Saturday, August 21, 2010

Kế Hoạch Phát Triển Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia tại Mỹ


Phát biểu tại Đại Hội Thường Niên của Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Hoa Kỳ 
của Ts. Nguyễn Đình Thắng Giám Đốc Điều Hành BPSOS
Garden Grove, California
Ngày 14 tháng 8, 2010

Kính thưa quý vị chủ tịch và đại diện của tổ chức cộng đồng đến từ các nơi, 

Tôi về đây như người trở về gia đình bởi vì năm 1996 tôi từng là chủ tịch của tổ chức cộng đồng của người Việt ở DC, Maryland và Virginia .
 
Hôm nay tôi xin chia sẻ với quý vị một giấc mơ. Đó là cộng đồng chúng ta sẽ vững mạnh không thua kém các cộng đồng bạn dù họ đã đi trước chúng ta nhiều trăm năm. Các sắc dân khác sẽ không còn nhìn chúng ta là người tị nạn mà là người đã sống thoát những thử thách sinh tử với đầy tài năng, bản lãnh, kinh nghiệm để cống hiến cho xã hội Hoa Kỳ và cho nhân loại.  Cộng đồng chúng ta sẽ đóng góp hữu hiệu cho đất nước-tôi không chỉ nói đến việc thay đổi chế độ mà là đưa đất nước bị chậm lụt nhiều thế kỷ nhanh chóng lên ngang hàng với các quốc gia tiên tiến trên thế giới. Tôi biết rằng mọi người có mặt ở đây cùng ấp ủ trong lòng giấc mơ như vậy, bởi nếu không thì quý vị đã không có mặt ở đây.
 
Chúng ta đang đứng trước một vận hội lớn để thực hiện giấc mơ này. Trách nhiệm lịch sử của tất cả chúng ta ngồi đây ngày hôm nay là không để lỡ vận hội ấy. Muốn thế chúng ta phải chọn đúng việc và làm việc đúng cách và đúng thời. Việc đúng, trước vận hội lịch sử này, là tạo nội lực và thế đứng cho chính cộng đồng của chúng ta.
 
Hồi nẫy bác sĩ Võ Đình Hữu chúc mọi người khoẻ mạnh. Giống như một cơ thể, một tập thể cũng cần khoẻ mạnh, nghĩa là phải có nội lực, thì mới làm việc lâu dài và đi xa được. Muốn có nội lực thì tổ chức phải có cơ sở, có nhân viên toàn thời, có ngân sách, có chương trình và có kế hoạch trường tồn. Khi cơ thể khoẻ mạnh, chúng ta dễ dàng đề kháng khi vi trùng xâm nhập. Một cộng đồng vững chãi sẽ chủ động thay vì  phản ứng và chao đảo. 
 
Sau nhiệm kỳ làm chủ tịch của tổ chức cộng đồng, tôi đã quyết tâm xây dựng một tổ chức toàn quốc có nội lực để đáp ứng nhu cầu của đồng hương, phát triển cộng đồng, và hỗ trợ cho cuộc tranh đấu cho dân chủ, nhân quyền, và tự do tôn giáo cho Việt Nam. Năm 1997, ngân sách của BPSOS là khoảng 30 ngàn Mỹ kim-năm trước đó chỉ có 3 ngàn. Tôi đưa ra chỉ tiêu đạt một triệu Mỹ kim về ngân sách. Nhiều người trong hội đồng quản trị lúc ấy rất hoài nghi, cho rằng tôi hão huyền.
12 năm trôi qua, ngân sách năm ngoái của BPSOS 12 triệu Mỹ kim. BPSOS hiện có 170 nhân viên toàn thời. hoạt động ở 18 địa điểm ở Hoa Kỳ và 4 địa điểm ở Á Châu. BPSOS là tổ chức ngưòi Việt duy nhất có văn phòng hoạt động thường trực ở Á châu để bảo vệ và phát huy nhân quyền cho người Việt.
Tôi nói điều này không phải để khoe về BPSOS mà để quý vị tự tin về khả năng phát triển nội lực. Quý vị có thuận lợi hơn tôi cách đây 13 năm. Xuất thân từ ngành kỹ thuật, tôi không hề có kinh nghiệm gì về phát triển tổ chức và cũng chẳng có ai chỉ bày cho; phải tự mày mò thôi. Còn bây giờ thì bất kỳ khi nào quý vị cần, tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn và hỗ trợ. Thực ra tôi đã chia sẻ những điều này trong quyển sách Thông Điệp Hy Vọng & Trách Nhiệm mà trong một dịp khác tôi sẽ giới thiệu với quý vị.
 
Hồi nãy có người trình bày về kế hoạch chuyển tin về trong nước. Lại có người giới thiệu về nỗ lực gây quỹ giúp thương phế binh ở quê nhà. Một dạo chính phủ Hoa Kỳ có ngân khoản nhiều triệu Mỹ kim cho những mục tiêu này nhưng cộng đồng chúng ta đã không biết cách để lấy những cấp khoản ấy.
 
Ở Hoa Kỳ, tổng thu nhập của tất cả các tổ chức phi chính phủ lên đến 250 tỉ Mỹ kim mỗi năm. Dân số người Việt chiếm khoảng 0.5% của tổng dân số Hoa Kỳ. Nếu tính một cách đơn giản theo tỉ lệ thì lẽ ra chúng ta mỗi năm phải đem về được cho cộng đồng là 1 tỉ 250 triệu Mỹ kim. Với tài nguyên ấy đem về hàng năm cho cộng đồng thì chúng ta thực hiện được biết bao nhiêu công tác, làm được biết bao nhiêu chương trình, phát triển được biết bao nhiêu tổ chức. Hãy hình dung năm 2020 cộng đồng chúng ta có hai chục tổ chức như BPSOS, và chỉ cần lấy về được con số lẻ của 1.25 tỉ, nghĩa là 250 triệu Mỹ kim mỗi năm, thì cộng đồng của chúng ta sẽ vững mạnh đến đâu và đi xa đến đâu.
Nhưng muốn lấy được ngân khoản thì chúng ta phải có tổ chức, phải có thành tích, phải chứng minh khả năng quản trị tài chánh và thực hiện chương trình. Các nguồn cấp ngân khoản rất cẩn thận khi chọn mặt gởi vàng. 
 
Song song với tạo nội lực, chúng ta lại còn phải tạo cả thế đứng trong dòng chính. Chúng ta phải có người ở bên trong, tại các bàn họp nơi chính sách được quyết định, để luôn luôn bảo vệ cho quyền lợi của cộng đồng. Nền dân chủ Hoa Kỳ chỉ dân chủ đối với những nhóm người nào biết tổ chức và tạo thế đứng để có tiếng nói ảnh hưởng. Bằng không chúng ta chỉ đứng bên lề của xã hội dân chủ vì những nhóm khác chi phối chính sách mà chúng ta đành phải chấp nhận và thi hành.
Đưa người vào nền chính trị dòng chính không phải là điều gì mới mẻ. Quý vị mới đây đã đưa được hai người của mình vào chức vụ dân cử ở Texas . Phát huy kinh nghiệm thành công này, các tổ chức cộng đồng cần biến mình thành môi trường tuyển lựa và đào tạo nhằm đưa thêm nhiều người trẻ vào các chức vụ dân cử. Giả sử trong 2 năm tới, chúng ta đưa thêm được 5 người nữa vào các chức vụ dân cử một cách có kế hoạch, thì chắc chắn sẽ tạo được sự chú ý của các cộng đồng bạn và của chính giới Hoa Kỳ.
 
Đã chọn đúng việc thì phải làm việc đúng cách. Đúng cách trong hoàn cảnh của chúng ta là phải tập trung, có trọng tâm, có kế hoạch đường dài và có mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn.
Tập trung vào một số trọng tâm nhất định là điều thật khó khăn cho chúng ta. Đôi vai gầy guộc của mỗi người Việt tị nạn phải gánh vác bao nhiêu là trách nhiệm đa đoan--trách nhiệm đối với bản thân, đối với gia đình, đối với thân nhân ở trong nước, đối với cộng đồng, đối với đất nước Hoa Kỳ và đối với quê hương Việt Nam . Nhưng muốn hiệu quả, chúng ta phải tập trung--nhất nghệ tinh, nhất thân vinh là câu nói từ ngàn xưa. Có tập trung chúng ta mới tăng khả năng, tăng tính chuyên môn và tăng triển vọng thành công.
 
Vấn đề cộng đồng và vấn đề đất nước không phải là chuyện một sớm một chiều. Chúng ta không thể làm một việc qua loa rồi vội nhẩy qua việc khác và hy vọng thành công. Chúng ta phải quyết tâm đi đường dài. Đồng thời chúng ta lại phải đề ra mục tiêu cụ thể ngắn hạn, cho ba tháng, sáu tháng, một năm, để đo lường từng bước tiến và điều chỉnh kịp thời khi cần thiết.
 
Đúng thời có nghĩa là ngay lúc này, khi vận hội hãy còn. Những người thuộc thế hệ gạch nối đang đóng vài trò chủ lực trong cộng đồng. Họ là những người quen thuộc với dòng chính mà vẫn gắn bó với cộng đồng và thiết tha với đất nước Việt Nam . Họ tạo được nhịp cầu cần thiết để đưa cộng đồng vào dòng chính và huy động dòng chính để thay đổi đất nước. Đó là vận hội lịch sử của chúng ta ngày hôm nay.
Nhưng thế hệ gạch nối này, trong đó có tôi, đang lùi dần vào bóng tối. Khi tre tàn nhưng măng chưa kịp mọc, thì tập thể sẽ không thể nào trường tồn. Nếu chúng ta không có kế hoạch để vun bồi cho thế hệ trẻ kế thừa thì cộng đồng chúng ta sẽ tàn lụi dần. Biết bao tài năng sẽ lạc thẳng vào dòng chính--họ sẽ rất thành công cho cá nhân và gia đình nhưng sẽ không là tài nguyên, vốn liếng cho cộng đồng và đất nước. Chúng ta chỉ có 10 năm, hoặc 15 năm nữa để vun xới cho thế hệ tương lai trước khi quá trễ. Chúng ta phải hành động ngay ngày hôm nay chứ đừng để đến ngày mai; mỗi ngày qua đi thì quỹ thời gian của chúng ta lại ngắn đi một ngày.
 
Tôi xin đưa ra hai đề nghị cụ thể cho các tổ chức cộng đồng.
 
Để tạo thế và lực chúng ta cần một đội ngũ những người lãnh đạo giỏi giang, có bản lãnh, có tinh thần dấn thân và đặc biệt là có đạo đức. Trong những tháng qua, và trong nhiều tháng tới, tôi đến nhiều nơi trên toàn quốc Hoa Kỳ để đề nghị kế hoạch đào tạo đội ngũ lãnh đạo trẻ cho cộng đồng chúng ta. Tôi gọi đó là kế hoạch 500 cho 5 năm. Mỗi năm trên toàn nước Mỹ chúng ta sẽ đào tạo 100 người trẻ về bản lãnh và tài năng lãnh đạo. Con số này có thể đạt được nếu cộng đồng ở mỗi địa phương chọn 5 đến 10 người mỗi năm theo những tiêu chuẩn thật chặt chẽ. Tôi đã sắp xếp với một tổ chức chuyên về đào tạo lãnh đạo của Hoa Kỳ để thực hiện điều này.
 
Trong thời gian đào tạo suốt một năm, lớp người trẻ sẽ áp dụng những điều học hỏi vào những dự án cụ thể của cộng đồng. Dự án ấy có thể là thiết lập chương trình giúp cho người cao niên, có thể là thực hiện một công tác tranh đấu cho nhân quyền ở Việt Nam, hoặc có thể là phát triển tài chánh và nhân sự cho tổ chức. Như vậy, họ sẽ đóng góp thiết thực để đáp ứng nhu cầu ngay trước mắt của cộng đồng trong khi đang tự chuẩn bị cho vai trò lãnh đạo trong tương lai.
 
Sau 5 năm chúng ta sẽ có 500 nhà lãnh đạo ở tầm vóc quốc gia, có thể thi thố tài năng với bất kỳ cộng đồng nào khác. Họ sẽ len vào mọi lãnh vực hoạt động, người ra tranh cử, người tham gia vào các cơ quan chính quyền, người thăng tiến trong công ty, người hoạt động xã hội… Họ sẽ gắn bó với nhau và đỡ đần cho nhau trong tình quen biết và trong lý tưởng phục vụ. Sự gia nhập dòng chính của họ sẽ kéo theo sự hội nhập của cộng đồng chúng ta. Sự thăng tiến của họ sẽ kéo cộng đồng chúng ta đi lên. Và họ sẽ đóng góp rất hiệu quả cho việc thay đổi Việt Nam .
 
Vai trò quan trọng nhất của cộng đồng người Việt ở hải ngoại đối với đất nước là quốc tế vận. Người trong nước có thể tài trí, bản lãnh, dũng cảm hơn bội phần nhưng vẫn không thể nào đóng vai trò quốc tế vận của chúng ta vì chúng ta có tư cách công dân của những quốc gia dân chủ trên thế giới. Muốn chu toàn vai trò quốc tế vận quan trọng này, chúng ta phải phát triển thế và lực của cộng đồng ở ngay mỗi quốc gia nơi mình sinh sống.  
 
Song song với việc đào tạo đội ngũ lãnh đạo, chúng ta cần tạo cơ sở vững chắc và phương tiện sẵn sàng cho họ hoạt động. Muốn vậy, các tổ chức cộng đồng cần quan tâm đến một yếu tố căn bản. Đó là sự kiểm soát nội bộ, trong tiếng Anh gọi là internal control. Tôi nghĩ rằng công thức của tổ chức cộng đồng ở Tarrant County là mẫu mực quý vị nên nghiên cứu. Ở đó, mọi người Việt đều được phục vụ và bảo vệ quyền lợi. Tuy nhiên chỉ những ai ghi tên là thành viên có đóng niên liễm, có trách nhiệm với tổ chức thì mới có quyền có tiếng nói quyết định đến tổ chức. Còn như nếu để bất kỳ ai, dù không có trách nhiệm, cũng có thể xía vào nội bộ, thì tổ chức mất đi khả năng kiểm soát nội bộ và rất dễ bị xáo trộn.
 
Thứ hai là, muốn phát triển, mỗi tổ chức cần có một người làm việc toàn thời để quán xuyến công việc, để quản lý chương trình, để đi họp hành, để truy tìm các nguồn ngân khoản. Ở bước khởi đầu, khi mỗi tổ chức còn thiếu phương tiện thì có thể chung nhau lại, gây quỹ ở mỗi địa phương để tài trợ cho một văn phòng trung ương, nơi đó có một người làm việc toàn thời gian để hỗ trợ cho việc phát triển ngân sách cho tất cả các tổ chức thành viên.
 
Từ ngàn năm qua, nhiều người nuôi giấc mơ vượt qua giới hạn của cuộc sống ngắn ngủi để trở thành bất tử. Ngày xưa Tần Thuỷ Hoàng đi tìm thuốc tiên để sống đời. Rồi các vua Ai Cập, các Pharaô, đã ướp xác để tiếp tục sống sau khi chết. Rồi Ông Stalin và Ông Hồ Chí Minh cũng ướp xác. Họ đều thất bại. Có một cách để thành bất tử mà chúng ta có thể làm được. Khi chúng ta tạo cơ sở và phương tiện để hàng hàng lớp lớp những thế hệ sau tiếp tục lý tưởng chúng ta đeo đuổi và vươn lên trên con đường chúng ta đi thì đó là bất tử.
 
Chúng ta hãy bắt đầu ngay hôm nay.
Xin cảm ơn quý vị.
 
Ts. Nguyễn Đình Thắng
Giám Đốc Điều Hành
BPSOS


=> Hãy cứu ngay hai cháu Hằng và Thúy ------- Cứu các em ngay lúc này quan trọng hơn hết !


Nhiều người xúc động nghe kể về vụ đàn áp tại Cồn Dầu

Ðỗ Dzũng. Nguồn: Người Việt
WASHINGTON, DC (NV) - Nhiều người tham dự buổi điều trần về tự do tôn giáo tại Việt Nam, do Ủy Ban Nhân Quyền Tom Lantos thuộc Hạ Viện Hoa Kỳ tổ chức tại tòa nhà Rayburn, Washington, DC, hôm Thứ Tư vừa qua, đã xúc động khi nghe thân nhân của những nạn nhân trong vụ đàn áp xảy ra ở giáo xứ Cồn Dầu, Ðà Nẵng, kể rất nhiều chi tiết những gì xảy ra hồi đầu tháng 5 năm nay.

Quang cảnh buổi điều trần về tự do tôn giáo do Ủy Ban Nhân Quyền Tom Lantos tổ chức tại tòa nhà Rayburn thuộc Hạ Viện Mỹ. Trên bàn chủ tọa, từ trái, DB Christopher Smith, DB Frank Wolf và DB Joseph Cao. (Hình: Người Việt)
Vụ này xảy ra ở Cồn Dầu làm một thanh niên, tên Nguyễn Thành Năm, bị công an đánh thiệt mạng và một số người bị bắt.
Buổi điều trần do ba DB Frank Wolf (Cộng Hòa-Virginia, đồng chủ tịch ủy ban), Joseph Cao (Cộng Hòa-Louisiana) và Christopher Smith (Cộng Hòa-New Jersey) chủ tọa.
Có mặt tại buổi điều trần, Tiến Sĩ Nguyễn Ðình Thắng, giám đốc điều hành BPSOS, kể với nhật báo Người Việt như sau: “Không khí rất xúc động. Cả ba dân biểu đều xúc động, nhiều người đã khóc. Các dân biểu đã dành ra một phút để cầu nguyện cho nạn nhân Nguyễn Thành Năm.”
“Có nghe các nhân chứng kể chuyện mới thấy không thể tưởng tượng được. Vụ Cồn Dầu là một cuộc đàn áp đẫm máu, các nhân chứng đưa ra nhiều hình ảnh rất thuyết phục. Các dân biểu cho biết sẽ chuyển các hình ảnh này cho Bộ Trưởng Ngoại Giao Hillary Clinton và yêu cầu Hoa Kỳ có thái độ với Việt Nam,” Tiến Sĩ Thắng nói tiếp.
Ông cũng cho biết, ba dân biểu nêu trên đang bàn bạc và yêu cầu Bộ Ngoại Giao sắp xếp cho họ đi thăm giáo xứ Cồn Dầu để dự lễ cầu nguyện cho nạn nhân.
Hai DB Joseph Cao và Christopher Smith đều là người Công Giáo. Còn DB Frank Wolf từng ra tác giả dự luật đưa Việt Nam vào danh sách Các Quốc Gia Cần Quan Tâm Ðặc Biệt (CPC) vì vi phạm tự do tôn giáo.
Những người tham dự điều trần với vai trò nhân chứng gồm có ông Theodore Van Der Meid (đại diện USCIRF), ông Nguyễn Thành Tài (anh ruột của anh Nguyễn Thành Năm, người bị thiệt mạng trong vụ Cồn Dầu), ông Nguyễn Vinh Quang (anh của ông Nguyễn Liêu, một nạn nhân vụ Cồn Dầu đã trốn thoát sang Thái Lan), bà Nguyễn Thị Luân (chị ruột của hai giáo dân Cồn Dầu hiện đang bị giam giữ) và ông T. Kumar (giám đốc phụ trách quốc tế của tổ chức Amnesty International).
Theo Tiến Sĩ Nguyễn Ðình Thắng, thông điệp của cuộc điều trần này rất mạnh mẽ và có thể sẽ gây sức ép cho chính quyền Việt Nam trong thời gian tới.
Ông nói: “Ngay sau khi cuộc điều trần chấm dứt, DB Joseph Cao có nói với tôi rằng cuộc điều trần có thông điệp rất mạnh (so powerful). Trước đây, tất cả thông tin chỉ được biết qua giấy tờ, bây giờ được thấy bằng hình ảnh, được nghe các nhân chứng nói bằng tiếng Việt, thấy từng biểu hiện trên khuôn mặt của họ.”
“Việc này xảy ra từ hồi 4 tháng 5, nhưng đây là lần đầu tiên Quốc Hội Mỹ chú ý. Tôi hy vọng các tổ chức chính quyền và cộng đồng đấu tranh cho tự do tôn giáo sẽ hành động mạnh hơn sau buổi điều trần này,” Tiến Sĩ Thắng nói thêm.
Sau cuộc họp, các dân cử Mỹ đã kêu gọi chính quyền Tổng Thống Barack Obama đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC và kêu gọi Bộ Ngoại Giao Mỹ đừng gia tăng quan hệ với quốc gia Ðông Nam Á này cho đến khi tình trạng nhân quyền được cải thiện.
Vị giám đốc điều hành BPSOS cũng cho rằng sự kiện DB Joseph Cao bay từ Louisiana và DB Christopher Smith bay từ New Jersey xuống Washington, DC, để dự buổi điều trần, mặc dù Quốc Hội Mỹ đang trong thời gian nghỉ hè, cho thấy vấn đề tự do tôn giáo tại Việt Nam quan trọng như thế nào.
Trước ngày có cuộc điều trần, Ủy Ban Nhân Quyền Tom Lantos đưa ra thông báo cho biết: “Nhìn chung, tình hình nhân quyền và tự do tôn giáo ở Việt Nam tiếp tục xấu đi dưới sự cai trị của chính quyền Việt Nam hiện nay. Cho dù việc Việt Nam gia nhập Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới năm 2007, mà nhiều người tin là đã giúp cải thiện quyền của người nghèo, tình trạng của những người bất đồng chính kiến và các cộng đồng tôn giáo vẫn không được cải thiện.”
“Phúc trình năm 2010 của Ủy Ban Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế Hoa Kỳ (USCIRF) đã đề nghị Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đặt Việt Nam trở lại danh sách CPC vì những tố cáo chính quyền Việt Nam vẫn kiểm soát chặt chẽ và đàn áp các hoạt động tự do tôn giáo,” bản thông cáo cho biết tiếp.
“Thêm vào đó, phúc trình năm 2010 của USCIRF cũng cho biết 'tranh chấp đất đai giữa chính quyền và giáo hội Công Giáo tiếp tục dẫn đến phiền nhiễu, tài sản bị phá hủy và bạo động.' Những vụ xảy ra tại giáo xứ Cồn Dầu mới đây cho thấy sự ngược đãi của chính quyền ngày càng gia tăng. Nhân viên an ninh nhà nước đã bắt bớ, đánh đập và giam giữ người dân của giáo xứ thuộc Giáo Phận Ðà Nẵng ở miền Trung Việt Nam để bắt buộc họ phải từ bỏ đất đai trong một nghĩa trang mà họ làm chủ cả trăm năm nay để lấy đất xây một khu nghỉ mát mới,” bản thông báo kết thúc.
Ủy Ban Nhân Quyền Tom Lantos được Quốc Hội thành lập năm 2008 để tưởng niệm cố DB Tom Lantos (Dân Chủ), một di dân gốc Hungary và là một người luôn đấu tranh cho tự do tôn giáo và nhân quyền.
Nhiệm vụ của ủy ban là cổ vũ, bảo vệ và ủng hộ các quy tắc nhân quyền quốc tế trong tinh thần không đảng phái, cả trong lẫn ngoài Quốc Hội, như đã được nêu ra trong bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền .
Ủy ban có hai đồng chủ tịch là DB James P. McGovern (Dân Chủ-Massachusetts) và DB Frank Wolf (Cộng Hòa-Virginia) và có một ủy ban điều hành gồm tám dân biểu thuộc hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ, trong đó có DB Joseph Cao và DB Christopher Smith.

*******************

21/08/2010

Các thế lực thù địch đang phá Đảng ở đâu ra?

Mai Xuân Dũng
image Khi hai cảnh sát bước vào quán ăn, thực khách đều liếc nhìn về phía họ. Những cái nhìn nghi ngại, không thiện cảm. Họ chọn một bàn có hai người dáng vẻ như hai vợ chồng và một cháu bé chừng 6 tuổi để ngồi. Đứa bé đang líu ríu chuyện trò với mẹ liền im bặt. Phục vụ bàn mang suất ăn đến cho hai cảnh sát và mọi người trong quán hết sức ngạc nhiên nghe thấy một trong hai cảnh sát nói lời cảm ơn. Chị phục vụ còn ngạc nhiên gấp bội. Hai vợ chồng cùng bàn nhìn hai cảnh sát tỏ vẻ thoải mái hơn trước còn đứa bẻ thậm chí còn lấy hai cái thìa đưa cho họ.
Câu chuyện tôi vừa kể có lẽ rất ít người tin là có thật nhưng là chuyện tôi được chứng kiến tận mắt. Ở xã hội ta ngày nay, có một sự thực đáng buồn: hầu như tất cả dân chúng từ đứa trẻ cho đến các cụ già đều ghét cảnh sát.
Khi trẻ con quấy khóc, người ta thay vì đem “ông ba mươi” ra dọa như trước kia thì bây giờ họ nói: “Con có nín ngay không, mẹ gọi công an đến bắt đi bây giờ”. Công an đã trở thành một biểu tượng thay thế cho “ông ba mươi”. Trong các câu chuyện thường nhật, mọi người chắc chắn nghe thấy những từ “bọn công an” hoặc “thằng công an” thay vì gọi là “chú công an” hoặc “anh công an”. Điều đó có phải vì mọi người trong xã hội ta trở nên kém văn hóa hơn hay ngành công an có khiếm khuyết trong việc đào tạo, giáo dục cán bộ chiến sỹ của mình?
Tôi không rõ trong các trường an ninh, người ta dạy công an những gì nhưng hầu hết các đồn cảnh sát đều có tấm bảng ghi rõ lời dạy của chủ tịch Hồ Chí Minh đối với công an nhân dân là: “Đối với nhân dân phải kính trọng lễ phép”.
Trong phép xử sự thông thường nơi công cộng, việc ngỏ lời cảm ơn là hết sức bình thường của mọi con người có giáo dục. Nhưng tiếng “cảm ơn” được nói ra bởi người công an lại là một điều ngạc nhiên của rất nhiều người. Thậm chí một đứa trẻ 6 tuổi cũng thay đổi hẳn thái độ với “ông ba mươi mới” bằng hành động lấy thìa đưa cho hai chú công an.
Việc công an dùng dùi cui thay cho lời nói đối với những người dân buôn thúng bán bưng mà cuộc sống gia đình trông vào gánh rau; việc công an lôi kéo, giành dật, tịch thu sọt hoa quả của những người phụ nữ mặt mũi hốc hác mà những đứa con đau ốm của họ đang trông chờ mẹ mua thuốc chữa bệnh mang về... quả thật đó là những việc làm xấu đi hình ảnh người cảnh sát. Đành rằng giữ gìn trật tự và vẻ đẹp văn minh đô thị là cần thiết nhưng cách làm đó của các anh dưới con mắt của dân chúng có làm đô thị trật tự hơn không, có làm cho bộ mặt xã hội trở nên đẹp và văn minh hơn không? Tự các anh đã tìm thấy câu trả lời.
Ở mức độ nghiêm trọng hơn, hành động có tính tàn bạo, vi phạm pháp luật khi thi hành công vụ của công an như trường hợp Nguyễn Mạnh Thư, công an huyện Tĩnh gia đã để lại vết thương khó lành trong lòng tất cả người dân. Tôi cho rằng trong suốt phần đời còn lại của mình, Nguyễn Mạnh Thư không thể tìm thấy bình yên trong tâm hồn khi khẩu súng trong tay anh được đảng giao cho không bắn vào kẻ địch, không bắn vào cái ác mà lại bắn vào một thiếu niên 12 tuổi vô tội là em Lê Xuân Dũng.
Không dùng súng nhưng Thiếu úy Nguyễn Thế Nghiệp, cán bộ công an huyện Tân yên đã gây ra cái chết thảm cho anh Nguyến Văn Khương ở Bắc Giang. Và điều đó đã dẫn đến một cuộc “bạo động” chưa từng thấy nơi miền quê hiền hòa này.
Vụ Bắc Giang chưa nguôi nỗi niềm nơi hàng triệu người dân thì tại Thái Nguyên công an giả dạng dân thường, thiếu úy Trương Đình Hoàng lại rút súng bắn thẳng vào nạn nhân là Hoàng Thị Trà, sinh viên Trường đại học Sư phạm Thái Nguyên.
Nhân dân có phải là kẻ thù của công an không mà sao các anh có thể hành xử với nhân dân như vậy?
Những hành động bắn vào dân của các anh sẽ làm dân tin yêu các anh hay căm ghét các anh rồi dẫn đến căm ghét chính quyền?
Đảng chắc cũng không vui vẻ gì khi lực lượng công an của Đảng hành xử với dân như vậy. Nhưng Đảng đã làm gì bao nhiêu năm qua để các sự việc tồi tệ đến mức như vậy có thể xảy ra trên đất nước ta, đất nước mà Đảng nói là “ Đảng là đảng của dân, do dân và vì dân”?
Có thể do Đảng quá lo lắng về “các thế lực thù địch” mà Đảng quên mất rằng “các lực lượng thù địch” đang hiện hữu trong Đảng, chống phá Đảng từ trong phá ra. Chỉ có như vậy mới biến được những thanh niên chất phác ở các miền quê nhưng khi mặc tấm áo công an được may bằng tiền của dân, do dân góp tiền nuôi nấng lại tự cho mình cái quyền hống hách với dân, vô lễ với dân và quay súng bắn vào dân.
Nhân dân chỉ mong công an ai cũng như hai cảnh sát nói ở phần đầu bài viết này, họ chỉ cần tỏ ra biết cư xử đúng mức với dân là đã nhận được ở dân sự tôn trọng đáng có. Họ chỉ cần tử tế trong lời nói với dân là đã được các em bé đang sợ công an như sợ “ông ba mươi” tỏ ngay lòng yêu mến.
Không thể không nói với Đảng về suy nghĩ của nhân dân rằng: chính những kẻ đang đào tạo ra công an là những kẻ đang phá Đảng, chính chúng là “các thế lực thù địch” chứ không phải là Nhân dân.
MXD
HC Mạng Bauxite

No comments:

Post a Comment