Qua bài “Tài lãnh đạo và tài tiêu tiền của chính quyền Việt Nam”, chúng ta thấy được nhiều điều: ngoài thói tham lam, muốn lợi dụng các dự án để vét tiền từ ngân sách nhà nước cũng như khả năng quản lý yếu kém của giới lãnh đạo, còn có vấn đề tầm nhìn.
Có thể nói, một trong những hạn chế phổ biến và quan trọng của người Việt Nam, hầu như trong mọi lãnh vực, từ chính trị đến kinh tế, văn hoá, xã hội, là ở tầm nhìn: Phần lớn đều rất ngắn hạn. Kiểu ăn xổi ở thì.
Bán hàng thì chỉ cần và chỉ nhắm đến những cái lợi ngay trước mắt. Để có lợi, người ta dùng đủ mọi biện pháp, kể cả lừa. Có hai kiểu lừa chính: lừa về chất lượng và lừa về giá cả. Lừa về chất lượng bao gồm cả việc bán hàng giả hoặc hàng nhãn ngoại nhưng ruột nội. (Nhớ, có lần, trong một chuyến về Việt Nam, tôi ghé một tiệm bán rượu ở khu Chợ Cũ, Sài Gòn mua một chai cognac để đãi bạn. Nhận tiền xong, giao chai rượu ‘ngoại’ vào tận tay tôi rồi, cô bán hàng cười rất tình tứ và nói: “Khi nào uống xong rồi, anh bán lại cái chai không cho em nhé!” Tôi ngạc nhiên nhưng không nói gì. Đến nhà bạn, khui chai rượu ra, mới nhấm một chút, bạn tôi la lên: “Rượu giả!” Mọi người thử lại: Quả là rượu giả thật.) Nhưng lừa về giá cả thì nhiều hơn. Lừa bằng cách nói thách. Việt kiều về nước thường được người nhà dặn dò: ra chợ mua hàng, nhớ trả giá. Trả bao nhiêu là vừa? Nhiều người nói chung chung: Khoảng một nửa. Nhưng một số người bạn của tôi than thở: Trả một nửa rồi mà vẫn cứ bị hớ như thường!
Cách buôn bán như vậy không phải chỉ thấy ở các khu chợ búa xô bồ và nhếch nhác. Cứ nhìn ngay vào lãnh vực du lịch ở Việt Nam thì cũng đủ thấy. Ở đâu cũng có cảnh chụp giựt và có khi lật lọng. Vô số bạn người Úc của tôi, sau khi đi Việt Nam về, bên cạnh những chuyện vui và lạ, bao giờ cũng có những chuyện buồn bực từ cách hành xử của người bán hàng, người tổ chức các tour và của giới chức trong chính quyền. Ai cũng có nhận xét này: Hầu như ở Việt Nam không ai quan tâm đến việc giữ khách du lịch. Người ta có ấn tượng đẹp hay không? – Không cần biết! Người ta có trở lại hay không? – Không cần biết. Mọi người chỉ muốn có cái lợi ngay trước mắt. Mà các con số thống kê do ngành du lịch cung cấp cũng cho thấy rõ điều đó: Trong những năm vừa qua, phần lớn, khoảng trên 70% du khách quốc tế đến Việt Nam đều “một đi không trở lại”.
Với lối làm ăn như thế, làm sao du lịch, vốn là một mũi nhọn trong lãnh vực kinh tế Việt Nam, có thể phát triển được? Không lạ gì cảnh ngành du lịch Việt Nam cứ bị vỡ kế hoạch liên tục. Trước, người ta dự kiến trong năm 2010 này Việt Nam sẽ đón khoảng 6 triệu du khách quốc tế. Đã nửa năm trôi qua, người ta “điều chỉnh” lại: “bây giờ chỉ có thể đạt 4,2 triệu”. Mất gần 2 triệu khách du lịch so với chỉ tiêu. Đâu phải ít? Không ít người lo là về du lịch chỉ vài năm nữa Việt Nam có thể bị Cambodia qua mặt: Năm nay số du khách đến nước họ lên đến khoảng 3 triệu. Gần bằng Việt Nam!
Trong giáo dục cũng toàn những tầm nhìn ngắn hạn: Làm sao để đạt chỉ tiêu trong từng năm, hoặc có khi, từng mùa thi. Khi muốn vươn lên một tầm nhìn xa hơn một chút thì lại tính toán như những kẻ mộng du: chẳng hạn kế hoạch trong 10 năm, từ 2010 đến 2020, đào tạo được 23.000 tiến sĩ với một ngân sách 14.000 tỉ đồng (tức khoảng 778 triệu Mỹ kim). Hầu hết những người quan tâm và am hiểu về giáo dục đều cho đó chỉ là một giấc mơ đầy lãng mạn nhưng không thể thành hiện thực được. Thứ nhất, chi phí ấy không đủ. Để hoàn tất chương trình tiến sĩ ở nước ngoài, nghiên cứu sinh phải học mất ba hay bốn năm (thường là bốn). Mỗi năm mất khoảng trên dưới từ 2 đến ba chục ngàn Mỹ kim. Như vậy số tiền 778 triệu ấy may lắm chỉ đủ để đào tạo được khoảng 5 hay 6 ngàn tiến sĩ là nhiều. Thứ hai, một nửa số tiến sĩ ấy sẽ được đào tạo trong nước. Nhưng ai cũng thấy là ở trong nước, hoàn toàn không có đủ cơ sở cũng như nhân lực cho một số lượng nghiên cứu sinh lớn như thế.
Trong giáo dục cũng toàn những tầm nhìn ngắn hạn: Làm sao để đạt chỉ tiêu trong từng năm, hoặc có khi, từng mùa thi. Khi muốn vươn lên một tầm nhìn xa hơn một chút thì lại tính toán như những kẻ mộng du: chẳng hạn kế hoạch trong 10 năm, từ 2010 đến 2020, đào tạo được 23.000 tiến sĩ với một ngân sách 14.000 tỉ đồng (tức khoảng 778 triệu Mỹ kim). Hầu hết những người quan tâm và am hiểu về giáo dục đều cho đó chỉ là một giấc mơ đầy lãng mạn nhưng không thể thành hiện thực được. Thứ nhất, chi phí ấy không đủ. Để hoàn tất chương trình tiến sĩ ở nước ngoài, nghiên cứu sinh phải học mất ba hay bốn năm (thường là bốn). Mỗi năm mất khoảng trên dưới từ 2 đến ba chục ngàn Mỹ kim. Như vậy số tiền 778 triệu ấy may lắm chỉ đủ để đào tạo được khoảng 5 hay 6 ngàn tiến sĩ là nhiều. Thứ hai, một nửa số tiến sĩ ấy sẽ được đào tạo trong nước. Nhưng ai cũng thấy là ở trong nước, hoàn toàn không có đủ cơ sở cũng như nhân lực cho một số lượng nghiên cứu sinh lớn như thế.
Giáo sư Nguyễn Xuân Hãn nhận định: “Trong 65 năm qua, kể từ khi nước nhà giành được độc lập, cùng với sự giúp đỡ nhiệt tình của các nước bè bạn và nỗ lực của các cơ sở đào tạo trong nước, đến nay ta mới có khoảng 15.000 tiến sĩ (trong đó có khoảng 5.000 tiến sĩ từ nước ngoài về). Vậy trong vòng 10 năm nữa làm sao có thể đào tạo 20.000 tiến sĩ? Nếu làm không khéo, chúng ta có thể sẽ đào tạo ra hàng ngàn tiến sĩ ‘kiểu ông Ân’.” ‘Ông Ân’ ở đây chính là Nguyễn Ngọc Ân, giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao - Du lịch ở Phú Thọ, người bỏ ra 17 ngàn Mỹ kim để lấy cái bằng dỏm từ Đại học Nam Thái Bình Dương dỏm mà báo chí từng đề cập trong mấy tháng vừa qua.
Không chừng chính chủ trương có vẻ như dài hạn (kéo dài đến 10 năm!) ấy cũng chỉ để phục vụ cho những mục tiêu ngắn hạn: nhằm vơ vét ngân sách của nhà nước. Vơ vét khi cấp học bổng cho nghiên cứu sinh du học ở nước ngoài. Vơ vét khi cho mở các khoá đào tạo trong nước. Vơ vét khi buôn bán bằng cấp cho những người cần có bằng cấp và cho các cơ quan cần hoàn thành chỉ tiêu.
Khi vơ vét như thế, người ta bất chấp hậu quả: chất lượng giáo dục xuống cấp ư? - Mặc kệ! Bằng cấp không tương xứng với trình độ ư? - Mặc kệ!
Mặc kệ tương lai đất nước, người ta chỉ lao vào những món lợi có sẵn trước mắt.
Có thể nói tầm nghĩ ngắn vốn gắn liền với tâm lý ăn xổi ở thì và văn hoá chụp giựt như vậy là một trong những nguy cơ lớn nhất của dân tộc trong thời hiện đại. Ở người dân bình thường, một tầm nghĩ ngắn như thế là một bất lợi; ở giới lãnh đạo, đó là một bất hạnh. Cho cả đất nước.
Nhìn sang Trung Hoa, thấy những tính toán mang tính chiến lược lâu dài, cả mười năm, hai mươi năm, ba mươi năm của họ - những tính toán được giới bình luận chính trị trên thế giới nhìn thấy và phân tích thật nhiều lâu nay - chúng ta không khỏi lo lắng.
Bởi, trước các tính toán của họ, Việt Nam không thể bình yên mãi được.
No comments:
Post a Comment