Saturday, August 14, 2010

VOA: Chị có sợ giải thưởng sẽ đem đến cho chị thêm rắc rối không? --- Như Quỳnh: Thật sự là mình không nghĩ là nó sẽ rắc rối nhiều, nhưng những người xung quanh mình hàng ngày ai cũng nói là nó sẽ rắc rối, nên mình cũng hơi sợ. Tại vì mình nghĩ rằng giải thưởng này nó là vinh dự đối với cá nhân mình, nhưng mà đối với một đất nước mà có nhiều công dân nhận được giải thưởng của Human Rights Watch thì thực sự nó là điều đáng buồn, nếu không muốn nói là điều đáng xấu hổ cho sự tự do, dân chủ của nước đó. Mình thì mình ước là nếu có thể đổi được vinh dự của cá nhân mình thì mình muốn là năm sau và nhiều năm tới nữa Human Rights Watch không vinh danh bất kỳ người Việt Nam nào nữa tại vì Việt Nam đã có sự tiến bộ về tự do và dân chủ.




Blogger Mẹ Nấm: Tại sao lại phải từ bỏ quyền được nói điều mình suy nghĩ?

Cô Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, tức blogger Mẹ Nấm, người từng bị bắt tạm giam hồi tháng 9 năm 2009 vì đã có những bài blog viết về những chủ đề mà chính quyền coi là nhạy cảm như vấn đề bauxite Tây Nguyên hay vấn đề Trường Sa và Hoàng Sa, mới đây đã được tổ chức Human Rights Watch trao giải thưởng Hellman/Hammet, một giải thưởng để vinh danh những cây bút dũng cảm từng bị chính quyền trấn áp. Blogger Mẹ Nấm cũng đã từng bị giới hữu trách từ chối cấp hộ chiếu và không cho phép xuất cảnh, nhưng cô đã không ngừng khiếu nại để đòi lại quyền lợi chính đáng của một công dân.
Blogger Mẹ Nấm sẽ tiếp tục viết lên những điều trăn trở của một công dân vì cho rằng đó là trách nhiệm của một người Mẹ.

VOA: Xin chào chị Như Quỳnh, xin phép được hỏi chị từ khi bị tạm giam giữ rồi được thả đến nay cuộc sống của chị ra sao ạ?

Như Quỳnh: Sau khi bị tạm giữ thì cuộc sống gia đình nó cũng có chút xáo trộn, công việc nói chung cũng có xáo trộn. Những khó khăn thì không ai gọi tên hết được, nhưng nói chung là có thay đổi so với trước, thậm chí các mối quan hệ như bạn bè thì nhiều người cũng kiêng dè với mình hơn ngày xưa.

VOA: Năm ngoái, chị đã đồng ý ngưng viết blog như một điều kiện để được trả tự do, sau đó chị viết trên blog của mình rằng chị hứa sẽ không viết blog nữa, nhưng gần đây chị lại tiếp tục viết blog, tại sao chị lại thay đổi quyết định của mình vậy?

Như Quỳnh: Thiệt ra sau khi mình trở về nhà 2 ngày thì mình đã đưa ra quyết định không viết blog nữa, vì trong cam kết mà phía an ninh buộc chồng mình phải ký có một đoạn cam kết “không để vợ tôi viết blog nói xấu nhà nước nữa”. Mình là phụ nữ mà, nên cái quan trọng nhất trong gia đình là phải giữ hòa khí, vì vậy mình chọn việc từ bỏ viết blog để giữ hòa khí trong gia đình là cái thứ nhất.  Cái thứ hai, khi làm việc thì an ninh họ cũng gợi ý là mình dừng viết blog đi, đừng có viết blog nữa. Mình nghĩ thời điểm đó mình dừng viết blog là vì gia đình, vì một cuộc sống yên ổn như một người bình thường khác.

Cho đến khoảng tháng 2/2010 thì mình xin cấp hộ chiếu, khi nhận hồ sơ của mình thì giấy tờ bình thường thôi, nhưng đến chiều họ lại báo là do có thông báo yêu cầu từ phía cơ quan an ninh điều tra từ tỉnh Khánh Hòa thì mình chưa được phép xuất cảnh, cho nên họ không cấp hộ chiếu cho mình được. Cái điều đó nó làm mình cảm thấy khó chịu, bởi vì khi mà mình được trả tự do trở về nhà, mình cảm thấy mình không được tự do lắm vì cuộc sống vẫn bị dòm ngó và việc không cấp hộ chiếu cho mình thì giống như mình không có đủ quyền của một công dân bình thường. Cho nên mình nghĩ mình đã hứa là mình không viết blog nữa, nhưng họ vẫn chưa xem mình là một công dân bình thường, vì vậy tại sao mình lại phải từ bỏ cái quyền được nói điều mình suy nghĩ, cho nên mình viết blog lại.

VOA: Khi đó chị có sợ rằng việc không giữ lời hứa này sẽ gây thêm khó khăn cho mình không?

Như Quỳnh: Thật sự là cái cảm giác sợ hãi nhất của một con người có lẽ là cảnh tù tội, mất tự do, và khi mình đã trải qua cái cảm giác mất tự do rồi thì mình nghĩ là không có nỗi sợ hãi nào có thể lớn hơn được nỗi sợ hãi đó.

VOA: Còn bây giờ chị đã được cấp hộ chiếu rồi phải không ạ?

Như Quỳnh: Mình đã được cấp hộ chiếu hôm thứ Hai vừa qua.

VOA: Vậy là do giới hữu trách họ thay đổi quyết định, thay đổi thái độ hay là có lý do gì khác ạ?

Như Quỳnh: Mọi người nói có thể là nhiều lý do, đặc biệt là việc mình trả lời phỏng vấn đài CNN trong câu chuyện về một blogger Việt Nam. Nhưng thực sự thì mình vẫn muốn tin rằng cơ quan an ninh điều tra họ có người thực sự biết lắng nghe và biết sửa sai. Bởi vì thái độ làm việc sau này của họ đối với mình rất nhẹ nhàng. Cho nên dù có lý do A, B, C, D nào đó thì mình vẫn muốn tin là cơ quan an ninh điều tra họ đã biết lắng nghe, dù là muộn màng.

VOA: Ngoài ra, chị có làm đơn khiếu nại lên cơ quan nào khác không ạ?

Như Quỳnh: Có, sau khi không được cấp hộ chiếu thì mình có làm đơn gửi thẳng lên ông giám đốc công an tỉnh Khánh Hòa, tức là người chịu trách nhiệm quản lý toàn bộ cơ quan an ninh ở Nha Trang, thì mình có nói về việc mình không được cấp hộ chiếu. Lúc đó mình nghĩ không phải mình đòi hộ chiếu mà là mình nghĩ phải có lý do chính đáng chứ không phải đề nghị chung chung, bởi vì mình có gửi cho ông ấy cả quyết định trao trả tự do nữa, thì mình muốn biết chính xác là tại sao mình không được cấp hộ chiếu, chứ không phải từ đơn vị cấp hộ chiếu là PA35 họ nói một lý do chung chung như vậy, mình thấy không thỏa đáng thì mình khiếu nại lần thứ nhất. Nhưng sau đó im lặng không có sự hồi đáp nào hết, khoảng hai tháng cho đến khi mình xuất hiện trên CNN, thì mình gửi tiếp đơn khiếu nại lần thứ hai, thì họ mời mình lên làm việc rất là nhẹ nhàng.

VOA: Sau vụ việc này chị rút ra được kinh nghiệm gì?

Như Quỳnh: Cái chuyện không được cấp hộ chiếu mình nghĩ là có thủ tục khiếu nại. Vì vậy những ai, những trường hợp nào không được cấp hộ chiếu hoặc bị tịch thu hộ chiếu một cách trái phép, mình gọi là trái phép tức là mình ra sân bay rồi bị tịch thu hộ chiếu, thì mình nghĩ nên kiên nhẫn và làm đơn khiếu nại, vì công an thì cũng phải theo luật pháp thôi. Mình có quyền phản đối và đừng có im lặng. Mình có gặp nhiều trường hợp rồi, họ hứa hẹn là sẽ cấp, để qua thời điểm này, thời điểm kia, thời điểm nhạy cảm, hoặc qua vụ này sẽ cấp hộ chiếu, nhưng mà đừng bao giờ thỏa hiệp với những lời hứa như vậy, bởi vì khi mà mình dễ dãi thỏa hiệp với một lời hứa mà không có văn bản, thì những người đai diện luật pháp, đơn giản ở đây là công an, thì họ sẽ có cơ hội để tạo ra tiền lệ xấu là tiếp tục giữ im lặng trước sự đòi hỏi quyền lợi công dân chính đáng của mình.

VOA: Khi không được cấp hộ chiếu chị đã viết blog lại, giống như một cách để bày tỏ sự phản đối, bây giờ đã được cấp hộ chiếu rồi, chị có định tiếp tục viết blog nữa không thưa chị?

Như Quỳnh: Thực sự cái mục đích của mình viết blog hay trả lời phỏng vấn thì nó không phải là vấn đề hộ chiếu, vì từ xưa đến giờ những điều mình viết nó là một cái trăn trở hay bức xúc rất bình thường của một công dân thôi. Xã hội mà, phải có phản biện thì nó mới tốt đẹp chứ! Cho nên mình nghĩ mình sẽ tiếp tục viết blog vì mong muốn một sự thay đổi tốt đẹp hơn cho xã hội Việt Nam hiện tại thôi.

VOA: Và chị sẽ tiếp tục viết về các đề tài được cho là nhạy cảm?

Như Quỳnh: Nếu như nhà nước vẫn tiếp tục bỏ qua các ý kiến của các chuyên gia, như vấn đề bauxite hay vấn đề chủ quyền, nếu như mà cứ để quyền lợi của người dân Việt Nam giống như ngư dân Việt Nam bị bắn, bị giết, mà nhà nước vẫn im lặng, không có động thái nào mạnh mẽ hơn, thì mình nghĩ là không chỉ mình mà tất cả các blogger Việt Nam sẽ tiếp tục viết những đề tài được cho là nhạy cảm.

VOA: Chị từng viết “nếu tôi có can đảm như những những nhà ái quốc đi trước, thì trang blog này sẽ còn tiếp tục”, và bây giờ trang blog đang được tiếp tục, phải chăng giờ đây chị đã lấy lại được can đảm?

Như Quỳnh: Mình thì mình không nghĩ như vậy, ở cái thời điểm mà người ta sợ hãi hoặc là để bảo toàn cái hạnh phúc gia đình mình thì người ta buộc phải đưa ra sự lựa chọn, tuy nhiên, khi những người thân trong gia đình có thể ngồi xuống lắng nghe nhau là một, cái thứ hai là vì tương lai của con cái nữa. Tương lai của chính mình thì có thể gần quá rồi, gần nửa đời người rồi, nhưng còn tương lai của con cái nữa, mình không nghĩ là mình can đảm đâu, đó là trách nhiệm của một người Mẹ thôi.

VOA: Chị là một trong 6 cây bút Việt Nam được Human Rights Watch trao giải thưởng Hellman/Hammett năm nay, chị có thể cho biết cảm tưởng của chị khi được nhận giải thưởng này được không ạ?

Như Quỳnh: Thực sự mình rất là bất ngờ khi mình được nhận giải thưởng, bởi vì từ xưa đến giờ giải thưởng này đều dành cho các nhà văn. Mình bất ngờ và vinh dự vì được là một trong hai blogger được nhận giải thưởng này.

VOA: Chị có sợ giải thưởng sẽ đem đến cho chị thêm rắc rối không?

Như Quỳnh: Thật sự là mình không nghĩ là nó sẽ rắc rối nhiều, nhưng những người xung quanh mình hàng ngày ai cũng nói là nó sẽ rắc rối, nên mình cũng hơi sợ. Tại vì mình nghĩ rằng giải thưởng này nó là vinh dự đối với cá nhân mình, nhưng mà đối với một đất nước mà có nhiều công dân nhận được giải thưởng của Human Rights Watch thì thực sự nó là điều đáng buồn, nếu không muốn nói là điều đáng xấu hổ cho sự tự do, dân chủ của nước đó. Mình thì mình ước là nếu có thể đổi được vinh dự của cá nhân mình thì mình muốn là năm sau và nhiều năm tới nữa Human Rights Watch không vinh danh bất kỳ người Việt Nam nào nữa tại vì Việt Nam đã có sự tiến bộ về tự do và dân chủ. 


VOA:  http://www1.voanews.com 

=> Hãy cứu ngay hai cháu Hằng và Thúy -------Cứu các em ngay lúc này quan trọng hơn hết !


-------------------------------------------------
Chuyện Blog
  • Mẹ Nấm




Nghe bằng Flash

Tải về máy/Download
Nghe bằng nhu liệu riêng trong máy của bạn
(như WMP, Itune, v.v...)

Nếu một ngày thức dậy mà không truy cập được vào bất kỳ tài khoản blog nào như Facebook, Multiply, Blogspot, YahooPlus... tôi không biết mọi người thế nào. Riêng tôi, hẳn là buồn lắm.
Viết blog, đọc blog và dạo một vòng quanh blog nó thành thói quen khó bỏ (nói khó bỏ vậy thôi, chứ nếu bị ép bỏ thì cũng phải bỏ!).
Tôi có nhiều bạn bè trên blog, có người đã gặp ở ngoài đời và thân thiết như anh chị em ruột, có người chưa gặp bao giờ nhưng không vì thế mà tình cảm quý mến dành cho nhau bị giảm sút, cũng có người không ưa gì mình nhưng vẫn thích vào blog để đọc và để kiếm chuyện cho vui, cũng lại có người không thích, không ưa nhưng vẫn phải vào blog tôi để đọc. Nói như vậy để thấy rằng, tôi chấp nhận mọi ưu khuyết điểm mà blog mang lại như một sự tất yếu của cuộc sống.
Tôi viết blog theo kiểu ngẫu hứng, lãng mạn, và có trách nhiệm, tuỳ theo từng trạng thái cảm xúc, chưa bao giờ tôi nghĩ rằng, những gì tôi viết và tôi đăng tải, sẽ phụ thuộc vào phản ứng và sự mong đợi của người đọc. Bởi tôi biết, mình không phải là một người viết chuyên nghiệp. Tôi cũng thuộc tuýp (type) người sống thực tế, nên một khi chân vẫn chạm mặt đất, thì tôi luôn biết mình là ai, mình nói gì, và làm gì, và mình sẽ phải có trách nhiệm thế nào với những gì mình phát biểu. Những nhận xét, nhận định về cá nhân tôi (nếu có), từ phía bạn bè trong Friend list, từ những người đọc bài tôi viết trên các trang mạng khác, là một phạm trù không thuộc về trách nhiệm của cá nhân tôi. Vì thế, tôi xin phép được cáo từ các câu hỏi, những lời nhắn nhủ liên quan đến ý kiến cá nhân của người khác. Và cũng thật bất công, khi quy chụp những gì người khác nghĩ lên suy nghĩ của tôi. Thực sự với tôi, điều này không công bằng.
Thường thì tôi hay viết để chia sẻ suy nghĩ và cảm xúc, lắm lúc đọc được những bài viết ưng ý của các anh chị, bạn bè khác, tôi cũng copy về để làm của để dành.
Tôi nhớ, những ngày đầu mới lập blog, tôi chọn tên Mẹ Nấm, vì lúc đó tôi sắp làm mẹ, bên dưới nickname tôi để tên thật của mình - Nguyễn Ngọc Như Quỳnh - và nơi cư ngụ là Nha Trang. Sau một loạt bài chia sẻ về những bức xúc trong cuộc sống, trong xã hội hàng ngày mà tôi chứng kiến, có người đã khuyên tôi không nên đưa các thông tin về cá nhân mình công khai vì nhiều lý do, trong đó, lý do an toàn được nhắc đến nhiều nhất.
Tôi đã nghĩ, khi mình nói lên điều mình suy nghĩ, trăn trở, với hy vọng mọi thứ sẽ tốt đẹp hơn thì có gì phải sợ mà thay tên đổi họ? Hơn nữa, một khi công khai danh tính, mình sẽ có trách nhiệm hơn với những gì mình đăng tải. Và tôi, cứ để mọi thứ y như cũ.
Sau những gì xảy ra năm ngoái, tôi quyết định đóng blog, xem như an phận với tâm lý của kẻ "theo chồng bỏ cuộc chơi". Tôi nghĩ, những người hiểu và yêu quý tôi thực sự, đã chia sẻ rất thân tình về quyết định này của tôi - tôi thực sự rất trân trọng những con người này. Một số người khác - những người lỡ coi tôi là anh thư, là người dũng cảm - hẳn đã rất thất vọng trước quyết định này, và có phản ứng. Tôi không buồn lắm vì điều này, bởi vì như tôi đã nói, không ai có thể sống hay quyết định thay cuộc đời của người khác.
Khoảng thời gian không viết blog, tôi đã suy nghĩ rất nhiều, tôi đọc lại hơn 400 entries của mình để nhìn lại xem mình có nông nổi, hoặc bị ai lợi dụng không? Đáng buồn, là không ai xui tôi viết, cũng chẳng ai khích tôi viết cả. Những gì tôi viết, thực sự là những gì tôi nghĩ, và không may cho tôi là có khá nhiều người cùng nghĩ như tôi (nói không may vì tôi nhận được khá nhiều cái mũ to đùng: nào là ảo tưởng, nào là huyễn hoặc bản thân vì những lời đề cao của kẻ khác, mọi người đẩy tôi lên quá mức, và tôi sắp bay ra khỏi vị trí vốn có của mình...).
Tôi nghĩ, mình không nên chọn thái độ cực đoan hay tiêu cực khi nhìn nhận mặt trái của vấn đề khi viết, bởi tôi hy vọng vẫn có người biết lắng nghe. Nhưng hình như, tôi đặt niềm tin nhầm chỗ, nên khi quyết định viết blog lại, tôi thường để một câu hỏi mở ở cuối bài viết của mình. Phải nói là lắm lúc, tôi thấy mình cũng đanh đá, đáo để, và ngoa ngoắt, không kém gì ai. Đó mới là con người tôi thực sự, và blog là nơi phản ánh bản thân tôi, của riêng tôi, chứ không phải là trang báo, hay là hộp thư bạn đọc.
Blog, giờ đây không phải là nơi để mọi người trút mọi bức xúc cá nhân vào đó nữa, nó thực sự đã trở thành một kênh thông tin đáng để quan tâm.
Bức xúc ở xã hội nào cũng có, quan trọng là người tạo ra các bức xúc trên có biết lắng nghe và biết điều chỉnh theo hướng đôi bên cùng hài lòng hay không, điều này, chắc thuộc về khả năng nghe - nhìn - đọc - hiểu, trách nhiệm và lương tâm của những người nắm quyền sinh sát trong tay.
Blog, tự nó không tạo ra mâu thuẫn xã hội, cũng như không thể bị bất kỳ thế lực chính trị hay tổ chức đảng phái nào lợi dụng để kích động người khác.
Bởi ngày nào khi chưa giải quyết nguyên nhân chính tạo ra sự lộn xộn và bất ổn định là tầm nhìn hạn hẹp, cung cách quản lý yếu kém, sự tham lam vô độ và cách hành xử thiếu tình người trong xã hội, thì ngày đó vẫn còn có sự xuất hiện của blog - ở hình thức này hay hình thức khác. Hội nhập và toàn cầu hoá, thì phải tuân xử theo các quy định của quốc tế, không thể vươn ra biển lớn khi giữ riệt lấy lệ làng.
"Con cái không chê cha mẹ nghèo", không có nghĩa là con cái không có quyền thúc đẩy cha mẹ thoát khỏi sự nghèo nàn, lạc hậu. Với tôi, viết blog về các vấn đề xã hội, cũng như người ta đang ngồi bên bàn nhậu để ăn một nồi lẩu. Ai cũng muốn nước sôi để thả thức ăn vào nồi, nhưng lại ngại lửa nóng nên không ai thắp lửa. Vậy biết chừng nào mới có lẩu để ăn?
Cũng vậy, mọi người ai cũng mong muốn có một xã hội tốt đẹp, nhưng lại ngại thay đổi, sợ phải đối diện với cái xấu và cái ác, thì biết đến bao giờ mong ước đó mới thành sự thật đây ? Tôi, blogging, vì chính bản thân mình muốn tiếp tục sống, chứ không phải vì phản ứng hay sự chờ đợi của bất kỳ ai. Tôi, blogging, vì muốn bản thân mình và xã hội tốt đẹp hơn nếu có người lắng nghe và sửa đổi.
Tôi, nói thế, đã đủ chín chắn chưa nhỉ ?

=> Hãy cứu ngay hai cháu Hằng và Thúy -------Cứu các em ngay lúc này quan trọng hơn hết !


 ----------------------------------------------
“Làn da của Đảng trong những tấm hình anh Tô”.
  • Kim Châm - Radio CTM


Nghe bằng Flash

Tải về máy/Download
Nghe bằng nhu liệu riêng trong máy của bạn
(như WMP, Itune, v.v...)

Lãnh đạo đảng CSVN hy vọng vụ mua dâm nữ sinh tại tỉnh Hà Giang coi như đã khép lại sau cuộc họp bất thường của ban chấp hành đảng bộ tỉnh Hà Giang sáng ngày 25 tháng 7, dưới sự chủ trì của ông Trương Tấn Sang, ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, với quyết định khai trừ khỏi Đảng và đình chỉ chức Chủ tịch UBND tỉnh đối với ông Nguyễn Trường Tô. Thế nhưng, trong mắt của người dân, đặc biệt là các gia đình nạn nhân và những luật sư liên hệ, thì các quyết định kể trên chỉ đủ che một phần rất nhỏ sự loã lồ của cả cái mạng nhện những người đang nắm quyền.
Đầu tiên, vụ việc này xẩy ra vào năm 2005, tức khi hai nạn nhân, học sinh Nguyễn Thúy Hằng và Nguyễn Thị Thanh Thuý và hàng chục em học sinh khác lúc đó chưa đầy 15 tuổi. Ngoại trừ tại một vài bộ lạc bán khai, thì dù biện minh cách nào đi nữa, nhân loại ở đầu thế kỷ 21 cũng đều xem những vụ mua bán dâm như tại Hà Giang là trọng tội "cưỡng dâm trẻ vị thành niên"! Vì vậy, việc bãi chức, bãi đảng tịch ông Tô không đủ và không liên hệ đến qui định của pháp luật. Những người phạm tội đó phải bị truy tố và xét xử trước tòa. Nếu không, rõ ràng lãnh đạo Đảng công khai cho phép đảng viên cao cấp của họ đứng ngoài vòng pháp luật.
Ở lứa tuổi 14, 15, dù tham gia tự ý hay bị ép buộc, khó có hệ thống xã hội hay luật pháp nước nào trên thế giới mà không xem các nữ sinh kể trên là các NẠN NHÂN và các em cần được chữa trị cả thể chất lẫn tâm lý. Nhưng Viện Kiểm sát Nhân dân Hà Giang thì khác. Họ bắt ngay 2 em, buộc tội chủ mưu, rồi giam giữ. Và qua các thư kêu cứu của hai em Hằng và Thúy lọt ra ngoài, tình trạng còn bi đát hơn nữa. Hai em bị công an khủng bố, đe dọa, bức cung. Cùng lúc đó, thì ở bên ngoài gia đình các nạn nhân bị đe dọa liên tục, bị cấm trả lời báo chí, bị ép từ chối luật sư biện hộ, v.v. Thậm chí một em trong số các nạn nhân mất tích. Đây là một cô bé bán dâm cho ông Sầm Đức Xương nhưng không bị nhốt. Vì vậy, nếu không thay thế các nhân sự thuộc Viện Kiểm sát Nhân dân Hà Giang và hệ thống chỉ huy công an Hà Giang, thì rõ ràng lãnh đạo Đảng đồng ý cho hệ thống cầm quyền trả thù các gia đình nạn nhân trong vụ này và tiếp tục dùng các thủ thuật bạo hành bịt miệng gia đình các nạn nhân trong những vụ tương tự trong tương lai.
Ông Tô không phải là người duy nhất có tên và số điện thoại trong danh sách những người mua dâm liên hệ. Chỉ riêng danh sách của 2 em nạn nhân đã có tên 11 cán bộ nữa bên cạnh ông Tô. Nếu cộng hơn 12 danh sách mà công an Hà Giang đã có từ các nạn nhân, tổng số cán bộ liên hệ phải lên đến hơn 50 người. Dĩ nhiên, công an có thừa khả năng và phương và tiện kiểm chứng những vụ việc này. Và lãnh đạo Đảng dư biết họ là những quan chức đang nắm quyền sinh sát tại Hà Giang. Vì vậy, khi đã có đủ các bằng chứng đó, nhưng chỉ loại trừ một ông Tô, rõ ràng lãnh đạo Đảng đang bảo 50 ông Tô còn lại cứ kiên quyết "chỉ biết còn Đảng, còn mình" là sẽ tiếp tục sống khỏe, sống vui.
Một điều khác làm nhiều người quan tâm là thái độ của Bí thư tỉnh ủy Hà Giang, ông Hoàng Minh Nhất. Theo báo cáo của chính ông, thì khi biết vụ việc này mấy năm trước, ông đã "nhắc nhở" ông Tô "rút kinh nghiệm". Điều này cho thấy cấp chỉ huy của ông Tô cũng không thấy việc ông Tô làm là phạm pháp hay trái với luân lý; mà chỉ coi là sự thiếu cẩn thận, cần dặn dò đàn em lần sau nhớ chùi mép kỹ là đủ. Rồi ông ra lệnh biến các nạn nhân thành tội phạm để đóng nút toàn bộ sự việc là xong. Vì vậy, khi chỉ loại ông Tô nhưng tiếp tục để ông Hoàng Minh Nhất ở chức vụ đứng đầu tỉnh Hà Giang, rõ ràng lãnh đạo Đảng xác nhận họ đồng tình với quan điểm đạo đức và cách giải quyết nhanh gọn của ông Nhất.
Từ những sự kiện kể trên, người ta có thể hiểu được tại sao lãnh đạo Đảng ráng chuyển chủ đề từ "cưỡng hiếp trẻ vị thành niên" sang "buông thả trong lối sống"; tại sao chính trưởng ban Văn hóa - Tư tưởng Trung ương Tô Huy Rứa phải ra lệnh cho báo chí lề phải và mọi Hội Phụ Nữ, Hội Bảo Vệ Trẻ Em, v.v.hải im miệng; và tại sao toàn bộ danh sách các quan chức khác liên hệ trong vụ việc coi như không có.
Thật lạ, cất hình anh Tô đi, người ta mới thấy cả một hệ thống người trần truồng chẳng khác gì anh Tô.
Nhưng cũng từ bức nền trần truồng đó đã hiện lên những con người càng đáng quí và đáng trọng. Đây là những người đã loan tải sự việc đến quần chúng một cách mạnh mẽ qua làng báo lề trái và khéo léo qua hệ báo lề phải. Đây là những luật sư dám thụ lý hồ sơ của các nạn nhân bất kể các hăm dọa từ cả Hà Giang và Hà Nội. Đây là những người đang vận động đồng bào cả nước giúp đỡ 2 em Hằng, Thúy và gia đình các nạn nhân.
Rõ ràng xã hội dân sự của tình người vẫn có thể nẩy mầm và phát triển dưới một chế độ độc tài. Chính những tình người chân thật này sẽ phản chiếu lên sự trần truồng đạo đức và băng hoại tâm hồn của hệ thống xã hội hiện tại, và cùng lúc gia tăng niềm khát khao và hy vọng trong mọi người để nỗ lực tìm kiếm những đổi thay.

=> Hãy cứu ngay hai cháu Hằng và Thúy -------Cứu các em ngay lúc này quan trọng hơn hết !

No comments:

Post a Comment