Sunday, August 1, 2010

Phiên họp vòng 2 giữa Việt Nam và Tòa Thánh: Vatican bác bỏ nhiều yêu sách của Hà Nội

















* Từ chối cấm TGM Kiệt về nước  
* Từ chối cấm Dòng Chúa Cứu Thế hoạt động  
* Ủng hộ giáo dân đòi tài sản 

LOS ANGELES (TH) - Tòa Thánh Vatican bác bỏ nhiều đòi hỏi phi lý của nhà cầm quyền Hà Nội khi họp vòng hai đàm phán thiết lập bang giao hồi cuối tháng 6 vừa qua.

Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt, trưởng ban tổ chức đại lễ Năm Thánh tổ chức ở Sở Kiện, Nam Hà,
ngày 24 tháng 11, 2009. (Hình: Ban Truyền Thông - TGP Hà Nội)
Theo một bản tin được tiết lộ trên thông tấn xã Công Giáo VietCatholic News, trong cuộc họp được tổ chức ở Vatican giữa đại diện Tòa Thánh và đại diện chế độ Hà Nội vào các ngày 23 và 24 tháng 6 năm 2010, CSVN đã đưa ra những đòi hỏi ngược ngạo nên đã bị bác bỏ.
Bản tin này nói rằng, “Khác hẳn với phiên họp vòng 1 tại Hà Nội, Tòa Thánh đã chấp nhận một số những đề nghị từ phía Việt Nam liên quan tới giáo hội Việt Nam thì trong phiên họp lần 2 Tòa Thánh chẳng những có thái độ không khoan nhượng với những lập luận phê bình giáo hội từ phía Việt Nam, nhưng còn thẳng thắn bác bỏ hầu hết các đòi hỏi do đoàn Việt Nam đưa ra ở phiên họp vòng 2 tại Vatican.”
Theo nguồn tin VietCatholic News, “Ðoàn Việt Nam đã đề nghị Tòa Thánh cấm không cho Ðức TGM Ngô Quang Kiệt về nước kể cả dịp đại hội các GMVN vào tháng 10 năm 2010 và không bổ nhiệm vào bất cứ chức vụ nào ở Tòa Thánh.”
Trước đòi hỏi này “Vatican cho rằng, Ðức TGM Ngô Quang Kiệt chưa bị tước quyền công dân Việt Nam nên Tòa Thánh không thể làm cái việc vi phạm nhân quyền và cả pháp luật Việt Nam nữa. Còn việc bổ nhiệm nhân sự ở Vatican, đó là công việc nội bộ mà Việt Nam không nên can thiệp vào giống như Vatican không thể đề nghị ông A làm thủ tướng hay bà B không được làm bộ trưởng ở Việt Nam.”
Cùng với đòi hỏi vừa nói, phái đoàn CSVN đòi “Tòa Thánh cấm không cho Dòng Chúa Cứu Thế hoạt động tại Việt Nam hay ít nhất không cho hoạt động tại Hà Nội giống như trước đây trong lịch sử Tòa Thánh đã rút dòng tên khỏi Việt Nam, không cho hoạt động mục vụ ở Việt Nam vào cuối thế kỷ XVII.”
Với đòi hỏi như vậy, VietCatholic News nói “Vatican trả lời các dòng tu hoạt động theo tôn chỉ của dòng và luật pháp ở từng quốc gia. Nếu họ sai pháp luật, xin các ngài hãy xử theo luật pháp, chúng tôi chỉ có thể nhắc nhở họ khi họ làm sai với tôn chỉ đã được Tòa Thánh phê chuẩn.”
Không những vậy, vẫn theo sự tiết lộ của VietCatholic News, chế độ Hà Nội còn đòi Tòa Thánh “ra thông báo cấm các cuộc tập trung cầu nguyện đòi đất đai, tài sản như thời gian vừa qua và can thiệp kịp thời như vụ cầu nguyện ở Tòa Khâm Sứ”. Phái đoàn Vatican trả lời rằng: “đất đai, tài sản của giáo hội sở hữu một cách hợp pháp, Tòa Thánh kiên quyết bảo vệ và vẫn dứt khoát nêu lại đòi hỏi của các giám mục Việt Nam là đòi lại quyền sử dụng hợp pháp Tòa Khâm Sứ ở Hà Nội và Giáo Hoàng Học Viện Ðà Lạt.”
Nguồn tin cho biết thêm “Lập trường của Tòa Thánh là luôn ủng hộ việc đòi hỏi chính đáng: việc đòi lại tài sản hợp pháp của giáo hội Việt Nam trong tình thần ôn hòa, bất bạo động”.
Trong những đòi hỏi phi lý của chế độ Hà Nội, VietCatholic tiết lộ “Việt Nam cũng đề nghị Tòa Thánh dừng tiến trình phong thánh cho Hồng Y Nguyễn Văn Thuận vì ‘không có lợi cho đại đoàn kết dân tộc’”. Tuy nhiên “Vatican đã bác bỏ thẳng thừng và cho đó là vi phạm các thỏa thuận giữa Vatican và Việt Nam ở vòng 1 vì chỉ có phong giám mục ở Việt Nam mới cần có sự đồng thuận của nhà nước Việt Nam mà thôi.”
Theo nguồn tin “Không khí họp căng thẳng tới mức phái đoàn Việt Nam đã xin tạm ngừng họp để xin ý kiến ở Hà Nội. Không biết Hà Nội chỉ đạo thế nào nhưng kết thúc đã thống nhất đề nghị Vatican được cử một đại diện không thường trực đến Việt Nam.”
Bản tin của Tòa Thánh và của Bộ Ngoại Giao CSVN ngày 24 tháng 6 năm 2010 không có bao nhiêu chi tiết ngoài sự thông báo hai bên thỏa thuận để Tòa Thánh Vatican cử một vị đại diện không thường trú ở Việt Nam trong khi chưa thiết lập bang giao. Tuần qua, ngày 28 tháng 7 năm 2010 báo điện tử Nữ Vương Công Lý tiết lộ cha J.B Etcharren, nguyên Bề Trên Hội Thừa Sai Balê (MEP) làm đại diện không thường trú tại Việt Nam. Ngài là một vị linh mục đã lớn tuổi, thông thạo tiếng Việt và có nhiều hiểu biết kinh nghiệm về Việt Nam. Cho tới nay, không có một tin tức chính thức nào từ Tòa Thành về sự bổ nhiệm vị đại diện không thường trú tại Việt Nam.
Giáo dân Công Giáo Việt Nam trong và ngoài nước hiện không biết đích xác Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt đang ở đâu sau khi đã bất thần rời Hà Nội đêm 12 tháng 5 năm 2010 “để tiếp tục chương trình chữa bệnh và dưỡng bệnh ở ngoại quốc” theo một bản tin thông báo của Tòa Giám Mục Hà Nội chỉ vài ngày sau khi Ðức Cha Nguyễn Văn Nhơn từ Ðà Lạt được cử tới làm phó tổng giám mục với quyền thừa kế.
Dư luận giáo dân vô cùng hoang mang và tiếc nuối một vị chủ chăn mà họ tin tưởng cũng như cảm phục. TGM Kiệt từng bị CSVN công khai đòi đẩy ra khỏi Tổng Giáo Phận Hà Nội, coi ngài như một cái gai trong mắt cần phải nhổ hầu có thể dễ đối phó với các chống đối của giáo dân.
Với những gì được tiết lộ trong bản tin của VietCatholic News, viễn ảnh về một quan hệ ngoại giao đầy đủ giữa Vatican với Việt Nam và giải quyết các vấn đề liên quan đến giáo hội Công Giáo Việt Nam còn xa vời.

No comments:

Post a Comment