Sunday, August 29, 2010

TRUNG CỘNG: MỘT SIÊU CƯỜNG QUỐC TRONG TƯƠNG LAI ?

 

Hương Sàigòn

Vào giữa tháng tám, 2010 trang đầu của các nhật báo lớn trên thế giới loan tải tin Trung Cộng đã vượt qua mặt Nhật Bản để trở thành một nền kinh tế đứng hàng thứ nhì trên thế giới, chỉ sau nước dẫn đầu là Hoa Kỳ.[1]  Dựa trên thống kê của Ngân Hàng Thế Giới  (The World Bank), trong đệ nhị tam cá nguyệt năm 2010, tổng sản lượng quốc nội  (Gross Domestic Products, GDP) của Nhật Bản là 1.288 trillion (1.288 triệu triệu) Mỹ kim, trong khi đó GDP của Trung Cộng là 1.337 trillion Mỹ kim. Theo con số nầy, tổng sản lượng quốc nội hằng năm (annual GDP) của Trung Cộng sẽ vượt trên 5 trillion Mỹ Kim. Trong khi đó GDP hằng năm của Hoa Kỳ là 14.8 trillion Mỹ kim.     
Dĩ nhiên, tin trên đã làm cho nhiều người, gồm cả một số ký giả, trên thế giới không ngần ngại tiên đoán rằng trong tương lai Trung Cộng sẽ đuổi kịp Hoa Kỳ và  trở thành một siêu cường quốc  (the next super power). Trong bài viết này, tác giả sẽ trình bày những yếu tố quan trọng mà một quốc gia cần hội đủ để trở thành một siêu cường quốc, đồng thời cống hiến độc giả một phân tích ngắn gọn để tìm câu trả lời hợp lý cho câu hỏi: Liệu Trung Cộng có thể trở thành một siêu cường quốc trong những năm sắp tới? Trước khi trả lời câu hỏi này, thiết tưởng cũng nên biết thế nào là một siêu cường quốc, cũng như những yếu tố ắt có và đủ của nó.
               Siêu Cường Quốc và Các Yếu Tố Cần Thiết
Tiến Sĩ  Alice Lyman Miller, một nhà nghiên cứu  tại Hoover Institute,  Đại Học Stanford, đồng thời là giáo sư về an ninh quốc gia (national security affairs) tại Trường Cao Học Hải Quân Hoa Kỳ (U. S. Naval Postgraduate School) định nghĩa siêu cường quốc như sau:
“Siêu cường quốc là một quốc gia có một sức mạnh vượt bậc (dominating power), có ảnh hưởng ở bất cứ nơi nào trên thế giới, và đôi khi còn có ảnh hưởng tại nhiều vùng (regions) cùng một lúc.”[2]
Cũng theo Tiến Sĩ  Alice L. Miller, một siêu cường  quốc  phải vượt hẳn các quốc gia khác trên thế giới
về bốn phương diện: (1) quân sự, (2) kinh tế, (3) chính trị và (4) văn hoá.
Dù tin hay không, đọc giả thường nghe nói rằng sau khi Nga Sô và khối cộng Đông Âu sụp đổ, Hoa Kỳ được coi là một siêu cường quốc duy nhất còn lại trên thế giới. Để có căn bản so sánh cho bài phân tích, người viết sẽ dùng Hoa kỳ như một tiêu chuẩn để so sánh nhằm phân tích xem Trung Cộng có thể được xếp vào hàng siêu cường quốc trong tương lai hay không.
            Yếu Tố Quân Sự
Một siêu cường quốc phải có một lực lượng quân sự (gồm quân đội, vũ khí cũng như các phương tiện quân sự khác) đứng hàng đầu và vượt hẳn các quốc gia khác trên thế giới. Thêm vào đó, siêu cường quốc phải có khả năng ảnh hưởng bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu. Để đạt được khả năng đó, một quốc gia phải có thể có mặt tại các địa điểm chiến lược trên thế giới nếu cần, cũng như có thể điều binh nhanh chóng vào chiến địa với những lực lượng vô địch trên không, trên bộ và trên biển với vũ khí tối tân có sức tàn phá mà kẻ địch phải e dè hoặc khiếp sợ.


Theo tiêu chuẩn trên, hiện nay Hoa kỳ là một quốc gia duy nhất trên thế giới có đủ kiều kiện quân sự của một siêu cường quốc. Thật vậy, Hoa kỳ có khả năng tham chiến bất cứ nơi nào trên thế giới để bảo vệ quyền lợi tối thượng của họ,  từ Granada đến Iraq hoặc Afganistan mà không gặp phải sự chống đối trực tiếp bằng quân sự của các cường quốc khác.[3]  Lịch sử hiện đại và cận đại cho thấy Hoa kỳ có khả năng điều binh một cách nhanh chóng với sức mạnh vô địch trên không, trên  biển và trên bộ. Hoa kỳ đang có mặt tại các địa điểm chiến lược như Đài Loan, Nam Hàn, Afghanistan, Iraq, Israel, Kosovo, Kuwait, Kyrgyzstan, Qatar, và Uzbekistan.[4] Hoa Kỳ có một quân đội được huấn luyện đầy đủ với vũ khí và phương tiện quân sự tối tân nhất thế giới như hàng không mẫu hạm, tiềm thủy đỉnh, hoả tiển xuyên lục địa, chiến đấu cơ siêu tốc và vũ khí nguyên tử.
Trong hai thập niên vừa qua, Trung Cộng  đã và đang nỗ lực tối tân hoá hệ thống quốc phòng của họ bằng cách  phát triển hệ thống tiềm thủy đỉnh (submarine), đặt mua từ Russia chiến đấu cơ tối tân Su-27 để bảo vệ không phận, khu trục hạm “Sovremenniy destroyers” mang hoả tiển có tầm bắn thấp (low-altitude anti-ship missile)  SSN-22 Sunburn, nhằm tấn công hàng không mẫu hạm  trong trường hợp Hoa kỳ can thiệp vào vùng biển Thái Bình Dương.[5] Đây là một tiến bộ quan trọng của Trung Cộng trên phương diện quân sự. Tuy nhiên, những phát triển đó chỉ tăng cưòng khả năng phòng thủ, chống lại các nước láng giềng như Nhật Bản, Ấn Ðộ , Nam Hàn, Đài Loan và các nước hùng mạnh khác trên thế giới xâm nhập Thái Bình Dương.
Mặc dù với nỗ lực hiện đại hoá vũ khí quốc phòng, Trung Cộng chưa  có khả năng tấn công vượt qúa vùng Thái Bình Dương vì không có hàng không mẫu hạm (aircraft carriers), cũng như không có mặt ở các điểm chiến lược trên thế giới như Hoa Kỳ. Bằng chứng hùng hồn về thế yếu quân sự của Trung Cộng so với Hoa Kỳ là Trung Cộng chưa bao giờ dám trực diện chiến đấu chống Hoa Kỳ trong một cuộc chiến tranh  qui ước nào mặc dầu họ thường phản đối Hoa Kỳ trên phương diện ngoại giao.
Tưởng cũng nên nhắc lại rằng cộng sản không bao giờ lùi bước hay thụ động trước bất cứ một thử thách nào nếu họ có khả năng chiến đấu. Sự thụ động của Trung Cộng trước cuộc đánh chiếm Iraq của Hoa Kỳ là một bằng chứng hùng hồn  của cái thế yếu của lực lượng quân sự Trung Cộng. Tóm lại, Trung Cộng chưa có  đủ điều kiện quân sự để trở thành một siêu cường quốc trong một tương lai gần.
            Yếu Tố Kinh Tế
Theo định nghĩa của Babylon's dictionary, “siêu cường quốc kinh tế (economic super power) là một quốc gia có một nền kinh tế với khả năng ảnh hưởng đến nền kinh tế của các nước khác, đồng thời có một sức manh vượt bậc về tài chánh cũng như tài nguyên".
Dựa theo tiêu chuần nầy, từ mấy thập niên qua Hoa Kỳ được coi là siêu cường quốc kinh tế duy nhất trên thế giới vì những lý do sau đây:
* Nền kinh tế Hoa Kỳ là một nền kinh tế lớn nhất thế giới được biểu tượng bằng tổng sản lượng quốc nội. Theo ước tính mới nhất của International Monetary Fund, GDP của Hoa Kỳ  là 14.8 trillion Mỹ Kim, lớn gần gấp ba lần GDP của Trung Cộng  với con số ước tính là 5.4 trillion Mỹ kim.
*  Hoa kỳ là trung tâm tài chánh của thế giới. New York Stock Exchange là thị trường chứng khoán lớn nhất thế giới, trong khi đó, đồng Mỹ kim được chấp nhận  khắp nơi, cũng như được dùng làm trữ kim của nhiều nước trên thế giới . Hiện nay, Mỹ kim chiếm 60% trữ kim thế giới (world reserves).
* Hoa kỳ từ bao năm vẫn đứng hàng đầu về kỹ nghệ, sản xuất 19% của tổng số sản phẩm kỹ nghệ trên thế giới, trong khi đó dân số Hoa Kỳ chỉ chiếm 4.5% của tổng dân số thế giới.
*  Mọi biến chuyển kinh tế của Hoa Kỳ đều có ảnh hưởng đến tình trạnh kinh tế các quốc gia khác trên thế giới, điễn hình là cuộc khủng hoảng tài chánh vừa qua đã tạo nên cuộc suy trầm kinh tế 2007-2009 ở Hoa Kỳ và các quốc gia khác trong khối Âu Châu, cũng như Nhật Bản và Trung Cộng.
Nhìn vào sự phát triển kinh tế nhanh chóng của Trung Cộng, mọi người đều công nhận rằng Trung Cộng đã thành công với một bước nhảy vọt từ một nền kinh tế chỉ huy, đóng kín, nghèo nàn và lạc hậu đến một nền kinh tế thị trường được xếp vào hàng các quốc gia đang phát triển (developing country) với một tổng sản lượng quốc nội đứng nhì trên thế giới. Thật vậy, trước năm 1979, vì theo mô hình kinh tế chỉ huy (command economy) của Nga Sô, nền kinh tế Trung Cộng được coi là một nền kinh tế tự túc (self-sufficient economy), có mức sống (standard of living) rất thấp với GDP theo đầu người là 90 Mỹ kim trong năm 1968.[6]
Bắt đầu từ năm 1969, Trung Cộng thực hiện những chương trình cải cách kinh tế (economic reforms) chuyển sang hệ thống kinh tế thị trường, mở cửa cho các cuộc đầu tư trực tiếp của ngoại quốc (foreign direct investments) cũng như tự do mậu dịch . Kết quả là từ 1979 to 2005 nền kinh tế Trung Cộng tăng lên gấp 11 lần (1100%). Đến năm 2009, GDP theo đầu người lên đến 6,675 Mỹ kim, gấp 74 lần (7400%) con số năm 1978.[7]
Mặc dù với sự phát triển vượt bậc vừa kể, so  với Hoa Kỳ, nền kinh tế Trung Cộng vẫn còn trong tình trạng của một quốc gia đang phát triển.  Bằng chứng rõ ràng nhất là tổng sản lượng quốc nội của Trung Cộng chỉ bằng 1/3 của Hoa Kỳ, trong khi đó tổng dân số của Trung cộng đông hơn bốn lần của dân số Hoa Kỳ. Mức sống của người dân Trung Cộng còn quá thấp. Theo thống kê của International Monetary Fund, tổng lợi tức quốc gia theo đầu người (gross national income per capita) của Trung Cộng trong năm 2009 là 865 Mỹ Kim, chỉ bằng khoảng 2.5% con số của Hoa Kỳ là 33,070 Mỹ kim, thấp hơn cả Thái Lan với tổng lợi tức quốc gia theo đầu người là 1,838 Mỹ Kim.[8] Chính vì thế mà sau những cao ốc tráng lệ ở Thượng Hải hoặc Bắc Kinh là những bãi rác to lớn, nơi kiếm sống của trẻ em thuộc giai cấp công nhân.
Việt Nam ta có câu: "Dân giàu nước mạnh". Rõ ràng, Trung Cộng chưa thể là một siêu cường quốc kinh tế vì mức sống của đa số dân chúng còn quá thấp kém.
               Yếu Tố Chính Tri.
Trên bình diện chính trị, một siêu cường quốc cần có một hệ thống chính trị gương mẫu mà đa số các quốc gia khác trên thế giới ngưởng mộ và cố gắng thực hiện hầu phát triển đất nước cũng như duy trì sự an lạc của toàn dân. Trong bối cảnh thế giới ngày nay, một hệ thống chính trị gương mẫu gồm một hệ thống xã hội  cởi mở và dân chủ (open, democratic society). Một xã hội mà trong đó quyền tự do và nhân bản của ngườI dân được hoàn toàn tôn trọng và bảo vệ bởi một hệ thống luật pháp công chính và hữu hiệu. Thêm vào đó, chính quyền được dân chúng tự do bầu lên và có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi quốc gia cũng như sự an lạc chung của toàn dân.  Chính phủ có những chính sách trong sáng (transparent policies), không gian dối và có trách nhiệm giải thích chính sách và hành động của mình trước dân chúng.  Một điều kiện quan trọng khác là siêu cường quốc phải có khả năng ảnh hưởng đến chính trị của các quốc gia khác trong cộng đồng quốc tế.
Hệ thống chính trị tuyệt đối hoàn hảo vừa diễn tả trên đây khó có thể tìm thấy ở bất cứ một quốc gia nào trên thế giới. Lý do hiển nhiên là không có cái gì hoàn toàn tuyệt đối trên thế giới nầy. Tuy nhiên, ta luôn có thể thẩm định sự kiện trên mức độ tương đối.
Tương đối mà nói, hệ thống chính trị. Hoa kỳ là một hệ thống gần nhất với hệ thống chính trị lý tưởng vừa kể.  Chính phủ liên bang và tiểu bang (gồm hành pháp và lập pháp) ở Hoa Kỳ đều được dân chúng bầu lên qua các cuộc bầu cử tự do. Các viên chức dân cử đều có nhiệm kỳ và hoạt động của họ luôn được dân chúng, báo chí và đảng đối lập theo dõi một cách tỉ mỉ. Tổng thống Hoa kỳ và các Thống Đốc tiểu bang thường phải giải thích cho cử tri những chính sách hoặc quyết định của họ về nội vụ cũng như ngọai giao qua các diễn văn trên các hệ thống truyền thông.  Đây là chính sách trong sáng mà chính phủ Hoa Kỳ đang cố gắng thực hiện. Trên bình diện quốc tế, một điều hầu như hiển nhiên là Hoa Kỳ đã và đang là một nước lảnh đạo trên thế giới, đặc biệt là sau khi Nga Sô và khối cộng sản Đông Âu  sụp đổ. Tiếng nói của Hoa Kỳ được coi là tiếng nói mạnh nhất tại Liên Hiệp Quốc, cũng như trong các hội nghị quốc tế.
Trong khi đó, mặc dầu sau 1978 Trung Cộng đã trở nên cởi mở hơn trên phương diện kinh tế, nhưng vẫn còn tiếp tục khắc nghiệt trên phương diện chính trị với chế độ cộng sản độc đảng và độc tài. Người dân ở Trung Hoa Lục Địa cho đến nay vẫn chưa được hưởng những quyền tự do căn bản như tự do bầu cử, tự do ngôn luận, và phải tuyệt đối tuân lệnh của đảng và nhà nước. Nói tóm lại, Trung Cộng vẫn còn tiếp tục chế độ độc tài toàn trị với một chính sách bưng bít thiếu trong sáng (lacking transparence). Một thí dụ điển hình của chính sách bưng bít và dối trá của nhà cầm quyền Trung Cộng là trong nạn dịch SARS vừa qua: Trung Cộng cố tình giấu giếm và nói dối trước cộng đồng quốc tế về thời điểm, hiện trạng và hậu quả của SARS.[9]  Chính sự thiếu trong sáng đó cho thấy rằng Trung Cộng chưa có một căn bản vững chắc về chính trị để trở thành một siêu cường quốc.  Một điều hiển nhiên hơn là không có một quốc gia nào trên thế giới (ngoại trừ Việt Nam, Bắc Hàn và Cuba) theo đuổi hoặc duy trì mô hình chính trị của Trung Cộng. 
            Yếu Tố Văn Hoá
Cũng như trên bình diện chính trị, một siêu cường quốc có một nền văn hóa cởi mở và trong sáng mà các quốc gia khác minh nhiên hoặc mặc nhiên yêu chuộng và theo đuổi.
Có những bằng chứng cho thấy nền văn hoá Hoa Kỳ là một nền văn hoá đang được dân chúng trên thế giới hâm mộ và hấp thu. Ngày nay, Anh Văn đã trở thành một ngôn ngữ quốc tế trong nhiều lãnh vực như du lịch, giáo dục, ngoại giao và chính tri. Mọi hội nghị về chính trị, ngoại gia, kinh tế và giáo dục đều dùng Anh ngữ. Tiếng Anh được dùng làm sinh ngử chánh tại các trường học khắp thế giới ngay cả tại Trung Hoa và Việt Nam.  Nền giáo dục Hoa kỳ hấp dẫn một số đông đảo sinh viên du học từ nhiều quốc gia trên thế giới. Theo The Chronicle of Higher Education (August 20, 2010), trong niên khóa 2008-2009, có đến 671,616 sinh viên ngoại quốc du học tại Hoa Kỳ, trong đó có 60% là sinh viên Á Châu. Cũng trong khóa học nầy, số sinh viên đại học (undergraduate) từ Trung Hoa Lục Địa tăng đến 60%. Trong khi đó, theo thống kê của Institute of International Education, số sinh viên  Hoa Kỳ du học ở Trung Cộng chỉ có đến 6,389 sinh viện trong năm 2006. Hơn nửa, nói một cách tổng quát, cuộc sống của dân chúng Hoa Kỳ, từ âm nhạc cho đến thời trang, đã trở thành kiểu mẫu cho dân chúng tại nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là dân cư ở ca’c thành phố lớn.
Trong khi đó, hiện nay chưa có chỉ dấu nào cho thấy Hoa ngữ sẽ được thông dụng ngoài lảnh thổ của Trung Hoa Lục Địa và Đài Loan. Cũng trong chiều hướng đó, phong tục, tập quán, âm nhạc và y trang thuần tuý Trung Hoa chẳng những không được thịnh hành mà còn không được hội nhập hoặc biết tới  tại các quốc gia khác trên thế giới.
Kết Luận

Phân tích trên đây cho thấy rằng Trung cộng chưa có đủ điều kiện để trở thành một siêu cường quốc, ít nhất là trong một tương lai gần. Trong dài hạn, thành thật mà nói không ai có thể khẳng định cái gì có thể xảy ra trên thế giới vì những biến chuyển bất ngờ ngoài sự tiên liệu bởi trí óc hữu hạn của con người. Tuy nhiên cho rằng Trung Cộng sẽ sớm trở thành một siêu cường quốc là một nhận định thiếu thành thật và kém khoa học. Có một điều mà người viết có thể tiên đoán với một mức tự tin cao: Bao lâu mà Trung Cộng còn bám giữ hệ thống độc đảng cộng sản độc tài, thì bấy lâu Trung Cộng sẽ không thể trở thành một siêu cường quốc trên thế giới. Hơn nửa, hệ thống độc đảng chuyên chính tự nó sẽ là một yếu tố ắt có và đủ để đưa đến sự sụp đổ của Trung Hoa Lục Địa. Và đây là đề tài của một bài viết trong số tới của TGNN.
Hương Sàigòn
(08/20/2010)

[1] Thi’ du., xem The Australian, August 17, 2010
[2] Hoover Digest, No. 2, 2005
[3]  Cường quốc (major power) là một quốc gia hùng mạnh nhưng chưa đạt được sức mạnh của siêu cường quốc, điển hình là Anh, Ðức, Pháp, Nga, Nhật Bổn và Trung Cộng.
[4] Theo tài liệu của Bộ Quốc Phòng Hoa kỳ, quân đội Mỹ (American troops) có  mặt ở 135 nước, xem  http://www.lewrockwell.com/vance/vance8.html
[5]  Hiện nay Trung Cộng đang thí nghiệm hoả tiển tiêu hủy hàng không mẫu hạm (carrier-killing missile) gọi là Dong Feng 21D . Tuy nhiên mức độ chính xác của loại hỏa tiển nầy còn phải được thử nghiệm. Các chuyên gia cho rằng Trung Cộng phải mất một vài thập niên nửa mới có thể hoàn chỉnh sự chính xác nầy vì muốn bắn trúng hàng không mẫu hạm đang di chuyển không phải là đơn giản.
[6] Economic Statistics, MationMaster.com
[7] Theo so^’ tho^’ng Ke^ cu?a International Monetary Fund (2009)
[8] Economic Statistics, MationMaster.com
[9] Xem Communist Party’s Lies, http://www.clearwisdom.net/emh/special_column/liar_ccp.html

Vài nhận định về biển Đông

Đoàn Hưng Quốc
image Kể từ ngày Ngoại trưởng Hillary Clinton bày tỏ mối quan tâm của Hoa Kỳ về biển Đông, nhiều người đã bàn đến một sự hợp tác mới giữa Mỹ – Việt để cân bằng với áp lực từ Trung Quốc, đồng thời có đôi chút hy vọng khi nhà cầm quyền Hà Nội tỏ thái độ bảo vệ sự vẹn toàn của lãnh hải.
Người viết chia sẻ mong mỏi này, nhưng đồng thời xin trình bày quan điểm khác biệt với nhiều ý kiến trên báo chí và các đài truyền thanh trong những ngày gần đây.
***
Nếu tiền đề để Hoa Kỳ trở lại Biển Đông chủ yếu là để bảo vệ quyền lợi của họ thì liệu người Mỹ có thể xem nhà cầm quyền Hà Nội như một đồng minh đáng tin cẩn hay không? Câu trả lời rất đơn giản là không. Ngay cả nếu đã bỏ qua bài học chua cay trong thời gian chiến tranh, đến giờ này chính dân chúng trong nước cũng không tin lãnh đạo sẽ chịu hy sinh quyền lợi cá nhân và đảng phái để thực tâm bảo vệ đất nước, thì làm sao nước bạn có thể trông cậy được?
Nhưng cho dù liên hệ không được gắn bó như với Nhật Bản, Nam Hàn thì liệu Hoa Kỳ có thể hợp tác với Việt Nam chỉ trên nhu cầu chiến lược hay không? Chắc chắn là được. Cũng giống như Mỹ hiện đang trợ giúp các nhà lãnh đạo độc tài và tham nhũng Karzai tại Afghanistan hay Zakari của Pakistan, cho đến lúc không còn phù hợp cho quyền lợi của họ nữa thì sẽ bị bỏ rơi. Lúc đó lãnh đạo còn có thể xoay chiều, chỉ có dân tộc mới phải chịu đựng sự chèn ép của ngoại bang.
Nền an ninh của Hoa Kỳ tại Đông Á dựa trên ba vòng đai chiến lược:
  1. Thứ nhất gồm các nước dân chủ và hùng mạnh Nhật Bản – Nam Hàn – Đài Loan (và có thể Singapore) vốn được bảo vệ bởi cây dù nguyên tử của Mỹ khi tối cần.
  2. Vòng đai thứ nhì là các quốc gia không cộng sản như Phi Luật Tân – Indonesia – Malaysia – Thái Lan, không chia sẻ văn hoá, không giáp giới và cũng không chiụ áp lực trực tiếp từ Trung Quốc.
(Người viết nghĩ trong tương lai không xa sẽ có phong trào Hồi giáo chống Trung Quốc - giống như chống Mỹ hiện tại - bắt đầu tại nước đông tín đồ nhất thế giới là Indonesia).
  1. Ngoài cùng cũng là khu vực tranh chấp gồm Việt Nam – Campuchia – Lào – Miến Điện, tức những nhà cầm quyền lệ thuộc vào Bắc Kinh nên không thể là đồng minh tín cẩn.
Hà Nội vì bất cứ lý do nào đó – như bị áp lực bởi lòng yêu nước trong quần chúng, hay do chia rẽ bởi một số thành phần phản tỉnh trong nội bộ – mở cánh cửa đón rước thì Hoa Kỳ sẽ bước vào. Trong mọi trường hợp, hiềm khích vì quyền lợi giữa hai nước Việt-Hoa đều mang lợi cho Mỹ!
***
Nhiều người hỏi liệu sự hiện diện của tàu chiến Hoa Kỳ có đủ để ngăn chận Trung Quốc đánh úp vào các hòn đảo Trường Sa hay không? Câu trả lời là không – dựa trên bài học khi Nga tấn công Georgia năm 2008, Âu-Mỹ chỉ phản đối suông chớ không hề có một động thái quân sự nào đáng kể.
Hoa Kỳ không thể có chính sách riêng lẻ tại Biển Đông mà phải cân nhắc với những tương quan còn lại trên toàn thế giới: kinh tế yếu; thất nghiệp cao; chiến sự tại Afghanistan chưa ngã ngũ; tình hình Iraq phải trông chừng cẩn thận; Bắc Hàn và Iran là những thùng thuốc súng có thể nổ bất ngờ. Mỹ không có điều kiện mở một mặt trận mới tại Biển Đông.
Nhưng nếu chỉ vì vài chiếc tàu chiến chạy qua lại mà khiến Bắc Kinh tức giận tấn công vào các đảo thì Hoa Kỳ rất có lợi: Phi Luật Tân – Indonesia – Singapore phải ngả theo Mỹ. Nhật Bản – Nam Hàn – Đài Loan cũng không còn chọn lựa vì e Trung Quốc bắt chẹn con đường hàng hải yết hầu. Nói cách khác, Hoa Kỳ không cần vận động vẫn củng cố được thế lực tại hai vòng đai số một và hai!
Nếu Bắc Kinh ngạo mạn đem quân dạy cho Việt Nam một bài học thì không còn gì tốt hơn: lòng yêu nước của người Việt sẽ khiến Trung Quốc sa lầy như Liên Xô đã lún sâu tại Afghanistan vào thập niên 1980. Sự phẫn nộ của dân chúng có thể làm lung lay đảng cầm quyền.
Tóm lại, Biển Đông là khu vực duy nhất mà hiện thời Hoa Kỳ có lợi thế trên chiến tranh không cân xứng (asymmetric warfare). Mỹ chỉ cần tốn nhiên liệu thăm viếng thường xuyên là đủ tạo uy tín, trong lúc Trung Quốc càng bỏ hàng ngàn tỷ xây căn cứ, tàu ngầm, mẫu hạm, hỏa tiển thì càng thêm mất chính nghĩa và bị cô lập.
***
Người viết nghĩ Hoa Kỳ không thể xem Việt Nam là đồng minh, chính vì Hà Nội có quá nhiều dấu hiệu không đáng tin.
Con người không thể sống hai mặt, như nhà nước không thể hai mang. Không một người cai trị yêu nước nào mà lại bỏ tù nhà báo và các blogger, bắt giam những người lên tiếng bảo vệ lãnh hải.
Chúng ta có thể hiểu những quả bóng mà Mỹ đã bỏ ra thăm dò mức độ lệ thuộc của Hà Nội vào Bắc Kinh. Chẳng hạn như người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo về hợp tác nguyên tử; Bắc Kinh lập tức lên tiếng phản đối gay gắt, và ngày hôm sau Hà Nội đã chối bỏ điều này.
Khi phụ tá Bộ trưởng Quốc phòng Robert Sher thăm Việt Nam ngày 17 tháng 8 thì Hà Nội cử Nguyễn Chí Vịnh – một nhân vật tai tiếng của Tổng cục 2 với thành tích thân Bắc Kinh – đón tiếp. Sau đó Nguyễn Chí Vịnh lập tức sang Hoa Lục ca ngợi sự hùng mạnh về kinh tế và quân sự của Trung Quốc như một yếu tố tạo ổn định trong khu vực (!). Toà Đại sứ Mỹ không thể không đánh giá rằng áp lực từ Trung Quốc hiện đang có phần thắng.
Tuy vậy người viết nghĩ Hoa Kỳ sẽ tiếp tục những động thái như thăm viếng và hợp tác giới hạn về quốc phòng. Trong vòng đai tranh chấp nơi ba nước Việt – Miên – Lào, Mỹ cần chứng tỏ sự hiện diện và mong đẩy lùi áp lực của Trung Quốc, trừ khi Bắc Kinh hồ đồ dùng sức mạnh quân sự như đã nói phần trên.
Một nhận xét của dân chúng trong nước cần được lưu ý, là nhóm cai trị Hà Nội hiện chỉ tham quyền và tiền – các phe phái ngả theo Mỹ hay Tàu cũng vì quyền lợi mà thôi, có thân Bắc Kinh đi chăng nữa thì tài sản vẫn chuyển sang Âu-Mỹ chớ không dại gì trao cho Trung Quốc. Người Mỹ sẽ lưu ý việc này khi yêu cầu một số điều kiện… rủi lỡ sau này lên voi xuống ngựa còn có tiền của che thân
***
Trở lại việc hợp tác nguyên tử, người viết nghĩ Hoa Kỳ không thể nào trao cho Việt Nam các kỹ thuật khả dĩ áp dụng vào quốc phòng với hai lý do:
  1. Dù tranh chấp nhưng Mỹ-Hoa vẫn phải tôn trọng an ninh cốt lõi lẫn nhau. Trung Quốc không thể nào chấp nhận được thách thức này, giống như phản ứng quyết liệt của Hoa Kỳ trong cuộc khủng hoảng năm 1962 khi Liên Xô mang vũ khí nguyên tử vào Cuba.
  2. Uy tín của Mỹ sẽ sút giảm rất nhiều vì không một nước Đông Nam Á nào có thể đồng ý cho Hà Nội có khả năng vượt trội về hạch nhân.
Trong trường hợp này, Bộ Ngoại giao Việt Nam không sai khi phát biểu rằng thu thập những kỹ thuật nguyên tử không có lợi cho Việt Nam, Hoa Kỳ, Trung Quốc và toàn vùng Đông Nam Á.
Vì thế người viết nghĩ tuyên bố của đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ chỉ là một quả bóng thăm dò xem Hà Nội xoa dịu sự bực tức của Bắc Kinh nhanh chậm ra sao – và kết quả đã rõ như đã nói phần trên.
***
Mới đây Hoa Kỳ không gởi đại diện thương mại nào đến dự cuộc họp tại Đà Nẵng khai mạc hôm 26 tháng 08 giữa các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN. Sự kiện này trùng hợp với việc Bắc Kinh ngỏ ý muốn dùng đồng Nhân dân tệ làm đơn vị trao đổi mậu dịch với các quốc gia Đông Nam Á.
Đây có thể là một khiếm khuyết trầm trọng của chính quyền Obama – thật khó được giải thích trong khi Ngoại trưởng Hillary Clinton vừa tuyên bố Đông Nam Á là khu vực trọng yếu trong chính sách của Mỹ. Giả thuyết Mỹ muốn tỏ thái độ không hài lòng trước việc Nguyễn Chí Vịnh ca ngợi sức mạnh kinh tế và quân sự của Trung Quốc cũng không đứng vững, vì đây là cuộc hội đàm với các nước Đông Nam Á chớ không riêng Việt Nam, nhất là trong hoàn cảnh Hoa Kỳ cần gia tăng mậu dịch để phục hồi kinh tế.
Nhưng mặt khác lại nâng cao mối lo ngại của các nước trong vùng nếu Hoa Kỳ vắng mặt khi Trung Quốc đang nổ lực ràng buộc về kinh tế, chính trị, quân sự lên toàn khu vực.
Chúng ta phải đợi đến cuộc Hội nghị thượng đỉnh giữa Hoa Kỳ và các nước ASEAN vào cuối tháng 9 mới có thể lượng định rõ hơn.
***
Lời cuối, nhà cầm quyền muốn bắt đầu tạo tin tưởng phải trả tự do cho những người yêu nước, bị bắt giam cầm chỉ vì nói Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam.
Lãnh đạo chân chính phải lấy dân làm gốc rồi mới tìm sự hợp tác với nước ngoài, chớ lâu dài không thể chia hai ba phe nhóm thân Tàu thân Mỹ rồi dùng các thủ thuật ngoại giao thật giả không ai tin để mỵ dân hay phục vụ quyền lợi bè phái.

Đ. H. Q.

No comments:

Post a Comment