SÀI GÒN (NV) - Bà Lê Thị Kiều Oanh, vợ ông Phạm Minh Hoàng, giảng viên Ðại Học Bách Khoa Sài Gòn mới bị bắt giam vì bị vu cho tội “đảng viên Việt Tân,” gửi thư cầu cứu dư luận trong ngoài nước về trường hợp của chồng bà.
Ông Phạm Minh Hoàng, 55 tuổi, bị “bắt khẩn cấp” sau khi bị xét nhà buổi tối ngày 13 tháng 8, 2010 vừa qua. Cả hai vợ chồng đã bị bắt thẩm vấn liên tục từ ngày 11 tháng 8, 2010 như lời bà nói trong cuộc phỏng vấn truyền thanh trên RFA hôm Chủ Nhật cho biết, vợ chồng bà đều bị vu cho tội là “đảng viên Việt Tân” mà bà nói “không phải.”
Ông Hoàng bế con gái Phạm Trâm Anh, 6 tuổi. (Hình: gia đình phổ biến)
Bức thư phổ biến rộng rãi trên nhiều báo điện tử, diễn đàn thông tin của bà Lê Thị Kiều Oanh, 46 tuổi, hiện đang ở Sài Gòn nói bà “đau buồn và uất nghẹn gửi thư này đến quý vị để báo động về việc nhà nước Việt Nam đã bắt giữ chồng tôi vào ngày 13 tháng 8 năm 2010 để điều tra chiếu theo Ðiều 79 Bộ Luật Hình Sự Việt Nam.”
Nếu bị kết án theo Ðiều 79 luật hình sự về “tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân,” nhẹ thì bị 5 năm tù và nặng có thể bị tử hình. Nhóm Luật Sư Lê Công Ðịnh, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Tiến Trung, Lê Thăng Long, Trần Anh Kim đã bị kết tội theo Ðiều 79 từ 5 năm tù đến 16 năm tù.
Trong bức thư, bà Kiều Oanh cho hay ông Phạm Minh Hoàng du học Pháp từ năm 17 tuổi (năm 1973): “Hấp thụ lối giáo dục trung thực và bình đẳng với nhiều sáng tạo tại đây, anh luôn ước mơ ngày trở về quê hương sẽ là một nhà giáo để mong góp phần xây dựng tương lai tươi sáng cho giới trẻ Việt Nam.”
Bởi vậy, trong một chuyến về thăm cha mẹ già bệnh hoạn hồi cuối thập niên 1990, ông đã “cố gắng thu xếp trở về quê hương, sẵn sàng từ bỏ cuộc sống an bình, đầy đủ phương tiện vật chất ở xứ người, trở về Việt Nam sống để săn sóc bố mẹ và nhận làm giảng viên tại trường Bách Khoa TP HCM để thực hiện giấc mơ của mình. Tâm huyết của anh là làm sao cho thanh niên Việt Nam ý thức được bổn phận và trách nhiệm để tích cực xây dựng một đất nước tiến bộ hơn về mọi mặt.”
Bà Lê Thị Kiều Oanh và con gái Phạm Trâm Anh. (Hình: RFA)
Trong bức thư, bà cho hay ông Hoàng trong gần 10 năm trở về sống trên quê hương, “luôn khắc khoải về những vấn đề của đất nước, từ nạn tham nhũng đến những bất công trong xã hội. Anh cũng thường chia sẻ với tôi về tình trạng ô nhiễm môi trường sinh thái của Việt Nam . Khi nhà nước cho phép Trung Quốc khai thác bauxite ở Tây Nguyên, anh đã than trời là tại sao có một quyết định vô cùng tai hại như vậy? Nên khi đọc được bản kiến nghị yêu cầu ngưng khai thác bauxite ở Tây Nguyên, do Giáo Sư Nguyễn Huệ Chi, nhà giáo Phạm Toàn và Tiến Sĩ Nguyễn Thế Hùng khởi xướng, anh đã không ngần ngại ký tên và kêu gọi bạn bè anh nên ký tên vào bản kiến nghị này. Chuyện Hoàng Sa, Trường Sa và các vụ ngư dân ta bị Trung Quốc hà hiếp, bắt giữ đòi tiền chuộc là những chuyện mà anh rất bức xúc. Anh đã tham gia buổi tọa đàm về Biển Ðông và Hải Ðảo Việt Nam tổ chức tại Sài Gòn vào ngày 24 tháng 7 năm 2009 để tìm hiểu thêm về các vấn đề này.”
Còn đối với thanh thiếu niên, ông Hoàng mở các lớp miễn phí dạy “kỹ năng mềm là những kỹ thuật dạy về tâm lý để tạo sự tự tin ở mỗi con người, giúp họ có cách nhìn khoa học để thích nghi vào đời sống xã hội.”
Với một người tâm huyết với quốc gia dân tộc như vậy, chế độ Hà Nội đã không trân trọng quí mến mà theo lời bà, đã bị vu cho tội tham gia một tổ chức bị nhà nước gọi là “khủng bố” để bắt tội.
Theo lời bà, chồng bà bị tra hỏi về những mối quan hệ của ông Hoàng khi còn ở Pháp cũng như chuyện dạy miễn phí kỹ năng sống cho thanh thiếu niên.
Bà đặt câu hỏi: “Việc tổ chức những lớp học miễn phí này không lẽ là một cái tội hay sao? Còn những mối liên hệ bạn hữu khi chồng tôi còn ở bên Pháp, không lẽ nhà nước cũng cho là một cái tội hay sao? Việc bày tỏ và chia sẻ sự quan tâm trước thực trạng đất nước, đau cái đau của dân tộc, cũng là một cái tội hay sao? Là một nhà giáo mà không biết xúc động, đau xót với những thăng trầm của xã hội, của đất nước thì làm sao có thể truyền dạy tinh thần yêu nước cho tuổi trẻ Việt Nam, những người sẽ phải gánh vác vận mệnh đất nước khi trưởng thành?”
Trước hoạn nạn bất ngờ và vô lý từ nhà cầm quyền độc tài đảng trị bà Kiều Oanh “quyết định gửi đến quý vị lá thư này để kêu cứu, để chồng tôi không bị bắt giữ một cách oan ức mà không ai hay biết. Tôi viết thư này trong tâm trạng ngổn ngang và lo âu. Lo âu về việc những người đang giam giữ chồng tôi có thể hãm hại anh ấy trong đêm đen mà không một ai hay biết. Lo âu về những thủ thuật ép cung của những người đang muốn gán ghép tội lỗi lên đầu chồng tôi và bôi đen những nỗ lực cao quí của anh ấy. Lo âu cho bé Trâm Anh, đứa con gái thân yêu của chúng tôi vừa mới lên 6 tuổi, cháu sẽ ra sao khi thiếu vắng sự dìu dắt của người bố thân yêu...”
Bà kêu gọi mọi người “lên tiếng và tiếp tay bảo vệ anh Phạm Minh Hoàng và những người yêu nước - những người đang muốn đóng góp cả cuộc đời mình cho ước mơ bảo vệ đất nước và xây dựng tuổi trẻ Việt Nam .”
No comments:
Post a Comment