Saturday, July 24, 2010

Thày giáo Hà Văn Thịnh trải lòng dạ mình ra với các sinh viên can đảm quảng bá khẩu hiệu HS-TS-VN----Khi giấc mơ bị cấm



Ngư phủ Việt ở Biển Đông thời nhà Hồ chí Minh – biếm họa của Ba Bui
Đôi lời với sinh viên Thanh
Hóa, Ninh Bình, Bình Dương…
Hà Văn Thịnh
Đọc thư và xem những tấm ảnh của các em viết, dán ở khắp nơi trên quê hương mình, tôi đã khóc. Khóc vì trước mắt tôi dường như thế hệ trẻ đã tỉnh thức thật rồi. Trong suy nghĩ của tôi lâu nay, đó là điều quan trọng nhất. Mặc dù tôi chưa được dạy các em một giờ nào, nhưng cho phép tôi tâm sự bởi những điều được viết ra bằng tất cả đắng cay và nước mắt…
Từ lâu tôi đã nghĩ rằng thế hệ chúng tôi (trước hết là tôi, U60 – U70) đáng bị bỏ đi (mong các cụ, các bác đại xá). Bởi đó là thế hệ học hành thì chắp vá, kiến thức thì luộm thuộm, tư duy thì nửa tỉnh nửa mê. Còn lại, những ai đang ở trong bộ máy công quyền thì hầu hết đều thiển cận, tham lam, ích kỷ và… dốt nát. Sự công thần (vì đã vào tù, ra tội, nhiều huân – huy chương) đã biến họ thành những kẻ luôn vênh mặt trước dân, luôn tìm cách ăn chơi, vơ vét để “bù đắp” cho những tháng ngày khổ nhục vất vả. Kể ra thì cũng có thể thông cảm được phần nào, nhưng tai họa không dừng ở đó mà lại càng ngày càng phát tác tệ hại hơn, càng ngày càng đẩy dân tộc đến chỗ hiểm nguy hơn.
Tôi biết trông chờ vào ai nếu không phải là thế hệ trẻ? Tôi luôn luôn vững tin rằng các em sẽ là những người mới về tư duy, tình cảm; mạnh mẽ về ý chí, bền bỉ về nội lực. Có như thế đất nước mới có thể đổi thay.
Nền giáo dục của nước ta dưới chiêu bài đề cao tính khiêm tốn (!) đã đẩy nhiều thế hệ trẻ vào chỗ khuất lụy, ươn hèn. Làm sao có thể là SĨ khi lúc nào cũng khúm núm, một dạ, hai thưa? Tôi luôn nói với sinh viên rằng phải đứng thẳng, ưỡn ngực và ngẩng cao đầu trước mặt thầy một cách tự tin vì nếu không học cách đứng thẳng thì làm sao có thể thành SĨ được? Các em cứ mở chữ SĨ () ra mà xem: Nó chỉ có 3 nét nhưng viết cho ngang, cho thẳng, cho cân đối là khó vô cùng. Nét thứ nhất (tôi dẫn giải theo cố nhà giáo – Thầy của những người thầy, Cao Xuân Huy) là nét ngang để minh định rằng sĩ là thứ nhất (trong tứ dân sĩ, nông, công, thương). Nét đó cũng nói rằng phải biết công bằng, hài hòa (tất nhiên là rất khó, hầu như chẳng ai đạt được nhưng phải phấn đấu vì nó) trong cuộc đời; phải chuẩn mực trong cách đo – nhìn xã hội. Nét sổ nói rằng sĩ phải đứng thẳng trong đời, không được bẻ cong lưng trước bất kỳ sự sai trái nào. Hai nét ấy tạo nên chữ thập tức là vươn tới cái ước vọng 10 phân vẹn mười hay là kiến thức phải nhiều như 4 phương, tám hướng. Nét ngang dưới ngắn và nhỏ để khẳng định rằng miếng cơm, manh áo luôn ở thấp, không đáng gì so với trách nhiệm và bổn phận của sĩ. Cả 3 nét tạo nên hình dáng của một cánh chim bằng (máy bay bây giờ) ngụ ý nói sĩ phải vươn tới tự do trên bầu trời lồng lộng mà không phải chịu bất kỳ một sự ràng buộc vô lý nào (tự bản thân chữ sĩ đã là chuẩn mực, theo tinh thần thượng tôn pháp luật rồi). Nếu chúng ta che đi một nửa chữ SĨ, Thầy Cao Xuân Huy nhấn mạnh, là một nửa chữ Nhân () ẩn sâu vào bên trong đó.
Tôi dài dòng một chút như thế để bày tỏ rằng tôi tin thế hệ các em là những SĨ đích thực của giống nòi. Một khi các em thức tỉnh, không còn sợ hãi, không còn phải khom lưng cúi đầu nữa thì nhất định vận nước sẽ đổi thay. Làm sao chúng ta có thể bình tâm, làm ngơ khi viết hay nói về chủ quyền, vận mệnh dân tộc lại phải sợ hãi? Có thời đại nào, ở bất kỳ nước nào trên thế giới có chuyện đó không? Câu trả lời là không. Đừng vin vào sự “nhạy cảm” hay là quan hệ tế nhị giữa hai nước mà bắt trái tim của người dân thôi rỉ máu vì sự hiểm nguy của giống nòi. Tôi tin rằng tất cả những kẻ nào nhân danh bất kỳ “lý lẽ” nào để ngăn cản, cấm đoán lòng yêu nước, đều là kẻ thủ ác. Một người viết HS-TS-VN có thể bị trù dập. Một số làm thế có thể bị đe dọa, thậm chí bắt bớ. Nhưng, nếu tất cả thế hệ trẻ của Việt Nam hôm nay đều làm thế thì các vị lãnh đạo sẽ nhận ra rằng họ đã sai. Sai mà không sửa thì bị lịch sử đào thải. Đó là lẽ tất nhiên. Làm sao không bày tỏ lòng yêu nước khi Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, Lương Quang Liệt, đã chửi vào mặt quan chức Bộ Ngoại giao TQ rằng “mong các người để cho quân giải phóng tìm được mấy chỗ luyện quân ở vùng châu Á”(!)?!!! Thì ra, TQ đang tìm chỗ để luyện quân. Ai cũng rõ nếu những kẻ giặc phương Bắc ấy cần chỗ để “luyện quân” thì đích gần nhất, quan trọng nhất là mảnh đất – vùng biển nào! Sự u mê của không ít vị lãnh đạo đang đẩy tất cả gánh nặng sang vai các em. Phải nhận lấy và không thể từ chối là trách nhiệm, bổn phận của các em.
Các em đã mang đến cho tôi rất nhiều, và tôi viết những dòng này để nói lên lời cảm ơn. Một trái tim đã già héo và một tấm thân gầy đã mỏi mệt sẽ chẳng thể nào vui hơn khi thấy cháu con khỏe mạnh, quyết tâm, dũng cảm, thông minh và sáng tạo, đồng lòng. Trời mỗi ngày mỗi sáng. Cốc nước của vận mệnh dân tộc đang đầy một nửa. Trước khi đọc thư các em, tôi cứ nghĩ nó đang vơi một nửa. Đó là câu nói của Helmut Kohl, cựu Thủ tướng Đức. Một lần nữa, xin được cảm ơn các em.
HVăn Thịnh
Huế, 21.7.2010

————
Sinh viên Thanh Hóa và Bình Dương xin góp phần nói lên tấm lòng với Tổ quốc
 1. Từ cố đô Hoa Lư đi đến xứ Thanh
Kính thưa Ban quản trị trang mạng Bauxite Việt Nam
Ba tuần trước đây chúng em đã gửi đến quý vị những hình ảnh về việc vẽ 6 chữ HS-TS-VN tại tỉnh Ninh Bình là nơi chúng em đang theo học tại Đại học Hoa Lư. Chúng em xin cảm tạ Ban quản trị đã đăng tải những hình ảnh này, và nó đã làm cho chúng em vô cùng hãnh diện.
Hiện công việc này vẫn đang được các bạn em tiếp tục thực hiện ở Ninh Bình mỗi khi có dịp. Tuy nhiên gần đây chúng em có một số bạn ở Thanh Hóa là tỉnh lân cận với Ninh Bình bày tỏ bức xúc trước tình hình biển đảo của Tổ quốc, nên chúng em đã hỗ trợ cho các bạn này để triển khai việc làm tương tự tại Thanh Hóa.
Lý do bức xúc vì các bạn Thanh Hóa đã chứng kiến hai vụ việc xẩy ra trong tỉnh của mình. Thứ nhất là vụ những ngư dân Thanh Hóa bị tàu Trung Quốc sát hại ngay trên vùng biển của nước ta. Từ 5 năm nay đã liên tiếp xẩy ra nhiều trường hợp thương tâm, chồng, cha, con… mình ra khơi kiếm sống nhưng rồi trở về trong chiếc thùng đựng đá ướp cá… Ra khơi thì nguy hiểm bủa vây mà ngồi nhà thì chết đói… người dân ở đây khốn khổ nhưng bất lực không biết xoay xở cách nào. Đi đến các xã ven biển như Hậu Lộc, Hoằng Hóa, người ta thấy hầu như nhà nào cũng là nạn nhân, nhà thì mất người, nhà thì mất ghe, mất lưới… bởi những đoàn “tàu lạ”. Lớp đau thương vì mất mát to lớn, lớp tủi nhục vì bị ức hiếp ngay trên đất nước của mình. Nỗi niềm này biết tỏ cùng ai?
Ngoài việc bị ức hiếp trên biển, người dân tỉnh Thanh Hóa nay lại bị nguy cơ mất đất, mất rừng bởi việc cho người nước ngoài thuê. Đã có báo chí và nhiều nhà lão thành cách mạng nêu lên những tai họa này, nhưng dường như những tiếng nói đó vẫn không đủ để thức tỉnh những người có trách nhiệm (và có quyền hành), vì thế Thanh Hóa là tỉnh có nhiều diện tích rừng, nên cũng lại là tỉnh có nguy cơ bị mất nhiều rừng vì chuyển giao cho người “nước lạ”.
Những sự bức xúc nói trên là động lực để các bạn ở Thanh Hóa mạnh dạn cùng chúng em đi sơn, đi dán những chữ HS-TS-VN. Hy vọng rằng những con chữ ngắn ngủi này thể hiện được tình yêu Tổ quốc bất diệt nơi những người bạn trẻ. Từ Hoa Lư xin gửi lời chào thân thương đến các bạn Thanh Hóa và xin giới thiệu với quý vị những tấm ảnh ở xứ Thanh.
Nhìn kỹ sẽ thấy hàng chữ “HS-TS-VN” in trên vuông giấy khổ nhỏ hình chữ nhật nền xanh lá cây được dán ôm thân cột điện hay thân cây dừa kiểng
 

“Đừng hỏi rằng Tổ quốc đã làm gì cho các bạn, mà hãy hỏi rằng các bạn đã làm gì cho Tổ quốc”
Trân trọng kính chào Ban quản trị BVN
Một nhóm sinh viên Đại Học Hoa Lư

———————————
2. Sinh viên Bình Dương xin góp phần nói lên “Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam”

Thân gởi Ban biên tập trang mạng Dân luận
Tụi tôi là vài sinh viên đang theo học tại Đại học Bình Dương. Trang Dân luận là một trang mà tụi tôi rất thích truy cập, vì có nhiều bài vở bổ ích và nhanh chóng. Trong mấy tháng qua, tụi tôi thấy trên trang Dân luận và một vài trang mạng khác có đăng những tấm ảnh vẽ các từ “HS – TS – VN”, ngụ ý nói lên Hoàng Sa – Trường Sa – Việt Nam.
Lúc đầu, tụi tôi xem cho biết, cũng khâm phục các bạn đã “cả gan” dám thách đố Nhà nước, viết, vẽ lung tung các từ này. Chúng ta đều biết, vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa là vấn đề rất nhạy cảm. Nhà nước tuy khẳng định hai quần đảo này là của Việt Nam, nhưng do tế nhị ngoại giao với đàn anh Trung Quốc, nên không muốn dân công khai bày tỏ quan điểm và tìm cách dập tắt mọi hành động bày tỏ sự bất bình đối với nước láng giềng phương Bắc. Cho nên hành động vẽ ở nơi công cộng các từ “HS – TS – VN” nếu bị khám phá, thì thủ phạm chắc chắn không yên với guồng máy công an nhà nước.
Vì vậy, tuy khâm phục các bạn đã làm việc này, nhưng tụi tôi chỉ xem cho biết. Tụi tôi cũng cho rằng chỉ trong một thời gian ngắn, là “phong trào” này sẽ xì hơi, vì sẽ không ai dám hưởng ứng.
Nhưng từ những tấm ảnh mà tụi tôi thấy hình như là đầu tháng 4, đến nay là tháng 7, “phong trào” này chẳng những không xì hơi, mà số người hưởng ứng ngày một tăng. Tụi tôi thích nhất là mấy tấm ảnh ở Lạng Sơn, không phải vì các ảnh này đặc biệt hơn các ảnh khác, mà vì ý nghĩa của tỉnh Lạng Sơn, nơi giáp ranh với Trung Quốc, nơi chịu nhiều đau thương của cuộc chiến 1979, nơi mà Ải Nam Quan, còn được gọi là Hữu Nghị Quan, đã bị lùi sâu vào lãnh thổ Trung Quốc. Sự kiện Việt Nam mất đất, mất biển về tay Trung Quốc gây nhiều bất mãn đối với người Việt Nam, nhất là những thanh niên như tụi tôi. Nhưng hình như ai cũng nén bất mãn, không ai dám làm gì. Một phần là vì sợ hãi, muốn an thân, một phần là vì cho là chuyện lấy lại đất đai, biển cả là chuyện lớn, mình có lo cũng không lo được gì.
Tuy nhiên, phong trào vẽ các từ “HS – TS – VN” đã làm cho tụi tôi có một luồng suy nghĩ mới. Tại sao mỗi người không tìm cách tạo ra một áp lực, dù là rất nhỏ, nhưng gom tụ lại thì sẽ thành một áp lực rất lớn, để buộc chính quyền phải để cho dân công khai bày tỏ sự bất mãn của mình về vấn đề biển đảo, đất đai? Luồng suy nghĩ này mỗi lúc một rõ nét hơn trong tụi tôi, nhất là cách đây một tuần, tụi tôi đi Thảo Cầm Viên chơi, thấy ngay trước cửa, ai đó đã dán tờ giấy kêu gọi cùng nhau viết vẽ “HS-TS-VN” để biểu lộ lòng yêu nước. Tụi tôi lén chụp ngay tờ giấy này để lưu niệm. Có lẽ tờ giấy này mới được dán, nên an ninh chưa kịp thấy để xé nó đi. Quả nhiên, lúc buổi chiều trở ra, tờ giấy này không còn nữa và chung quanh số an ninh, cảnh sát đông hơn một cách lạ thường.
Tụi tôi bái phục người nào đã “cả gan” dán các tờ giấy này ngay trên đại lộ Lê Duẩn, trước cổng Thảo Cầm Viên. Qua trang Dân luận, tụi tôi được biết có một nhóm thanh niên đã làm việc này. Nhiều người đã làm được như vậy, tại sao tụi tôi không dám làm? Thế là tụi tôi phân công, đứa in tờ bướm “Hoàng Sa & Trường Sa là của Việt Nam”, rồi tìm nơi copy tin cậy phóng lớn ra, đứa đi mua keo dán, đứa chạy đi nghiên cứu địa điểm. Sau mấy ngày chuẩn bị, tui tôi đã rủ nhau đi dán ở nhiều nơi tại tỉnh Bình Dương.
Làm xong, đứa nào cũng lên tinh thần. Sự sợ hãi ban đầu không còn nữa, mà còn hăng máu tính vài hôm sẽ làm tiếp. Mặc dù cách đó không lâu, cả bọn tranh luận về việc nên hay không nên làm và quan điểm đa số cho rằng không nên làm, vì chị Phạm Thanh Nghiên ngồi trong nhà căng mấy chữ “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam” mà còn bị bắt và xử tù 4 năm, thì việc dán mấy chữ này ngoài đường, tội còn nặng hơn.
Tụi tôi xin gởi đến mạng Dân luận các thành quả này, gồm tấm ảnh ở cổng Thảo Cầm Viên và các ảnh ở tỉnh Bình Dương, như một cống hiến của tụi tôi để nói lên lòng yêu nước nồng nàn và vô vị lợi của tuổi trẻ Việt Nam.
Hình đầu tiên chụp dòng chữ HS-TS-VN ở Thảo Cầm Viên, đường Lê Duẩn

  

Bài từ: boxitvn.net



Trần Khải: hãy nhớ rằng có một thời như thế, một thời nhà Hồ như thế mà chúng ta đang nhìn thấy, trước mắt

Saturday, 24 July 2010

Khi giấc mơ bị cấm
Có ai vào được giấc ngủ của bạn để cấm những giấc mơ? Có ai ngăn cấm bạn kể về những gì bạn nằm mơ trong các giấc ngủ? Thế mà chuyện có thật đó. Hằng ngày, trên đất nước mình, nhà nước CSVN đang ngăn cấm những giấc mơ về tự do dân chủ, và bịt miệng những người nói lên các giấc mơ này.
Đặc điểm của chế độ này là: giấc ngủ không còn là chuyện riêng tư, và do vậy công an vẫn săm soi những người kể về các giấc mơ của họ.
Luật sư Lê Thị Công Nhân tuần trước vừa phổ biến một bài thơ nhan đề “Tôi có một giấc mơ”, trong đó những dòng đầu tiên là:
“Tôi có một giấc mơ,
đến một ngày
trên thế gian
sẽ không còn
cộng sản.
*
Khi ấy, người nông dân quê tôi
sẽ không còn lam lũ ngoài đồng nắng
chang chang
ướt đầm áo giọt mồ hôi
bão tố gió mưa
đơn côi
trên đồng quạnh vắng
cho lúa được vàng bông
trĩu hạt !
Nhưng,
phải cống nạp nuôi chính quyền độc tài cộng sản
hơn (một) nửa mất rồi,
Còn đâu…”
Trong những người có giấc mơ như thế – một giấc mơ tại nhiều quốc gia được xem là rất bình thường, nhưng tại Việt Nam lại bị cấm – có anh Trần Huỳnh Duy Thức, hiện đang bị nhà nước CSVN kêu án tù 16 năm! Giấc mơ của anh thời thơ trẻ là muốn làm một nhà khoa học và rồi ước mơ khi về già sẽ làm một nghệ sĩ đi chụp hình ảnh quê hương mình. Nhưng vì quê nhà hữu sự, và anh phải đặt ưu tiên cho giấc mơ đấu tranh cho tự do dân chủ trước.
Một thiếu nữ viết blog ký tên là Nhi, trong bài viết ngày 17-7-2010 nhan đề “Đôi dòng gửi lại” (viết về anh Trần Huỳnh Duy Thức) – đăng ở trang blog cá nhân của Nhi, đã kể về những giấc mơ đơn giản của anh Trần Huỳnh Duy Thức:
…Nhi nhớ anh từng kể Nhi nghe về một người con trai lớn lên với ước mơ trở thành một nhà khoa học nhưng không thể nào được trong một xã hội Việt Nam khi trách nhiệm lo lắng cho gia đình của anh rất lớn… để rồi anh trở thành một nhà kinh tế và bảo ấy là duyên và là sứ mệnh. Anh còn mong thực hiện xong điều anh muốn cho Việt Nam, về già anh sẽ vác máy ảnh đi đó đây khắp quê hương của mình để ghi lại những hình ảnh đẹp…
Từ khi biết tin anh Trần Huỳnh Duy Thức bị bắt giam vì các giấc mơ dân chủ, người viết ký tên Nhi, người đã hẹn đi chung đường xây đắp dân chủ tự do cho quê nhà, đã phải đi lang thang nhiều tỉnh, và ngay cả những giấc ngủ cũng thấy đầy bất an.
Trong bài dẫn trên, người viết ký tên Nhi nêu ý định rời bỏ việc viết blog:
Nhi – Trước khi post thư anh Thức, xin viết đôi dòng gửi lại Multi. Có lẽ cũng không có gì nhiều để nói, nhưng để bạn bè Multi quan tâm chuyện anh Thức hiểu được ít nhiều. Coi như là chỉ để nói lên đôi điều sự thật trước khi nhi rời khỏi ngôi nhà Multi này của mình. Khoảng mùa hè năm 2008 nhi biết anh Thức qua mạng và đã hẹn đi chung con đường với anh. Cách đây hơn 1 năm, sau khi anh Thức bị bắt, Nhi đã vào Sài Gòn, đúng như hẹn là gặp anh để nghe trực tiếp và chi tiết hơn về những chiến lược của anh…và để mong phụ được anh một điều gì đó. Dù hay tin anh bị bắt, Nhi vẫn cứ về Sài Gòn với hy vọng gặp một người bạn khác, nhưng liền sau đó là nghe tin anh Định bị bắt và rồi đến người bạn này. Những ngày này nằm ở Sài Gòn nửa đêm rất sợ nghe tiếng chó sủa, ngủ chẳng ngon, thế là sau đó Nhi lang thang về Bến Tre rồi ngược Phan Thiết, Mũi Né v.v.
Việc cách đây hơn một năm rồi, hôm kia đọc bài viết về bạn Thiên Sầu thì cũng hiểu cái sự lang thang ấy nó như thế nào…
Đúng thật, sau khi anh Thức bị bắt, hy vọng về một con đường tươi mới cho Việt Nam của Nhi như bị sụp đổ. Giờ ngồi đây viết những dòng này cũng muốn ứa nước mắt dù bao giờ cũng tự hào mình là một con người lạc quan…
Thiên Sầu cũng là một người viết blog, từng xuống đường biểu tình chống Trung Quốc năm 2007, bị công an hạch sách và rồi truy bắt, nên phải lang thang nhiều tỉnh. Sau mấy năm biệt tích, bây giờ người ta mới được tin rằng anh đã về một ngôi làng hẻo lánh ven rừng để ngụ cư, khi người yêu bị công an truy bức tới phải rời bỏ anh, khi văn bằng cử nhân học xong không được trường phát ra cho anh, và khi anh không thể tìm được bình an nào trong những thế giới cũ của Sài Gòn, nơi các dân mơ dân chủ của anh được ý thức và nuôi lớn.
Trang blog anhbasg hôm 14-6-2010, đã đăng bài nhan đề “Lái Gió viết về Thiên Sầu: Những người muôn năm cũ…”, trong đó kể chuyện gặp lại chàng Thiên Sầu:
Từ hồi mới có 360, ở phía Nam có một chàng trai trẻ khôi ngô, tuấn tú, uyên bác đã lừng lẫy giang hồ. Chàng có tên là Thiên Sầu.
Thiên Sầu xưng trên blog mình là đảng trưởng đảng chủ dân, anh viết những bài sắc bén bằng giọng văn lúc dí dỏm, lúc trầm tư. Thiên Sầu từng xuống đường biểu tình chống Trung Cộng những ngày đầu tiên của năm 2007 cùng với CLB Nhà Báo Tự Do, với anh Điếu Cày và Nguyễn Tiến Trung… anh say mê hoạt động, đi lại, viết lách không ngừng nghỉ đấu tranh cho sự vẹn toàn lãnh thổ. Lúc nào anh cũng hừng hực lửa nhiệt huyết với quê hương.
Có lần anh nhờ Lái Gió mua hộ cuốn thơ Trần Dần. Lái Gió mua xong ra bưu điện gửi anh. Ba ngày sau Lái Gió lên đồn, công an chìa cái hóa đơn bưu điện, hỏi quan hệ với Thiên Sầu ra sao mà lại gửi sách.
Đến đây lại nhớ Lê Quốc Quyết, em của luật sư Lê Quốc Quân, từng nói khi bị công an triệu tập hỏi về quan hệ với Lái Gió – quan hệ gì, quan hệ đồng tính à? Hôm đó công an nói với Lái Gió không được quan hệ với Thiên Sầu, vì hắn ở CLBNBTD, một tổ chức phản động!
Sau này mới biết lúc đó trong Nam, Thiên Sầu cũng bị gọi lên và nghe dặn, đừng quan hệ với Lái Gió, trùm giang hồ, ma-phi-a chuyên buôn thuốc lắc.
Thế rồi bẵng đi thời gian Thiên Sầu bị người ta săn đuổi, Thiên Sầu lang thang, lúc gặp anh ở vùng này, lúc thấy anh vùng khác. Nam, bắc, cao nguyên, miền Tây. Anh cứ thoắt ẩn, thoắt hiện. Không thấy anh viết lách gì nữa, giang hồ vắng bóng anh. Mỗi khi vào Nam hỏi về anh, bạn hữu ai cũng lắc đầu, tung tích anh mờ mịt.
Rồi một chiều lang thang, một chiều không phương hướng, đi đâu về đâu cũng được, trừ nhà mình. Lái Gió theo chuyến xe ca mà cánh cửa bằng gỗ, leo qua những ngọn đồi đất đỏ, xóc tung người, đến một thị trấn ven biên giới, bạt ngàn những cánh rừng cao su. Đang lơ ngơ thì nghe tiếng gọi, quay lại thấy trong một quán cóc ven đường, mái lá, cột tre. Người anh em thuở nào quần cộc, cởi trần tay bưng khay cà fê đứng đó, chàng trai trẻ Thiên Sầu với khuôn mặt tươi tắn năm nào giờ héo hắt với bụi đỏ, nắng lửa núi rừng. Chỉ tay quanh chiếc quán lèo tèo mấy ông khách cởi trần đánh bài, Thiên Sầu nói:
- Giờ cuộc sống em là đây.
Cái quán lá trông huếch hoác, hỏi cửa đâu. Thiên Sầu chỉ hai cái gióng tre hai bên. Hỏi ngủ ở đâu, chỉ cái miếng cót ngăn phía cuối quán. Sau bữa nhậu là một con vịt cỏ luộc. Đêm đã về khuya, bên chai bia và bao thuốc lá, Thiên Sầu trầm ngâm nhìn xa xăm về hướng thành phố. Nơi một thời anh đã vẫy vùng cùng với anh em, bè bạn, người yêu…
Giờ bạn hữu Thiên Sầu có kẻ trong tù, có kẻ trôi dạt, còn gia đình anh ở đâu, người yêu nữa…?
Có thời nào như thời này không? Có thời nào mà những giấc mơ dân chủ bị truy bức như thế, để rồi những người thơ mộng nhất quê nhà phaỉ tìm những góc rừng, chân núi mà ẩn thân?
Có thời nào như thế này không? Thời nào mà giấc mơ trở thành nhà khoa học phảỉ gác lại, giấc mơ làm người chụp ảnh phải trôi xa, và những giấc mơ ban đêm cứ bị khủng bố vì bước chân công an và tiếng chó sủa? Có thời nào như thế này không? Thời nào mà ước mơ lãnh thổ vẹn toàn lại bị xem là phản động, thời nào mà lời kêu gọi giữ biển, giữ đảo bị xem là chống chế độ, thời nào mà người biểu tình vì Hoàng Sa lại bị truy bắt khắp các nẻo đường quê nhà?
Hãy nhớ rằng có một thời như thế, một thời nhà Hồ như thế. Mà chúng ta đang nhìn thấy. Trước mắt.
Trần Khải


Nguồn bài: vietbao.com

No comments:

Post a Comment