Wednesday, July 7, 2010

Nhà văn Võ Thị Hảo nói về 'vấn nạn xã hội'


Nhà văn Võ Thị HảoXã hội dối trá đạo đức suy đồi là nguyên nhân của sự dàn áp tôn giáo, chính tôn giáo đưa con người hướng thiện và công bằng hơn. Không một tôn giáo nào khuyến khích làm ác, tâm linh con người luôn hướng đến Đấng tối cao, triệt hạ tôn giáo là đưa con người gần với tà giáo, mê tín dị đoan và đưa Xã hội đến băng hoại, dối trá, đạo đức suy đồi. Sau 35 năm dưới chế độ cộng sản Con người... bị bào mòn, mất mác thê thảm! Sự tàn phá, huỷ hoại nầy nếu được phục hồi phải mất bao nhiêu thế hệ ???
Nghe       Nhà văn Võ Thị Hảo nói về ' vấn nạn xã hội '

Nhà văn Võ Thị Hảo nói cái gốc của các vấn đề trong xã hội Việt Nam chưa được giải quyết
Các cách hành xử sai trái của các quan chức cũng như dân thường Việt Nam trở thành đề tài xuất hiện thường xuyên trên báo chí trong thời gian gần đây.
Truyền thông Việt Nam cũng hay đăng tải những điều mà họ gọi là "bức xúc" của dân chúng trước những vấn đề xã hội còn chưa được giải quyết.
Đó là những vụ Chủ tịch tỉnh bị cáo buộc mua dâm ở Hà Giang, hai vợ chồng bị kết án 20 năm tù mỗi người vì hành hạ một bé trai tại Cà Mau, một nữ sinh cứa cổ người tình, một thanh niên chặt đầu người yêu cũ bên cạnh tệ nạn hàng ngàn phụ nữ và trẻ em bị buôn lậu với giá nhiều khi chỉ một triệu đồng một người.

Nhưng liệu đây có phải là những vấn đề mới hay vẫn là những chuyện thường xảy ra mà trước đây ít được báo chí đưa tin.
Trước câu hỏi này của BBC, nhà văn Võ Thị Hảo, người thường xuyên theo dõi và phản ánh các vấn đề xã hội trong những tác phẩm của bà nói quả thực có những vấn đề trước đây không được báo chí đề cập tới.
Nhưng bà bình luận thêm:
"Rõ ràng là gần đây thì nó rất là nhiều, nó trở nên phổ biến và nó có những hành vi, thủ đoạn hung ác, suy đồi quá.
"Nó tới mức vô đạo quá.
"Tôi nghĩ cái căn nguyên của những vấn đề này là ở chỗ con người ta đã phải giả dối quá lâu.
"Từ khi bắt đầu tiếp xúc với xã hội, từ đứa bé mẫu giáo trở đi đã phải bắt đầu biết giả vờ rồi, từ những bài hát, từ những câu chào... rồi sau đó là cách hành xử sau này bắt chước người lớn chẳng hạn.
"Dần dần nó ăn vào căn cốt quá lâu rồi", bà Hảo nói.
'Tuyệt vọng'
Đây không phải là lần đầu tiên nhà văn ở Hà Nội này lên án sự dối trá trong xã hội Việt Nam hiện nay.
Bà nói nhiều người Việt Nam đã mất niềm tin và họ hành xử theo "những tham vọng không bị ngăn chặn" vì không có hình mẫu trong xã hội.
"Cái quan trọng nhất là những tấm gương, những nhà quản lý xã hội, những người lãnh đạo cho đến những người như thầy cô giáo, thầy thuốc... những người ít ra phải sống đàng hoàng, đáng tin cậy, có đạo nghĩa thì thấy là ít người sống như vậy quá.
"Cái cách hiện nay thì sự tham lam là một, sự giả dối là hai và [sự ích kỷ] chỉ lo đến bản thân mình thôi, không từ thủ đoạn nào, thì đó là cách hành xử đang ca vang, đang chiến thắng.
"Nó làm cho người ta có thể tuyệt vọng, hoặc là những người đang ở ngã ba đường [băn khoăn] nên ngả về phía tốt hay phía xấu thì người ta dễ dàng ngả theo cái ác.
Dân chủ
Mặc dù một số nhà lãnh đạo Việt Nam đổ lỗi cho cơ chế thị trường và những cái xấu xâm nhập vào Việt Nam từ khi có chính sách mở cửa, bà Hảo nói đây chỉ là sự "ngụy biện".
Bà nói: "Tất cả những cái xấu là do khả năng quản lý xã hội của những người quản lý và những người chịu trách nhiệm ăn lương của dân để gánh vác những trọng trách đó. Tôi nghĩ gốc của vấn đề là phải có một xã hội dân chủ, tôn trọng sự thật và có tự do ngôn luận. 
Nhà văn Võ Thị Hảo
"Cái quan trọng là có một bộ máy khổng lồ và quyền lực để giải quyết việc đó. Nhưng vấn đề là có quan tâm để giải quyết không và có giải quyết đúng gốc của vấn đề không.
"Tôi nghĩ gốc của vấn đề là phải có một xã hội dân chủ, tôn trọng sự thật và có tự do ngôn luận.
"Và phải có cạnh tranh quyền lực, những người đàng hoàng tử tế thì ở lại với quyền lực, những người không có năng lực, không có lương tâm thì phải thôi.
"Tôi nghĩ là phải có đa nguyên tại vì một đảng phái không thể đại diện cho toàn dân được vì không phải toàn dân đều theo một đảng phái".
Nhà văn cũng nói bà chưa thấy có dấu hiệu các vấn đề lớn trong xã hội đang được giải quyết và nguyên nhân, theo bà, là người ta mới chỉ đang động chạm tới "phần ngọn" của các vấn đề.
Nguồn: BBC

==========================

ĐCSVN từ trên xuống dưới là một lũ côn đồ ( khôn nhà dại chợ.)


==========================

Kỳ 2- Phóng sự: Những 'vết thương' bên kia biên giới Việt-Miên

Lữ Tống/Người Việt
Hải quan Việt Nam tại cửa khẩu Mộc Bài. (Hình: Lữ Tống/Người Việt)
CAMBODIA - Casino New World cũng bàn Black Jack, “phé bảy lá” và máy đánh bài, nhưng hình như khách đến đây khá ít. Nguơn kéo tuột tôi vào căn phòng nhỏ bé khoảng 10 thước vuông. Tôi hết sức bất ngờ, vì sau tấm màn được vén lên là hơn 20 cô gái ngồi xếp hàng trên một chiếc ghế dài. Cô lớn nhất chắc không quá 19 tuổi, số còn lại xấp xỉ từ 15 tới 17 là cùng. Những khuôn mặt còn phảng phất vết bùn của sông nước miền Tây không che nổi mắt tôi. Một người đàn bà nói chuyện nho nhỏ với Nguơn rồi nhìn tôi mỉm cười. Tôi nhìn bà ta chăm chú, hỏi: “Sao đây?” Nguơn đỡ lời: “50 'một lần.' 'Qua đêm' trăm rưởi.”
Ðã có ý định từ trước cho bài viết này, tôi chọn, và chỉ vào cô gái trẻ nhất. Người đàn bà quay sang nói gì đó với Nguơn. Tôi làm như không chú ý, bước ra ngoài và hít một hơi dài, chuẩn bị cho màn kịch sắp tới phải đóng.
Ánh đèn từ Casino Titan King ở phía bên kia đường như đang cố vươn tới níu tôi vào. Mười một giờ đêm, đường vẫn đầy người. Kẻ đứng người ngồi chung quanh các xe đồ ăn của người bản xứ dọc hai bên đường. Ðêm Bavet chìm dần, nhưng chính lúc này là lúc dân chơi bài bắt đầu sát phạt. Họ như những con dơi, nháo nhác bay ra khỏi hang, trầm mình vào khói thuốc lá, trong tiếng nhạc xập xình và bị những chiếc “phỉnh” xanh đỏ mê hoặc khiến người ta không ngần ngại bán hết tài sản để cầm nó vân vê trong đôi tay run rẩy sau khi những đồng tiền cuối cùng đã vào tay nhà cái.
Ðêm Bavet sâu hơn. Nguơn vẫn còn trong phòng. Tôi biết anh ta đang chờ tiền “dắt mối.” Tôi quay lại quầy bán rượu của Casino, kêu một chai bia, ngồi chờ.
Càng về khuya, ánh đèn của những Casino hình như càng sáng hơn. Người đánh bài không hiểu từ đâu ra, ngày một nhiều. Có thể họ vừa ngủ một giấc bù cho suốt đêm qua? Tôi tới gần một bàn Black Jack, sáu người Việt ngồi chung quanh đang “phấn khởi” trước một ván bài mà nhà cái bị “bù.” Anh chàng nói tiếng Trung đặc sệt lớn giọng kêu người mang nước tới. Ba người đàn bà ngồi trong sòng có cùng một cách ăn mặc, không nói cũng biết là tiểu thương, đang trách móc lẫn nhau. Người thì nói sao không về vào hôm qua để đỡ phải thua đau? Người thì cằn nhằn vì đã mất toi hơn ngàn bạc... Ba người đàn ông, sau khi được nhà cái chung tiền có vẻ... bất cần đời hơn. Một người khá trẻ, cười gượng khi tôi tò mò: “Coi bộ trúng dữ nghen.” “Trúng khỉ gì, hôm qua cháy sạch, bữa này mới vay tiền đánh tiếp.” “Làm sao vay được? Bộ cầm đồ hả?” anh chàng nhìn tôi: “Muốn biết hỏi mấy thằng cò...”
Cả ba chàng này đều từ Lâm Ðồng tới. Họ mướn xe đi suốt đêm qua và lập tức nhảy vào sòng bạc. Một trong ba người sau đó kể với tôi, tuy ham chơi, anh ta chưa hề vay nợ của xã hội đen. Anh biết một trường hợp xảy ra cho hai vợ chồng một nha sĩ rất tiếng tăm ở Lâm Ðồng, cũng vì cờ bạc tại đây mà tán gia bại sản. Người nha sĩ mang hàng trăm ngàn đô la sang đây thua sạch, sau đó mượn tiền tại sòng bài hơn ba chục ngàn nữa cũng tiêu luôn. Anh ta bị giữ lại gần một tuần lễ tại đây để chờ người nhà mang tiền qua chuộc về. Hộ chiếu của anh ta bị lấy nên không có cách nào thoát thân.
Còn một trường hợp khác dành cho quý bà. Cũng mượn tiền nhưng phải lấy thân trả nợ. Vài trăm đô la cho một lần hiến thân là trường hợp của chị T. nhà ở Lộc Ninh. Chị này theo bạn bè đánh bài mà mất trắng hơn một mẫu cà phê, tương đương ba tỷ bạc. Lần cuối cùng thua sạch phải mượn tiền để gỡ... nhưng mấy ai gỡ được từ một sòng bài? Chị bán mình hai trăm đô la cho một tay chơi người Trung Quốc qua mối lái của những tay cò, như Nguơn.
Nguơn tới sau lưng tôi, ra hiệu theo anh ta. Vừa đi vừa nói nhỏ: “Con nhỏ này mới làm có ba ngày, ông hên lắm đó!” Tôi im lặng theo sau, đến gần cô gái đang ngồi chờ tại quầy rượu của Casino. Nguơn nhìn tôi, dục: “Dẫn nó về phòng ông đi.” Tôi không nói gì, chỉ nhìn mặt cô bé. Khuôn mặt em làm tôi gần như nổi gai ốc. Nhỏ nhắn và ngơ ngác, thảm hại. Cô nhìn Nguơn như cần sự giúp đỡ mà có biết đâu cô đang giao thân cho quỷ. Phải gọi là cháu bé mới đúng vì trông quá con nít. Tôi ngồi xuống và hỏi: “Em tên gì?” Lí nhí rất nhỏ trong cổ, nhưng tôi cũng nghe: “Linh.” Chắc là tên mới đặt, vì người nhà quê không quen lấy một cái tên mơ hồ đặt cho con. “Quê em ở đâu?” “Gò Dầu.” “Làm lâu mau rồi?” “Mới mấy ngày,” “Giá nhiêu?” “Năm chục.” “Có giấy tờ gì không? Sao nhỏ tuổi quá mà đi làm rồi?” “Giấy tờ không đem theo nhưng đủ tuổi mà.” “Bao nhiêu mà đủ?” “Mười bốn gồi.”
Thế đấy, cháu nói rõ ràng: 14 tuổi, “đủ gồi.”
Vậy là “lý lịch trích ngang” đã rõ. Dân miền Tây, 14 tuổi, cha mẹ mang cháu sang đây, “gá” cho sòng bài lấy tiền rồi bỏ cháu lại.
Vẫn nhìn khuôn mặt “Linh:” khuôn mặt hoàn toàn vô cảm, lặng thinh, không buồn, không vui. Tôi lặng lẽ đưa cháu ít tiền: “Ðể cháu ăn quà,” rồi bỏ đi.
Tôi bỏ đi để lại cho Nguơn “làm việc” với cháu “Linh.” Bước qua bên kia đường là sòng bài khác: Titan King. Cao bảy tầng, được xem là lớn nhất tại Bavet. Sòng bài có cách bài trí xa hoa hơn những cái còn lại.
Tôi vẫn còn ám ảnh bởi khuôn mặt cháu gái nên bước đi mà không biết đi đâu. Sòng bài này bên trong khá lớn, khoảng 300 người ngồi đầy trong đại sảnh. Máy đánh bạc leng keng vui tai cộng với tiếng ca nhạc trên chiếc sân khấu nhỏ làm thành một phiên chợ. Nhạc Việt Nam trỗi lên giữa đất trời Cambodia làm tôi có cảm giác vui vui. Các sòng bài nơi đây chia làm hai khu, một khu đổi tiền ra phỉnh, một khu thì dùng thẳng tiền... Việt Nam. Từng chồng bạc 500 ngàn, 200 ngàn và 100 ngàn chất đầy trên bàn. Người chơi ồn ào tranh cãi, bằng tiếng Việt. Bảo vệ sòng bài đa số là dân Cambodia lại không hề biết tiếng Việt cũng góp những nụ cười gượng méo xệch khi có ai đó pha trò. Sòng tài xỉu khá lớn và người chơi bao vây vòng trong vòng ngoài làm tôi liên tưởng đến các sòng bài tại Macau từ thời Tưởng Giới Thạch còn sống mà tôi được xem trên phim ảnh.
Hiện đại hay không thì sòng bài Bavet cũng đang vắt đến cạn kiệt người chơi mà tuyệt đại đa số là dân mới giàu nhờ bán đất, các tiểu thương muốn đổi đời, các đại gia thừa tiền rửng mỡ của Việt Nam đang lần lượt xếp hàng theo nhau vào chỗ chết. Dù được hay thua, hiếm có người nào đến đây một lần mà không quay lại.
Trên đường trở lại Sai Gòn sáng hôm sau để chuẩn bị ra Bắc, lòng tôi cứ thấy tròn xoe đôi mắt của cháu gái vừa gặp đêm qua. Tôi biết hàng ngàn cháu như thế vẫn còn bị cô lập bên trong đất nước Cambodia và Thái Lan để kiếm tiền bằng thân xác bé nhỏ của mình. Ngay tại Việt Nam, báo chí vẫn nhắc nhở rất nhiều về những vụ buôn người nhưng hình như xã hội đã trở thành vô cảm. Tiếng kêu cứu của các bé gái thì nhỏ mà đồng tiền xanh lại quá to, to đến có thể che mắt những bậc cha mẹ nghèo khổ cùng cực không còn cách nào khác ngoài việc phải chấp nhận bán con mình như bán lúa.
=====================
Làm Sao Để Bài Trừ Nạn Buôn Người Ở Việt Nam?

Buôn người là vấn đề ở tầm vĩ mô, nghĩa là do ảnh hưởng chính sách và mang tính hệ thống. Muốn bài trừ thì phải thay đổi ở tầm vĩ mô. Bằng không thì chỉ là đối phó với hậu quả--giúp cho một người thì lại có thêm cả ngàn người trở thành nạn nhân.
Muốn thay đổi về vĩ mô thì phải dùng thế, phải có sách lược, và phải kiên trì. Đó là kế hoạch của Liên Minh CAMSA,với những đặc điểm sau đây.
Tập trung vào buôn lao động:  Việt Nam cố tình phô trương với quốc tế nỗ lực chống buôn tình dục nhằm che đậy tình trạng buôn lao động--bỏ con tép để bắt con tôm vì kỹ nghệ buôn lao động có quy mô lớn và dính đến chính quyền còn buôn tình dục chỉ là hoạt động lẻ tẻ của cá nhân. Các tổ chức hoạt động chống buôn người ở Việt Nam phải tập trung thuần tuý vào lãnh vực buôn tình dục. Vì không muốn bị rơi vào kế này của nhà nước Việt Nam, Liên Minh CAMSA tuy giúp đỡ những trường hợp phụ nữ bị buôn tình dục nhưng đặt trọng tâm chính vào buôn lao động. Một khi phá vỡ được mạng lưới buôn lao động thì cũng sẽ làm giảm đi tình trạng buôn tình dục vì nhiều phụ nữ bị lường gạt vào kỹ nghệ mãi dâm qua con đường lao động ngoài nước.
 
Ts. Nguyễn Đình Thắng tiếp xúc các công nhân Spektra Alucast, Mã Lai, 29/6/02 (ảnh CAMSA)

Truy từ ngọn đến gốc: Việt Nam hoàn toàn phủ nhận tình trạng buôn lao động và lúc nào con số báo cáo của nhà nước về nạn nhân buôn lao động cũng là 0. Để chứng minh ngược lại, Liên Minh CAMSA hoạt động ở những quốc gia có đông người lao động Việt Nam và đã có luật chống buôn người để qua đó truy ra nạn nhân và rồi vận động các quốc gia ấy áp dụng luật có sẵn. Lúc ấy Việt Nam không thể nào phủ nhận rằng có buôn lao động từ Việt Nam.
Can thiệp toàn diện: Thay vì trải mỏng năng lực, Liên Minh CAMSA tập trung vào một số nhỏ trường hợp buôn lao động mà dấu tích buôn người không thể chối cãi. Với mỗi hồ sơ như vậy, Liên Minh CAMSA không chỉ can thiệp và giải cứu nạn nhân mà còn có luật sư lập hồ sơ để từng bước nhắm vào các đầu mối buôn người: chủ sử dụng lao động, công ty xuất khẩu lao động ở Việt Nam, các giới chức chính quyền liên can, và hệ thống luật pháp cũng như chính sách dung túng cho tội phạm buôn người.
Nói cách khác, kế hoạch này tựa vào những hồ sơ nạn nhân ở tầm vi mô để đạt những thay đổi ở vĩ mô. Muốn đạt được điều này, Liên Minh CAMSA tận khai thác luật quốc tế, mà đặc biệt là luật chống buôn người của Hoa Kỳ. Chính nhờ những hồ sơ cụ thể tích luỹ từ hai năm qua mà Liên Minh CAMSA đã chứng minh được là có tình trạng buôn lao động rất phổ biến ở Việt Nam. Vì vậy, ngày 14 tháng 6 vừa qua Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia cần theo dõi về tình trạng buôn người.
Trước áp lực quốc tế, nhiều quốc gia đã ban hành luật chống buôn người. Khi chính sách đã thay đổi, luật lệ được ban hành thì vấn đề can thiệp và giải cứu nạn nhân sẽ thuận lợi hơn. Và như vậy Liên Minh CAMSA lại có nhiều cơ sở vững chãi hơn nữa để thúc đẩy thêm cho những thay đổi về chính sách. Kế hoạch này đã được áp dụng thành công ở Mã Lai và Đài Loan. Một khi đã có lượng hồ sơ tương đối nhiều do hoạt động ở các quốc gia ngoài Việt Nam, bước kế tiếp là áp dụng kế hoạch đối với Việt Nam. Cứ vậy, Liên Minh CAMSA huy động thế và lực quốc tế để đẩy lùi dần thế và lực của đường dây buôn ngườI ở Việt Nam.
Một ví dụ điển hình là trường hợp 31 công nhân Việt làm cho hãng đúc nhôm Spektra Alucast. Năm 2009, Liên Minh CAMSA bắt đầu can thiệp cho số công nhân này. Luật Sư Daniel Lo, Quản Trị Chương Trình CAMSA ở Mã Lai, lập hồ sơ cho các nạn nhân để kiện hãng Spektra Alucast ra toà. Đầu năm 2010, 8 công nhân trong số này bị cảnh sát Mã Lai bắt để trục xuất vì không có chiếu khán lao động, do công ty không gia hạn. Nương vào luật chống buôn người mà Mã Lai đã phải ban hành năm 2007 sau khi bị Hoa Kỳ xếp vào Hạng 3, Ls. Lo thuyết phục được toà án tha bổng 8 công nhân. Không những vậy, cơ quan công lực Mã Lai thừa nhận đây là một vụ buôn người và bắt đầu cuộc điều tra để truy tố. 
Trong khi ấy, nhân viên đại sứ quán Việt Nam đã tìm mọi cách để áp lực công nhân phải nhận tội để rồi bị trục xuất. Thậm chí họ còn ra tận toà án để gây trở ngại cho phiên toà, và mới đây nhất, nhân viên đại sứ quán Việt Nam đã áp lực 8 công nhân này, sau khi họ được xét là nạn nhân buôn lao động, ký giấy cam kết không thưa kiện công ty xuất khẩu lao động sau khi hồi hương.
Liên Minh CAMSA đã báo động cho Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ biết về trường hợp này. Mọi hành động như vậy xảy sau ngày 14 tháng 6, 2010 đều được ghi nhận bởi Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ để xếp hang Việt Nam vào năm 2011. Nếu Việt Nam không thay đổi tốt hơn thì hoặc sẽ ở lại danh sách theo dõi hoặc sẽ rơi xuống Hang 3. Một quốc gia ở trong danh sách theo dõi hai năm liền thì sang năm thứ ba tự động rơi xuống Hạng 3 nếu không cải thiện. Quốc gia ở Hạng 3 bị chế tài theo luật chống buôn người của Hoa Kỳ.
Trước đây có người đã thắc mắc rằng làm sao Liên Minh CAMSA có thể bài trừ tận gốc nạn buôn lao động và cho rằng giỏi lắm thì chỉ can thiệp được cho vài ngàn hồ sơ. Kế hoạch của Liên Minh CAMSA là nương vào số hàng ngàn hồ sơ đã và đang can thiệp làm đòn bẩy, qua vận động áp lực quốc tế về chính trị và kinh tế, để đưa đến những thay đổi về chính sách và hệ thống luật pháp ở quốc gia có nạn buôn người, kể cả Việt Nam. Cho đến nay, kế hoạch này đã thành công ở một số quốc gia tiếp nhận người lao động Việt Nam và đã có tiến triển bước đầu đối với Việt Nam, khi Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào danh sách cần theo dõi.
***
Liên Minh Bài Trừ Nô Lệ Mới Ở Á Châu, viết tắt là CAMSA (Coalition to Abolish Modern-day Slavery in Asia) trong tiếng Anh, hiện gồm năm tổ chức thành viên: BPSOS, Uỷ Ban Hoa Kỳ Bảo Vệ Người Lao Động Việt Nam, Liên Hội Người Việt Canada, Hiệp Hội Nhân Quyền Quốc Tế (Đức), và Tenaganita (Mã Lai). Sau một năm hoạt động, Liên Minh CAMSA đã can thiệp cho trên 30 vụ lớn nhỏ, ảnh hưởng đến ba ngàn công nhân. Liên Minh CAMSA cần sự yểm trợ của đồng bào để tiếp tục phát triển hoạt động nhằm can thiệp và trợ giúp nạn nhân, truy tố thủ phạm, và thúc đẩy những thay đổi về chính sách của các quốc gia.
Mọi đóng góp yểm trợ cho Liên Minh CAMSA, xin đề cho và gởi về:
BPSOS/CAMSA
PO Box 8065
Falls Church, VA 22041 - USA

No comments:

Post a Comment