Friday, July 23, 2010

Hoa Kỳ đẩy mạnh quan hệ quốc phòng với châu Á trong lúc thách thức quân sự Trung Quốc gia tăng

Daniel Ten Kate/Bloomberg
image
Bộ trưởng Quốc phòng, ông Robert Gates phục hồi quan hệ với lực lượng đặc biệt của Indonesia sau thời gian gián đoạn 12 năm khi Hoa Kỳ tăng cường hợp tác quân sự khắp châu Á và bày tỏ quan ngại về việc các lực lượng vũ trang Trung Quốc mở rộng.
Hoa Kỳ sẽ bắt đầu mối quan hệ “chừng mực và từng bước một” với quân đội tinh nhuệ, ông Gates cho biết hôm nay tại Jakarta, nơi ông đã gặp người đồng nhiệm của mình, ông Purnomo Yusgiantoro và Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono. Ngoại trưởng Hillary Clinton hôm nay thảo luận hợp tác quốc phòng với Việt Nam, một ngày sau khi bà và ông Gates khẳng định sự hỗ trợ quân sự cho Nam Hàn ở Seoul trước cuộc tập trận hải quân chung bắt đầu từ ngày 25 tháng 7.
Sự quyết đoán của Trung Quốc đã gây ra mối lo ngại trong khu vực”, Ông Carlyle A. Thayer, Giáo sư chính trị tại Học viện Quốc phòng Úc ở Canberra, cho biết qua điện thoại. Các nước khắp châu Á “đang rất vui mừng vì Hoa Kỳ đang mạnh tay”, ông nói.
Bà Clinton có thể gặp Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, ông Dương Khiết Trì tại Hà Nội vào ngày mai, nơi mà cả hai cùng 27 thành viên đang tham dự Diễn đàn Khu vực Asean, quy tụ [các viên chức] an ninh lớn nhất châu Á. Trung Quốc xem toàn bộ Biển Ðông là của riêng họ, gạt bỏ các khiếu nại của đối thủ, và đang xây dựng một hạm đội trên biển để phô trương sức mạnh bên ngoài biên giới của họ.

Trung Quốc cắt đứt các trao đổi quân sự cấp cao với Hoa Kỳ trong tháng Giêng, về việc Hoa Kỳ bán vũ khí cho Đài Loan và đã từ chối tham gia với Chính phủ Obama trong việc quy lỗi cho Bắc Hàn đánh chìm một tàu chiến Nam Hàn hồi tháng 3, giết chết 46 thủy thủ.
Che giấu bí mật
Ông Michael Mullen, Tổng Tham mưu trưởng Liên quân, đã nói với quân đội Hoa Kỳ ở Hàn Quốc hôm qua rằng, không có khả năng nói chuyện trực tiếp với các lãnh đạo quân sự của Trung Quốc, gây ra mối quan ngại.
Ông Mullen nói: “Tôi đã chuyển từ tò mò về những gì họ đang làm sang quan ngại về những điều họ đang làm. Tôi thấy việc đầu tư khá quan trọng vào các thiết bị cao cấp như: vệ tinh, tàu, tên lửa chống tàu, máy bay cao cấp”.
Hoa Kỳ xem Indonesia và Việt Nam là đồng minh chiến lược ngày càng quan trọng trong khu vực, Lầu Năm Góc cho biết trong một báo cáo hồi tháng 2. Cả hai quốc gia có biên giới ở Biển Đông, trong đó có hành lang biển quan trọng đối với thương mại thế giới, và là nơi các viên chức Hoa Kỳ nói rằng Trung Quốc trở nên quyết đoán hơn.
Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, các nhóm đá nhô lên với trữ lượng dầu lửa và khí đốt chưa được chứng minh, đã được Trung Quốc, Việt Nam, Đài Loan, Brunei, Philippines và Malaysia, tuyên bố chủ quyền một phần hay toàn bộ, là tâm điểm của các căng thẳng.
‘Nhiều dầu hơn Iran’
Ước tính trữ lượng dầu và khí đốt khác nhau, một số nghiên cứu của Trung Quốc cho thấy vùng biển có chứa dầu nhiều hơn Iran và khí tự nhiên nhiều hơn Arab Saudi, theo Cục Thông tin năng lượng Hoa Kỳ. Trung Quốc nói với một số công ty dầu khí quốc tế ngưng thăm dò tại các khu vực ngoài khơi mà Việt Nam coi là một phần lãnh thổ của mình, một viên chức Mỹ nói với Quốc hội năm ngoái.
Biển Đông, kéo dài từ Singapore tới eo biển Đài Loan, là “ khu vực gia tăng mối quan ngại”, ông  Gates nói tại Singapore hồi tháng trước. Exxon Mobil Corp và BP Plc. là hai trong những công ty đã tạm ngưng các dự án trên biển do Trung Quốc phản đối, theo các cơ quan Chính phủ Hoa Kỳ.
Ông Gates và bà Clinton nhấn mạnh mối quan hệ với Việt Nam và Indonesia đã được cải thiện như thế nào. Quyết định phục hồi liên kết với các lực lượng của Indonesia có thể do sự tiến bộ của Indonesia trong việc chuyên nghiệp hóa quân đội, từ khi sự sụp đổ của nhà độc tài Suharto, ông Gates nói.
Việt Nam sắp trở thành “một quốc gia vĩ đại” và Hoa Kỳ muốn nâng mối quan hệ lên “cấp độ mới”, bà Clinton nói với các phóng viên tại Hà Nội. Bà đã gặp Phó Thủ tướng Việt Nam, ông Phạm Gia Khiêm, người đã nói rằng họ đã thảo luận các liên kết quốc phòng và đã “để lại quá khứ đằng sau”.
Răn đe
Ngược lại, bà Clinton nói sự hiện diện của bà với ông Gates tại Seoul và các lệnh trừng phạt mới mà họ công bố đã tìm cách gửi sự răn đe rõ ràng cho Bắc Hàn sau khi đánh chìm tàu chiến, rằng một Ban hội thẩm quốc tế đã quy trách nhiệm cho ngư lôi đến từ một trong những tàu ngầm nhỏ của Bắc Hàn.
Tàu sân bay USS George Washington và ba tàu khu trục đã đến các cảng Nam Hàn cùng ngày, thể hiện sự cam kết của Hoa Kỳ trong khu vực. Các tàu đã đến trước cho kế hoạch diễn tập quân sự ngoài bờ biển Nam Hàn trong tuần tới.
Trung Quốc đã gia tăng quân sự trong thập kỷ qua, nâng cao khả năng ngăn chặn các tàu Mỹ và thực thi việc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ngoài khơi. Năm ngoái, các tàu đánh cá Trung Quốc đã quấy rối hai tàu hải quân Hoa Kỳ trên Biển Đông, nơi lực lượng Mỹ đã tuần tra từ Đệ nhị Thế chiến.
Đây là sự minh bạch đối với Trung Quốc, có lẽ là lạ lùng nhất bởi vì khó có thể biết được chuyện gì đang xảy ra”, ông Mullen cho biết hôm qua.
Các Bộ trưởng ASEAN mời Hoa Kỳ và Nga tham gia Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, bao gồm mười thành viên trong khối Asean, Trung Quốc, Nam Hàn, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc và New Zealand. Điều đó sẽ tạo ra một diễn đàn khác, nơi mà Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc mặt đối mặt.
Ngoại trưởng Thái, ông Kasit Piromya nói với các phóng viên tại Hà Nội: “Hoa Kỳ rất quan trọng đối với toàn bộ khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Sự hiện diện của họ ở đây với Đệ thất Hạm đội đảm bảo hòa bình, an ninh và an toàn trên các tuyến đường biển”.
Ngọc Thu dịch
Dịch từ: Bloomberg

Hội Nghị An Ninh của Asean “nóng lên” khi bà Clinton cãi nhau với đại diện phái đoàn Bắc Hàn và khi bà đề cập tới Trường Sa và Hoàng Sa
Trần Vũ theo AP, Jul 23, 2010
Bà Clinton tại hội Nghị Asean ở VN. Photo courtesy: AFP
Bà Clinton tại hội Nghị Asean ở VN. Photo courtesy: AFP

Cali Today News - Thứ sáu 23/7 bầu không khí của hội Nghị Asean ở VN đã căng thẳng khi Bắc Hàn lên tiếng đe dọa sẽ có “trả lời cụ thể” cho cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Nam Hàn vào cuối tuần này.

Bà Clinton và đại diện của phái đoàn Bắc Hàn đã “ăn miếng trả miếng” về chuyện chiến hạm Cheonan, về cuộc diễn tập quân sự Mỹ-Nam Hàn và về các lệnh trừng phạt mới nhắm vào Bắc Hàn.

Đại diện phái đoàn Bắc Hàn, ông Ri Tong Il, lập lại việc Bắc Hàn phủ nhận trách nhiệm trong vụ tàu Cheonan chìm làm cho 46 thủy thủ Nam Hàn chết và gọi cuộc tập trận Mỹ-Nam Hàn sắp tới là ‘kiểu ngoại giao chiến hạm của thế kỷ 19’

Ngay tại Hà Nội, ông Ri đã lên tiếng cho các ký giả biết là “sẽ có đáp trả cụ thể từ phía Bắc Hàn về mối hăm dọa phát xuất từ Hoa Kỳ và đồng minh”

Bà Clinton đã trả lời là ‘Hoa Kỳ đã muốn gặp gỡ và đàm phán với Bắc Hàn, nhưng cái kiểu đe dọa như của Bắc Hàn chỉ làm cho căng thẳng thêm gia tăng mà thôi’.

Bà còn cho là tiến bộ trong ngắn hạn khó lòng xảy ra trong bầu không khí như hiện nay.

Bà Clinton nói “cuộc tập trận chỉ là một tín hiệu cho thấy Mỹ ủng hộ Nam Hàn và Mỹ sẽ tiếp tục làm như thế”. Bà cũng nói “Bắc Hàn cần thay đổi thái độ hung hăng và trở lại bàn hội nghị về vũ khí nguyên tử”

Ngoài ra còn có chuyện chính quyền Miến Điện theo nhiều báo cáo đã mưu tìm sự giúp đỡ của Bắc Hàn để thủ đắc vũ khí nguyên tử. Vấn đề Miến Điện cũng là chủ đề lớn của Hội Nghị Asean lần này.

Bà Clinton còn nói là ‘Hoa Kỳ có quyền lợi quốc gia khi tìm cách giúp đỡ giải quyết xung đột về chủ quyền trên các đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đặc biệt là các tranh cãi giữa Việt Nam và Trung Quốc’

Chắc chắn những nhận xét này sẽ làm phật ý TQ, vì nước này luôn nói Biển Đông là thuộc chủ quyền của họ. Bà Clinton nói Hoa Kỳ không ủng hộ bất cứ nước nào cho là mình có quyền trên các đảo trong vùng và nói Mỹ sẵn lòng làm việc với VN, Đài Loan, Mã Lai, Brunei và Phi Luật Tân để tìm ra cách giải quyết cuộc tranh chấp này.

Trần Vũ theo AP
 

No comments:

Post a Comment