Trong số 6 người cầm bút Việt Nam được trao giải thưởng nhân quyền quốc tế Hellman/ Hammett năm nay, có 4 người đang thụ án tù vì đã có tác phẩm hoặc bài viết trình bày quan điểm chính trị khác biệt với chính quyền.
Những tù nhân lương tâm này là ai, họ đã làm gì? Nam Nguyên tường trình:
4 nhà văn nhà báo đang bị chính quyền Việt Nam cầm tù được Human Rights Watch vinh danh và trao giải nhân quyền Hellman - Hammett 2010 gồm, bà Trần Khải Thanh Thủy, ông Vũ Văn Hùng, ông Trần Đức Thạch và ông Phạm Văn Trội. Tiểu sử các nhân vật này được ghi nhận trong thông cáo báo chí ngày 4/8/2010, theo đó:
Trần Khải Thanh Thủy là một tiểu thuyết gia và một nhà báo nổi tiếng; bà viết về quyền sử dụng đất của nông dân, nhân quyền, nạn tham nhũng, và đa nguyên chính trị. Bà thường chỉ trích chính phủ và Đảng Cộng sản Việt Nam. Vào tháng Mười năm 2006, bà bị đấu tố tại một phiên tòa dàn dựng trước hàng trăm người. Tháng sau, bà bị đuổi việc và bị quản chế tại gia. Vào tháng Tư năm 2007, bà bị bắt tại nhà và bị biệt giam tại trại giam B14 ở Hà Nội trong chín tháng. Vào năm 2008 và năm 2009, bà thường xuyên phải chịu sự sách nhiễu của công an và của các băng nhóm khu phố được sắp đặt, bao gồm ít nhất là 14 lần bị côn đồ ném phân và chuột chết vào nhà. Tháng Mười năm 2009, bà bị bắt sau khi cố gắng tới dự phiên tòa xử các nhà bất đồng chính kiến khác và bị kết án 42 tháng tù giam. Bà bị bệnh lao và bị tiểu đường, nhưng không được nhận chăm sóc y tế trong tù.
Hãnh diện cho Mẹ
Cháu cảm thấy hãnh diện và vinh dự thay cho mẹ bởi vì đây là một giải thưởng lớn của một tổ chức nhân quyền ở nước ngoài dành cho các nhà văn.
Cô Đỗ Thủy Tiên
Con gái lớn của nhà văn Trần Khải Thanh Thủy là Cô Đỗ Thủy Tiên 18 tuổi, đang theo học ngành xã hội trường đại học Marseille 01 Pháp quốc. Được tin mẹ được trao giải thưởng Hellman/Hammett, giải thưởng cao quí ghi nhận sự dũng cảm của người cầm bút đối mặt với khủng bố chính trị, Cô Đỗ Thủy Tiên phát biểu với Đài RFA:
“Đại diện cho mẹ cháu và gia đình, mẹ cháu nhận được giải thường này là điều hơi bất ngờ. Cháu cảm thấy hãnh diện và vinh dự thay cho mẹ bởi vì đây là một giải thưởng lớn của một tổ chức nhân quyền ở nước ngoài dành cho các nhà văn. Cháu cảm thấy rất vui, rất cảm kích mặc dù mẹ cháu hiện giờ đang bị vùi dập ở trong tù nhưng mà mọi người đều nghĩ tới mẹ cháu.”
Về tình trạng sức khỏe của nhà văn Trần Khải Thanh Thủy ở trong tù, Thủy Tiên cho biết:
“Bố cháu và gia đình mỗi tháng được thăm mẹ cháu 1 lần, mỗi lần được thăm nửa giờ. Mẹ cháu bị giam ở Thanh Hóa, Nghe nói sức khỏe của mẹ cháu không tốt, nghe nói bị chúng nó bắt ra đội trồng rau, công việc rất nặng nhọc, đó là những điều bố cháu cho cháu biết.”
Trong số những người cầm bút đang ngồi tù được trao giải thưởng nhân quyền Hellman/Hammet 2010 có ông Vũ Văn Hùng. Tiểu sử của ông được Human Rights watch ghi nhận:
Vũ Văn Hùng là một nhà giáo và cộng tác viên của tập san bất đồng chính kiến Tổ Quốc. Ông bị cơ quan sa thải vì có quan hệ với các nhà hoạt động dân chủ và các nhà văn bất đồng chính kiến. Ông bị tạm giữ chín ngày vào ngăm 2007 và sau đó bị quản chế tại gia. Ông viết Chín Ngày trong Tù, kể lại việc mình bị thẩm vấn. Vào tháng Tư năm 2008, ông bị bắt và bị đánh đập thậm tệ vì tham gia cuộc biểu tình ôn hòa chống Trung Quốc trong thời gian rước đuốc Olympic Bắc Kinh qua Thành phố Hồ Chí Minh. Vào tháng Chín năm 2008, ông lại bị bắt vì đã treo khẩu hiệu trên cầu kêu gọi dân chủ đa đảng. Hiện ông đang chịu án tù giam ba năm, và sau khi ra tù sẽ chịu thêm ba năm quản chế tại gia. Phiên tòa xử ông vào năm 2009 diễn ra chỉ vài tháng sau khi Nhóm Công tác Liên hợp quốc chuyên Giám sát việc Giam giữ Tùy tiện xác nhận rằng ông là nạn nhân của việc giam giữ sai trái và tùy tiện. Có tin rằng ông hiện đang bị giam tại Trại giam Hỏa Lò 2 ở Hà Nội; ông gặp nhiều vấn đề về sức khỏe sau khi bị đánh đập thậm tệ trong khi thẩm vấn và sau một tháng tuyệt thực.
Bà Vũ Văn Hùng nhủ danh Lý Thị Tuyết Mai từ Hà Nội phát biểu với Đài RFA:
“Gia đình chúng tôi cảm thấy bất ngờ về tin này, cảm ơn các tổ chức đã quan tâm đến công việc mà chồng tôi đã làm, quan tâm đến chính chồng tôi. Tôi rất cảm động và cảm ơn tất cả mọi người, các tổ chức đã quan tâm. Tôi nghĩ rằng chồng tôi anh ấy làm việc có tâm, tôi nghĩ rằng làm việc theo cái tâm của mình thì chẳng có gì là sai. Tôi rất ủng hộ chồng tôi.”
Bà Vũ Văn Hùng cũng cho biết về tình trạng của chồng ở trong tù:
Gia đình chúng tôi cảm thấy bất ngờ về tin này, cảm ơn các tổ chức đã quan tâm đến công việc mà chồng tôi đã làm, quan tâm đến chính chồng tôi.
Bà Lý Thị Tuyết Mai
“Chồng tôi hiện đang bị giam tại trại Nam Hà, lần cuối đi thăm là ngày 29/5 nhưng anh ấy đang bị kỷ luật nên gia đình đến thăm mà không được gặp, cũng không được gởi quà tiếp tế. Cũng không biết tình trạng sức khỏe của anh ấy, nhưng chủ nhật vừa rồi chị vợ anh Túc đi thăm nuôi về có nhắn rằng, hiện giờ anh Hùng yếu lắm cần gia đình đến thăm. Nhưng mà nếu gia đình có đến cũng không được gặp vì bị kỷ luật họ cấm ba tháng không được thăm nuôi.”
Giam giữ sai trái và tùy tiện
Ngoài bà Trần Khải Thanh Thủy, ông Vũ Văn Hùng còn hai người cầm bút đang ngồi tù có tên trong danh sách được trao giải thưởng nhân quyền Hellman/ Hammett năm nay. Đó là các ông Trần Đức Thạch và Phạm Văn Trội. Theo tiểu sử lược ghi của Human Rights Watch:
Trần Đức Thạch là tác giả của một tiểu thuyết, hàng trăm bài thơ, bài báo và các báo cáo lên án tham nhũng, bất công và các vụ lạm dụng nhân quyền. Là cựu chiến binh Quân đội Nhân dân, ông cũng là hội viên Hội Nhà văn Nghệ An. Tiểu thuyết Đôi Bạn Tù hoàn thành năm 1988 mô tả bản chất tùy tiện của hệ thống pháp lý và tình trạng phi nhân của nhà tù ở Việt Nam. Các bài thơ xuất bản với tiêu đề Những Điều Chưa Thấy viết về cuộc sống không có tự do và công lý. Trần Đức Thạch thường xuyên bị sách nhiễu kể từ năm 1975.
Vào năm 1978, áp lực trở nên thô bạo tới mức ông phải tự thiêu và bị bỏng nặng. Kể từ đó, ông đã bị bắt 10 lần và bị đưa ra tòa bốn lần, lần nào tòa cũng phải thả vì thiếu chứng cứ. Năm 2009, Nhóm Công tác Liên hợp quốc chuyên Giám sát việc Giam giữ Tùy tiện xác nhận rằng ông bị giam giữ sai trái và tùy tiện vào lần bị bắt sau cùng hồi tháng Chín năm 2008. Bất chấp điều đó, ông bị kết án ba năm tù giam và ba năm quản chế.
Kế tiếp là ông Phạm Văn Trội được Human Rights Watch vinh danh giải thưởng nhân quyền Hellman/Hammett, theo đó:
Phạm Văn Trội sử dụng nhiều bút danh khác nhau để viết về nhân quyền, dân chủ, quyền sử dụng đất đai, tự do tôn giáo và những tranh chấp về lãnh thổ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Ông là thành viên tích cực trong Ủy ban Nhân quyền Việt Nam. Ông cũng viết cho tập san bất đồng chính kiến Tổ Quốc. Kể từ năm 2006, ông bị công an sách nhiễu và triệu tập nhiều lần. Ông bị bắt vào tháng Chín năm 2008 và bị truy tố với tội danh phát tán tài liệu tuyên truyền chống chính phủ. Vào tháng Năm năm 2009, Nhóm Công tác Liên hợp quốc chuyên Giám sát việc Giam giữ Tùy tiện (the UN Working Group on Arbitrary Detention) xác định rằng Phạm Văn Trội đã bị giam giữ một cách sai trái. Bất chấp kết luận của nhóm này, vào tháng Mười năm 2009, ông bị kết án bốn năm tù giam và bốn năm quản chế.
Vừa rồi chúng tôi đã trình bày tiểu sử 4 người cầm bút Việt Nam hiện đang thọ án tù vì cổ vũ dân chủ nhân quyền tự do tôn giáo. Được trao giải Hellman Hammett năm nay, ngoài 4 nhân vật Trần Khải Thanh Thủy, Vũ Văn Hùng, Trần Đức Thạch, Phạm Văn Trội còn có 2 người viết Blog là Bùi Thanh Hiếu “Người Buôn Gió” và Nguyễn Ngọc Như Quỳnh với bút danh “Mẹ Nấm”.
Theo Human Rights Watch 6 nhân vật được giải năm nay từ Việt Nam đều là những người cầm bút mà tác phẩm và hoạt động của họ bị chính phủ đàn áp trong nỗ lực nhằm hạn chế tự do ngôn luận, kiểm soát các phương tiện truyền thông độc lập, giới hạn việc truy cập và sử dụng Internet.
Theo dòng thời sự:
- Sáu nhà văn Việt Nam đoạt giải Hellman/Hammett
- "Người Buôn Gió": Tôi rất vui khi thế giới quan tâm đến giới bloggers VN
- Mỹ thiết lập website về Kiểm điểm Nhân quyền Toàn cầu
- HRW lên án hành động bạo lực tại Chùa Phước Huệ
- HRW yêu cầu Việt Nam trả tự do cho sáu nhà dân chủ hoạt động ôn hoà
- Còn biết bao người tù chính trị bất khuất đang trong cảnh đọa đày
- Vui buồn sau những trang blog
- Blogger “Mẹ Nấm” bị từ chối cấp hộ chiếu
No comments:
Post a Comment