp ông một lần lúc ông đang ăn. Ông rất ghét các quán ăn sang trọng. Ghét nhất là bàn ăn có thắp nến. Ông thích uống bia Bud Light hơn là uống rượu Bordeaux. Paris là chỗ rất “không thích hợp,” rất anti- McChrystal! Ông nói: Tôi thà bị cả bọn trong phòng này chúng đá đít còn hơn phải đi dự bữa ăn tối hôm nay. Tiếc rằng, chúng nó không đứa nào đá tôi cả! Bà vợ ông thì vui vẻ tâm sự với nhà báo: Có lúc ở Mỹ ông chồng dẫn bà vào ăn ở quán hăm bớc gơ Jack in The Box mặc dù hôm đó bà đã chuẩn bị mặc bộ đồ dạ hội khi được chồng rủ đi ăn tối!
Trong một tháng trời đi theo ông tướng và các sĩ quan cận vệ của ông, nhà báo chiếm được cảm tình của họ, được nghe họ kể những chuyện riêng tư. Nhà báo mô tả lối sống, hành động và tính tình của ông tướng được lòng thuộc cấp. Lối cư xử thân mật giữa ông và các sĩ quan bộ tham mưu, với các binh sĩ ngoài mặt trận, tính khí rất “nhà binh” của cả bộ tham mưu. Họ chỉ gọi ông tướng là “Boss.” Boss nói thế này, Boss nói thế kia. Nhà báo nhận xét: Các sĩ quan tham mưu tỏ ra coi thường hệ cấp chỉ huy. Và tất nhiên, họ thích thú chế nhạo, phê bình các nhà chính trị “sa lông” vẫn lâu lâu tạt qua mặt trận đòi nghe thuyết trình! Bộ tham mưu của Tướng McChrystal chê Tướng James Jones, cố vấn an ninh của Tòa Bạch Ốc là một thằng hề. Họ thuật lại những lời ông tướng nói trong nội bộ, phê bình các nhà chính trị bất đồng ý kiến với ông về chiến thuật, chiến lược. Ðặc biệt là Phó Tổng Thống Biden và đại sứ Mỹ ở Afghanistan. Chỉ có một chính trị gia được ông tướng khen, theo lời các cận vệ, là bà ngoại trưởng, vì bà Hillary Clinton ủng hộ chiến lược chống nổi dậy của ông ngay từ đầu. Thuộc hạ của ông tướng kể lời bà nói: “Stan cần cái gì, cứ cho ông ta hết!” Người chống lại, cũng chống ngay từ đầu, là Phó Tổng Thống Joe Biden. Phó tổng thống Mỹ không muốn chiến tranh kéo dài, chậm chạp, tốn tiền nước Mỹ quá! McChrystal coi Biden không ra gì cả. Những Nghị Sĩ John Kerry, John McCain, đã đi thăm mặt trận nhiều lần, cũng bị chế nhạo.
Một sĩ quan kể có lần ông tướng chuẩn bị một họp báo, đoán trước sẽ phải trả lời các câu hỏi về những lời ông chê Phó Tổng Thống Joe Biden. Năm ngoái trong lúc thuyết trình ở London, Tướng McChrystal chỉ trích ý kiến của của Phó Biden về chính sách chống nổi dậy là “thiển cận.” Nó sẽ gây hỗn độn, Afghanistan sẽ biến thành xứ Hỗn Ðộn, Chaos-istan. Sau đó, Tổng Thống Obama đã gọi McChrystal tới gặp riêng, trong phi cơ Air Force 1, để yêu cầu ông giữ miệng. Trong khi chuẩn bị cuộc họp báo mới, theo lời một cận vệ kể lại với nhà báo, McChrystal nói đùa rằng nếu có người thắc mắc chuyện đó, ông sẽ hỏi lại: Chuyện ông Biden hả? Ông ấy là ai vậy?
Tướng McChrystal được Tổng Thống Obama đưa lên thay thế Tướng David McKiernan vào tháng 6 năm ngoái, như ông bộ trưởng quốc phòng đề nghị; trước đó ông tướng không hề quen biết ông tổng thống. Ông là con của một vị tướng 2 sao đã từng tham chiến ở Cao Ly và ở Việt Nam. Bốn anh em trai cùng ở trong quân đội. Khi theo học Ðại Học Quân Sự Westpoint, ông đã bị 100 giờ phạt, một kỷ lục, vì nhiều lỗi trong đó có tội say rượu. Ở Afghanistan ông cấm rượu trong doanh trại. Khi còn chỉ huy ở Iraq, McChrystal nổi tiếng đánh giặc giỏi. Nhưng ông cũng bị mang tiếng vì viết báo cáo láo về cái chết của Trung Sĩ Pat Tillman, đề nghị huy chương cho người cầu thủ nổi tiếng tình nguyện tòng quân này. Báo cáo đã khai gian là Tillman bị quân địch giết! Sự thật là Tillman bị trúng đạn do đồng đội bắn lạc. Sau Iraq, McChrystal làm 5 năm ở bộ quốc phòng, chỉ huy các chiến dịch bí mật, trong đó đã bắt được Abu Musab al-Zarqawi, người cầm đầu al-Qaeda tại Iraq.
Sau khi nhậm chức ở Afghanistan, McChrystal muốn tăng thêm 40,000 quân, ý kiến đó được tiết lộ, nhiều người cho là ông cố ý ép ông Obama! Quốc Hội chỉ muốn cho thêm 20,000 quân thôi, nhưng sau đó ông Obama đã chịu con số 30,000! Từ khi nhậm chức McChrystal đã tăng số lực lượng đặc biệt ở Afghanistan từ 4 lên 19 đơn vị. Chiến cuộc tăng mạnh vì trong bảy tám năm trước đây quân Taliban đã phục hồi trong lúc Mỹ bận đánh nhau ở Iraq. Số thường dân chết trong 4 tháng đầu năm nay lên tới 90 người, tăng 76% so với năm ngoái. Dân oán thán, Tổng Thống Karzai công khai phản đối, Tướng McChrystal đã tới tận dinh tổng thống xin lỗi. Tổng Thống Karzai rất thích Tướng McChrystal, đã lên tiếng ủng hộ ông trước khi ông từ chức. Trong khi đó thì Ðại Sứ Karl Eikenberry luôn chỉ trích chính quyền Karzai tham nhũng, bầu cử gian lận, bị cả Karzai và McChrystal ghét.
Từ năm ngoái, Tổng Thống Obama đã ủng hộ chiến lược bình định của McChrystal. Tướng David Petraeus, người chỉ huy và mới được bổ nhiệm thay thế McChrystal ở Afghanistan, cũng chấp nhận chiến lược đó. Ông Petraeus đã từng đề nghị tăng quân ở Iraq 3 năm trước đây. Ông rất thân cận Tổng Thống Bush, có người tính mời ông sau này ra ứng cử tổng thống cho đảng Cộng Hòa. Theo chiến lược mới, chính phủ Mỹ đã tăng quân số và tập trung vào việc bảo vệ sinh mạng thường dân chứng không phải chỉ lo giết quân địch. Theo chiến lược bình định này, McChrystal ra lệnh bớt pháo kích, bớt thả bom. Tránh không được bắn vào nhà cửa thường dân, không được phá nhà cửa làng xóm. Lính bất mãn vì họ bị nguy hiểm nhiều hơn.
Binh sĩ than phiền với các nhà báo. Gần một nửa bài báo của Michael Hastings thuật lại những khó khăn của binh sĩ, tìm ra những khe hở trong chính sách bình định của Tướng McChrystal. Lính oán thán vì bị hạn chế sử dụng hỏa lực. Cũng như đa số dân chúng Mỹ hay nóng ruột, không hiểu nhu cầu chiếm lòng dân quan trọng hơn là giết quân địch, nhà báo Hastings chê cuộc chiến tiến hành quá chậm chạp, đánh ba tháng vẫn chưa yên một thành phố,đánh mãi chưa thấy kết quả! Ðọc xong bài báo, cảm thấy báo động cuộc chiến sẽ sa lầy!
Một trung sĩ, Israel Arroyo đã email cho McChrystal than bị cấm đoán không được dùng hỏa lực tối đa. Nói thẳng: “Ông không lo cho lính!” Ngày hôm sau McChrystal tới tận tiền đồn, đi bộ cùng hành quân với lính, ai cũng phải vui lòng. Nhưng mấy tuần sau, một đồng đội của họ bị bắn chết, đạn bắn từ căn nhà mà trước đó cấp trên đã cấm họ không được tấn công, không được pháo kích, lúc đó thì ai cũng oán giận cấp chỉ huy. Tướng McChrystal lại phải tới tận nơi. Ông trực tiếp giải thích chiến lược bình định của mình: Tại sao phải tôn trọng tính mạng thường dân Afghanistan dù có khi vì thế mà lính mình bị nguy hiểm. Ông nói: Quân đội Nga tới Afghanistan trước đây, họ đã giết một triệu người. Nhưng Nga vẫn thất bại.
Trong bài báo của Michael Hastings chỉ có hai điều phê phán ông Obama. Một sĩ quan cận vệ (không nêu tên) kể rằng ông tướng bất mãn vì, trong lần gặp đầu tiên cùng các vị tướng khác, riêng ông chỉ được gặp tổng thống có 10 phút! Và McChrystal nhận xét là ông tổng thống có vẻ không thoải mái khi gặp mặt giới tướng lãnh. Nói chung thì những lời chỉ trích các nhà chính trị cũng chỉ chiếm một phần nhỏ trong bài báo, người bị chê bai nhất là Joe Biden.
Nhưng Tướng McChrystal không tránh được rắc rối. Các sĩ quan cận vệ của ông đã vi phạm một quy tắc quan trọng nhất trong chế độ dân chủ của Mỹ, là giới chính trị do dân bầu lên nắm quyền điều khiển quân đội. Các tướng lãnh và chuyên gia quân sự phải tuân lệnh chính quyền dân sự. McChrystal đã vi phạm quy tắc thiêng liêng này, khi để cho cấp dưới chỉ trích và chế nhạo những người như phó tổng thống, và cả ông Ðại Sứ Eikenberry, là người đại diện của chính phủ Mỹ tại Afghanistan.
Tuy nhiên, những lời chỉ trích của họ, và những điều họ thuật lại lời ông tướng, phần lớn nhắm vào cá nhân chứ không phải bàn về chính sách của chính phủ. Hồi xưa Tướng Douglas MacArthur đã chỉ trích ngay cả chính sách của Tổng Thống Harry Truman cho nên bị cách chức. Trước đây, Tướng William Fallon chỉ huy Khu Vực Trung, coi toàn bộ vùng Trung Ðông, Ấn Ðộ Dương và Phi Châu, đã chỉ trích chính sách của chính phủ Bush đối với Iran, rồi bị cất chức. Một vị tướng khác tại Iraq cũng đã công khai chỉ trích ông Rumsfeld trong lúc ông còn làm bộ trưởng Quốc Phòng.
Trong thực tế, Tổng Thống Obama vẫn theo chiến lược bình định của Tướng McChrystal, và Tướng David Petraeus, đang cầm đầu chỉ huy Khu Vực Trung, chính là người đã vẽ ra chiến lược đó cùng với McChrystal. Chính sách và chiến lược của Mỹ ở Afghanistan không lo bị gián đoạn, nhưng tinh thần quân đội Mỹ ở Afghanistan có thể ảnh hưởng. Biến cố này cho thấy trong chính phủ Obama có những bất đồng ý kiến về chiến lược, chiến thuật, đôi lúc đã bị tiết lộ công khai.
Những lời phê phán các chính khách, toàn là những câu nghe thuật lại, ông tướng không bao giờ nói với nhà báo nào cả. Và nhà báo cũng không nêu tên một sĩ quan cận về nào của ông tướng khi kể lại những lời họ nói. Nhưng tất cả mọi người đều tin đó là những lời nói thật. Mà chỉ vì những lời “thuật lại” đó, Tướng McChrystal đã bị gọi về Washington và nộp đơn từ chức. Ðiều này cho thấy trong xã hội Mỹ các nhà báo rất được người ta tin, tin rằng họ không bịa đặt vì ác ý. Những sai lầm của nhà báo là do họ cũng nóng ruột như đa số dân Mỹ, không hiểu rằng chiến tranh ở Afghanistan, Iraq hay ở Việt Nam khác với các cuộc chiến lớn trước kia. Họ cứ muốn thấy quân đội đã đến chiếm thành phố nào là chỗ đó phải yên ổn ngay! Họ chú ý tới những bất mãn của binh lính khi bị hạn chế hỏa lực, không hiểu rằng cứ giết oan một người dân là có thể cung cấp thêm một người cho lực lượng chống đối. Nhà báo cứ muốn chứng tỏ mình thông minh, hiểu biết tình hình hơn các nhà quân sự và các nhà chính trị. Nhầm lẫn lớn của Tướng McChrystal là để cho nhà báo phản chiến đi theo sát suốt một tháng trời, mà không báo động trước cho bộ tham mưu phải giữ gìn lời ăn tiếng nói! Những người quen sống trong một xã hội tự do dân chủ, sống minh bạch công khai, thường dễ rơi vào lầm lẫn tai hại này!

 ================

Mỹ ủng hộ nỗ lực vận động của Nga gia nhập WTO

Tổng thống Mỹ Obama và Tổng thống Nga Medvedev, đều mặc áo trắng, ăn hamburger trưa thứ Năm
Hình: AP
Tổng thống Mỹ Obama và Tổng thống Nga Medvedev, đều mặc áo trắng, ăn hamburger trưa thứ Năm
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama nói rằng ông và Tổng thống Dmitri Medvedev của Nga đã thành công trong việc chấn chỉnh lại quan hệ song phương, và ông tin rằng ông Medvedev là “một đối tác vững chắc và đáng tin cậy.”
Tổng thống Obama đưa ra lời bình luận trong một cuộc họp báo chung với Tổng thống Medvedev tại Tòa Bạch Ốc hôm thứ Năm.
Hai nhà lãnh đạo vừa thảo luận và dùng bữa trưa tại một nhà hàng bán bánh mì kẹp thịt bò bằm hamburger tại vùng ngoại ô Washington.
Tổng thống Obama nói ông sẽ đẩy mạnh các cuộc thảo luận để Nga được gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới, WTO, vì hiện nay từ 90% đến 95% các vấn đề liên quan tới tư cách thành viên WTO của Nga đã được giải quyết xong. Tổng thống Obama nói ông hy vọng những vấn đề còn tồn đọng, tuy khó khăn, sẽ được giải quyết vào sau này trong năm.
Tổng thống Medvedev nói ông hy vọng có thể hoàn tất những chi tiết còn lại trước cuối tháng 9 năm nay, để Nga được nhận làm thành viên của WTO.

No comments:

Post a Comment