Wednesday, June 2, 2010

Trí thức làm tiếng nói cho nông dân -- http://www.nguoi-viet.com


Ngô Nhân Dụng
Một trong những nhà cách mạng đầu tiên lên tiếng vận động cho quyền lợi của nông dân Việt Nam là Trần Văn Thạch. Trước 1975, ở Sài Gòn có con đường mang tên ông, nằm ngang chợ Tân Ðịnh. Khi còn du học bên Pháp, từ 1926 đến 1930, ông Thạch đã tham gia các phong trào đòi độc lập cho nước ta. Ông đã tổ chức và viết trên nhiều tờ báo của giới sinh viên; dần dần ông theo khuynh hướng cách mạng xã hội chủ nghĩa, nhưng không theo Stalin.
Năm 1928, ông viết trên tờ báo Tương Lai An Nam (L'Avenir de L'Annam - An Nam là tên hay dùng để gọi nước ta thời đó): “Muốn phát động được quảng đại quần chúng nông dân thì không phải chỉ cần hứa hẹn nền độc lập hình thức cho xứ sở là đủ, mà phải gắn bó cuộc đấu tranh giành độc lập ấy vào cuộc thỏa mãn những nhu cầu cơ bản của nhân dân, mà cái nhu cầu cơ bản cấp thiết nhất là vấn đề ruộng đất... Muốn được tự do thực sự, giành độc lập về chính trị chưa đủ đâu. Ðồng thời phải giành được độc lập về kinh tế, đối với kẻ áp bức là người Pháp đồng như đối với kẻ bóc lột là người đồng hương.” Trần Văn Thạch cũng là người viết trên tờ báo Sinh viên An Nam (Journal des Étudiants Annamites) kêu gọi giới trí thức và giới lao động phải đoàn kết với nhau trong cuộc đấu tranh cách mạng. (Trích dẫn theo Ngô Văn, trong cuốn “Việt Nam 1920-1945”, Chuông RÈ xuất bản năm 2000, trang 78, 79.)
Ðến năm 2010 này, nông dân Việt Nam vẫn còn phải đối phó với những “người đồng hương bóc lột” mà Trần Văn Thạch lo ngại. Cái chết của em Lê Xuân Dũng và ông Lê Hữu Nam ở Thanh Hóa trong tuần qua cho thấy hình thức bóc lột đã thay đổi nhưng những “kẻ đồng hương bóc lột” vẫn sẵn sàng dùng súng đạn giết các nông dân đứng lên đòi quyền lợi chính đáng của họ. Nhiều nhà trí thức đã góp công phổ biến những tin tức về các biến động ở Thanh Hóa qua các blog, trong số đó một người là nhà báo tự do Tạ Phong Tần ở Sài Gòn đã bị công an xếp đặt cho người hành hung, rồi lại bị bắt để tra hỏi. Những điều Trần Văn Thạch tranh đấu cho quyền lợi nông dân chưa thành sự thật; nhưng ước nguyện của ông đoàn kết giữa giới trí thức và giới lao động vẫn được thể hiện, mặc dù cả hai đều bị những “kẻ đồng hương bóc lột” đàn áp.
Vụ giết người ở Thanh Hóa xẩy ra khi mấy chục đồng bào xã Tĩnh Hải, huyện Tĩnh Gia tỉnh Thanh Hóa biểu tình suốt ba ngày để đòi được bồi thường thỏa đáng, sau khi đất đai của họ đã bị trưng dụng từ mấy năm trước để xây nhà máy lọc dầu Nghi Sơn. Ðến ngày 25 tháng 5 tuần trước, công an đã nổ súng, khiến em Lê Xuân Dũng, 12 tuổi, chết ngay tại chỗ, ông Lê Hữu Nam, 43 tuổi thiệt mạng năm ngày sau khi được đưa tới bệnh viện, và bà Lê Thị Thanh bị thương. Thanh Hóa là đất khởi nghiệp của nhà Lê, cả ba nạn nhân đều cùng họ Lê! Năm ngoái, nhân dân ở đây đã sánh nhau với các công nhân Trung Cộng được đưa vào làm việc tại công trường Nghi Sơn, vì họ tỏ ra kiêu căng, vô lễ.
Một tờ báo trong nước loan tin để giải thích vụ giết người trên đây, nói rằng chỉ có một viên công an tên Nguyễn Mạnh Thư nổ một phát súng ngắn “chỉ thiên,” sau đó bị dân giành cướp súng cho nên đạn “nổ cướp cò” lần thứ hai làm hại đến ba người. Trong bản tin trên một blog cỡ Việt Nam người ta đã đặt câu hỏi tạo sao một phát súng cướp cò lại làm cho ba người chết và một người bị thương được? Blog trên KD cũng chứng minh rõ là công an Thanh Hóa đã tìm cách chạy tội cho Nguyễn Mạnh Thư, che giấu chức vụ chỉ huy công an huyện của ông ta, và định truy tố về tội giết người “trong khi làm công vụ” để tội được rất nhẹ.
Bản tin của blog Kami viết: “Cùng với giai cấp công nhân đang bị bóc lột đến tận xương tủy trong các khu chế xuất của tư bản nước ngoài được đảng CSVN và chính quyền hậu thuẫn và tiếp tay cho sự bóc lột; hôm nay đã đến lúc toàn thể những người nông dân, công nhân và những người yêu chuộng công lý và tự do phải đoàn kết triệu người như một để làm tiếp câu khẩu hiệu của K. Mác để đào mồ chôn bọn quái vật tư bản đỏ giả danh Cộng Sản.”
Cuối tuần qua, hàng ngàn đồng bào lại tổ chức biểu tình trước các trụ sở hành chánh và công an Cộng Sản huyện. Trong lúc đó, theo bản tin trên blog Tumasic, ngày Thứ Hai vừa qua nhà báo Tạ Phong Tần, người đã tổng hợp nhiều bản tin trên báo chính thức và trên các blog tự do trong nước về vụ này để phổ biến, khi đến nhà một người quen để lấy lại giấy tờ, tiền bạc gửi đó, đã bị lôi vào nhà, đóng cửa, hành hung; cô còn bị lột áo và chụp hình quay phim, đe dọa sẽ dùng hình để bêu xấu. Sau đó những người kia còn gọi công an đến bắt Tạ Phong Tần. Bà Dương Thị Tân, vợ của nhà làm blog dân chủ Ðiếu Cày, người đang cho cô Tạ Phong Tần tạm trú, nhận xét với đài Á Châu Tự Do rằng vụ hành hung này là có sự “dàn dựng” của công an Cộng Sản.
Cùng trong thời gian này, công an Cộng Sản đã đe dọa, sách nhiễu các nhà trí thức khác bằng hành động cũng như bằng lời nói, vì họ đã lên tiếng đòi tự do dân chủ và bênh vực người lao động. Tiến Sĩ Hà Sĩ Phu đã bị công an cắt điện thoại, không thể dùng máy vi tính lên mạng lưới nữa. Luật Sư Lê Trần Luật bị báo công an đăng bài nói xấu về đời tư không chứng cớ. Ngày Thứ Sáu vừa qua cô Lê Thị Công Nhân đang ngồi trong quán cà phê tiếp chuyện mấy người ngoại quốc thì bị 6 viên công an tới kéo ra ngoài, “lôi như một cái bao tải” theo lời tường thuật của cô luật sư 31 tuổi này. Cô và Luật Sư Nguyễn Văn Ðài đã bị đưa ra tòa kết án 3 và 4 năm tù, vì họ tranh đấu cho tự do dân chủ và bênh vực người lao động. Tổ chức quốc tế tranh đấu cho nhân quyền Human Rights Watch vẫn quan tâm đến ba nhà trí thức trẻ khác đã bị công an Cộng Sản Việt Nam bắt từ lâu, cũng chỉ vì tranh đấu cho các nông dân bị cướp đất mà không bồi thường đầy đủ. Ðó là các ông Ðoàn Huy Chương, 25 tuổi, bị bắt ở Trà Vinh, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, 29 tuổi, và cô Ðỗ Thị Minh Hạnh, 25 tuổi, bị bắt ở Lâm Ðồng.
Ông Ðoàn Huy Chương đã thành lập Hiệp Hội Ðoàn Kết Công Nông từ năm 2006, nhưng mọi hoạt động đều bị công an phá. Ông Nguyễn Hoàng Quốc Hùng đã tốt nghiệp đại học về công nghệ tin học; cô Ðỗ Thị Minh Hạnh đã tốt nghiệp Ðại Học Kinh Tế là hai người bạn cùng tham dự tranh đấu cho nông dân và người lao động. Cả hai bị công an kết tội “phá hoại trật tự xã hội.”
Thứ trật tự xã hội mà công an muốn bảo vệ là trật tự của chế độ độc quyền độc đảng theo lối Lenin mà Hồ Chí Minh đã nhập cảng vào nước ta. Tất cả mọi người dân Việt Nam phải chịu cho đảng Cộng Sản cầm đầu, mà hiện nay thì chính các lãnh tụ đảng đó cũng không cần biết chủ nghĩa Mác là gì nữa. Nhưng họ vẫn “bảo vệ trật tự” để cho các quan chức cán bộ tham nhũng và tư bản đỏ làm giàu rồi chia nhau. Nông dân và người lao động không có quyền thành lập những tổ chức độc lập để tự bảo vệ quyền lợi, vì chỉ có đảng Cộng Sản mới có quyền đó. Báo chí, truyền thông đều do đảng Cộng Sản nắm giữ, kiểm soát gắt gao; cho nên nông dân và công nhân không có tiếng nói độc lập. Trong hoàn cảnh đó, chỉ có những nhà trí thức độc lập như Lê Thị Công Nhân, Tạ Phong Tần, bà Dương Thị Tân, ông Ðiếu Cày, Ðoàn Huy Chương, Nguyễn Văn Ðài, vân vân, đã tự đứng ra lên tiếng bảo vệ các nông dân và người lao động. Chính các bloggers đang lên tiếng giúp các đồng bào lao động và nông dân, đòi quyền lợi kinh tế và đòi tự do dân chủ. Họ nối tiếp tấm gương của những người như Trần Văn Thạch trước đây gần một thế kỷ.
Một thế kỷ qua, những ước mơ của Trần Văn Thạch vẫn chưa được thể hiện. Mặc dù theo chủ nghĩa Mác, nhưng ông đã bị đảng Cộng Sản Việt Nam, theo Stalin và Ðệ Tam Quốc Tế, giết chết từ năm 1946. Cũng bị giết trong thời gian đó là các nhà cách mạng Ðệ Tứ khác như Hồ Văn Ngà, Lê Văn Thử, Lê Văn Vững, Phan Văn Hùm, Nguyễn Văn Vàng, Nguyễn Văn Tiền, Tạ Thu Thâu, Nguyễn Văn Số, vân vân. Họ lần lượt bị công an Cộng Sản sát hại ở khắp nơi, trước khi lo đối đầu với thực dân Pháp. Họ cũng là những người muốn thực hiện chủ nghĩa Cộng Sản, đã suốt đời hy sinh tranh đấu cho giới lao động, nhưng không chấp nhận các chính sách tàn khốc của Stalin. Hồ Chí Minh đã theo lệnh Stalin, phải tiêu diệt hết những người Ðệ Tứ, trong lúc toàn dân Việt Nam đang cần đoàn kết chống Pháp.
Các cuộc biểu tình đang diễn ra ở trong nước, như vụ Thanh Hóa; và những mạng lưới loan tin về phong trào đó, cho thấy những ước nguyện của Trần Văn Thạch vẫn còn được giới trẻ ở Việt Nam theo đuổi. Năm 1927, Trần Văn Thạch viết trên báo Sinh Viên, tưởng tượng một tương lai “xa vời” vào năm 1953, sau khi nước nhà độc lập; ông hô hào: “Sự đoàn kết của người An Nam (sic) là cần thiết và sự đoàn kết này chỉ có thể thực hiện được bằng cách giai cấp tư sản An Nam tự nguyện hy sinh cho giai cấp vô sản, bằng cách chìa tay nhân đạo và thân ái ra với họ.” (Sách dẫn trên, trang 78) Nhà cách mạng Ðệ Tứ này không thể tưởng tượng giai cấp “tư sản đỏ” ngày nay không chìa tay thân ái mà còn cho công an bắn chết các nông dân bị bóc lột ở Thanh Hóa!
Khi Trần Văn Thạch, một sinh viên triết học ở Paris vào cuối thập niên 1920, viết những lời kêu gọi tranh đấu cho quyền lợi của nông dân trích dẫn trên đây, ông mới 25 tuổi, bằng tuổi Ðoàn Huy Chương và Ðỗ Thị Minh Hạnh ngày nay, cũng bằng tuổi Lê Thị Công Nhân hay Nguyễn Văn Ðài khi họ bắt đầu ý thức trách nhiệm phải giúp đồng bào tranh đấu đòi sống trong tự do dân chủ. Bất cứ trong thế hệ nào, những thanh niên Việt Nam có ý thức sẽ đẩy cho lịch sử chuyển mình, các chế độ tàn bạo sẽ không thể ngăn cản được họ. Giới trí thức trẻ Việt Nam lại tự nguyện làm tiếng nói cho nông dân và người lao động. Nhờ kỹ thuật thông tin hiện đại tiếng nói của họ mạnh mẽ hơn nhiều so với trước đây một thế kỷ.

==========

Mời quý vị xem phim Đại Hàn " Vượt Tuyến " bộ phim gồm 10 tập , mỗi tập dài khoảng 10 phút , phim dựa theo một chuyện có thật xãy ra tại Bắc Hàn , coi để hiểu rõ thêm bản chất của người cộng sản , dù ở nước nào cũng tàn ác . Bộ phim nói về một gia đình người phu mõ , người vợ bị bịnh nhưng không tìm ra thuốc nơi xứ cộng sản nầy , người chồng phải tìm cách vào miền Nam Hàn để tìm thuốc , nhưng phải đi qua ngã Trung Quốc ... Phim tả  sự nghèo nàn , lường gạt , xấu xa của đời sống tại Bắc Hàn , cốt chuyện về sau rất cảm động , thương tâm . Kể sơ đoạn đầu , mời quý vị bấm vào coi tiếp  ...
Phim phụ đề tiếng Mỹ ...

1/   http://www.youtube.com/v/EplDYDOd6_c&rel=1&autoplay=1
2/   http://www.youtube.com/v/HaOOR-V7PKM&rel=1&autoplay=1
3/   http://www.youtube.com/v/QgvjoFvqlA0&rel=1&autoplay=1
4/   http://www.youtube.com/v/_2703l-39pc&rel=1&autoplay=1
5/   http://www.youtube.com/v/GqDQ3xjUO9U&rel=1&autoplay=1
6/   http://www.youtube.com/v/8NXMw7Vct-s&rel=1&autoplay=1
7/   http://www.youtube.com/v/NmjAmUWh8g4&rel=1&autoplay=1
8/   http://www.youtube.com/v/ZsaSv6t7GTY&rel=1&autoplay=1
9/   http://www.youtube.com/v/29aqiwsLjQE&rel=1&autoplay=1
10/   http://www.youtube.com/v/9Xk3psW7jvc&rel=1&autoplay=1



===============================
 
Đất nước ngậm ngùi






  • PSN - 1.6.2010 | Trần Khải


Thác Bản Giốc, phần còn lại.


Phần đảng CSVN cắt dâng cho Trung cộng.
Có một thời nào như thế này không: đất bị lấn nhiều nơi rồi đành phải cắm mốc biên giới mới, đảo bị chiếm mà không tranh cãi nỗi chỉ vì đã lặng lẽ ký bản văn công nhận khoảng cách 12 hải lý, ngư dân bị bắt đòi tiền chuộc mà chính phủ Hà Nội không dám đưa ra Liên Hiệp Quốc khiếu kiện, đưa công an giải phóng mặt bằng ra để chỉa súng bắn chết cậu bé 12 tuổi, bịt miệng những người quan tâm về dân chủ thô bạo bằng mọi cách, và tham nhũng thì hết nước nói...
Vậy đó, quê nhà như thế đó. Với trí nhớ về lịch sử quê nhà, tôi không hình dung nổi có một thời nào như thế này.
Chuyện mất đảo Hoàng Sa và một phần Trường Sa về tay nước lạ thì nhà nước Hà Nội không chối được, vì nhiều người biết rồi, lại có chứng cớ lá thư của Thủ Tướng Phạm Văn Đồng viết dịu dàng như kiểu “tiểu muội Việt Nam” gửi “đại ca Trung Quốc” nhờ giữ giùm các đảo trong khi Đảng CSVN gánh vác sứ mệnh “ba dòng thác cách mạng” đi xẻ dọc Trường Sơn để  tiến chiếm Miền Nam VN.
Nhưng Hà Nội vẫn còn cãi là đất không mất tí nào về tay Trung Quốc. Tuy nhiên, một bài viết mới đây của Thiếu Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, người có 94 tuổi đời và 71 tuổi Đảng CSVN, với nhan đề “16 chữ vàng là thật hay giả” đăng trên mạng www.boxitvn.net đã kể rằng VN mất nhiều đất về tay đại ca TQ, trích:
“...16 chữ do Trung Quốc chủ động nêu ra có nội dung thật không, trong tư tưởng có thật như thế không?
Nếu thật thì Trung Quốc hãy trả cao điểm 1.500m nằm trong huyện Vị Xuyên cho tỉnh Hà Giang. Nếu thật thì hãy trả 1/2 thác Bản Giốc lại cho tỉnh Cao Bằng. Hãy trả biên giới Việt Nam về sát Hữu Nghị Quan (mà xưa gọi là Ải Nam quan, Nguyễn Trãi đã tiễn cha là Phi Khanh đến tận đấy). Nếu hữu nghị thật thì hãy trả lại cho Việt Nam quần đảo Hoàng Sa và một bãi đá ngầm chiếm năm 1988 sau khi đánh đắm tàu tiếp tế và giết hơn 70 binh sĩ Việt Nam. Nếu hữu nghị thật thì hãy xóa bỏ cái “lưỡi bò” vẽ một cách vô lý và phi pháp bao trùm hầu hết biển đảo của Việt Nam và từ bỏ âm mưu chiếm Trường Sa của Việt Nam, hãy thôi bắt, bắn ngư dân Việt Nam và tước đoạt tài sản và ngư cụ của họ; hãy rút chiến hạm gọi là tàu “Ngư chính” khỏi vùng biển Đông xua đuổi ngư dân Việt Nam. Nếu là thật thì hãy hủy mọi hợp đồng thuê rừng dài hạn của Việt Nam. Hãy rút khỏi vị trí chiến lược Tây Nguyên của Việt Nam, không tham gia khai thác bauxit nữa. Hãy dừng việc xây dựng đập ở thượng nguồn sông Mê Kông gây cạn mực nước, đẩy nhân dân Nam Bộ Việt Nam ở đoạn cuối cùng của dòng sông vào cảnh mất đường sinh sống. Và nếu thật lòng hữu nghị thì hãy ra lệnh cho hàng ngàn tờ báo chính thống Trung Quốc lục địa thôi không được dùng giọng lưỡi hằn học điêu toa chửi bới người Việt Nam là tiểu nhân lang sói, động một tí là dọa dùng vũ lực ăn thua với Việt Nam. Nếu không làm như trên thì “16 chữ vàng” mà nhà cầm quyền Trung Quốc vẽ ra chỉ là trò giả hiệu.
Nó chỉ là lá bùa dán vào miệng để bịt miệng Việt Nam, “để ăn cướp mà Việt Nam không được la làng”, “xẻo thịt, cắt da Việt Nam cũng không kêu được”. Đáng tiếc là những nhà lãnh đạo Việt Nam vẫn “Hữu nghị một chiều”...”(hết trích)
Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh đang ở Hà Nội, đã viết như thế. May mắn, công an chưa bịt miệng Tướng Vĩnh, chưa cắt mạng Internet và cắt dây điện thoaị của ông.
Nhưng với Tiến Sĩ Nguyễn Xuân Tụ, tức nhà văn Hà Sĩ Phu, thì khác: cả Internet và điện thoạị đều bị cắt đứt.
Trong thư khiếu nại về chuyện bị cắt Internet và phone, đề ngày 26/5/2010, đề gửi lên Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Đức Hiệp, ông Hà Sĩ Phu viết:
“...Ngày 18/5/2010, tôi đến Sở Thông tin – Truyền thông tỉnh Lâm Đồng để khiếu nại thì được Chánh Thanh tra Sở Bạch Ngọc Dũng và Phó Chánh Thanh tra Sở Nguyễn Thúy Hằng tiếp và trả lời là Sở thông tin và Truyền thông tỉnh Lâm Đồng yêu cầu Viễn thông Lâm Đồng ngừng cung cấp dịch vụ đối với hai số thuê bao của gia đình tôi là làm theo yêu cầu của Công an tỉnh Lâm Đồng vì cơ quan này kết luận hai số thuê bao dịch vụ viễn thông trên được sử dụng để “chuyển tải những thông tin có nội dung chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” (Kèm theo Biên bản làm việc số 64/BB-TTr ngày 18/5/2010 do Chánh Thanh tra Bạch Ngọc Dũng ký)...” (hết trích)
Tất nhiên là ông Hà Sĩ Phu bị oan. Bởi vì thực sự ông không hề chuyển tải thông tin có nội dung chống lại Nhà nước CHXHCNVN. Cũng không thấy công an tới bắt ông Hà Sĩ Phu, cũng chưa thấy công tố viên Đà Lạt suy tính chụp mũ ông Hà Sĩ Phu... Nhưng cắt phone, cắt Internet vẫn cắt, bất kể gì khác.
Trong tuần qua, một chuyện kinh hoàng xảy ra là vụ “giải phóng mặt bằng” khu kinh tế Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa. Công an mang súng tới giảỉ tỏa nhà dân, đã nổ súng, bắn chết một cậu bé 12 tuổi và bắn bị thương hai người khác.  Nhiều hình ảnh bi thương được đưa lên Internet, cho thấy máu loang trên mặt đất, trên mặt và ngực các nạn nhân... Súng của chính phủ không để ngăn chận quân  thù Phương Bắc, lại đi bắn đồng bào tay không tấc sắt.
Máu này ngấm xuống đất, rồi sẽ nở hoa gì? Hình ảnh thật ngậm ngùi.
Nhà thơ cung đình Nguyễn Khoa Điềm, người từng giữ chức Bộ trưởng Bộ Văn hoá-thông tin CSVN, từng có những dòng thơ có vẻ như tương thích nơi đây, trích:
“Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình
Phải biết gắn bó và san sẻ
Phải biết hoá thân cho dáng hình xứ sở
Làm nên Đất Nước muôn đời...”(hết trích)
Đúng vậy, máu của em bé 12 tuổi đã ngấm xuống đất, đã hóa thân cho dáng hình xứ sở, nhưng sao để đất nước này lệ thuộc Phương Bắc và trở thành của riêng cho cán bộ gộc?
Nhà viết blog Người Buôn Gió trong bài “Lan man chuyện giải phóng mặt bằng” đã ghi nhận về vụ giảỉ phóng mặt bằng ở Nghi Sơn, trích:
“...Phải nhìn thực sự rằng có nhiều kẻ đã lợi dụng công cuộc hiện đại hóa, thu hồi đất, GPMB để toan tính trục lợi. Đó là điều hiển nhiên, con số này không phải ít mà còn đông đảo là khác. Nhiều khu đất dùng làm nhà máy không sử dụng hết diện tích, khi lập dự án, những kẻ đầu tư cố tình vẽ cho thật rộng ra, rồi xây rào khoanh lại, một cái nhà xưởng vài chục công nhân sản xuất giấy ăn cùng lắm dùng đến vài ngàn mét vuông là quá đủ. Nhưng vẫn cứ khoanh cả một diện tích bao la chủ yếu với mục đích chiếm giữ đất, sau này chia bớt, nhượng lại ăn chênh lệch cao gấp mấy lần vốn ban đầu bỏ ra. Việc đền bù 24 triệu 1 sào ruộng, san lấp rồi bán trao tay cho đầu tư Đài Loan 300 triệu 1 sào ở Mao Điền, Hải Dương khiến người dân phẫn nộ, những bà mẹ liệt sĩ phải cắn răng bê di ảnh của con mình đi khiếu kiện, phản đối trước hàng hàng, lớp lớp đủ các loại cảnh sát trang bị hầm hố như đánh trận. Chúng ta thường thấy những hình ảnh quân đội, cảnh sát dàn quân như vậy chỉ có trong chiến tranh, trên phim ảnh. Thế mà ngày nay trên đất nước của mình đã sạch bóng quân xâm lược, cớ sao súng ống, dùi cui, hơi cay, quân đặc nhiệm vẫn hàng ngày dàn trận trên khắp các vùng đất quê hương, chiến tranh đang xảy ra ư, chiến tranh với kẻ thù nào? Kẻ thù là những người đàn bà bê di ảnh con trai trong bộ quân phục, loang lổ vết ố của thời gian sao? Là những ông cụ, bà cụ già từng nuôi giấu cán bộ, là những người treo trong nhà hằng hà sa số những tấm bằng khen, ghi công trạng vì hy sinh cho đất nước có chủ quyền đó sao?”(hết trích)
Độc giả muốn xem hình ảnh vụ công an bắn chết trẻ em để giảỉ tỏa đất, có thể vào xem ở điạ chỉ: http://nguoibuongio.multiply.com/journal/item/466
Chuyện cướp đất bi thương là thế, còn chuyện khoa học tại VN lại trở thành cơ hội cho các quan mổ xẻ, chia chác.
Tác giả Nguyễn Ngọc Linh viết trên trang Boxit Việt Nam đã kể lại, qua bài nhan đề “Vài suy ngẫm nhân đọc bài : “Chỉ có Khoa học và Công nghệ mới đưa Việt Nam bứt phá”...” trong đó có kể một hồi ức của Vũ Cao Đàm, trích:
“...Tôi xin dẫn một đoạn trong bài “Tính trung thực của người nghiên cứu”  đăng trên Tia sáng ngày 04/09/2008 của tác giả Vũ Cao Đàm:
“Đây là câu chuyện ở giữa thủ đô Hà Nội. Một vài nhà khoa học lân la đến được mấy vị lãnh đạo rất cao trong Đảng và trong Chính phủ, thuyết phục thế nào đó, lập được một Viện trực thuộc Chính phủ. Viện có công an đứng gác và được sử dụng mật phí 1 và được cung cấp ngoại tệ (một chế độ đặc đãi chưa có tiền lệ ở đâu) để nghiên cứu những vấn đề trọng đại của quốc gia. Sau một vài năm, chúng tôi hỏi nhau về những thành tựu mà Viện đã cống hiến cho quốc gia, thì được một vị Vụ trưởng ở Ủy ban KH&KT Nhà nước cho biết: “Đơn vị nghiên cứu vật lý màng mỏng của Viện này đã sản xuất được… bộ thiết bị làm bánh đa nem; đơn vị về điện tử gì đó thì có thêm chức năng buôn xe máy… second hand từ nước ngoài, chất đầy một nhà kho cũng được công an gác cẩn mật; một đơn vị gì đó nữa thì mở cơ sở sản xuất nước tương… xì dầu… Còn những khoản ngoại tệ được giao sử dụng thì không quyết toán được; một kho máy tính mua bằng ngoại tệ mạnh thì bỗng nhiên bốc cháy”. Sau ít năm, Thủ tướng quyết định nhập Viện này vào một bộ, không được “trực thuộc Chính phủ” nữa. Cho đến ngày nay đã trên hai mươi năm, không ai nghe nói Viện đã có thành tựu nào đóng góp cho quốc gia, cũng không có bài báo nào công bố gây tiếng vang quốc tế. Còn các nhân vật chủ chốt – tác giả của sự phù phép đó – thì được đưa lên những chức vụ rất cao và ngồi đó bàn thảo chính sách khoa học và phán xét lập trường, tư tưởng, đạo đức của những người làm khoa học chân chính”...”(hết trích)
Thế đấy, các cán bộ lãnh đạo khoa học biết làm tiền ấy, họ đã lên “những chức vụ rất cao và ngồi đó bàn thảo chính sách” cả rồi, tác giả Vũ Cao Đàm đã kể như thế về một sự thực “trọng đại của quốc gia.”
Thế đấy, rồi chúng ta sẽ thấy Giám Đốc Công An tỉnh Lâm Đồng rồi cũng sẽ tương tự lên “những chức vụ rất cao và ngồi đó bàn thảo chính sách” -- vì đã có công ra lệnh cắt Internet và phone của Hà Sĩ Phu.
Thế đấy, rồi chúng ta sẽ thấy đơn vị công an giảỉ phóng mặt bằng Nghi Sơn rồi cũng sẽ tương tự lên “những chức vụ rất cao và ngồi đó bàn thảo chính sách” -- vì đã có công nổ súng bắn chết cậu bé 12 tuổi dám đổ  máu, đưa xác thân mình hóa thân ra dáng hình xứ sở... như kiểu nhà thơ Bộ Trưởng Văn Hóa Thông Tin dẫn trên đã viết.
Thế đấy, rồi ai sẽ thực sự làm chủ đất nước này – nơi có máu em bé 12 tuổi bị giết để hóa thân ra dáng hình xứ sở -- trong khi cái đảng “tiểu muội CS Việt Nam” liên tục nhượng bộ đất và biển cho “đạị ca CS Trung Quốc” như lời báo nguy của Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh?

No comments:

Post a Comment