Friday, June 18, 2010

Lúc nào cũng rất nhiều người tốt -- http://www.nguoi-viet.com


Ngô Nhân Dụng
Tại sao báo chí hay đăng những tin xấu? Mở một tờ báo hàng ngày, ở Việt Nam cũng như ở Ấn Ðộ, ở xứ Mỹ hay xứ Nam Phi, thế nào chúng ta cũng thấy những bản tin về trộm cướp, giết người, đánh ghen (dù có người coi tin này không xấu), tự tử, ăn hối lộ, bầu cử gian lận, vân vân. Nhiều người đọc các tin tức đó cảm thấy bi quan, than rằng thế gian này toàn những chuyện đáng chán đời.
Ðức Ðạt Lai Lạt Ma là một người có ý kiến ngược lại. Ngài cũng biết báo chí đăng toàn những tin xấu, nhưng thấy đó là một dấu hiệu tốt. Bởi vì người ta đọc báo cốt để thỏa mãn óc tò mò, muốn biết những chuyện lạ mà chung quanh mình hàng ngày không thấy. Những tin đăng trên báo là những chuyện hiếm có, lâu lâu mới thấy một lần. Báo đăng tin xấu vì đó là chuyện ít xảy ra; còn những chuyện bình thường, chuyện tốt lành, thì trên đời này rất nhiều, nhiều quá cho nên không ai đem đăng lên báo làm gì! Không phải ngày nào người ta cũng đánh ghen, bình thường nhân loại vẫn yêu nhau rất đúng tiêu chuẩn. Không phải ngày nào kẻ cướp cũng tấn công ngân hàng; ngược lại mỗi ngày bao nhiêu người đến “nhà băng” để gửi tiền và vay tiền! Tóm lại, theo Ðức Ðạt Lai Lạt Ma thì thế gian này bình thường là một nơi rất tốt, báo chí đăng các tin xấu vì nó hiếm! Chúng ta cứ nên yêu đời, đừng vì phải đọc, phải nghe nhiều tin xấu xí trên báo, trên đài mà chán đời, rất dại dột!
Thí dụ như trên Nhật báo Người Việt này, tuần trước đăng bức hình kèm theo bản tin, cho thấy một cậu bé cùng với cha đang ôm một sợi dây cáp treo giữa trời, băng qua con sông Pô Kô ở huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kontum, Việt Nam. Một bức hình chụp rất đẹp. Hai nhân vật, một già một trẻ, người nào cũng bám chặt hai tay vào sợi dây cáp, nét mặt rất “khẩn trương!” Lửng lơ giữa khung cảnh núi rừng và con sông nước chảy cuồn cuộn, hai bố con đung đưa treo giữa không trung; đúng là một bức hình lạ, đáng đem dự thi nhiếp ảnh thế giới. Nếu đó là một cảnh làm xiếc, thì chúng ta coi xong sẽ vui vẻ cười, được một dịp giải trí, thư giãn tinh thần!
Tại sao đồng bào ta ở Ngọc Hồi, Kontum lại không gửi bức hình đó đi dự thi nhiếp ảnh?
Ðọc bản tin thì biết rằng đối với đồng bào huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kontum này, đây không phải là một vụ biểu diễn tài lạ. Cũng không phải chuyện hiếm hoi. Không đáng làm một bản tin về chiếc “Cầu dây cáp qua sông Pô Kô.” Nó không lạ như câu chuyện Cầu Sông Kwai! Vì hàng ngày, mọi người dân ở đây, già trẻ lớn bé đều qua sông bằng phương pháp đu dây làm xiếc đó. Ai muốn qua sông đều phải tập ôm bám sợi dây! Em bé trong hình mỗi ngày phải đi học, ngày nào em cũng phải biểu diễn trò xiệc “nghiệp dư!” Tội nghiệp em bé! Tội nghiệp các em học sinh ở vùng này! Tội nghiệp cha mẹ các em!
Nhà báo trong nước đăng bức hình lên, các báo ở nước ngoài in lại, từ trong ra ngoài một làn sóng phẫn nộ nổi lên. Tại sao “người ta” lại để cho các em học sinh phải đu dây qua sông mỗi ngày như vậy?
Trong thế giới bình thường, trong thế giới mà mọi người tôn trọng phẩm giá của mỗi con người, tôn trọng quyền sống của mỗi con người, ai cũng phẫn nộ khi thấy một con người bị đẩy vào cảnh sống khó khăn, cực khổ như vậy. Nhất là các trẻ em. Trong thế giới bình thường, một đứa trẻ bị cha mẹ bỏ rơi không chăm sóc, bị bỏ đói, bị giá rét, thì hàng xóm cũng tố cáo, chính quyền có thể đưa cha mẹ em đó ra tòa. Những người chịu trách nhiệm có thể bị tù, bị phạt, có khi mất quyền nuôi con. Trẻ em là những đóa hoa trong khu vườn nhân loại. Ai cũng thấy mình có bổn phận trông nom, bảo vệ các trẻ em. Chúng ta có thể noi gương Ðức Ðạt Lai Lạt Ma mà nhận xét: Tấm lòng phẫn nộ của mọi người khi trông thấy cảnh các trẻ em phải đu dây qua sông khi đi học, đó là một dấu hiệu tốt. Loài người, ở đâu, vào thời nào, vẫn có sẵn từ tâm, thương yêu các trẻ em.
Khi tin này được đưa lên báo chí, chúng ta lại thấy một tin vui nữa. Là ngoài phản ứng phẫn nộ trước cảnh các trẻ em phải đu dây qua sông đi học, người Việt khắp nơi còn một phản ứng thứ hai. Riêng trên báo Người Việt, rất nhiều độc giả đã viết thư xin địa chỉ để có thể giúp đỡ em học sinh trong hình. Không ai đang tâm nhìn một trẻ em chịu cực khổ mà không muốn giúp! Cũng như khi báo này đăng bức hình em học sinh bị tật phải đi bằng hai tay đến trường mỗi ngày, rất nhiều độc giả cũng xin địa chỉ để giúp em mua một cái xe lăn. Ðây là một chuyện xẩy ra rất nhiều lần đối với tòa báo. Mỗi bản tin về một người nghèo khổ, đặc biệt là người Việt nghèo khổ, thế nào cũng có nhiều độc giả viết thư xin địa chỉ để giúp đỡ. Nhiều lần như vậy, đến nỗi có độc giả tỏ ý hoài nghi! Có vị quá thương đã viết thư nói thẳng điều ngờ vực đó! Nhân tiện đây xin nói rõ: Nhật báo Người Việt không bao giờ đóng vai trung gian để nhận và chuyển những số tiền hay tặng vật giúp đỡ người nào hết. Nếu người nào muốn giúp ai, tờ báo sẽ cố tìm địa chỉ để người giúp và người nhận liên lạc trực tiếp với nhau. Một tờ báo không đóng vai một cơ quan từ thiện, mặc dù đất nước chúng ta đang cần rất nhiều cơ sở từ thiện của tư nhân. Nhưng đó là việc của tất cả mọi người, ai muốn làm việc thiện đều có thể lập ra những tổ chức trong xã hội công dân, ở nơi nào xã hội công dân được phép tự do phát triển. Ở đâu không được tự do thì không thiếu gì người “làm việc thiện chui” trong khi những người khác tránh đấu đòi tự do!
Chúng tôi thông cảm với những độc giả đa nghi. Chúng ta đã sống qua một thời gian chiến tranh rất dài, đã chứng kiến nhiều điều dối trá quá. Nhiều kẻ biết lợi dụng từ tâm, lợi dụng lòng yêu nước, hàng triệu người đã bị lừa. Có những người bị lừa mà chết, có người bị lừa tự đem thân bước vào vòng tù tội, kể ra không hết. Trong lòng con người ai cũng có sẵn óc nghi ngờ. Kinh nghiệm sống quá lâu trong một xã hội nhiều lừa dối khiến cái tâm sở đó càng phát triển mạnh hơn, thật đáng tiếc!
Ngay sau câu chuyện “Cầu đu dây qua sông Pô Kô” này, chúng ta lại phải chứng kiến một cảnh tượng cho thấy bây giờ, ở Việt Nam, vẫn còn những người nói dối một cách trâng tráo, nhơn nhơn, không biết xấu hổ! Khi được nhà báo phỏng vấn về trách nhiệm của chính quyền trong vụ này, bà bí thư tỉnh ủy Kontum, cũng là đại biểu Quốc Hội, đã phân trần rằng một tháng (một tháng!) sau khi bẩy chiếc cầu qua sông Pô Kô bị bão cuốn trôi, bà đã tổng hợp tin tức, “báo cáo trực tiếp” với ông thủ tướng. Bà Y Vêng nói bà được ông thủ tướng đồng ý, “từng bước lập dự án để triển khai, khắc phục hậu quả của cơn bão.” Sau đó, “chúng tôi đã chỉ đạo làm các dự án... làm một số cầu...” Ðây là một nhà nước nói rất hay, những chữ “báo cáo, triển khai, chỉ đạo, khắc phục hậu quả,” vân vân, đều có bài bản như nhau cả.
Nhưng cùng lúc đó, trong một phiên họp Quốc Hội, ông Bộ Trưởng Giao Thông Vận Tải Hồ Nghĩa Dũng khi bị chất vấn lại “báo cáo” rằng ông “không hề được báo cáo” về câu chuyện “Chiếc cầu đu dây qua sông Pô Kô!” Vừa tỏ ý ngạc nhiên, chối biến không biết gì hết để trốn trách nhiệm, ông Hồ còn tỏ ra có óc hài hước nữa. Trước các đại biểu gật gù, ông lên tiêng khen ngợi hành động đu dây của đồng bào Ngọc Hồi! Ông nói đó là “một sáng tạo không ai ngờ tới!” Tuyệt vời! Chắc khi Ðảng áp dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác Lê nin thì cũng sáng tạo kiểu đó!
Thiếu một điều là ông Hồ chưa đề nghị hãy giữ nguyên cái cầu dây đó, chụp hình, gửi dự thi sáng kiến của ngành giao thông vận tải nước Việt Nam Cộng Hòa Xã hội Chủ nghĩa, dưới sự lãnh đạo của Ðảng Cộng Sản! Cả thế giới sẽ phải khâm phục! Tỉnh Kontum có thể biến nơi này thành một địa điểm du lịch, tuyển nhiều phụ nữ tới biểu diễn đu dây qua cầu!
Ông Hồ Nghĩa Dũng còn khoe rằng ông đã hỏi Sở Giao Thông tỉnh Kontum. Và họ “báo cáo” rằng họ không hề biết chuyện cây cầu đu dây làm xiệc này! Trời đất quỷ thần ơi! Ở trong tỉnh bị bão sập mất bảy cây cầu; dân túng quá phải đu dây qua sông, nhiều người đã rớt xuống sông, có người đã mất mạng! Vậy mà ông thủ trưởng Sở Giao Thông không hề biết! Câu chuyện này còn lạ lùng, đáng lên báo, lên đài, hơn câu chuyện chiếc cầu đu dây nữa! Chỉ có ở nước Việt Nam Cộng Hòa Xã hội Chủ nghĩa, dưới sự lãnh đạo của Ðảng Cộng Sản mới có những chuyện lạ lùng như vậy!
Nhưng nếu ông Hồ Nghĩa Dũng nói đúng sự thật, thì ông cũng tố cáo bà Y Vêng là người nói dối. Bà khoe đã “tổng hợp nhanh” các tin tức về vụ này, rồi đem báo cáo lên ông thủ tướng. Vậy tại sao những người trách nhiệm về giao thông ngay trong tỉnh mà bà làm bí thư họ lại không biết? Tại sao ông bộ trưởng phụ trách ngành giao thông trong chính phủ cũng không biết?
Nếu bà Y Vêng nói sự thật, thì ông Hồ Nghĩa Dũng mới là người nói dối. Ông nói gà, bà nói vịt, một trong hai người phạm tội nói dối. Mà lại nói dối trước báo chí, trước Quốc Hội, tức là bày trò dối trá với cả nước!
Nhưng cuối cùng thì câu chuyện chiếc “Cầu đu dây qua sông Pô Kô” lại có hậu. Sau khi nhiều người Việt biết cảnh khổ của đồng bào huyện Ngọc Hồi, mối từ tâm khắp nơi được đánh thức dậy. Bao nhiêu người đã góp tiền để giúp đồng bào dựng lại một cây cầu chắc chắn hơn. Nhiều doanh nghiệp cũng đóng góp. Nhiều người Việt Nam ở nước ngoài cũng gửi tiền về góp. Cuối cùng, trong lòng dân tộc Việt Nam không lúc nào thiếu những mối từ tâm. Bây giờ chỉ còn lo làm sao khi cây cầu mới được dựng lên, đó là cầu cốt sắt chứ không phải cốt tre! Chỉ có các nhà báo, đặc biệt là các nhà báo tự do trên mạng mới hy vọng giúp đồng bào Kontum bảo đảm được điều này.
Nói vậy chứ báo chí cũng có lúc giúp chúng ta nhìn thấy những cảnh đẹp trong cuộc đời, không phải họ chỉ loan báo toàn tin xấu! Báo chí dưới hình thức mạng lưới còn bén nhạy hơn nữa. Vì số nhà báo tự do trên các mạng rất đông, mà những người tự do luôn luôn động mối từ tâm, dễ cảm động trước các các tin tốt đẹp, hay khi nhìn thấy từ tâm thể hiện. Cho nên trong mấy ngày qua “Dân Mạng” nô nức khen ngợi anh tài xế taxi Ðoàn Thanh Xuân đã đem trả lại hành khách cái túi đựng tiền, nhiều thứ ngoại tệ trị giá trên 26 ngàn Mỹ kim. Hành động này, như một dân mạng viết, “cho thấy trên thế giới vẫn còn rất nhiều người tốt!”
Nếu theo tinh thần của Ðức Ðạt Lai Lạt Ma, thì ta nên nói lại: “Trên thế giới lúc nào cũng rất nhiều người tốt!” Không một chủ nghĩa độc hại hay một chế độ gian trá nào có thể hủy diệt mất thiện tâm của loài người!

================

Về văn kiện Đại hội XI: V. Lối ra danh dự cho Đảng CS

Bùi Tín Blog -- http://www1.voanews.com/vietnamese

Trên đây đã trình bày sự đánh giá về các văn kiện Đại hội XI. Đó là những văn kiện chứa đầy những lập luận gò ép, nói lấy được, những giải pháp không đáp ứng với cuộc sống thật của xã hội.

Tiếp đó cũng đã trình bày một giải pháp khác, vừa sát với cuộc sống của xã hội, vừa hòa hợp với thế giới dân chủ hiện đại.

Lối thoát dân chủ đa đảng trong trật tự luật pháp và xây dựng một mô hình tiến lên Nhà nước Phúc lợi chung là để tránh cho đất nước đang đi vào một chế độ gọi là «quá độ xây dựng CNXH», nhưng thực tế là sẽ sa vào một kiểu xã hội lạc hậu, đầy bất công và bất trắc.

1-Một xã hội không có dân chủ cũng không có CNXH. Nếu không kịp thời tỉnh ngộ, cứ lao vào những phướng hướng hiện tại, xã hội Việt Nam vẫn là một xã hội thiếu vắng tư do, không có công bằng xã hội, không có cơ hội đồng đều cho mỗi người công dân. Về kinh tế sẽ là một nền kinh tế lạc hậu, công nghệ thấp kém, khoa học chậm tiến, giáo dục chạy theo thành tích, chạy theo thi cử, đào tạo những thế hệ học «vẹt » chuộng bằng cấp, chức tước, lương bổng hơn là thích thú khai phóng sáng tạo. Vẫn sẽ là một xã hội chuộng đồng tiền hơn tình nghĩa, ganh đua bằng quyền thế hơn là bằng tài năng, một xã hội không có luật pháp vô tư, khách quan mà cán cân công lý luôn bị quyền lực và đồng tiền chi phối.

2-Đó là một xã hội độc đáo, với nghĩa là không giống ai, kết hợp cái xấu xa tệ hại nhất của CNXH Mác-xít (là nền chuyên chính độc đảng, là đảng CS một mình một chiếu, tự tung tự tác, không chịu một sự kiểm tra kiểm soát nào của xã hội, nắm trong tay trọn vẹn cả 3 quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp) với cái mặt xấu xa tệ hại nhất của chủ nghĩa tư bản (là cái bản chất tham lam lợi nhuận không hạn độ, dám lao vào làm giàu bất chính bằng muôn vàn tội ác, không hể bị kềm chế bởi lương tâm).

Họ đã cố tình loại bỏ cái tương đối có giá trị của CNXH Mác-xít là nguyên lý hưởng thụ theo lao động, khi thực hiện chế độ kinh tế theo phe nhóm, theo cánh hẩu, phân chia chức tước, bổng lộc, quyền lực cho vây cánh, gia đình, thân nhân, bộ hạ. Họ cũng đã loại bỏ cái hay, cái tốt nhất của chủ nghĩa tư bản là cạnh tranh trên cơ sở luật pháp, tài kinh doanh, chủ và thợ hợp tác dựa vào nhau để tồn tại và phát triển, san sẻ lợi ích hợp lý, chú ý đặc biệt đến toàn xã hội theo mô hình Nhà nước Phúc lợi. Trong mô hình Nhà nước này đã có những tỷ phú làm giàu đến đâu lại biếu tặng xã hội đến 80% tài sản hợp pháp của mình, và trước khi chết để lại di chúc hiến tặng xã hội cả 100% tài sản dành dụm được, có khi lên đến hàng chục, hàng trăm tỷ đôla.

3-Như vậy là họ đã từ bỏ cái kiểu CNXH Nhân văn, CNXH mang bộ mặt Nhân đạo, CNXH mang bộ mặt Người – le Socialisme au Visage Humain như Marx từng đề xướng trong lý luận nhưng không sao thực hiện nổi -- để trưng ra một kiểu CNXH theo luật rừng, CNXH rừng rú, mông muội, một CNXH mà đại văn hào Lỗ Tấn của Trung Quốc phải gọi là «chế độ người ăn thịt người».

Cái CNXH không mang bộ mặt con người ấy lại được ghép với một kiểu chủ nghĩa tư bản cánh hẩu riêng của nó, đó là chủ nghĩa tư bản chó sói, hung tợn, độc ác. Nó sinh ra vô vàn quái thai tiêu biểu, từ một Huỳnh Ngọc Sỹ, một Bùi Tiến Dũng, một Sầm Đức Xương, cha con Lê Đức Thúy…cho đến cầu gãy, hầm sập, hạt tiêu trắng trộn xi măng, thức ăn tẩm thuốc độc, ngành lao động xuất khẩu hàng ngàn gái mãi dâm, ngành bài trừ ma túy kinh doanh ma túy, ngành hải quan là cơ quan trùm buôn lậu…kể không sao hết.

Đâu là lối thoát danh dự cho đảng Cộng sản?

Kết luận 5 bài nghiên cứu này chỉ để chỉ ra rằng Đảng CS đã lợi dụng lòng yêu nước sâu sắc vô biên của toàn dân tộc để đạt cho được mục tiêu riêng của lãnh đạo – Đó là thực hiện mưu đồ của Stalin, Mao Trạch Đông và đệ Tam quốc tế Cộng sản nhằm mở rộng nền chuyên chính cộng sản ra toàn thế giới.

Sau khi cướp được chính quyền, đảng đã khư khư giữ lấy nó, không chịu sự kiểm tra, kiểm sát của toàn dân, không chấp nhận sự chọn lựa dịnh kỳ qua lá phiếu tự do của cử tri như ở các nước khác. Đây là một kiểu ăn gian trơ trẽn, lố bịch, phi pháp.

Lãnh đạo đảng và toàn thể đảng viên hãy thực hiện tự phê bình nghiêm chỉnh, chân thành, sòng phẳng trả lại cho nhân dân quyền lực tối cao, đề nghị Quốc hội thảo ra Luật bầu cử mới theo chế độ dân chủ đa đảng, thực hiện tự do báo chí, tự do lập hội và chính đảng, tự do bầu cử, quyết định những vấn đề cơ bản của đất nước, từ bảo vệ nền độc lập, toàn vẹn lãnh thổ đến xây dựng đất nước phát triển trong tự do, dân chủ, công bằng xã hội, bình đẳng và văn minh, hòa hợp trọn vẹn với thế giới mới.

Đây là thử thách lớn nhất đối với mỗi người trong Bộ chính trị, trong Ban chấp hành trung ương, xem họ có đặt quyền lợi của toàn dân lên cao nhất hay không.

Đó sẽ là phương án tốt đẹp nhất, hiện thực nhất, nhanh chóng nhất, an toàn nhất. Cần chỉ rõ việc thực hiện chế độ đa đảng thoạt nhìn có vẻ như là một thiệt thòi hay là một nhân nhượng của đảng CS, nhưng thật ra là trái lại. Thực hiện chế độ đa đảng, đảng CS sẽ có lợi lớn, có đối tượng để ganh đua ngay thật, để giữ mình trong sạch, để việc chống tham nhũng trong xã hội có kết quả. Và nếu đảng CS thắng cử thì đó sẽ là thắng lợi chính đáng, có giá trị, được công luận và xã hội công nhận, uy tín sẽ lên cao. Đảng CS không có lý do nào chính đáng để từ chối việc ganh đua, thi đua dân chủ bình đẳng như thế.

Cần thẳng thắn chỉ rõ rằng trong văn kiện Đại hội XI, có một điều nói dối lớn, sai hẳn với sự thật khi viết: «Đảng CS đã tiếp thu những giá trị quý giá nhất của thời đại» (!), trong khi trên thực tế qua văn kiện Đại hội XI đảng đã quay lưng, không chấp nhận tự do báo chí, tự do bầu cử dân chủ, tự do lập hội và chính đảng. Cần chỉ ra rằng một đảng cầm quyền biết tự trọng không thể nói một điều dối trá lớn như thế, một cách công khai, trắng trợn đến vậy mà không biết hổ thẹn với dân, với công luận quốc tế.

Trong dịp Kỷ niệm lịch sử Ngàn Năm Thăng Long, sẽ là điều sâu sắc, cao đẹp, có ý nghĩa trọng đại là Đảng CS bàn luận cho kỹ, tuyên bố và thực hiện trả lại cho nhân dân, cho cử tri các quyền tự do hiến định đầy đủ, không cắt xén, cùng nhân dân xây dựng chế độ dân chủ theo kiểu dân chủ - xã hội, theo mô hình Nhà nước Phúc Lợi Chung, cùng nhân dân đưa Tổ quốc Việt Nam lên một tầm cao Văn hóa – Chính trị, bước kịp với những nước dân chủ văn minh của thời đại. Nghĩa cử lịch sử này sẽ có giá trị hơn trăm ngàn tượng đài, vườn hoa, công trình xây dựng và văn hóa để Kỷ niệm xứng đáng một sự kiện Ngàn năm mới có một dịp.

Mỗi người dân mang dòng máu dân tộc Việt Nam xin hãy người người thức tỉnh, cùng nhau thức tỉnh, tham gia vào sự nghiệp cứu nước Nghìn năm một thuở này.

Ý kiến (12)


Thứ Năm, 17 tháng 6 2010 Thống Khổ (Gởi Lãnh đạo CS VN) Mong các ông sớm thức tỉnh cho dân tộc nhờ, vì bao nhiêu tấm lòng trăn trở với tâm huyết đã nêu lên vấn đề quá rõ ràng. Thế giới ngày càng phát triển nhờ áp dụng những cải cách thực tiễn để giải quyết vấn nạn chung trong khi các ông cậy quyền bắt buộc người dân đi theo một đường lối phi thực tế để kết quả là gì? Rồi một ngày các ông cũng chết chẳng đem gì theo mà để lại bao tiếng than oán.
Thứ Năm, 17 tháng 6 2010 Hiền Lương (Pháp) Các văn kiện Đại hội Đảng là hình thức cho vui, như diễn kịch chính trị, không thể tin tưởng được vì không thể thực hiện được. Đảng viên CS và dân biểu quốc hội CSVN phải tuân hành chỉ thị của đảng và chính phủ Trung Cộng, là người đã tròng cái thòng lọng vào cổ và dắt CSVN đi theo đường lối của Tàu Cộng.
Thứ Năm, 17 tháng 6 2010 Tình (Tây Ninh) Thực hiện chế độ đa đảng, đảng CS sẽ có lợi lớn, có đối tượng để ganh đua ngay thật, để giữ mình trong sạch, để việc chống tham nhũng trong xã hội có kết quả. Và nếu đảng CS thắng cử thì đó sẽ là thắng lợi chính đáng, có giá trị, được công luận và xã hội công nhận, uy tín sẽ lên cao. Đảng CS không có lý do nào chính đáng để từ chối việc ganh đua, thi đua dân chủ bình đẳng như thế.

No comments:

Post a Comment