Thursday, July 8, 2010

Tiến sĩ Lừa – Con tàu ma Vinashin – Và Đàn bò sữa

[clip_image002[4].jpg]
Hình chụp văn bằng “Tiến sĩ” của ông “Tiến sĩ Lừa”

Nguyễn Trung
Như tên gọi của nó, bài viết này đi vào ba vấn đề nổi cộm trong thời gian gần đây, từ đấy rút ra những điều cốt thiết nhất giúp ta nhìn sâu vào bản chất của từng sự việc, nó là những câu hỏi nhức nhối về tình trạng yếu kém, vô dụng, chắp vá, thậm chí ngụy tạo đến mức phi lý trong việc quản lý nhân sự cũng như quản lý các đơn vị kinh tế hành chính của bộ máy công quyền hiện nay.
Chúng tôi chỉ xin lưu ý: Trong vấn đề thứ nhất, tác giả đã chạm tới một điều đang khiến dư luận hết sức xôn xao: việc làm Tiến sĩ dỏm của ông Ân nằm trong cả một đường dây hẳn hoi dưới sự dẫn dắt trực tiếp của cái gọi là Viện Kinh tế Bộ Tài chính. Ông Ân không phải đi đâu hết mà vẫn có bằng Tiến sĩ đàng hoàng còn Viện này thì được lợi là hợp thức hóa việc tiêu tiền mà tất nhiên, số tiền hợp thức kia không phải là 17.000 USD mà cao hơn thế rất nhiều. Còn Bộ GD & ĐT thì lại được lợi ở chỗ, trong danh sách 20.000 Tiến sĩ phải cố mà trám bằng xong theo Quyết định của Thủ tướng đã ký, đã không mất gì mà trám được hàng chục nhân số (có thể hàng trăm và biết đâu trong dự tính là sẽ có hàng nghìn) một cách khỏe re, số tiền chi phí không dùng đến ắt có cách dùng “thích đáng” đâu vào đấy cả.
Dù chỉ mới là dư luận, chúng tôi nghĩ, các cơ quan có trách nhiệm vẫn cần bắt tay vào việc thẩm tra đến nơi đến chốn, để nếu đúng, thì đây là cơ hội giúp chúng ta trừ bớt đi được một mối hại khủng khiếp về đủ các mặt: sự lừa đảo về bằng cấp tức là về trình độ văn hóa, sự xuống dốc về đạo đức và lối sống, và sự thâm hụt vô nghĩa về tài chính của đất nước. Chỉ một hiện tượng này đủ thấy, bất kỳ chính sách nào do ông Thủ tướng ban hành, tưởng là rất tốt đẹp, giờ đây đều có ngay phản tác dụng vì chính “bộ máy” của ông đã phá ông từ bên trong. Vì thế, tiếng nói của dư luận cũng chính là một lời cảnh báo mà thiết tưởng, ông Thủ tướng nên lấy làm mừng, để tìm mọi biện pháp vực lại cơ chế của mình trước khi lún sâu thêm nữa.
Đầu mối quý giá các người đang có chính là ông Nguyễn Ngọc Ân. Từ ông Ân có thể lần ra nhiều cái nút bất ngờ. Xin các vị đứng đầu quyền lực nếu còn chút liêm sỉ chớ có bỏ qua.

Bauxite Việt Nam

Tiến sĩ “Lừa”

Gần đây, dư luận Việt Nam lại được dịp “thưởng ngoạn” câu chuyện “thật như đùa”! Đó là câu chuyện Tiến sĩ 17.000 USD (1) cũng như làm luận án Tiến sĩ ở trường Mỹ nhưng không cần biết tiếng Anh (2).
Mới nghe qua thì mọi người cứ ngỡ đây là câu chuyện vui để mọi người cùng thư giãn hòng xoa dịu cái nóng gắt của mùa hè cũng như giảm đi sự bực bội vì nhiệt tình trao “Cúp” từ công ty điện lực – một sự “nhiệt tình” trên cả cần thiết, cần có. Nhưng đến khi chính ông Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Ân (từ nay xin được gọi là “Tiến sĩ Lừa” để dễ phân biệt với Tiến sĩ Thật) chường mặt ra với “TuầnViệtNam” và bảo rằng “mình không may (3)” thì thiên hạ mới tá hỏa vì đây là chuyện thật 100%.
Cũng như bao người Việt Nam khác, người viết cũng quan tâm đến chuyện này. Bởi lẽ, sẽ không có chuyện gì để bàn hay để phải lo lắng nếu ông “Tiến sĩ Lừa” là một người nông dân làm ruộng bình thường. Nhưng trường hợp này thì đáng để bàn và đáng để lo lắng bởi vì ông “Tiến sĩ Lừa” là người đương nhiệm chức Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao & Du lịch của tỉnh Phú Thọ.
Thứ nhất. Là một Giám đốc Sở và là một “Tiến sĩ Lừa”, ông “Tiến sĩ Lừa” không ngại dùng những “Tiến sĩ Lừa” khác cũng như sẵn sàng đố kỵ với những “Tiến sĩ Thật” vì mặc cảm mình là “Tiến sĩ Lừa”.
Thứ hai. “Tiến sĩ Lừa” thì năng lực cũng sẽ là “năng lực lừa” là điều đương nhiên. Do vậy, ông “Tiến sĩ Lừa” này không ngại đưa ra những kế hoạch viển vông hay những “kế hoạch lừa” để rồi gây hại cũng như hao tốn tiền ngân quỹ của Nhân Dân.
Thứ ba. Thay vì làm gương cũng như khuyến khích cho con em chúng ra học hành đàng hoàng, ông “Tiến sĩ Lừa” đã đưa ra một gương xấu cho các em sinh viên cũng như làm vẩn đục sự trong sáng của các em. Để rồi từ đó, các em có thể sẽ đi theo vết đổ của ông “Tiến sĩ Lừa”.
Chỉ với ba điều trên đây thì cũng đủ thấy sự việc “Tiến sĩ Lừa” nghiêm trọng đến dường nào. Tuy nhiên, vấn nạn “Tiến sĩ Lừa” không dừng lại ở đây mà còn có nhiều vấn đề nguy hiểm ghê gớm khác.
Thứ nhất. Chương trình đào tạo “Tiến sĩ Lừa” có sự tiếp tay của các cơ sở Giáo dục. Theo báo Sài Gòn tiếp thị (SGTT) thì:
“Còn nếu đây là văn bằng không hợp pháp thì quả là điều bất ổn trong đào tạo. Bởi việc các cá nhân ra nước ngoài làm Thạc sĩ, Tiến sĩ đều có sự giới thiệu của các cơ sở giáo dục trong nước (4)”.
Như vậy, câu hỏi được đặt ra ở đây là các cơ sở giáo dục được nêu ra trên đây có thuộc Bộ Giáo dục hay không? Và các cơ sở Giáo dục này có dính dáng đến kế hoạch đào tạo 20.000 Tiến sĩ với kinh phí hơn 700 triệu USD của Bộ Giáo dục hay không? Và liệu với cái giá 700 triệu USD, Bộ Giáo dục sẽ được nhiêu “Tiến sĩ” có chất lượng? Việt Nam sẽ có bao nhiêu “Tiến sĩ Lừa” trong con số 20.000 Tiến sĩ kia?
Ngoài các cơ sở Giáo dục, Viện kinh tế của Bộ Tài chính cũng có liên quan đển ông “Tiến sĩ Lừa”.
Viện kinh tế (Bộ Tài chính) là nơi giới thiệu ông đi làm Tiến sĩ tại Trường đại học Nam Thái Bình Dương của Hoa Kỳ.
Vậy thì, Viện Kinh tế đã từng giới thiệu để đào tạo bao nhiêu vị “Tiến sĩ Lừa”? Một Viện kinh tế cấp Bộ thì không thể nào là nơi làm việc của những kẻ bất tài vô tướng, dốt nát, và thất học để rồi mù quáng đi giới thiệu một chương trình đào tạo “Tiến sĩ Lừa” ngu xuẩn như vậy. Có phải hành động của Viện Kinh tế Bộ Tài chính là một “ngưu tầm ngưu – mã tầm mã” hay không?
Thứ hai. Vụ “Tiến sĩ Lừa” là bằng chứng rõ ràng nhất cho sự bất cập của cơ chế hiện nay. Đó là chỉ sử dụng người có Đảng thay vì sử dụng người có năng lực và có tài. Hiện nay, tất cả quan chức Nhà nước từ cấp Xã đến Trung ương đều phải là Đảng viên. Vậy thì, hiện nay Việt Nam đang có bao nhiêu “Tiến sĩ Lừa” ngồi trong những cái ghế “ấm êm” mà lẽ ra những cái ghế này cần nhường cho cho người có thực tài?
Và có phải “Tấm thẻ Đảng + Tấm bằng cao vời vợi – dù là bằng giả” sẽ giúp các vị quan “yêu ghế” vững như bàn thạch? Do đó, người ta sẽ không ngần ngại đủ trăm phương ngàn kế để làm ông “Tiến sĩ Lừa”! Bởi vì, chính miệng ông “Tiến sĩ Lừa” đã nói ngoài bản thân ông ta, còn có 10 người “đồng nghiệp Lừa” của ông cùng học chương trình “lừa”. Và đây chỉ là con số ở tỉnh Phú Thọ mà thôi. Con số thực của hơn 60 tỉnh thành thì không ai biết chính xác là bao nhiêu.
Như vậy, vấn đề này không đơn giản chỉ là một cá nhân –mà là rất nhiều người đã, đang, và sẽ làm “Tiến sĩ Lừa”. Và điều này được sự ủng hộ của các cơ quan chức năng. Vậy thì, những “Tiến sĩ Lừa” này sẽ “vững bước đột phá” đất nước sau khi có bằng “Tiến sĩ Lừa”.
Viết đến đây, người viết nhớ mang máng đã từng đọc ở đâu đó rằng có mệnh đề như sau:

A. Tôi là người thông minh.
B. Tôi là người tốt.
C. Tôi là người Cộng sản.

Mệnh đề trên chỉ đúng khi chọn 2 trong 3. Có nghĩa, A&B, A&C, hoặc B&C. Bởi vì, A&B&C cùng đi với nhau thì mệnh đề trở thành vô nghĩa. Vậy thì, có phải ông “Tiến sĩ Lừa” là một minh chứng sống động cho mệnh đề toàn phần A&B&C trên đây?
Thứ ba. Khả năng cùng sự hiểu biết của các quan chức hiện hành. Cũng theo báo SGTT thì:
Trao đổi với chúng tôi, một lãnh đạo tỉnh Phú Thọ (xin được giấu tên) cho biết, khi ông Ân đi đào tạo Tiến sĩ, tỉnh cũng hỗ trợ kinh phí. Sau khi hết thời gian “tu nghiệp” ở Nam Thái Bình Dương (thực chất là ông vẫn làm việc tại tỉnh nhà), ông Ân cũng trình văn bằng Tiến sĩ với Ban tổ chức Tỉnh ủy và bằng đó là bằng thật.

Những người làm ở Ban tổ chức hẳn phải là những người có học thức. Ít nhất cũng phải tốt nghiệp đại học – dù là “chuyên tu” hay “tại chức”. Vậy thì, lẽ nào Ban tổ chức không thấy được sự bất cập khi một người làm luận án Tiến sĩ mà “vẫn làm việc tại tỉnh nhà và không biết tiếng Anh”?

Một em sinh viên dùi mài kinh sử hết 4 năm mới có thể có được mảnh bằng 4 năm đại học. Sau đó, nếu em sinh viên đó có chí thì cũng mất một năm rưỡi đến hai năm để có bằng Thạc sĩ. Và nếu em sinh viên Thạc sĩ này theo đuổi tiếp việc học Tiến sĩ thì cũng ít nhất phải tốn thêm 3 năm – nếu là người cực giỏi. Còn nếu không giỏi thì phải tốn thời gian từ 3-4 năm hoặc hơn.

Những mốc thời gian này không phải là khoa học vũ trụ cao thâm mà chỉ là những kiến thức cơ bản mà những người đã học đại học hay những người thích tìm hiểu về giáo dục đại học đều biết. Như vậy, lẽ nào những người làm ở Ban tổ chức Tỉnh ủy không biết được điều căn bản sơ đẳng đó? Ban tổ chức Tỉnh ủy là cơ quan phụ trách nhân lực cho tỉnh mà những người làm ở đó thiếu những kiến thức sơ đẳng như vậy thì thử hỏi cơ quan này làm sao có thể tuyển chọn nhân lực tốt cho các vị trí quan trọng của tỉnh?

Tuy nhiên, cứ tạm cho là Ban tổ chức Tỉnh ủy chỉ là những người có bằng đại học và những người này không có “ý chí” để học lên chương trình Thạc sĩ cũng như chương trình Tiến sĩ. Do vậy, sự thiếu hiểu biết căn bản trên đây có thể bỏ qua. Tuy nhiên, khi ông “Tiến sĩ Lừa” trình bày văn bằng của ông ta thì Ban tổ chức Tỉnh ủy dựa vào đâu mà thẩm định, giám định để biết chắc đó là văn bằng thật như lời của vị lãnh đạo giấu tên trên đây?

Các trường đại học Mỹ khi cấp bằng Tiến sĩ không có trường nào lại ghi “PhD in Economics” bao giờ.

Nội một điểm này đã cho thấy ông “Tiến sĩ Lừa” thuộc týp người đã dốt lại lười. Lẽ ra, ông “Tiến sĩ Lừa” nên tìm hiểu cách viết trên văn bằng Tiến sĩ ở Mỹ và yêu cầu cái trường “lừa” viết theo yêu cầu của mình để nhìn cho dễ coi – chí ít cũng phải như vậy.

Trên văn bằng Tiến sĩ do các trường đại học Mỹ, người ta ghi là “Doctor of Philosophy” thay vì ghi “PhD in Economics” ngốc nghếch trên đây. Và người ta không bao giờ ghi rõ là Tiến sĩ của ngành học nào trên văn bằng Tiến sĩ như “in Economics” của mà “Tiến sĩ Lừa” trưng ra! Các bạn nào đang học chương “Lừa” thì nên nhớ điều này nhé.

Một đương nhiệm Giám đốc Sở là “Tiến sĩ Lừa” và một Ban tổ chức Tỉnh ủy không đủ kiến thức để phân biệt chân giả thiệt hư thì thử hỏi người dân có thể trông chờ được điều gì tốt đẹp từ những vị “dân chi phụ mẫu” này?

Thứ tư. Cố gắng học không phải để mở mang kiến thức nhằm phục vụ cho đất nước mà chính vì những cái “ghế” cùng “quyền lợi” từ những cái ghế.

[…Ông có thể cho chúng tôi xem giáo trình, đĩa CD của trường phát cho ông để ông tự học?

Như tôi đã nói, tôi học trường này là theo kiểu đào tạo từ xa, nên tôi học qua mạng, nộp trả bài cũng qua mạng.

Vậy ông có thể cung cấp cho chúng tôi trang web của trường đại học của ông không?

Không, tôi không nhớ…]

Khi đọc bài phỏng vấn của ông “Tiến sĩ Lừa” dành cho báo SGTT trên đây, người viết thật sự ngạc nhiên. Bởi lẽ, người có bằng Tiến sĩ thì phải là người thông minh. Nhóm người có khả năng hoàn thành luận án Tiến sĩ chỉ chiếm 0.5-1% dân số trong xã hội. Như vậy, có lẽ nào một người thông minh như ông “Tiến sĩ Lừa” lại mau quên đến thế? Lẽ nào ông ta không nhớ nổi cái website của trường nơi ông ta vừa làm luận án Tiến sĩ? Nội một điểm này cũng đủ thấy ông ta quả xứng danh là “Tiến sĩ Lừa”!

Trong một bài phỏng vấn khác dành cho “TuầnViệtNam”, ông “Tiến sĩ Lừa” đã không ngại nói rõ ra rằng sự việc này sẽ gây bất lợi cho ông ta bởi vì “…Đại hội Đảng tỉnh nay mai sẽ diễn ra”!

Vậy thì, đã quá rõ ràng là ông ta muốn có cái bằng “Tiến sĩ Lừa” đặng “chui sâu, leo cao” cho cá nhân ông ta chứ đâu phải vì Nhân Dân tỉnh Phú Thọ? Đã vậy, ông “Tiến sĩ Lừa” còn không biết xấu hổ để mở miệng vớt vát rằng “… Nhưng tôi vẫn tin ở đề tài (chuyên môn) tôi đang triển khai thực hiện”! Chuyên môn ở đây là chuyên môn gì – ngoài chuyên môn lừa? Quả thật, ông “Tiến sĩ Lừa” này đúng là người mặt dày. Có lẽ, nên phong cho ông ta là “Tiến sĩ Lừa và Tiến sĩ Mặt dày”!

Con Tàu Ma Vinashin

Những người yêu chuyện giả tưởng hay thích xem phim giả tưởng đều không lạ với những con tàu ma trong văn chương cũng như những con tàu ma trong những bộ phim giả tưởng ma quái ly kỳ đầy rùng rợn. Đến nay, chưa có ai kiểm chứng, để biết, để thấy những con tàu ma ngoài đời thật –trừ trong phim ảnh và trong văn học. Bởi vì, những con tàu ma đều thuộc vào cái thời xa lắc ở thế kỷ XVIII trở về trước .

Đùng một cái, dư luận chưa kịp “xả hơi” sau vụ “đường sắt cao tốc”, “Tiến sĩ Lừa”, thì được mời xem phim miễn phí. Đó là bộ phim kinh dị “Con tàu ma Vinashin” do Đạo diễn kiêm Thủ tướng (ĐDKTT) Nguyễn Tấn Dũng dàn dựng chỉ đạo và diễn viên chánh Phạm Thanh Bình thủ vai “nam độc”.

Ngay sau khi ĐDKTT có quyết định chỉ đạo cảnh con tàu ma Vinashin đi vào vùng “Tam giác quỷ” thì Bộ GTVT đã cất cao giọng “oanh vàng” để phụ họa quyết định đúng đắn của “ĐDKTT”.

[…Bộ Giao thông Vận tải khẳng định: "Với vốn điều lệ tại thời điểm thành lập năm 1996 chỉ hơn 100 tỷ đồng, Vinashin đã phát huy được vai trò là lực lượng nòng cốt trong chiến lược công nghiệp đóng tàu"…](5)

Thế nào là “... năm 1996 với hơn 100 tỷ đồng...”? Có phải Bộ GTVT muốn nhắc dư luận rằng Vinashin khởi đầu bằng một con số rất nhỏ và điều này là sự đáng tuyên dương? Quả là một luận điệu ngu xuẩn. Bởi lẽ, con số 100 tỷ đồng năm 1996 không có chút ý nghĩa và cũng không đáng để nói ra đây. Vì hiện nay Vinashin nợ hơn 80.000 tỉ đồng – tương đương 4 tỉ USD (6) ! Bình quân trong 14 năm qua, Vinashin vay 285 triệu USD/năm – hay 5.428 tỷ đồng! Như vậy, Vinashin không làm được trò trống gì trong 14 năm qua ngoài việc đi vay nợ!

Cũng theo bài báo trên thì Bộ GTVT còn khen lấy khen để “…Vinashin đã phát huy được vai trò là lực lượng nòng cốt trong chiến lược công nghiệp đóng tàu"…”!

Lại thêm một luận điệu ngu ngốc đầy ngụy biện. Nòng cốt và chiến lược chỉ có giá trị và có nghĩa khi Vinashin đứng trên được đôi chân của mình. Bởi lẽ hiện nay, đâu là “lực lượng nòng cốt và chiến lược” sau khi “con tàu ma Vinashin” đi vào vùng “tam giác quỷ”? Hơn nữa, “con tàu ma Vinashin” không để lại ấn tượng, dấu vết gì ngoài một con số nợ khổng lồ! Vậy thì, có đáng để “tự hào” những “lực lượng nòng cốt và chiến lược” của “con tàu ma Vinashin” hay không?

Xin hãy bỏ qua bài báo từ Bộ GTVT. Bởi vì, người đứng đầu Bộ GTVT chỉ biết một chữ “Không” thì nhân viên của Bộ GTVT làm việc chả ra gì là điều dễ hiểu. Xin đuợc nghe lời cao kiến từ những người quan trọng khác. Dưới đây là lời của ông Phạm Viết Muôn - Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ tại cuộc họp báo của Văn phòng Chính phủ chiều 2-7.

[…- Tham khảo ý kiến chuyên gia thì nhiều lắm. Vào năm 2006, 2007 Vinashin hoạt động tốt, phát triển tốt, qua năm 2008 mới suy thoái. Người ta đặt đóng tàu với mình 166 hợp đồng, giá trị 5-6 tỷ USD, nhưng có suy thoái lại thôi... Các cơ quan làm chiến lược, làm chính sách không phải chỉ tham khảo ý kiến chuyên gia trong nước mà cả nước ngoài để đánh giá…]

166 hợp đồng trị giá 5-6 tỷ USD - tạm tính bình quân là 5.5 tỷ USD. Trong khi đó, theo lời của ông diễn viên chánh mới của bộ phim kinh dị “Con tàu ma Vinashin” – ông Trần Quang Vũ thì:

[…..Trên nền tảng là vốn vay, nên khi khủng hoảng kinh tế, thị trường thế giới thu hẹp, đặc biệt là bị cắt hoàn toàn kế hoạch tài chính thì Tập đoàn rơi vào khó khăn. Dự kiến phát hành 3 tỷ đô la trái phiếu ra thị trường thế giới trong giai đoạn 2008-2010 nhằm tiếp tục hoàn thiện các dự án, đã không thực hiện được. Dẫn đến nhiều dự án hiện nay bị dở dang…](7)

Như vậy, theo ý của ông Trần Quang Vũ trên đây thì nếu kế hoạch phát hành 3 tỷ USD trái phiếu thành công thì “Vinashin” có thể hoàn thành kế hoạch 166 hợp đồng. Và dĩ nhiên, 3 tỷ USD trái phiếu này không dính dáng gì đến 4 tỷ USD mà Vinashin đang nợ. Làm một phép tính đơn giản thì 3 tỷ USD trái phiếu + 4 tỷ USD nợ để hoàn thành 166 hợp đồng giá trị 5.5 tỷ USD. Như vậy, Vinashin vẫn còn âm 1.5 tỷ USD!

5.5 tỷ USD (166 hợp đồng) - 4 tỉ USD (nợ cũ) + 3 tỷ USD (trái phiếu) = -1.5 tỷ USD.

Như vậy, Vinashin vẫn không bao giờ có lãi có lời cho dù Chính phủ có bơm 3 tỷ USD! Vậy tiền của Vinashin đi đâu? Cũng theo lời nam diễn viên chánh Trần Quang Vũ.

[….Định hướng phát triển của ngành công nghiệp tàu thủy Việt Nam không chỉ là đóng tàu. Đây là ngành công nghiệp tổng hợp, có thể coi là một ngành kinh tế đầu tàu. Bởi để đóng được một con tàu là tổng hợp của rất nhiều ngành công nghiệp…]

Một tư duy, triết lý kinh doanh lỗi thời và lạc hậu. Ngành công nghiệp hàng không phức tạp và liên quan đến rất nhiều ngành công nghiệp kỹ thuật cao gấp nhiều lần ngành công nghiệp đóng tàu biển. Vậy có bao giờ những công ty lớn như Boeing của Mỹ hay Airbus của Châu Âu cho rằng “ngành công nghiệp máy bay không chỉ là đóng máy bay” hay không?

Và cũng có bao giờ Công ty Boeing, Airbus “bao cân” từ A đến Z trong việc nghiên cứu, chế tạo, và sản xuất máy bay hay không? Xin thưa là không bao giờ. Chỉ những kẻ ngớ ngẩn mới có tham vọng này. Bởi lẽ, Boeing hay Airbus thì không thể nghiên cứu và chế tạo động cơ máy bay tốt hơn Rolls Royce, GE, hay Pratt & Whitney. Và các công ty chế tạo động cơ máy bay thì không thể nào qua mặt Alcoa trong việc nghiên cứu vật liệu và chế tạo các cánh quạt trong động cơ máy bay. Hoặc nếu làm được thì chi phí sản xuất cao hơn gấp nhiều lần đi mua từ các công ty khác vì đó không phải là lĩnh vực mà mình có chiều sâu.

Cuối năm 2009, Boeing trình làng chiếc máy bay 787 Dreamliner với khoảng 50% cơ phận làm từ vật liệu tổng hợp. Có hơn 20 công ty ở nhiều nước trên thế giới như Latécoère ở Pháp, Alenia Aeronautica ở Ý, Mitsubishi Heavy Industries và Kawasaki Heavy Industries ở Nhật, hay Spirit AeroSystems ở thành phố Wichita của tiểu bang Kansas… nhận thầu cung cấp cơ phận cho Boeing. Công ty Boeing chỉ đem về cơ sở chính của mình để hoàn thiện công đoạn lắp ráp cuối cùng trước khi xuất xưởng.

Làm như vậy, Boeing tránh được gánh nặng nghiên cứu. Hơn nữa, những công ty kia có chiều sâu và phát triển theo từng lãnh vực chuyên ngành mà Boeing sẽ tốn rất nhiều tiền để có được. Ngoài ra, khi đưa việc cho các công ty khác, Boeing có thể thẳng tay gạt bỏ những sản phẩm không đủ chất lượng mà không phải chịu phí tổn sản xuất những cơ phận, sản phẩm đó. Sự ràng buộc này giúp Công ty Boeing có thể bán cho khách hàng sản phẩm có chất lượng cao mà không phải tốn thêm tiền.

Một điều đáng chú ý là các bài báo từ Bộ GTVT, ông Trần Quang Vũ, ông Phạm Viết Muôn đều không quên nhắc đến sự suy thoái kinh tế toàn cầu đã ảnh hưởng tới bộ phim kinh dị “Con tàu ma Vinashin”. Có lẽ, những vị này không phải là những người quan tâm tới tình hình đất nước. Bởi lẽ, chỉ cách đây chưa được một tháng, ông Phó Thủ tướng (PTT) Nguyễn Sinh Hùng đã hùng hồn tuyên bố rằng:

Năm 2050 thu nhập bình quân đầu người sẽ là 20.00USD/năm. Quốc hội cứ yên tâm làm ĐSCT! Từ năm 1996 đến nay chỉ có 14 năm. Vậy thì, có khác nào những bài báo, những người trên đây đã lên tiếng nói rằng ông PTT Nguyễn Sinh Hùng là người thiếu hiểu biết cũng như đã nói láo. Còn nếu những gì ông PTT Nguyễn Sinh Hùng nói tại Quốc hội đều là sự thật thì bộ phim kinh dị “Con tàu ma Vinashin” rất có lời. Vậy tiền lời này đi đâu? Có lẽ, chỉ có ông ĐDKTT Nguyễn Tấn Dũng mới trả lời được câu hỏi này.

Và đàn bò sữa

Với kinh phí 4 tỷ USD, bộ phim kinh dị “Con tàu ma Vinashin” đã phải đi vào “tam giác quỷ”. Để rồi, kéo theo cả một “ngành công nghiệp chiến lược lớn” của nước nhà chìm xuống biển sâu. Qua đó, đủ thấy con số 4 tỷ USD vĩ đại dường nào. Viết đến đây, người viết cảm thấy lạnh gáy khi nghĩ về con số 5.6 tỷ USD – dự toán kinh phí cho bản báo cáo khả thi của dự án ĐSCT. Rồi những luận điệu “dự án đón đầu”, “quyết liệt”, chỉ số “AQ” cao ngất chín tầng mây, “nàng tiên thức dậy”, “năm 2050 sẽ là 20.000 USD/năm”, “đi ngay vào hiện đại”… để nhằm bôi trơn nuốt gọn miếng mồi béo bở này nên người ta đã không biết xấu hổ khi mở miệng để hùa theo đám ăn tàn.

Có phải, những dự án có số vốn đầu tư khổng lồ - với hiệu quả kinh tế nghèo nàn - sẽ là nguồn sữa vô tận cho những con người có lòng tham không đáy hay không? Có phải sự ngu dốt, thiển cận, cùng sự chuyên quyền đang ngự trị trên dải đất hình chữ S đang biến hơn 80 triệu dân thành một đàn bò sữa hay không?

NT

(1) http://sgtt.com.vn/Thoi-su/124383/“Toi-lam-tien-si-ton-17000-USD”.html

(2) http://www.tuanvietnam.net/2010-06-25-chu-nhan-vu-bang-cap-dom-toi-khong-may-

(3 ) http://sgtt.com.vn/Thoi-su/Khoa-giao/124278/Lam-tien-si-o-My-nhung-khong-biet-tieng-Anh.html

(4) http://sgtt.com.vn/Thoi-su/124555/“Biet-la-bang-gia-ma-van-lam-thi-dang-so”.html

(5) http://vnexpress.net/GL/Kinh-doanh/2010/07/3BA1D92E/

(6) http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/387933/Vinashin-no-hon-80000-ti-dong.html

(7) http://bee.net.vn/channel/1983/201007/Tan-thuyen-truong-con-tau-Vinashin-muon-xin-loi-nhan-dan-1757938/

Chú thích của BVN:

[*] Nguyễn Trung tác giả bài viết này và Nguyễn Trung tác giả bài “Thời cơ vàng” mà độc giả quen biết là hai người khác nhau.

HT Mạng Bauxite Việt Nam biên tập

Từ Vinashin đến "Vietnam Sinks" [1]

Hoài Nam
image Không hiểu sao cụm từ Vinashin bỗng dưng ám ảnh và nhắc tôi nhớ về một bộ phim rất đình đám vào năm 2006 mang cái tên Japan Sinks [2]. Bộ phim dựng lên một "Thảm họa kinh hoàng" [3] có thể khiến đất nước Nhật biến mất khỏi bản đồ thế giới, nhân dân Nhật Bản sẽ phải sống lưu vong. Bởi nước Nhật phải trải qua một thiên tai kinh hoàng, nước Nhật bị nhấn chìm dưới đại dương do động đất. Nguyên nhân là bởi thiên tai.
Vậy thì có gì liên quan giữa Japan Sinks và Vietnam Sinks? Xin thưa, nhiều, rất nhiều, khi mà ngoài chuyện đã, đang và sẽ gánh chịu thiên tai không kém phần khốc liệt như Nhật Bản, chúng ta sẽ phải gánh thêm một thảm họa còn kinh hoàng hơn từ nhân tai.
Vinashin giờ đây không chỉ là cụm từ với nghĩa hẹp phản ánh cho riêng tình trạng của Tập đoàn kinh tế Vinashin. Nó là hình ảnh phản ánh rất nhiều cái "vinashin" khác đang tồn tại như những ung nhọt trong cơ thể mang đầy bệnh tật của đất nước này.
Cái đáng sợ nhất khi "di tích Vinashin" phát lộ, người ta nhận thấy nó được xây dựng trên một nền tảng đầy những sai lầm chết chóc. Từ ý tưởng hình thành, đến cơ sở pháp lý, quản lý điều hành doanh nghiệp đều khiến người ta giật mình. Sai lầm ra sao thì các chuyên gia đã phân tích rất kỹ qua rất nhiều bài vở trên các trang báo chí và website "lề phải" lẫn "lề trái".
Chỉ trong thời gian ngắn vừa qua, vấn đề điều hành đất nước của chúng ta ở tầm vĩ mô đang có quá nhiều vấn đề. Cái đáng sợ là mô hình của Vinashin dường như là mô hình mô phỏng thu nhỏ rất chi tiết và chính xác cho tổng thể bức đại họa đồ của Việt Nam. Vinashin đang mang gene di truyền những căn bệnh trầm kha mà xã hội Việt Nam chúng ta đang mang.
Chắc không quá lời khi nhiều người cho rằng chúng ta đang mắc phải hội chứng hoang tưởng vĩ cuồng. Di chứng của những đợt say men chiến thắng ngày nào. Đó cũng là một trong những chứng bệnh được cho là đã khiến cho con tàu Vinashin sắp đắm. Vinashin muốn trở thành một trong những công ty đóng tàu hàng đầu thế giới trong điều kiện thế và lực của chúng ta hiện nay thì đúng là hoang tưởng. Hội chứng này không khác xa mấy so với hội chứng vĩ cuồng của dự án đường sắt cao tốc vừa rồi hay chuyện sáp nhập để làm cho Thủ đô của ta trở nên “to lớn xứng tầm” [với các ngài lĩnh đạo có IQ ngang với AQ chăng? – BVN], đến chuyện tuyên bố rất hoành tráng rằng GDP của ta hiện là 106 tỷ USD, nhưng rồi sẽ "leo lên" rất nhanh thành 300 tỷ vào 2020 rồi 1000 tỷ vào 2040...
Nhưng nguồn gốc căn cơ của chứng vĩ cuồng trên lại xuất phát từ căn bệnh thành tích. Không chỉ ở Vinashin, ở mọi cấp độ quản lý, các "đầy tớ nhân dân" đã nhiễm bệnh trầm kha. Đám đầy tớ tội nghiệp nhiểm bệnh đã đành, những người "chủ của đầy tớ" vốn rất trong sạch cũng bị lây bệnh nặng nề. Nguy hại hơn, khi chứng bệnh này nặng đến mức người ta bất chấp tất cả, thậm chí đến mức hoang tưởng thì hậu quả thật khó lường. Giống như con nghiện cần giải tỏa cơn thèm khát. Tai họa sẽ đến là điều dễ hiểu.
Qua vụ Vinashin những yếu kém và vô trách nhiệm trong quản lý của chúng ta càng lộ rõ. Thế nhưng dường như những người có liên quan chưa hẳn muốn giải quyết dứt điểm chuyện này mà vẫn muốn quanh co. Những ngày qua, không ít những lý giải rất buồn cười nhưng cũng rất quen về thất bại của Vinashin. Theo đó, ngoài những nguyên nhân chủ quan tồn tại, Vinashin bị tác động bởi các yếu tố khách quan như tình hình kinh tế thế giới không thuận lợi, dẫn đến hợp đồng đóng tàu bị hủy, dẫn đến bị thua lổ... Logic này tương đương với logic sau: bởi tại cái bãi đá ngầm dưới đại dương nằm không đúng chỗ, chứ nếu nó đừng nằm trên tuyến hải hành của Vinashin thì con tàu đã không va vào và mắc cạn. Chính phủ ta cũng dùng khái niệm này cho những sa sút và yếu kém trong điều hành. Bộ GTVT cho rằng kẹt xe là do dân mình đi xe máy nhiều quá. EVN cũng phát huy rất tốt quan điểm này rằng, thiếu điện là do trời không chịu mưa, do dân xài điện nhiều quá...
Cách mà Vinashin chi tiêu "liều mạng" cho các dự án đầu tư, nhất là những dự án đầu tư ngoài luồng cũng không phải là cá biệt so với nhiều tập đoàn khác tại Việt Nam. Khi bị dư luận phản ứng, các tập đoàn này cố bao biện rằng muốn trở thành tập đoàn mạnh thì họ phải hoạt động đa ngành, đa chức năng. Cái thứ tư duy quản trị cũ mèm này lại chính là cơ sở cho những tập đoàn tại Việt nam, trong đó có Vinashin ném tiền vào các dự án bất động sản thay vì đi đóng tàu. Tư duy muốn trở nên "đa" gì gì đó cũng không buông tha các cấp quản lý từ địa phương đến trung ương. Nơi nơi kêu gọi đầu tư đa lĩnh vực, đa ngành nghề, đa dạng cơ cấu cây trồng, con giống... bất chấp thế mạnh của địa phương mình là gì, hậu quả của những dự án đó là gì.
Nếu trước đó Chính phủ cho rằng chưa phát hiện sai sót hoặc thua lỗ của Vinashin thì đúng là thật lạ. Hoặc là năng lực Chính phủ quá yếu, yếu đến mức không nhìn ra được sai lầm của Vinashin, hoặc là cả hai đã thông đồng cố tình ém nhẹm tình trạng này cho đến khi không thể bưng bít được nữa. Giờ thì đã rõ, "lãnh đạo Tập đoàn đã báo cáo không trung thực với Chính phủ tình hình thực tế", đó là kết luận của UBKT TW. Vậy Chính phủ, thanh tra, kiểm toán, tài chính, ngân hàng đã và đang ở đâu trong vụ này?
Thất bại và yếu kém trong quản lý điều hành vĩ mô cho dù đến từ bất kỳ nguyên nhân nào cũng là điều không chấp nhận được. Nhưng bưng bít bao che cho nhau tính chuyện qua mắt nhân dân thật đáng là tội không thể dung tha. Người đứng đầu Vinashin đang bị "tuyên" có tội to, tuyên bố của UBKT TW nghe có vẽ cũng rất hoành tráng, nhưng vẫn xuất hiện cụm từ "kiểm điểm rút kinh nghiệm" không khỏi khiến người ta thấy ngờ ngợ.
Vấn đề là nếu nhìn một cách tổng thể, hình ảnh của Vinashin gần như phảng phất trong rất nhiều các quyết định điều hành đất nước ở tầm vĩ mô. Cách điều hành thiếu tư duy logic, đầy chủ quan, vô trách nhiệm, vô cảm biểu hiện trên lĩnh vực nào cũng có mà về mặt hậu quả, con dân hiện đang phải è lưng gánh chịu.
Điểm cuối cùng là điều vừa rất đáng mừng mà cũng đáng lo. Các phản biện và dự báo của giới trí thức Việt Nam về những vấn đề trọng đại của đất nước đến giờ cho thấy họ rất có lý. Dù vậy, đáng buồn là nó đã không mấy khi được quan tâm một cách đúng mức. Và kết quả, những điều họ tiên đoán đã lần lượt xảy ra trong thực tế. Rất chân thành thưa các bậc trí thức nước nhà, cho dù rất ngưỡng mộ và ủng hộ quý vị, tôi vẫn thầm mong những dự báo của quý vị cho những vấn đề trọng đại còn lại sẽ sai. Bởi nếu đúng như quý vị dự báo, chúng ta sẽ sớm thấy ngày "Vietnam Sinks".
Điều then chốt cần được minh định là hiện nay, ngoài Vinashin đã phát lộ này ra, chúng ta sẽ còn bao "vinashin" khác đang đợi ngày phát lộ? Nếu quả thật Vinashin là một quân bài trong chuỗi domino các tập toàn kinh tế lớn Việt Nam, chúng ta quả thật đang đối diện với một thách thức nghiêm trọng: cái tiến trình từ Vinashin đến "Vietnam Sinks" có lẽ không còn mấy xa nữa!
Khi Japan Sinks, họ được cứu thoát trong gang tấc, bởi đó là nước Nhật với cả một sức mạnh hùng hậu về kinh tế, về khoa học kỹ thuật cùng với những con người đầy trách nhiệm, quả cảm và lòng nhân ái. Còn ta? Nếu một Vietnam Sinks xảy ra thì ai, sức mạnh nào, cơ may nào sẽ giúp chúng ta tồn tại? Mịt mù!
Hình ảnh cả dân tộc Nhật hốt hoảng tìm đường rời khỏi Tổ quốc hay cố thoát khỏi những hố tử thần sập đổ ngay dưới chân, dù chỉ mới là phim sao vẫn chợt thấy phảng phất hình ảnh dân tộc mình trong đó! Cho dù đất nước chúng ta không bị "chìm" hoàn toàn như Nhật Bản trong phim, nhưng chúng ta đang đối diện với nguy cơ mất 90% diện tích của vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long, hai triệu cư dân đồng bằng Sông Hồng bị ảnh hưởng, 4.4% diện tích lãnh thổ sẽ chìm trong nước trong khoảng gần 100 năm tới do mực nước biển dâng cao. Cho dù cả dân tộc chưa đến mức phải chạy thoát thân khỏi đất nước của mình, nhưng sẽ tồi tệ và đau đớn hơn nhiều khi chúng ta phải sống lưu vong trên chính Tổ quốc mình.
Trong tất cả chúng ta, những người Việt Nam chân chính, hy vọng không có ai đang đợi ngày đó, ngày Vietnam Sinks.
HN
Chú thích:
[1] Vietnam Sinks: phỏng theo tựa đề bộ phim cùng tên với tiều thuyết Japan Sinks.
[2] Japan Sinks là tên cuốn tiểu thuyết của tiểu thuyết gia Sakyo Kumatsu được xuất bản vào năm 1973, sau đó được dựng thành bộ film Japan Sinks hay The sinking of Japan vào năm 2006.
[3] Thảm họa kinh hoàng là tên tiếng Việt của bộ phim trên.
HT Mạng Bauxite Việt Nam biên tập

No comments:

Post a Comment