Wednesday, July 28, 2010

TS Cù Huy Hà Vũ: Ðồng hành quân sự với Hoa Kỳ là mệnh lệnh của thời đại

29/07/2010 --- Nguồn: VOA

clip_image001
Nguyên Chủ tịch Nước Đại tướng Lê Đức Anh và Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ. Hình: Cù Huy Hà Vũ

Các hành vi quân sự của Trung Quốc ở biển Đông ngày một gia tăng, tàu chiến Cheonan của Hàn Quốc bị Bắc Triều Tiên đánh chìm một cách vô cớ… đang biến Đông Á thành khu vực nổi sóng. Vậy thì Việt Nam phải làm gì? Sau đây là một số nhận định của Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ từ Hà Nội dành cho VOA nhân dịp Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) vừa chấm dứt tại Hà Nội.
Huy Phương | Washington Thứ Hai, 26 tháng 7 2010
VOA: Thưa Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ, với tư cách một nhà tranh đấu có tầm nhìn chiến lược hàng đầu trong công cuộc bảo vệ độc lập và chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, ông có thể chia sẻ cảm nhận của cá nhân về những gì đang xảy ra liên quan đến an ninh của các nước ASEAN nói riêng, khu vực Đông Á nói chung?
Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ: Phải nói ngay rằng, bước sang thế kỷ XXI, an ninh thế giới đã chuyển trọng tâm từ châu Âu sang Đông Á.
Một cách khái quát, an ninh thế giới từ sau Chiến tranh thế giới II được mặc định bởi nỗ lực ngăn chặn chiến tranh nóng mang tính hủy diệt hàng loạt giữa các nước phương Tây và khối cộng sản Đông Âu do Liên Xô đứng đầu và nỗ lực này đã thành công với sự sụp đổ ngoạn mục và được báo trước của khối cộng sản trên lục địa cũ vào cuối những năm 80 của thế kỷ XX.

Ngày nay bất an thế giới lại đến từ Đông Á, hay chính xác hơn, từ Trung Hoa cộng sản.
Thực vậy, chủ nghĩa cộng sản Trung Quốc “hậu Đông Âu” đang biến tướng thành chủ nghĩa đế quốc cổ điển hay chủ nghĩa Tân Đại Hán với đặc trưng là bành trướng lãnh thổ.
VOA: Dựa vào đâu Tiến sĩ cho rằng chủ nghĩa cộng sản Trung Quốc đang biến tướng?
Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ: Ở Đông Nam Á, như tôi đã từng đề cập, Trung Quốc đã và đang thực hiện xâm lược cả “cứng” lẫn “mềm”. “Xâm lược cứng” là dùng sức mạnh quân sự để thôn tính như Trung Quốc đã làm đối với quần đảo Hoàng Sa vào năm 1974 và đang làm đối với quần đảo Trường Sa của Việt Nam. “Xâm lược mềm” là di dân cùng các dự án kinh tế có thời hạn hàng chục năm đến 99 năm ký với các nước “con mồi’ như cựu bán đảo Đông Dương và Miến Điện.
Ở Đông Bắc Á, Trung Quốc đang thực hiện “xâm lược mềm” đối với Bắc Triều Tiên bằng cách làm cho chế độ Bình Nhưỡng phụ thuộc vào họ đến độ dứt ra là “tắc tử”. Nói cách khác, Bắc Kinh đang thực hiện một cái chết từ từ đối với Bắc Triều Tiên để thời cơ đến sẽ sáp nhập vào Trung Quốc, biến nước này thành một “Nội Triều” theo hình mẫu “Nội Mông”.
VOA: Nếu kịch bản “Nội Triều” là có thật thì nó sẽ xảy ra khi nào, thưa Tiến sĩ?
Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ: Theo tôi là vào giai đoạn “hậu Kim Chính Nhật” bởi lớp cháu nội của Kim Nhật Thành chắc chắn sẽ không đủ sức và nhất là không đủ bản lĩnh để cưỡng lại sự thôn tính của Bắc Kinh được chuẩn bị một cách công phu và cực kỳ thâm hiểm như đã phân tích.
Vả lại ở giai đoạn đó nếu Trung Quốc không “ra tay” trước thì một Bắc Triều Tiên kiệt quệ cả về kinh tế lẫn chính trị tất bị hút vào một Nam Triều Tiên thịnh vượng chẳng khác gì số phận của Đông Đức khi bức tường Berlin bị phá dỡ cách nay hai thập kỷ.
Để nói kịch bản “Nội Triều” tất yếu xảy ra nhưng Trung Quốc có thực hiện được trót lọt kịch bản này hay không lại là chuyện khác.
Ở Việt Nam phong kiến có câu: “Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời” nên thêm một lý do nữa để tôi tin lớp kế ngôi Kim Chính Nhật không thể nào giữ được Bắc Triều Tiên như “lãnh địa” của họ Kim và tôi cũng tin rằng không chóng thì chầy hai miền Nam – Bắc Triều Tiên sẽ sum họp một nhà, tức bán đảo này sẽ được thống nhất một cách hòa bình như đã diễn ra với nước Đức.
VOA: Thưa Tiến sĩ, ông có quá chủ quan không khi chế độ Bình Nhưỡng luôn khoe sở hữu vũ khí hạt nhân và sẵn sàng gây chiến tranh, như đã thể hiện bằng việc dùng ngư lôi đánh đắm tàu chiến Cheonan của Hàn Quốc vào tháng Ba vừa qua, theo kết luận của một điều tra quốc tế do Hàn Quốc đứng đầu; và mới đây còn dọa sẽ mở “thánh chiến” với Mỹ và Hàn Quốc?
Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ: Tôi cho rằng vũ khí hạt nhân nếu có chỉ đáng gờm khi còn nằm trong tay thế hệ “chiến tranh lạnh” như Kim Chính Nhật.
Về vụ tàu chiến Cheonan của Hàn Quốc bị bắn chìm thì không nghi ngờ gì nữa, đó là một thách thức cực kỳ nghiêm trọng không chỉ đối với an ninh Đông Bắc Á mà đối với an ninh thế giới nói chung bởi nó diễn ra một cách vô cớ, không trong bối cảnh có xung đột quân sự công khai.
Chính vì tính chất siêu nghiêm trọng của vụ việc nên việc điều tra phải khách quan nhất có thể.
VOA: Ý ông muốn nói là cuộc điều tra do quốc tế tiến hành vẫn chưa được khách quan?
Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ: Đúng vậy. Chưa kể tính khách quan khó có thể đứng vững khi Hàn Quốc là nạn nhân lại lãnh đạo nhóm điều tra thì một trong những nguyên tắc giải quyết vụ việc hình sự dù quốc nội hay quốc tế là không được làm oan người vô tội bằng cách tìm cho hết chứng cứ gỡ tội chứ không được nhăm nhăm tìm chứng cứ buộc tội đương sự như nhóm điều tra quốc tế vụ Cheonan đã làm đối với Bắc Triều Tiên cho đến thời điểm này.
Cụ thể là nhóm điều tra quốc tế, tất nhiên không phải do Hàn Quốc lãnh đạo, phải mời Bắc Triều Tiên cùng điều tra theo một trong hai phương thức: hoặc là ngay từ đầu khi lập nhóm điều tra quốc tế, hoặc là sau khi nhóm điều tra quốc tế đã có kết luận sơ bộ về vụ Cheonan, cốt để nước này phản bác bằng cách đưa ra những chứng cứ chứng minh họ không dính líu. Rồi trên cơ sở xem xét một cách nghiêm túc mọi chứng cứ cả buộc tội lẫn gỡ tội cho Bình Nhưỡng nhóm điều tra quốc tế mới có thể đưa ra kết luận về vụ này.
Trong trường hợp kết luận điều tra xác định Bắc Triều Tiên là thủ phạm đánh chìm tàu chiến Cheonan mà nước này vẫn không chịu thì kết luận này vẫn được đệ trình Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc xem xét kèm bảo lưu phản bác của nước này. Tiếp đó nếu Hội đồng Bảo an đồng ý với kết luận điều tra mà ra nghị quyết xử lý Bắc Triều Tiên theo công pháp quốc tế thì cũng không mang tiếng là áp đặt và nếu thành viên nào phản đối thì đó sẽ là hành vi “lạy ông tôi ở bụi này”, tự bộc lộ mình là đồng phạm.
Do đó việc Bắc Triều Tiên đề nghị tham gia điều tra là một cơ hội trời cho để có được một cuộc điều tra công bằng dẫn đến một kết luận công bằng. Thành thử việc Hàn Quốc bác bỏ đề nghị theo tôi là thiện chí này không những đẩy việc giải quyết vụ việc vào thế bế tắc mà nguy hiểm hơn, gia tăng sự đối đầu của Bình Nhưỡng đến mức không ai có thể kiểm soát.
Tóm lại, bằng mọi giá Hội đồng Bảo an phải vạch ra được thủ phạm đánh chìm tàu Cheonan không chỉ để trừng trị theo công pháp quốc tế mà còn để phòng ngừa một cách có hiệu quả những vụ tương tự có thể xảy ra trong tương lai. Còn nếu tổ chức quyền lực nhất thế giới này không làm được như vậy thì điều này sẽ tạo ra tiền lệ xấu, vô cùng nguy hiểm ngay cả và trước hết đối với Bắc Triều Tiên. Thực vậy, nước này làm sao có thể kêu ai nếu tàu chiến của họ cũng bị đánh chìm một cách vô cớ như đã xảy ra với Cheonan!
VOA: Ông có nhận xét gì về lập trường của Hoa Kỳ trong vụ Cheonan, thưa Tiến sĩ?
Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ: Đáng tiếc là Hoa Kỳ không có lập trường nhất quán trong vụ này khi vừa cáo buộc Bắc Triều Tiên gây ra vụ Cheonan vừa tuyên bố đây “không phải là hành vi khủng bố quốc tế” cũng như không có tuyên bố nào coi đây là hành vi chiến tranh của Bình Nhưỡng, trong khi tàu chiến bị đánh chìm chỉ có thể là sản phẩm hoặc của chiến tranh hoặc của hoạt động khủng bố chứ không thể của cái gì khác!
Tóm lại theo tôi Hoa Kỳ cần thay đổi thái độ, tuyên bố dứt khoát việc Bắc Triều Tiên phóng ngư lôi đánh chìm tàu chiến Cheonan của Hàn Quốc là hành vi chiến tranh và yêu cầu Hội đồng Bảo an xử lý.
Mặc dầu vậy, điều quan trọng hơn rất nhiều là phải lần cho được nguyên cớ gì khiến Bình Nhưỡng có thể hành xử một cách nguy hiểm và ngạo mạn đến như vậy.
VOA: Theo Tiến sĩ, do đâu mà Bắc Triều Tiên có lối hành xử hiếu chiến đến như vậy?
Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ: Hỏi tức trả lời, chính Trung Quốc - chứ không phải ai khác - “chống lưng” Bắc Triều Tiên làm vụ này.
Thực vậy, vấn đề không chỉ là với tư cách Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc Trung Quốc hoàn toàn có thể bảo đảm cho Bắc Triều Tiên thoát khỏi sự lên án và trừng phạt của Liên Hiệp Quốc như thực tế đã diễn ra mà là ở chỗ Bắc Kinh thông qua Bình Nhưỡng thách thức Mỹ về quân sự ở Tây Thái Bình Dương.
Tóm lại, cần phải đặt vụ Cheonan trong “hồ sơ Bắc Kinh” theo đó vụ này chỉ là “phép thử” mạnh mẽ đầu tiên của Trung Quốc đối với độ tin cậy của Mỹ trong việc bảo vệ đồng minh quân sự của mình nói riêng, độ tin cậy của các liên minh quân sự mà Mỹ là một bên nói chung, nhằm thực hiện chiến lược “Trung Quốc hóa Đông Á” bằng vũ lực mà Bắc Kinh hẳn đã hoạch định cho thế kỷ XXI này.
Điều rất cần lưu ý là tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc dẫu hạn chế ở Đông Á nhưng vì nước này là cường quốc hạt nhân cũng như 1/3 lượng hàng hóa thương mại quốc tế và 50% số tàu chở dầu của thế giới qua lại trong khu vực nên chiến tranh xâm lược mà Bắc Kinh tiến hành tại đây tự nó mang tính toàn cầu. Bất an của thế giới ở thế kỷ XXI chính là chỗ đó.
Nói cách khác, an ninh thế giới mới phụ thuộc vào an ninh Đông Á.
VOA: Vậy theo Tiến sĩ, làm thế nào để hóa giải tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc ở Đông Á?
Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ: Để có thể chống lại một mối đe dọa quân sự có tính toàn cầu như Trung Quốc tất không thể “tự lực cánh sinh” mà phải dựa vào liên minh quân sự với cường quốc hạt nhân khác. Tuy nhiên, như tôi đã từng đề cập trong một cuộc phỏng vấn của VOA về tham vọng của Trung Quốc trong cuộc tranh chấp biển Đông, chỉ có Hoa Kỳ với tư cách cường quốc duy nhất trên thế giới sẵn sàng đối mặt với Trung Quốc về quân sự mới có thể giúp Việt Nam nói riêng, các nước trong khu vực Đông Á nói chung, giải nổi bài toán an ninh lãnh thổ.
Cụ thể là liên minh quân sự với Mỹ sẽ giúp Việt Nam khẳng định và bảo vệ thành công chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa
Tuy nhiên để có thể vô hiệu hóa một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất các cuộc tấn công quân sự từ phía Trung Quốc cần phải có một tư duy phòng thủ mới trong khu vực.
VOA: Điều này rất quan trọng, xin Tiến sĩ nói rõ thế nào là “tư duy phòng thủ mới”?
Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ: Các liên minh quân sự song phương hiện có giữa Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, Phillippines, Thái Lan với Mỹ là để đối phó với những nguy cơ của thế kỷ XX chủ yếu bắt nguồn từ chủ nghĩa cộng sản. Nói cách khác, sự có mặt quân sự của Mỹ ở các nước đó là nhằm duy trì chính quyền sở tại phi cộng sản hay nói cách khác, mang tính chất đối nội, “nhà ai nấy lo”.
Nay thì nguy cơ khác hẳn, bắt nguồn từ tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc mà để hiện thực hóa, nước này sử dụng chiêu “giải quyết tranh chấp trên cơ sở song phương” hay “chia để trị”. Vậy để hóa giải thành công chiêu “chia để trị” thì “kế liên hoàn” ắt là thượng sách. Cụ thể là phải tổ chức phòng thủ tập thể trên cơ sở liên kết các liên minh quân sự sẵn có và sẽ có với Mỹ trong đó liên minh quân sự Việt – Mỹ là không thể thiếu.
Tôi tạm gọi tổ chức phòng thủ mới này là Phòng thủ chung Đông Á (EACD - East Asia Common Defense).
VOA: Tại sao ông lại quả quyết rằng liên minh quân sự Việt – Mỹ là không thể thiếu trong hình thái phòng thủ chung chống lại đe dọa xâm lược từ phía Trung Quốc, thưa Tiến sĩ?
Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ: Đơn giản là Việt Nam là nước có kinh nghiệm dày nhất và thành công nhất trong kháng chiến chống xâm lược Trung Hoa và kinh nghiệm này một khi chia sẻ chắc chắn sẽ rất hữu ích cho phòng thủ của các nước khác cũng trong “tầm ngắm” của Trung Quốc.
Thực tình mà nói, Việt Nam là nước Trung Quốc sợ phải giao chiến nhất.
VOA: Liệu có trở ngại gì không khi Việt Nam liên minh quân sự với Hoa Kỳ, đối tượng mà Hà Nội coi là “xâm lược” trong cuộc chiến tranh Việt Nam, thưa Tiến sĩ?
Tiến sĩ Cù huy Hà Vũ: Để cứu nước thì dù có phải liên minh với quỷ dữ cũng vẫn phải làm. Với Hiệp định 6 tháng 3 năm 1946 Hồ Chí Minh chẳng đã “rước” quân Pháp lăm le tái chiếm Đông Dương từ miền Nam ra miền Bắc Việt Nam để thay thế 20 vạn quân Trung Hoa Dân quốc chẳng phải là bài học lớn đó sao?
Thành thử liên minh quân sự với cựu thù hay “quân xâm lược” trong quá khứ để bảo vệ Độc lập và Chủ quyền lãnh thổ quốc gia đâu có phải là vấn đề!
Huống hồ quân đội Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam không phải là những kẻ xâm lược. Thực vậy, “xâm lược” là hành vi xâm chiếm lãnh thổ của nước khác trong khi cuộc chiến mà Mỹ đã tiến hành ở Việt Nam là nhằm đánh chặn chủ nghĩa cộng sản chứ không nhằm mục đích chiếm đất. Nói cách khác, cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam là cuộc chiến “ý thức hệ”.
Tương tự như vậy, nếu mục đích của Mỹ trong cuộc chiến tranh Triều Tiên những năm đầu thập kỷ 50 của thế kỷ trước là lãnh thổ chứ không phải để chống “cộng sản hóa” bán đảo này thì không loại trừ lá cờ của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ đã thêm một ngôi sao thay vì Hàn quốc bây giờ.
Vả lại, nếu Ban lãnh đạo cộng sản Việt Nam khăng khăng tiến hành chiến tranh trên lãnh thổ nước khác là “xâm lược” để duy trì quan điểm “Mỹ xâm lược Việt Nam” thì cuộc chiến 10 năm của Việt Nam ở Căm Pu Chia, từ 1979 đến 1988, phải được gọi là gì?!
Nói cách khác, quan điểm “Mỹ xâm lược Việt Nam” thực sự “hết thiêng” với việc quân đội Việt Nam đánh thẳng vào Phnompenh để lật đổ chế độ diệt chủng của “cựu đồng chí” Khmer Đỏ.
VOA: Mới đây khi trả lời báo chí phỏng vấn về Hội nghị Shangri-La ở Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh tuyên bố: “Không để các lực lượng xấu sử dụng vấn đề Biển Đông để kích động, chia rẽ quan hệ Việt Nam-Trung Quốc, chia rẽ quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân Việt Nam”. Phải chăng đây lại là trở ngại khác cho việc Việt Nam và Hoa Kỳ trở thành đồng minh quân sự của nhau, thưa Tiến sĩ?
Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ: Hoàn toàn không phải như vậy, ngược lại là đằng khác.
Thứ nhất, phải khẳng định rằng không có đảng phái chính trị nào, không có Nhà nước nào, không có nhân dân nào phi quốc gia và không có quốc gia nào lại có thể tồn tại không trên lãnh thổ cụ thể. Do đó bảo vệ chủ quyền lãnh thổ chính là bảo vệ quốc gia, tức bảo vệ lợi ích của nhân dân và mọi thể chế chính trị tồn tại trong quốc gia đó. Nói cách khác, không bảo vệ được lãnh thổ là mất hết!
Vì vậy, không thể có chuyện ngược đời là hy sinh lãnh thổ mà ở đây là chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông bao gồm Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Quốc lại có thể bảo vệ được lợi ích của đảng phái chính trị, Nhà nước hay nhân dân Việt Nam.
Thứ hai, phải nói thẳng là quan hệ “đồng chí” hay quan hệ “hữu cơ” phải bảo vệ bằng mọi giá giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc đã không còn lý do tồn tại.
Thực vậy, mục đích của chủ nghĩa cộng sản là tiêu diệt chủ nghĩa tư bản và xây dựng một thế giới phi quốc gia. Thế nhưng có lẽ trừ thời kỳ trước khi nắm chính quyền, cả Đảng Cộng sản Việt Nam lẫn Đảng Cộng sản Trung Quốc không đảng nào còn công khai “chí hướng” xây dựng một thế giới phi quốc gia và hiện nay thì cả hai đảng không những loại hẳn “đấu tranh giai cấp” ra khỏi cương lĩnh của đảng mà ngược lại, hối hả thực hành chủ nghĩa tư bản như thể lấy lại thời gian đã mất!
Thứ ba, nếu các chính khách như quan chức Đảng Cộng sản hay Chính phủ Việt Nam mà tuyên bố như vậy thì hẳn nhiên đó là lời lẽ của những kẻ phản bội Tổ quốc và với loại người này mà bàn tính liên minh quân sự với nước ngoài để bảo vệ Tổ quốc thì quả thật hơn cả nhạo báng, là một sự sỉ nhục!
Tuy nhiên đây là phát ngôn của một tư lệnh quân sự mà phép quân thì được quyền nói dối, được quyền “nói một đằng, làm một nẻo”, mà theo binh pháp Tôn Tử là chiêu “Dương Đông kích Tây”. Nghĩa là phát ngôn trên của Tướng Phùng Quang Thanh nhằm che giấu nỗ lực ngày một gia tăng của quân đội Việt Nam trong việc chống lại hiểm họa xâm lăng từ Trung Quốc mà liên minh quân sự với Mỹ dù muốn hay không vẫn là sự lựa chọn hàng đầu.
Về phía Ban lãnh đạo Bắc Kinh, tôi cho rằng họ, nhất là với tư cách hậu duệ của Tôn Tử, không dễ gì mắc kế “Dương Tây kích Đông” của tướng lĩnh Việt Nam nhưng cũng không dễ gì thoát khỏi như lịch sử chiến tranh giữa hai nước đã chứng minh.
VOA: Như Tiến sĩ đã nói, liên minh quân sự với Mỹ là để cứu nước, cụ thể và trước mắt là để bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Thế nhưng vào năm 1958, Thủ tướng Việt Nam Phạm Văn Đồng đã gửi cho Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai Công hàm coi như tán thành Tuyên bố của Trung Quốc về lãnh hải của Trung Quốc, bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, một sự kiện bị nhiều người Việt coi là “bán nước”. Vậy ý kiến của Tiến sĩ về Công hàm này như thế nào?
TS Cù Huy Hà Vũ: Năm 1979 trong Tuyên bố về quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa Bộ Ngoại giao Việt Nam đã khẳng định sự diễn giải của Trung quốc về văn bản ngày 14 tháng 9 năm 1958 của Thủ tướng nước Việt Nam dân chủ cộng hòa như một sự công nhận chủ quyền của phía Trung quốc trên các quần đảo là một sự xuyên tạc trắng trợn khi tinh thần và ý nghĩa của bản văn chỉ có ý định công nhận giới hạn 12 hải lý của lãnh hải Trung Quốc. Biên niên các hoạt động đối ngoại của Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong sách Phạm Văn Đồng và Ngoại giao Việt Nam do Bộ Ngoại giao Việt Nam biên soạn năm 2006 đã không liệt kê văn kiện này.
Ngoài ra có ý kiến cho rằng Công hàm không thể có giá trị vì được ký vào Chủ nhật, tức không phải ở nhiệm sở.
Thế nhưng phản đối cách diễn giải của Trung Quốc, dùng tiểu xảo hay giấu nhẹm Công hàm đều không phải là cách để rũ bỏ văn kiện ngoại giao tai hại này. Theo tôi cách duy nhất để làm việc này là chứng minh Công hàm không có giá trị về mặt pháp luật.
VOA: Muốn chứng minh thì phải chứng minh như thế nào, thưa Tiến sĩ?
Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ: Công hàm ngày 14 tháng 9 năm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng là vô hiệu với ba căn cứ sau:
Một là, Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa không có thẩm quyền đàm phán về lãnh thổ.
Hiệp định Genève 1954 đã chia cắt tạm thời Việt Nam làm hai tại vĩ tuyến 17 và dự kiến sự chia cắt tạm thời đó sẽ được xóa bỏ vào năm 1956 sau khi tổng tuyển cử được tiến hành trên toàn lãnh thổ Việt Nam bầu ra được một Quốc hội thống nhất và trên cơ sở đó định ra được một Chính phủ thống nhất.
Như vậy, cả Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa ở miền Bắc lẫn Chính phủ Quốc gia Việt Nam và tiếp đó nội các Việt Nam cộng hòa ở miền Nam đều là những chính quyền tạm thời nên theo công pháp quốc tế không có thẩm quyền đàm phán lãnh thổ với nước ngoài. Nói cách khác, chỉ có Chính phủ của một nước Việt Nam thống nhất mới có thẩm quyền đó.
Thế nhưng như chúng ta đã thấy, Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với tư cách Chính phủ của nước Việt Nam thống nhất, hơn thế nữa, với tư cách Chính phủ Việt Nam duy nhất được Liên Hiệp Quốc công nhận, chưa bao giờ công nhận Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Trung Quốc, mà ngược lại, luôn khẳng định hai quần đảo này là lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam.
Hai là, ngay cứ cho rằng Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa là Chính phủ của nước Việt Nam thống nhất thì Công hàm này cũng không mảy may có giá trị pháp lý vì Công hàm này chưa bao giờ được trình Quốc hội xem xét và phê chuẩn.
Thực vậy, theo thông lệ quốc tế, mọi cam kết quốc tế của Chính phủ, của Thủ tướng hay của người đứng đầu Nhà nước chỉ có giá trị pháp lý hay có hiệu lực thi hành nếu cam kết được Quốc hội phê chuẩn. Nói cách khác, Công hàm chỉ dừng lại ở mức phản ánh quan điểm của cá nhân Thủ tướng Phạm Văn Ðồng hay của Chính phủ.
Ba là, Công hàm không có giá trị vì bản thân Tuyên bố ngày 4-9-1958 của Chính phủ Trung Quốc về lãnh hải của Trung Quốc hoàn toàn không có giá trị đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Thực vậy, Trung Quốc chưa bao giờ phủ nhận dưới bất cứ hình thức nào chữ ký của Thủ tướng Chu Ân Lai tại văn bản Hiệp định Genève 1954 công nhận Chính phủ Quốc gia Việt Nam được quyền quản lý quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.
VOA: Để kết thúc, Tiến sĩ có thông điệp nào nhắn gửi Diễn đàn khu vực ASEAN vừa chấm dứt?
Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ: Đồng hành quân sự với Hoa Kỳ là mệnh lệnh của thời đại vì một an ninh thế giới mới đến từ Đông Á.
VOA: Xin trân trọng cảm ơn Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ về sự mạnh mẽ và sâu sắc trong quan điểm cũng như về thời gian mà ông đã dành cho VOA trong cuộc phỏng vấn này.
Nguồn: VOA

----------------ooOoo---------------


Góp ý thêm với bài: Ðồng hành quân sự với Hoa Kỳ là mệnh lệnh của thời đại

Nguyễn Hữu Quý
Trước hết, cảm ơn Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, khi ông nói: Đồng hành quân sự với Hoa Kỳ là mệnh lệnh của thời đại vì một an ninh thế giới mới đến từ Đông Á; theo người viết bài này, đây là nhận định cũng mang tính Thời đại.
Còn đối với VN ta hôm nay thì sao? Xin được cụ thể hơn là: Đồng minh với Hoa Kỳ là mệnh lệnh của dân tộc, của thời đại, để đảm bảo sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, là tiền đề nước nhà bước sang một giai đoạn phát triển mới trong thế kỷ XXI.

Có thể có rất nhiều người nói: Người Mỹ thực dụng, chơi với Mỹ như cầm một con dao hai lưỡi, bài học khi Mỹ bắt tay với TQ và bỏ rơi VNCH để rồi VN mất Hoàng Sa năm 1974 là một ví dụ. Vâng! Ngày nay, khi mà TQ đã đặt Biển Đông của VN lên thành “lợi ích cốt lõi” ngang hàng với Tân Cương, Đài Loan, thì rõ ràng, đây là con đường duy nhất để dân tộc VN lựa chọn trong thời điểm hiện tại, và trong tiến trình ấy, sẽ có những bước đi, sách lược phù hợp của từng thời kỳ nhằm đưa nước nhà đến vinh quang.
Cần phải khẳng định rằng: không ai hiểu dân tộc VN bằng chính... người VN! Theo đó, ông cha ta rất “uyển chuyển” trong quá trình dựng và giữ nước (tất nhiên là xét trong lăng kính tổng thể của lịch sử, mà không phải là những trường hợp ngoại lệ như Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống, thân và rước “thiên triều” chỉ với mục đích giữ quyền bính và có thể dẫn đến nguy cơ mất nước).
Những phản ứng “hậm hực” của TQ trên các kênh thông tin trong mấy ngày gần đây, sau những phát biểu của bà Ngoại trưởng Hillary Clinton tại nước ta vừa rồi, một lần nữa khẳng định rằng: việc xây dựng quan hệ với TQ thông qua những mỹ từ “phương châm 16 chữ vàng” và trên tinh thần “4 tốt” là một sai lầm lịch sử của dân tộc; dẫu rằng có xét đến “thế và lực” ở thời điểm hiện tại, trong một bước đi “uyển chuyển” truyền thống của dân tộc đi chăng nữa!
Trong các “nguy cơ” mất nước đối với người VN (hiểu từ “mất nước” theo đúng nghĩa đen, tức là bị đồng hóa, mất lãnh thổ, mất tên quốc gia, mất dần nòi giống), thì rõ ràng, nguy cơ lớn nhất đối với đât nước ta là từ TQ.
Vì vậy, cần phải khẳng định chắc chắn rằng: Dân tộc VN không thể dựa vào TQ để giữ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; do đó, việc phản bác lại ý kiến này dưới bất cứ một lý do nào chỉ là ngụy biện, là đi ngược lại lợi ích dân tộc.
Để chứng minh cho lập luận này, ta hãy lấy sự kiện đã được TS Cù Huy Hà Vũ nhắc đến ngay trong bài, đó là: Ngày 7/3/1946, Chính phủ Lâm thời của Hồ Chí Minh đạt được thổa thuận với J.Sainteny (Pháp) ký dưới một thông báo chung để bố cáo rộng rãi, trong đó có nội dung: “...Chính phủ Việt Nam không phản đối việc quân đội Pháp trở lại một cách hòa bình để thay thế quân đội Trung Quốc làm nhiệm vụ ở khu vực Đông Dương từ Bắc vĩ tuyến 16 trở lên”.
Có thể nói, thiên tài của Bác Hồ trong giai đoạn lịch sử này chính là chỗ đó; vì biết được “tim đen” của người Tàu, Bác và Chính phủ Lâm thời VNDCCH đã “tống cổ” được hơn 20 vạn quân Tàu Tưởng ra khỏi nước ta, mà trước đó đã vào nước ta với danh nghĩa “giải giáp quân đội phát xít Nhật đã bại trận”. Hôm nay, khi nhìn lại các lãnh thổ Tân Cương, Tây Tạng, Nội Mông đã sáp nhập vào TQ, ta không khỏi giật mình! Tất nhiên, việc TQ không dễ gì đạt được mục đích, một khi đó là dân tộc Việt Nam; tuy nhiên, ai dám chắc chắn rằng lãnh thổ nước ta sẽ trọn vẹn, mà không có một vài tỉnh của nước ta giáp với TQ không bị sáp nhập vào TQ, đặc biệt trong đó có Quảng Ninh, nơi có Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử!?
Cũng chính sự kiện này, mà ngay trong Chính phủ lâm thời khi đó (và tất nhiên trong một bộ phận tầng lớp nhân dân) đã cho rằng Hồ Chí Minh bán nước (ý nói, tại sao không dựa vào người Tàu cùng máu đỏ da vàng... mà lại rước Pháp trở lại); và chính Bác Hồ cuối cùng trong ngày hôm đó, đã phải tuyên bố: “Tôi, Chủ tịch Hồ Chí Minh, suốt đời đã cùng đồng bào chiến đấu cho độc lập của Tổ quốc. Tôi thà chết chứ không bán nước !”.
Rõ ràng là, chỉ có Hồ Chí Minh, với tầm nhìn của một thiên tài mới dám nhận trách nhiệm trước lịch sử, để tránh cho nhân dân ta một thảm họa mất nước, kẻ thù đó chính là ông bạn “4 tốt” của chúng ta hôm nay.
Hơn hai năm qua, chúng ta tổ chức rầm rộ nội dung: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; phải nói là rất tốn kém, không những thế lại còn “tác dụng ngược”, khi mà xã hội xem đây là một thứ “ăn mày dĩ vãng” (theo cách nói của nhà văn Phạm Đình Trọng). Nhưng đáng tiếc hơn là, chúng ta chỉ phát động ở bước... “học” - dù học chưa đúng bài cần học - mà chưa đủ tâm và tầm để... “làm” như Bác!
Cũng có thể nói, lịch sử dân tộc chưa đến “chu kỳ” để lại sinh ra một bậc vĩ nhân như Nguyễn Huệ, Nguyễn Ái Quốc để có thể thay đổi vận mệnh dân tộc, thay đổi lịch sử. Thế nhưng sự kiện mà Bác Hồ và Chính phủ Lâm thời đã làm mới chỉ cách đây 64 năm, mà bao người đã chứng kiến, tham gia vào sự kiện... vẫn đang còn sống, chẳng lẽ không đáng để thế hệ hôm nay noi gương đó mà hành động, trong khi thời cơ đã đến và khả năng thực hiện hoàn toàn trong tầm tay?
Đây chính là cơ họi để thể hiện bản lĩnh, tâm và tầm của những người lãnh đạo cấp cao nhất của đất nước hôm nay.

29.7.2010
NHQ
HT Mạng Bauxite

-------------------------------------------------

Trương Văn Sương - Lý Tống: Đừng Cúi Đầu Trước Bạo Quyền Cộng Sản. 

Trong hai tuần qua, giới truyền thông đặc biệt chú ý đến hai người: ông Trương Văn Sương và Lý Tống. Một ngừơi vừa được rời khỏi cảnh tù đày và một người xuất chiêu “xịt hơi cay ” chống văn hóa vận cộng sản. Lạ kỳ là cả hai người có rất nhiều điểm giống nhau và lại xuất hiện cùng một thời điểm. Biết đâu đây chính là vận nước.

Trước tiên cả hai ông Trương Văn Sương và Lý Tống đều là những chiến sỹ kiên cường trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Cả hai cùng tham gia chiến đấu bảo vệ miền Nam tự do đến giờ phút cuối cùng trước khi lọt vào tay giặc.

Trương Văn Sương là Thiếu Úy Địa Phương Quân, Phân Chi Khu Trưởng xã Mỹ Hương, Quận Thuận Hòa, Tiểu Khu Ba Xuyên. Trong khi ấy, phi công Lý Tống lái phản lực cơ A.37 chuyên công kích cộng quân. Khi người bạn “Đồng Minh” rút chạy, hai ông đã cùng chung số phận với đồng bào cả nước mất tự do và với hàng trăm ngàn binh sỹ miền Nam thành những người tù cải tạo.

Sau sáu năm tập trung cải tạo, Trương Văn Sương ra tù và vượt biên sang Thái Lan. Tại đây ông gia nhập “Mặt Trận Thống Nhất Các Lực Lượng Yêu Nước Giải Phóng Việt Nam”, làm trưởng toán dẫn mười thành viên nhập biên vào Hòn Ðá Bạc, mũi Cà Mau. Cả toán bị bắt, ngày 1/3/1983, ông bị kết án chung thân. Tính đến ngày rời trại giam Ba Sao (Nam Hà), ông đã bị Việt cộng giam 27 năm 4 tháng rưỡi. Như vậy nhập chung ông đã chịu 34 năm tù chính trị. Thế mà cái loa tuyên truyền của đảng cộng sản vẫn không ngừng rên rỉ “không có tù chính trị”.

Ông Sương cho biết tổ chức của ông có trên 200 người bị bắt. Nhiều người đã chết vì bệnh hoặc vượt ngục bị giết. Các ông Trần Văn Bá và Hồ Thái Bạch lãnh đạo Mặt Trận đã bị cộng sản sát hại nagy sau phiên tòa. Ông Sương và các chiến hữu của ông đã chọn chiến đấu cho tự do dân tộc thay vì tỵ nạn trên đất khách quê người như hàng triệu đồng hương khắp năm châu.
 
Còn Lý Tống đã trốn thoát trại tù, rời quê hương bằng đường bộ và được chính phủ Hoa Kỳ chấp thuận định cư. Tại Hoa Kỳ , ông đi học lại và lấy bằng Cử Nhân Khoa Chính Trị và Cử Nhân phụ Khoa Pháp Văn (1988), Cao Học (1990). Năm 1992 Lý Tống hoàn tất chương trình Tiến sĩ Chính Trị ngành Bang Giao Quốc Tế và chuẩn bị trình Luận án Tiến sĩ tại Đại Học New Orleans.
 
Thay vì tìm việc làm kiếm sống nuôi thân, ngày 4/9/1992, Lý Tống trở về Việt Nam trên chiếc Air Bus 321-200. Về đến thủ đô Sài Gòn , ông ép phi hành đòan thả 50 ngàn truyền đơn kêu gọi đồng bào Tổng Nổi Dậy lật đổ chế độ bạo quyền cộng sản, bị Việt cộng bắt và bị kết án 20 năm tù. Trước Tòa án ông tuyên bố: “Tôi Quốc tịch Việt Nam Cộng Hòa. ...Tôi trở về đây nhân danh Tổ quốc, Công lý để lật đổ Chế độ cộng sản. Các ông cũng nhân danh Tổ quốc, Công lý để kết tội tôi. Tại phiên tòa này các ông là quan tòa, tôi là bị cáo. Nhưng ngoài phiên tòa này còn có Tòa án Lịch sử và toàn Dân Việt Nam sẽ là những vị quan tòa công minh nhất, họ sẽ định công, định tội tôi và các ông!“  Cũng như Trương Văn Sương, ông cũng bị giam tại trại tù Ba Sao (Nam Hà) cho đến ngày thóat khỏi tù đày và về lại Hoa Kỳ .
 
Sau khi ra tù ông Trương Văn Sương cho giới truyền thông tự do biết trong tù ông luôn viết bản kiểm điểm như sau: “Chúng tôi khẳng định rằng chúng tôi vô tội và chúng tôi là những người có công với đất nước. Chúng tôi đã đem mồ hôi xương máu xây dựng và đấu tranh cho nhân quyền, tự do dân chủ cho Việt Nam . Chính đảng Cộng Sản Việt Nam mới là người có tội. Bằng chứng là các cuộc cải cách ruộng đất đã giết chết bao nhiêu người vô tội tại miền Bắc. Sau đó năm 1975, khi chiếm được miền Nam họ đã làm kiệt quệ kinh tế bằng các cuộc cải tạo tư sản, đánh tư bản, đẩy dân đi kinh tế mới, gây cho hàng triệu người vượt biên trong đó hàng trăm ngàn người đã chết. Họ đã buộc hàng trăm ngàn sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đi cải tạo và có biết bao người chết mà không biết thân xác bị vùi dập nơi đâu. Cán bộ thì tham nhũng, thối nát, hiếp đáp dân chúng nhưng lại hèn nhát cúi đầu trước các vụ lấn đất, lấn biển của ngoại bang. Hoàng Sa và Trường Sa không được bảo vệ khiến đất nước cha ông đã và đang rơi vào tay quân giặc.”
 
Ông Sương còn cho biết: “Với những điều vừa nêu, chúng tôi khẳng định rằng chúng tôi là người vô tội, còn đảng CSVN mới là người có tội. Vì thế chúng tôi mới yêu cầu họ phải thả chúng tôi vô điều kiện. Chẳng những thế, mà họ còn phải có lời xin lỗi trước quốc dân đồng bào về sai trái của họ để dư luận quốc nội và hải ngọai minh oan cho chúng tôi là những người tù chính trị phải chịu hàm oan suốt hơn 30 năm nay."
 
Các bạn tù của Lý Tống cũng cho biết khi viết “Thu Hoạch học tập Nội Quy”, Lý Tống đã kết luận: “Tôi trở về đây để thay đổi, sửa đổi Luật pháp chứ không phải để tuân thủ và chấp hành Nội quy, Luật pháp rừng rú nầy! ... Tôi nguyện sẽ cải tạo đến chừng nào chế độ cộng sản tốt mới về!” Dù trong vòng tay giặc cả hai ông Lý Tống và Trương Văn Sương đều kiên cường và bất khuất một tấm gương sáng cho chúng ta noi theo.
 
Ông Trương Văn Sương tâm sự với Thanh Quang phóng viên Đài Á Châu Tự Do, ông luôn nghĩ tới những bạn tù chính trị còn trong cảnh đọa đày. Ông mong mỏi:“Trong những ngày bị lao tù, tôi cũng mong một ngày nào đó có được một giải pháp chính trị để họ thả tôi ra. Thật ra, tôi không nghĩ rằng họ có nhân đạo thả tôi, hoặc tôi cũng không nghĩ rằng tôi là người cải tạo tiên tiến để được đặc xá hay giảm án, tha án gì. Tôi mong rằng có một giải pháp chính trị nào đó để giúp giải quyết cho những người tù chính trị.”
 
Ngày 1/9/1998, tai Phi trường San Francisco , trước hàng trăm đồng bào chào đón, Lý Tống tuyên bố: “Chúng ta đã bóp cổ cộng sản đủ mạnh để chúng phải nhả 3 người chúng tôi hôm nay. Chúng ta cần phải bóp cổ cộng sản mạnh hơn nữa để chúng phải thả hết những tù lương tâm còn lại. Và chúng ta cần phải tiếp tục bóp cổ đến khi nào bạo quyền cộng sản hoàn toàn tắt thở!“

Từ đó Lý Tống không ngừng nghỉ tiếp tục “bóp cổ cộng sản”. Ngày 1/1/2000, ông đã bay đến Havana, Cuba, rải 50 ngàn tờ truyền đơn kêu gọi toàn dân Cuba đứng lên lật đổ “Con Khủng Long Già Nua Fidel Castro’’.
 
Ngày 17/11/2000 ông bay về Sài Gòn lần thứ nhì để rải 50 ngàn tờ truyền đơn kêu gọi dân chúng đứng lên lật đổ ách độc tài áp bức của bạo quyền Việt cộng, rồi bay trở lại Thái Lan. Chuyến bay vào ra Việt Nam an tòan đã làm bạo quyền run sợ. Chúng không còn láo khóet tuyên truyền về khả năng phòng chống an ninh. Bằng mọi giá Việt cộng đã tìm cách mua chuộc, làm áp lực giới chức Thái Lan để giải giao Lý Tống với “tội xâm nhập lãnh thổ bất hợp pháp”.
 
Sau gần 7 năm bị giam cầm, ngày 3/4/2007 Toà Chung Thẩm Thái Lan đã ra Phán Quyết công nhận phi vụ thả truyền đơn của Lý Tống là một hành động chính trị, phải trả tự do cho Lý Tống, một thắng lợi lớn nhờ nỗ lực đấu tranh của Đồng Bào Hải ngoại và thất bại nhục nhã của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam.
 
Ngày 18/07/2010 vừa qua, tin từ San Jose Hoa Kỳ đã được nhanh chóng truyền khắp năm châu “Đàm Vĩnh Hưng bị xịt hơi cay khi đang trình diễn tại San Jose”. Theo đó bên ngòai đồng bào tham dự biểu tình. Bên trong, Lý Tống đã giả dạng một phụ nữ đi vào xem hát, ngồi ngay hàng đầu. Ông đã bình thản xem ca nhạc đợi đến phần trình diễn của văn công Đàm Vĩnh Hưng mới đứng lên tặng hoa. Khi Hưng bước đến gần cúi xuống nhận hoa thì bất ngờ, ông đã “xịt hơi cay” vào mặt của Đàm Vĩnh Hưng.
 
Mặc cho thông tin trong và ngòai nứơc đưa tin về hành vi chính trị của Đàm Vĩnh Hưng. Văn công Hưng vẫn một điều chỉ làm văn nghệ và xin đừng mang chính trị vào văn nghệ. Bài ca cũ rích này càng tạo sự quan tâm đến vai trò đảng giao của con chốt thí Đàm Vĩnh Hưng. Con chốt đã trên 40 lần nhảy tới nhảy lui, từ casino này sang casino khác, để rồi bứơc vào khung thành được quân sỹ cộng đồng Lý Tống xịt văng.
 
Việc ông Lý Tống làm đã đánh thức cộng đồng hải ngọai quan tâm đến sách lược dùng văn hóa vận để nhuộm đỏ cộng động hải ngọai. Thúc đẩy hàng ngàn người tham dự biểu tình tại Nam California ngày 24/7/2010. Tại cuộc biểu tình này, Lý Tống tuyên bố sẽ sang Úc để cùng đồng hương Úc đuổi cổ con chốt thí Đàm Vĩnh Hưng. Bà con Úc châu nghe thế càng mạnh dạn hơn, hăng hái hơn rủ nhau tham dự biểu tình để đuổi văn công cộng sản, để chặt đứt cánh tay nối dài của “đảng” và cũng để ủng hộ cao trào dân chủ - yêu nước Quốc nội đứng lên lật đổ bạo quyền Việt cộng.
 
Bên cạnh đó cũng có một số lập luận xuất phát từ một số bậc trí thức và nhà báo “tự do” cho rằng Lý Tống làm như vậy là bạo động, là phi văn hóa Mỹ, là không được quần chúng Tây Phương ủng hộ ... Mặc dù đã sống ở xã hội Tây Phương các người này cố tình quên đi phương cách thu hút giới truyền thông hay sự quan tâm của quần chúng bằng cách “chơi nổi”.
 
Ở Tây Phương không đâu tự do, độc lập và có văn hóa hơn môi trường đại học. Thế mà các vị lãnh đạo hay làm chính trị Tây Phương thường ngán nhất là xuất hiện tại các Viện Đại Học không ăn bom nước, thì bom bột, cà chua trứng thúi ... Như bà Tân Thủ Tướng Úc Julia Gillard chưa ngồi yên ghế và chưa nóng chân đi xin phiếu, ngày 24/7/2010 tại viện Đại học Queensland thành phố Brisbane, đã được một ứng viên Tiến sỹ anh Bradley Smith tấn công. Tin tức và hình ảnh của anh là tin nóng được đưa lên hàng đầu trong ngày. Anh Smith cho biết làm như thế để quần chúng Úc quan tâm hơn đến việc bảo vệ môi trường sinh thái. Theo giới bình luận chính trị bầu cử lần này đảng Lao Động chỉ có thể thắng nhờ vào lá phiếu chuyển tiếp của đảng Xanh (môi trường). Mọi chính sách tương lai của đảng Lao Động cũng sẽ lệ thuộc vào việc thương lượng với đảng Xanh.
 
Với đa số quần chúng hải ngọai việc Lý Tống xịt Đàm Vĩnh Hưng là việc một việc bình thường nhưng không phải ai cũng làm được. Tôi thiếu năng giả gái và khả năng bình tĩnh vượt qua mạng lưới an ninh chìm nổi của Đàm Vĩnh Hưng để thực hiện công việc. Có làm được hai việc trên tôi lại thiếu sự duyên dáng và hấp dẫn để Đàm vĩnh Hưng sà tới hưởng hoa. Ngòai ra, tôi sợ làm sẽ ảnh hưởng đến công việc, sợ ảnh hưởng đến gia đình, sợ sẽ bị thiên hạ đàm phán, sợ bị bọn Việt cộng và tay say để ý gây khó dễ hay đánh lén, sợ bị tù, sợ ra tòa, sợ, sợ … và sợ. Nói trắng ra mặc dù đã thóat khỏi lao tù cộng sản, những cái sợ đã kềm hãm tôi có thể trở thành một con người thực sự tự do. Hành động của Lý Tống đã đánh thức cá nhân tôi hãy bớt sợ đi để cùng đồng bào đấu tranh chống bạo quyền cộng sản.
 
Lại cũng có người cho rằng hành động của Lý Tống không được đồng bào Quốc nội hửơng ứng. Chủ nhật vừa qua, hằng chục ngàn đồng bào Bắc Giang đã biểu tình trước Ủy Ban Nhân Dân Tỉnh Bắc Giang đòi giải thích về cái chết của anh Nguyễn văn Khương. Sau đó bạo động giữa công an và dân chúng đã xẩy ra. Có người đặt câu hỏi tại sao lúc này công an hay đánh chết người? Câu trả lời là từ ngày cộng sản cướp chính quyền tháng 8-1945, công an Việt cộng vẫn thường xuyên đánh chết người nhưng do sợ mà dân chúng chưa dám đứng lên. Gió đã đổi chiều đồng bào Quốc nội đã hiểu rõ với Việt cộng không thể nói chuyện ôn hòa, vì thế mới mang quan tài anh Khương đi đòi công lý cho anh và cho dân tộc.
 
Cũng có người cho rằng Lý Tống làm như vậy không được giới trẻ ủng hộ. Việc Đàm Vĩnh Hưng nửa đàn ông nửa đàn bà, khi nghệ sỹ lúc văn công, Việt không ra Việt Tây chẳng phải Tây, thiếu văn hóa, thiếu trình độ học vấn, … nửa người nửa ngợm nửa đười ươi, chẳng hợp với ai, chỉ để “đảng” lợi dụng, đã là những đề tài được giới trẻ bàn luận từ lâu. Thậm chí các bạn còn lập ra Hội Ghét Đàm Vĩnh Hưng có diễn đàn mạng riêng. Nhưng nếu qủa thực giới trẻ không ủng hộ việc làm của Lý Tống thì đây lại chính là cơ hội để chúng ta giải thích ngọn nguồn cho các bạn về lý do chính trị trong việc Lý Tống xịt Đàm Vĩnh Hưng.
 
Tin từ Hoa Kỳ cho biết Lý Tống đã chính thức thưa Đàm Vĩnh Hưng và những người đứng ra tổ chức về việc trốn thuế. Tháng ba vừa qua các đồng hương tại Victoria Úc đã tham dự và biến một phiên tòa kiện Cộng đồng thành nơi để xác định lập trường Cộng đồng Úc châu là một cộng đồng chống cộng. Lần này Lý Tống và đồng hương tại San Jose sẽ biến các phiên tòa thành nơi lên án bạo quyền Việt cộng, chứng minh sự xâm nhập của đảng cộng sản, chặt đứt các cánh tay nối dài của đảng và chứng minh hành động chính trị của Lý Tống để bảo vệ “vùng cấm Việt cộng” San Jose.
 
Trở lại ông Trương Văn Sương và ông Lý Tống hai chiến sỹ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã làm những việc không phải vì họ muốn trở thành anh hùng. Hai ông đã làm vì trung thành với lời thề Tổ Quốc Danh Dự và Trách Nhiệm . Cũng do lời thề này mà năm tướng Lê Nguyên Vỹ , Phạm Văn Phú, Trần Văn Hai, Lê Văn Hưng và Nguyễn Khoa Nam và hàng ngàn binh sỹ VNCH thà chết không hàng giặc. Hay tướng Hòang Cơ Minh và hàng ngàn anh hùng vô danh đã quay về chiến đấu cho tự do dân tộc để hy sinh trên đường giải phóng hay nằm xuống trong lao tù cộng sản. Trong lao tù cộng sản hiện vẫn cò nhiều chiến sỹ VNCH hiện đang ngày đêm chiến đấu cho tự do, cho sự sống còn của dân tộc, cho sự tồn tại của biên cương bờ cõi do ông cha để lại. Sự kiên cường và bất khuất của chiến sỹ quân lực VHCH không phải sẽ chỉ được ghi vào sử sách ngàn đời, mà còn là phương châm để các thế hệ tiếp nối noi theo cùng đồng bào cả nước đứng lên giành lại chủ quyền dân tộc.
 
Xin được lấy lời Lý Tống làm kết luận bài: “Ta cúi đầu, cộng cỡi cổ. Ta đứng dậy, cộng sụp đổ! …”

 
Nguyễn Quang Duy
Melbourne, Úc Đại Lợi
28/7/2010

No comments:

Post a Comment