Wednesday, July 28, 2010

Về việc giải thích của UBND Bắc Giang trước cái chết đáng ngờ của anh Nguyễn Văn Khương

Huệ Quang
image Chiều 26/7, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Bùi Văn Hải cho biết:
“Chiều tối 23/7, cảnh sát giao thông Công an huyện Tân Yên phát hiện anh Nguyễn Văn Khương (21 tuổi, quê xã Hồng Thái) đi xe máy chở chị Phạm Thị Ngoãn (20 tuổi) có lỗi vi phạm an toàn giao thông. Công an đưa phương tiện và người vi phạm vào trụ sở để lập biên bản xử lý. Khi ngồi trên ghế, anh Khương có biểu hiện sức khỏe không bình thường. Công an đã đưa anh đi cấp cứu ở Bệnh viện huyện Tân Yên. Đến nơi, anh Khương chết” (http://vnexpress.net/GL/Phap-luat/2010/07/3BA1E8A2/).
Giả sử đúng như lời ông Phó chủ tịch Hải nói " chiều 23/7 phát hiện anh Khương chở chị Ngoãn....sau khi bị đưa về trụ sở CA...anh Khương có biểu hiện sức khỏe không bình thường...rồi chết", nghĩa là trước khi bị phát hiện lỗi vi phạm GT thì anh Khương vẫn đang chở chị Ngoãn và sức khỏe bình thường, nhưng sau khi nhập đồn Công an khoảng 1 tiếng thì anh lại chết bất thình lình thì có hai khả năng sau đây:

1. Khả năng thứ nhất:
- Anh Khương bị ốm bất thường (theo ông Phó chủ tịch Hải đưa tin) và sau khi phát hiện anh Khương có biểu hiện bất thường thì CA có đưa anh Khương tới BV huyện Tân Yên để cấp cứu, nhưng không kịp và anh Khương đã chết. Nếu đúng như vậy thì theo logíc nhất định chị Ngoãn phải cùng đi tới BV huyện và theo nguyên tắc CA phải yêu cầu chị Ngoãn đi cùng tới bệnh viện, đồng thời thống nhất báo gia đình người bị nạn biết. Đây là nguyên tắc tối thiểu và bắt buộc trong tình huống này. Như vậy, nhờ có chuyện phạt lỗi vi phạm giao thông mà anh Khương được đưa đi cấp cứu sớm (dù là sau đó vẫn qua đời); nếu không, anh Khương có thể đã chết trên đường và có thể còn gây nguy hiểm tới tính mạng chị Ngoãn, thậm chí là cả những người đi đường khác, nếu quả thật anh ta bị mắc bệnh bất thường dẫn tới khả năng đột tử cao. Trong trường hợp này, gia đình anh Khương dù đau buồn cũng vẫn phải cảm ơn CA vì đã giúp đỡ gia đình đưa anh Khương vào BV để cứu chữa và chắc chắn là không thể có chuyện kiện tụng hay nghi ngờ. Do đó càng khó mà có chuyện dân nổi giận. Chẳng lẽ gia đình anh Khương lại thuộc hạng “Ăn cháo đái bát”, tệ bạc với cả những người đã làm ơn, làm phúc cho con mình? Nếu đúng như vậy thì gia đình anh Khương đã nói dối nhân dân dẫn tới sự phẫn nộ không đáng có của nhân dân và phải bị nghiêm khắc trừng trị.
- Vẫn trong khả năng thứ nhất này, một giả thiết nữa là Công An không mời chị Ngoãn cùng đi tới bệnh viện huyện Tân Yên (để chăm sóc và làm chứng trong trường hợp có biến cố) và không lập tức thông báo cho gia đình anh Khương ngay lúc CA phải đưa anh đi cấp cứu thì rất vô lý và vô đạo. Các đồng chí công an của ta vốn được “đào tạo bài bản” thừa biết tình huống như vậy là rất “nhạy cảm” hẳn là không thể khinh suất như thế được vì như thế chẳng khác nào tự chuốc họa vào thân. Cũng loại trừ khả năng chị Ngoãn được mời đi theo và gia đình được thông báo rằng người thân đang bị nguy hiểm tính mạng mà lại không tới, không phản ứng gì vì nếu vậy hẳn là đã chẳng có gì để trách CA và không có vụ việc đưa quan tài lên UBND tỉnh.
2. Khả năng thứ hai là:
- Công an đã làm gì đó sai dẫn tới cái chết của anh Khương và họ đang tiếp tục giở trò nói dối hòng dập tắt sự phẫn nộ của người dân địa phương, cũng như dư luận trong cả nước. Nếu như vậy, thì sự giả dối này là có tính hệ thống từ cấp tỉnh trở xuống, từ Công An tới VKSND.
Người mà sống giả dối, lừa gạt người khác, là loại người hư hỏng, đạo đức suy đồi. Loại người như vậy đáng bị lên án.
Một dân tộc mà những con người sống trong đó toàn là hạng giả dối, thiếu trung thực, thiếu đạo đức, không dám đấu tranh với cái xấu, không dám dấu tranh vì công lý thì dân tộc đó là dân tộc hèn yếu, suy đồi. Dân tộc đó không bao giờ có thể phát triển được.
Do vậy, nếu gia đình anh Khương giả dối để dẫn tới người dân phẫn nộ, đập phá trụ sở Công An và trụ sở UBND tỉnh, gây mất trật tự an toàn xã hội thì gia đình anh Khương là gia đình đã suy thoái về đạo lý sống của con người Việt Nam. Ngược lại, nếu công an và VKS tỉnh Bắc Giang giả dối thì đây là mối nguy lớn cho cả dân tộc vì đó là sự giả dối trắng trợn, có hệ thống. Đây là sự suy đồi còn nghiêm trọng hơn khả năng thứ nhất!
Trong cả hai trường hợp sự dối trá đều trắng trợn và nghiêm trọng, đáng bị lên án. Nó cho thấy dân tộc Việt Nam dang lâm vào cơn bệnh hiểm ngèo là tệ dối trá, lọc lừa, thiếu trung thực đã trở nên phổ quát. Bên cạnh đó, thời gian gần dây, chúng ta còn chứng kiến sự dối trá, hủ bại của một số quan chức tỉnh Hà Giang, rồi chứng kiến vô số chuyện đau lòng khác, như: hành khách đi xe buýt thờ ơ, bỏ mặc cho phụ xe đánh trọng thương một hành khách đi xe buýt; hay việc một số đối tượng xấu ngang nhiên bắt các nữ sinh đưa vào động quỷ ngay giữa thủ đô Hà Nội, v.v. Tất cả cho thấy, phải chăng con người Việt Nam đang mất hết lòng tự trọng, mất hết lương tri và các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của cha ông để lại? Người dân thờ ơ với cái xấu, thờ ơ với sự lừa dối để cho cái xấu, cái ác hoành hành và phát triển?
Phải chăng dân tộc Việt nam đang bị thoái hóa, từ quan chức cho đến người dân?
HQ
HT Mạng Bauxite

29/07/2010

Không thể tin được

Nguyễn Tường Thụy
image Báo điện tử Dân trí hôm nay dẫn nguồn của TTXVN trong bài "Tỉnh Bắc Giang thông tin về vụ gây rối ở trụ sở Ủy ban tỉnh" xem ở đây: Dantri
Tin cho biết:
"Khoảng 18 giờ ngày 23/7, lực lượng tuần tra cảnh sát giao thông Công an huyện Tân Yên phát hiện anh Nguyễn Văn Khương, sinh năm 1989, quê xã Hồng Thái, huyện Việt Yên đi xe máy biển kiểm soát 98M9-3894 chở chị Phạm Thị Ngoãn, sinh năm 1990, quê xã Mỹ Hà, huyện Lạng Giang (cùng tỉnh Bắc Giang), có lỗi vi phạm an toàn giao thông trên đường 398 thuộc địa phận thị trấn Cao Thượng, huyện Tân Yên. Công an đã đưa phương tiện và người vi phạm vào trụ sở để lập biên bản xử lý. Khi ngồi trên ghế, anh Khương có biểu hiện sức khỏe không bình thường và công an đã đưa anh đi cấp cứu ở Bệnh viện huyện Tân Yên. Đến bệnh viện thì anh Khương chết".
Ai là người tin được thông tin trên của UBND tỉnh Bắc Giang? Liệu có thể một người thanh niên đèo bạn gái đi mua sắm nghĩa là anh đang trong trạng thái sức khỏe bình thường nhưng chỉ đến khi công an đưa xe và người đến trụ sở mới "biểu hiện sức khỏe không bình thường" và chết ngay sau đó?
Thông tin nói anh Khương có lỗi vi phạm an toàn giao thông, sao không nói thẳng ra là lỗi không đội mũ bảo hiểm. Lỗi không đội mũ bảo hiểm có cần thiết phải mang cả người và phương tiện về đồn không?
Cứ theo ông Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Giang Bùi Văn Hải thì sự việc không có gì. Anh Khương vào đồn công an "biểu hiện sức khỏe không bình thường" rồi chết thì nếu anh ta ở nhà cũng chết thôi. Việc bao vây trụ sở UBND tỉnh là do những người "hiếu kỳ" và "quá khích” gây ra. Tóm lại là công an Bắc Giang không có lỗi gì mà lỗi ở gia đình anh Khương không rõ mô tê thế nào đã mang quan tài lên UBND tỉnh bắt đền mới dẫn đến vụ bạo động.
Thế thì việc gì cần phải giám định pháp y. Nghe đâu khi khám nghiệm tử thi do pháp y của Bộ thực hiện, người ta ghi 3 vết thâm tím ở cổ thành 3 vết chàm. Vậy kết luận của pháp y có tin được không? Mấy ông pháp y này có bị "chỉ đạo" không?
Mà ông Bùi Văn Hải khẳng định được anh Khương tự nhiên biểu hiện sức khỏe không bình thường mà chết thì dù có giám định pháp y thế nào cũng thế thôi. Và đã như thế thì làm gì có chuyện "nếu có vi phạm thì xử lý nghiêm trước pháp luật"?
Điều này thực sự làm người dân rất hoang mang. Nếu vào trụ sở công an mà tự nhiên biểu hiện sức khỏe không bình thường rồi chết, không ai phải chịu trách nhiệm thì ai còn dám vào trụ sở công an làm việc nữa.
Thông tin của UBND Bắc Giang là thông tin được đưa một chiều lên báo. Liệu khi người nhà anh Khương hoặc ai đó có thông tin phản hồi, bác bỏ thông tin này thì các báo lề phải có dám đăng không. Hình như đây là thông tin đầu tiên về vụ bạo động ở Bắc Giang trên báo chí lề phải. Báo Nông nghiệp Việt Nam hôm trước có đưa tin nhưng lập tức phải gỡ xuống, chẳng hiểu vì tự kiểm soát hay vì ai đó chỉ đạo nữa.
Nhân đây tôi cũng xin cũng khuyến cáo với những người được công an "mời" lên làm việc cần hết sức cẩn thận. Đừng có dại mà đi một mình. Tốt nhất mời họ đến nhà làm việc, cùng lắm là đề nghị được làm việc ở một nơi trung gian do mình chọn có sự chứng kiến của những người mà mình tin tưởng. Nhưng nói thì nói thế, người ta mời mà không đi thì biết đâu lại bị cưỡng chế, bốn người mỗi người túm một chân hoặc một tay khiêng ra xe chẳng khác nào khiêng một con lợn, như cái anh chàng "quá khích" trong đoạn phim ghi cảnh bạo động ở Bắc Giang ấy. Viết đến đây, tai tôi lại văng vẳng tiếng kêu của cháu Thúy trong vụ cưỡng dâm ở Hà Giang: “Mẹ ơi con sợ lắm! Ở trong này chỉ có con với các chú công an… Con sợ lắm mẹ ơi! Con nói thế mẹ có hiểu không?…”
Tôi đã có nhiều kinh nghiệm và bằng chứng về việc giấu nhẹm hoặc xuyên tạc bản chất vụ việc để bao che cho những hành vi sai trái. Chuyện chẳng đâu xa hoặc phải nghe ngóng ở đâu mà xảy ra ngay nơi tôi ở, tức là xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì và thành phố Hà Nội này, liên quan trực tiếp đến tôi. Rồi vụ án anh Khương có thể chìm đi dù anh chết một cách oan ức. Gia đình anh không có một bằng chứng nào để kêu oan cho anh vì khi đó, chỉ có mình anh Khương với công an như như trường hợp cháu Thúy, mà anh Khương thì đã chết rồi. Tôi đã quá thất vọng và mất hết lòng tin nhưng không biết làm gì được hơn, chỉ biết bày tỏ nỗi bức xúc với ban biên tập Bauxite Việt Nam.
NTT
ĐT: 0983485952
e-mail: tuongthuy59@yahoo.com.vn
Xã Vĩnh Quỳnh, Thanh Trì, HN

Người chuyển bài  :  Vũ Nguyễn
Thông tin về vụ Bắc Giang và câu chuyện nước Vệ
TTXVN đã đưa tin lại từ miệng của ông phó chủ tịch tỉnh Bắc Giang, ông này nói rằng.
- khoảng 18 giờ ngày 23/7, lực lượng tuần tra cảnh sát giao thông Công an huyện Tân Yên phát hiện anh Nguyễn Văn Khương, 21 tuổi, quê xã Hồng Thái, huyện Việt Yên đi xe máy biển kiểm soát 98M9-3894 chở chị Phạm Thị Ngoãn, 20 tuổi, quê xã Mỹ Hà, huyện Lạng Giang (cùng tỉnh Bắc Giang ), có lỗi vi phạm an toàn giao thông trên đường 398 thuộc địa phận thị trấn Cao Thượng, huyện Tân Yên.
Công an đã đưa phương tiện và người vi phạm vào trụ sở để lập biên bản xử lý. Khi ngồi trên ghế, anh Khương có biểu hiện sức khỏe không bình thường và công an đã đưa anh đi cấp cứu ở Bệnh viện huyện Tân Yên. Đến bệnh viện thì anh Khương chết.
Chúng ta hãy hình dung về một câu chuyện khác trong bối cảnh nước Vệ thời Sản trị.
Bữa rượu mạng người.
Hôm ấy đã hết giờ hành chính, hai công sai triều đình trên đường đi về, bỗng thấy phía trước một đội nam nữ đang cưỡi ngựa không đội nón. Công sai Sát mới ngoảnh lại nói với công sai Thủ.
- Này anh Thủ, chả phải trước mặt ta có bữa rượu đó chăng ?
Thủ gật đầu đồng tình.
Sát và Thủ phi ngựa chặn đầu ngựa đôi nam nữ, hoạch họe đủ điều, rồi nói nam nữ vi phạm luật triều đình đi ngựa không đội nón. Một đe một nhẹ nhàng,tưởng như mọi khi can sự khóm róm đưa cho ít bạc là xong. Nào ngờ chàng trai cưỡi ngựa kia vốn là phu xe trạm, hàng ngày tiếp xúc với công sai giao thông. Anh hiểu rõ hai công sai cưỡi con ngựa đang thực hiện chức trách thế nào, anh mới bèn đòi hỏi phải có biên bản, quyết định xử phạt tại chỗ.
Công sai Sát và Thủ không ngờ can sự lại dám lếu láo đòi hòi thế. Bởi những thứ đó cấp trên chỉ giao cho cả tổ công sai khi đi thi hành phận sự, và giao cho tổ trưởng. Thừờng ngày tổ công sai lập ở một góc đường, Sát và Thủ chỉ chuyên việc chặn đường bắt người vi phạm vào nơi công sai tổ trưởng để làm biên bản vi phạm và quyết định phạt tại chỗ hay quyết định thu giữ ngựa xe. Nay bị can sự hỏi đến những thứ đó, Sát nóng mặt lắm, mới quay lại bảo với Thủ
- Thằng này thích thế, đưa cả người với ngựa về trụ sở lập biên bản.
Nói rồi Sát vỗ đùi nhảy tót lên ngựa can sự phi nước đại về trụ sở công sai.
Thủ ngoảnh lại bảo với can sự
- Mày lên đây theo tao về làm việc.
Can sự leo lên ngựa của Thủ, còn bạn gái thì lếch thếch đi bộ theo sau.
Đến trụ sở công sai, Sát và Thủ lôi can sự vào một căn phòng nhỏ làm việc, bấy giờ nhiều công sai hết giờ làm việc đã về nhà. Sát gằn giọng nói
- Mày vi phạm những lỗi này, lỗi kia, tổng các lỗi là 700 lượng bạc
Can sự há hốc mồm, nói tội lúc trước chỉ có không đội nón khi đi ngựa mà thôi. Thủ bên cạnh nói thêm vào
- Lúc đó chúng tao xử lý tình cảm mày không nghe, giờ vào đây thì khác rồi.
Bực với kiểu quay quắt của công sai, can sự quở
- Thế này thì các ông là cướp à ?
Sát vốn đã cay cú từ đầu, lúc trước tưởng ngon ăn ai ngờ gặp kẻ cứng đầu. Giờ đã lôi về trụ sở mà chả nhẽ phạt vớ vẩn tội đi ngựa không đội nón, đồng nghiệp người ta biết hẳn sẽ chế giễu như hồi nọ rằng
- Tưởng to tát gì mới bõ công lôi về, ai ngờ vi phạm vặt mà lôi về trụ sở mất thời gian, chật chỗ. Để trụ sở làm thịt bọn tứ mã, bát mã có kiếm hơn không ?
Cũng bởi cả ngày làm việc, tưởng chiều đến gặp con mồi có bữa nhậu. Xương quá lôi về đây, giờ không kiếm cớ phạt nặng lấy uy tín cũng không được, mà tên can sự này cứ cãi lý. Sát mới điên tiên đứng dậy bóp cổ can sự
- Thằng chó này mày dám nói tao thế à.?
Can sự vùng vẫy cố dẫy dụa thoát khỏi cánh tay sắt vốn được luyện tập bao năm trời ở trường dạy công sai nước Vệ. Càng dẫy thì Sát càng uất, mới dùng đầu gối thúc vào bọng đái can sự. Đây là một trong những đòn đánh hiểm không để lại dấu vết mà công sai Vệ được huấn luyện kỹ càng, thúc gối đến cái thứ ba thì can sự có dấu hiệu sức khỏe không bình thường đúng như trong lời tuyên bố sau này của quan đầu tỉnh.
Thấy can sự mềm nhũn người, lả người xuống đất dãy nhẹ mấy cái rồi nằm im. Sát hỏi Thủ
- Nó chết à ?
Thủ sờ động mạch cổ chép miệng
- Thằng này kém, mới có thế đã chết, chắc tại sức khỏe nó có vấn đề.
Sát gật gù
- Đúng là thằng này sức khỏe yếu, chắc có bệnh gì, mọi khi tôi đánh bọn vi phạm, thúc gối vào bụng dăm bảy cái là chuyện thường. Có thằng nào sao đâu.
Hai công sai dựng xác can sự ngồi trên ghế rồi bàn nhau. Thủ nói
- Giờ cứ nói nó đột tử thế là xong
Sát hỏi
- Nó đi đường vẫn mạnh khỏe, vào đây mới chết, báo cáo thế có ổn không ?
Thủ cười
- Nó đang khỏe thế mới là đột tử chứ. Ông có cứ khai thế, mọi việc quan trên và triều đình sẽ lo. Đừng nhận đánh là được rồi.
Sát cười hớn hở với giấy bút làm báo cáo, miệng cừơi nói
- Chúng ta ăn lộc nhà Sản, giữ giang san Đại Vệ cho nhà Sản trị vì, lẽ nào vì cái mạng cỏn con này mà nhà Sản lại trị tội chúng ta. Như thế còn đâu là sự thật, công bằng, văn minh của nước Vệ thời nhà Sản.
Viết báo cáo xong, hai công sai gọi xe ngựa vất xác can sự lên xe bảo chở vào nhà thương. Tối thì gia đình đến nhận xác. Thấy có vết bầm trên cổ, quan pháp y ghi là vết chàm. Người nhà cự thằng bé từ nhỏ đến giờ đâu có vết chàm như thế. Quan pháp y nói
- Cơ thể con người huyền bí lắm, như ông quan nọ từ huyện thì bụng bé, tự dưng lên tỉnh bụng bỗng to ra. Ai mà biết đươc. Vết chàm này nó đột ngột xuất hiện sau khi con ông đã chết bởi sự tuần hoàn của máu đến đó bị ngưng lại. Có gì ông cứ đem chôn, tháng nữa xét nghiệm xong chúng tôi trả lời kết quả.
Gia đình nạn nhân không chịu nói
- Sao phải đợi tháng nữa, chả phải mấy vụ giết người cướp của, các ông mổ xác là có kết quả ngay đó sao?
Quan pháp y xua tay.
- Vụ đó khác, vụ này có nhiều tính chất liên quan đến an ninh trật tự xã hội, phải cẩn trọng nghe ngóng tình hình xem các thế lực thù địch có lợi dụng xuyên tạc hay không. Chúng tôi phải trình kết quả xét nghiệm lên Tối Cao Sản Ủy xin chỉ đạo mới thông báo rộng rãi cho dư luận biết, không để cho bất kỳ đối tượng, ổ nhóm nào lợi dụng làm sai lệch sự việc đi được.
Không còn cách nào hơn để cãi lý với quan pháp y, gia đình nạn nhân ngậm ngùi nuốt hận mang xác con về nhà đợi phân giải.
Cái ghế giết người.
Sau vụ án mạng này, quan đầu tỉnh tuyên bố nạn nhân vào phủ công sai, được công sai tử tế mời ngồi ghế làm việc bỗng tự nhiên lăn ra chết.
Nhiều người tò mò mới hỏi nhau cái ghế ấy thế nào mà kỳ lạ vậy. Người đang khỏe mạnh ngồi lên bỗng lăn ra chết ngay. Dân tình bàn tán mãi không thôi về cái ghế trụ sở công sai. Có kẻ nói
- Thì cũng như những cái giếng, ai xuống là chết đó.
Người khác thông thạo hơn
- Chuyện này thì có nhiều, bên tận nước người da trắng , tóc xanh có lần tôi đến. Có những chuyện la kỳ như bức tranh giết ngừoi. Ai sở hữu nó thế nào cũng bỗng dưng lăn ra chết.
Người rành về cõi âm thì nói
- Có lẽ ghế mà đóng gỗ ấy lấy từ quan tài của người bị sét đánh mới thiêng thế. Ai ngồi lên đều chết tươi.
Bởi bàn tán xôn xao, hiếu kỳ dân chúng kéo nhau đến trụ sở công sai xem chiếc ghế giết người, có người cố vào tận nơi để hỏi mua. Tranh cướp xô đẩy nhau để xem cho bằng được chiếc ghế, công sai ngăn không được bắt đi 6 mống vì tội gây rối trật tự hiện chưa cho về lại đòi truy tố.
Sĩ phu nước Vệ biết chuyện nói rằng
- Ghế nào mà ngồi lên mà chết được, như lời quan đầu tỉnh nói thì ghế ấy là ghế điện chăng ?

Vì sao cán bộ... mặt dày?

Hà Sĩ Phu
image
Sáng nay đọc trang Boxitvn tôi được gợi cảm sâu sắc, bởi thấy hai bài Hội chứng "ghét cán bộ"...Văn hóa “Mặt dày” liên quan với nhau mật thiết, bài nọ cắt nghĩa cho bài kia.
- Tại sao ghét cán bộ?
- Vì đến nay số đông cán bộ đã bị chứng... mặt dày! (không dám vơ đũa cả nắm, nhưng có là số đông mới hình thành nên một thứ “văn hóa mặt dày” chứ?). Tự nhiên một câu hỏi cứ bật ra: Tại sao “cán bộ” của ta lại gắn với “mặt dày” đến nỗi dân cứ thấy cán bộ là ghét? Sao lại có điều vô lý thế, sao lại có thể ăn nói với nhau khó nghe thế?
Xin hãy bình tâm, không vô lý chút nào. Vì đằng sau những cán bộ ấy là một chữ QUYỀN to tướng để dựa lưng. Tôi dám chắc khi chưa dính đến chữ Quyền thì những người này cũng có bộ mặt nếu không mảnh mai dễ thương , thì ít ra cũng biết xấu hổ như mọi người.
Có quyền thì sướng lắm, trong bầu không khí độc quyền thì “có quyền mua tiên cũng được” chứ mua dâm đã ăn nhằm gì? Vì thế muốn mua được cả “tiên” thì trước hết phải mua được chức quyền đã! (bây giờ nhiều chức phải mua tiền tỷ, nhiều tỷ nữa). Mua Quyền còn lãi hơn mua đất, một vốn bốn... mươi lời. Kinh doanh Quyền mới là bọn lái buôn thượng thặng. Vì đất không biết tự đẻ chứ Quyền thì “tự đẻ” mãnh liệt: xu hướng tự nhiên của quyền lực là lạm quyền, nó cứ bành trướng đến khi nào gặp một trở ngại không thể vượt qua. Montesquieu đã có phát hiện rất quý báu này.
Vì thế một xã hội văn minh khi tạo lập quyền lực bao giờ cũng phải có ngay một “cơ chế hãm quyền lực” đi kèm theo. Cách tự hãm của hệ quyền lực là tạo ra nhiều trung tâm quyền lực độc lập với nhau, đến mức đủ để kiềm chế nhau (chứ không vào hùa với nhau) và người trọng tài phán quyết cuối cùng là Nhân dân, trọng tài thật chứ không phải trọng tài danh nghĩa.
Sàng lọc mãi, xã hội đã thấy cần ba trung tâm quyền lực là đủ: phải tam quyền phân lập. Công thức tổng quát đó có thể cải biến ít nhiều tùy từng nước, nhưng điều cấm kỵ là ba quyền đó không được nhập vào một nơi, không được sinh từ cùng một chỗ. Ta thay chữ “phân lập” bằng “phân công” là cách đánh tráo ngôn từ nguy hiểm. Phân công thì phải có một chủ thể phân công, như ba đứa con cùng một MẸ sinh ra lại được Mẹ phân công để thâu tóm toàn bộ quyền lực thì đấy chẳng phải một kiểu “gia đình trị” là gì? Tấm gương gia đình trị họ Ngô ngày trước còn đó.
Tính chất tự sinh của quyền lực, ngoài bản tính lạm quyền, còn nằm ở quan hệ tương sinh giữa Quyền và Tiền, còn nằm ở nạn ô dù, cái dù che cho cái cán, dù mẹ đẻ dù con, công ty mẹ đẻ công ty con..., còn nằm ở tính chất mafia : đã sa vào đường dây này thì không dễ tỉnh ngộ mà rút ra được nữa, cuối cùng tội phạm nào cũng đồng thời là nạn nhân.
Vì thế, một hệ quyền lực đã có gốc độc quyền thì quyền lực cứ tự sinh sôi, tự kích thích, tự gia tăng... Sự thoái hóa, là đặc điểm đính kèm của quyền lực, cũng theo đó mà gia tăng không thể kìm hãm.
Làm bậy thì sướng, sướng bậy mà không ai làm gì được thì tội gì mà không làm tới? Điều này giải thích tại sao cũng con người ấy, cũng bộ máy ấy, lúc đầu có thể tốt mà càng về sau càng xấu đi, uy tín hao mòn đến mức chỉ còn cách “ăn mày quá khứ”, suốt ngày phải nhấm nháp từng mẩu quá khứ , có khi đã mốc, để sinh tồn. Muốn nêu cao những gương tốt của quá khứ để học tập nhưng số gương tốt mới xuất hiện không kịp với số gương xấu thoái hóa cứ mọc ra như nấm sau mưa, không thể “chặt chém” cách nào cho xuể! (Cảm ơn PTT Nguyễn Sinh Hùng đã diễn đạt sự bất cập này rất tuyệt). Nếu đã biết và có trách nhiệm với cái nền xã hội như thế thì phải thương, rất thương các cháu gái nhỏ đang thành những nạn nhân khốn khổ do “lũ” người “lớn” tạo ra, và thả các cháu Hằng cháu Thúy ra ngay mới phải, thưa ông Phó Thủ tướng! Nhẹ tay với thủ phạm nhưng nặng tay với nạn nhân là nghĩa làm sao?
Kẻ cần danh để dựa vào lòng tin phải sống bằng uy tín, nhưng uy tín là loại thực phẩm rất mau hết hạn sử dụng, đòi hỏi phải được chính chủ nhân làm mới hàng năm, hàng tháng, hàng ngày.
Tóm lại Quyền lực làm phát sinh thoái hóa, quyền lực tuyệt đối thì thoái hóa tuyệt đối, vực thẳm này loài người đã trông thấy từ lâu mà việc tránh xa nó thực không phải dễ vì nó thơm ngon hơn mọi thứ trên đời.
*
Câu chuyện lại dẫn ta bàn về hai chữ TỰ DO.
Khi nói trong chế độ Hiter hay chế độ Stalinist xã hội không có tự do thì chưa chính xác. Bởi chính Hitler, chính Stalin và bộ máy khổng lồ của họ được tự do hết cỡ, chỉ phần còn lại của xã hội là không có tự do. Tổng số Tự do như một hằng số, chia hết cho cực Thống trị thì cực Bị trị còn số không, nên phải có tỷ lệ thích hợp. chế độ Tam quyền phân lập giúp xác định và vận hành tỷ lệ thích hợp ấy, khi ấy ta bảo trạng thái của xã hội là có dân chủ.
Khi tỷ lệ Tự do được phân phối thích hợp, xã hội sẽ vận hành trơn tru, linh hoạt và bền vững. Trong sinh giới (trong đó có loài người) sự bền vững không bao giờ là sự ổn định chết cứng, trái lại là sự sống thường xuyên biến động, linh hoạt để đạt đến một giá trị cân bằng, mà chính giá trị cân bằng này cũng giao động linh hoạt nên gọi là “cân bằng động”. Chỉ có sự cân bằng chính trị (tức là có dân chủ) mới đem lại sự cân bằng tâm lý, cân bằng đạo đức và văn hóa. Kẻ quá thừa Tự do sẽ sinh hư, kẻ quá thiếu Tự do cũng rất dễ sinh hư theo một nghĩa nào đó, khi ấy xã hội chẳng những không yên mà còn dần dần sa đọa.
Con người thoát thai từ “con” (qua hàng triệu năm thời cổ sơ) nên sự Tự do của con người cũng có hai loại: Tự do của NGƯỜI là yếu tố thuộc về Nhân tính (gắn liền với dân chủ) , và Tự do của CON là yếu tố thuộc về thú tính (gắn liền với vô chính phủ). Hai yếu tố của Tự do này chi phối lẫn nhau. Khi quyền Tự do nhân tính bị co lại thì Tự do thú tính sẽ phình ra. Những hiện tượng Nguyễn Trường Tô, Hoàng Thùy Linh, hiện tượng nữ sinh lõa lồ đánh nhau đưa clip lên mạng... mà các tác giả trên đề cập chì là những ví dụ nhỏ trong hệ thống mất cân bằng dân chủ-tự do, dẫn đến phát triển Tự do thú tính hoang dã.
Họ phạm tội lỗi nhưng cũng là nạn nhân, bởi trong thực tiễn xã hội và trong hệ nghe-nhìn (của lề phải đấy!) hàng ngày đầy dẫy những yếu tố khuyếch trương và nuôi dưỡng cái gọi là sự “tự khẳng định mình” một cách hình thức, của thứ Tự do sống sượng, của kẻ có QUYỀN có TIỀN, của thứ văn hóa hiện đại phù phiếm lai căng, đang chiếm lĩnh quyền làm chủ đất nước. Thứ “Văn hóa mặt dày” sở dĩ vênh váo được vì có một hệ thống công khai nuôi dưỡng nó, (lúc chịu đòn cũng chỉ là đòn giơ cao đánh khẽ), trong khi “đối thủ” của nó là một nền Văn hóa biết xấu hổ, biết đau khổ về tình trạng thua kém, về tình trạng lệ thuộc, đáng tủi nhục của nhân dân mình, của đất nước mình... lại đang ở vào thế bị bị lép vế, bị áp chế, càng yêu nước càng bị người đại diện cho nước đánh đòn.
Trong “Văn hóa mặt dày” có vô số kiểu mặt dày khác nhau, chẳng dâm thì gian, chẳng gian thì nịnh, chẳng nịnh thì lẳng lặng tòng phạm bằng cách quay lưng trước những vấn nạn của xã hội, ngậm miệng ăn tiền lại ra vẻ đạo đức ung dung... Có hội chứng “ghét cán bộ” là vì thế.
Trên đời chẳng ai dại gì tuyên bố ủng hộ cái Ác, nhưng cái Ác vốn là yếu tố thường trực, đã phục sẵn trong bản thể sâu xa thầm kín của con người, có mặc cảm bị văn minh kiềm chế nên nó nhạy lắm. Chỉ cần nghe ngóng thấy yếu tố Tự do nhân tính trong xã hội bị lép vế là cái Tự do thú tính lập tức vùng lên chiếm thế thượng phong, và coi chừng, chính nó lại nhân danh cái Thiện (khôn thế)!. Vì thế, tôi cảm ơn hai tác giả Nguyễn Thế Thịnh và Nguyễn Trung đã đánh tín hiệu lật tẩy sự nhân danh đánh tráo ấy.
Những tiếng nói Văn hóa bao giờ cũng đáng trân trọng, nhưng Văn hóa và Chính trị là cặp bài trùng. Tạo hóa hóm hỉnh bày ra cuộc chơi Game rất trí tuệ giữa Văn hóa và Chính trị: trong trường kỳ thì Văn hóa quyết định Chính trị, trong đoản kỳ thì Chính trị lại quyết định Văn hóa. Hai thứ ấy có lúc tôn nhau lên, có lúc lại dìm nhau xuống, có anh thắng keo đầu nhưng keo cuối lại thua... Bực mình quá, “Con người” bèn gọi Trời là “Con Tạo”, một thứ “Con” đa đoan như mình cũng phải.
HSP
(Trưa 27-7-2010)


No comments:

Post a Comment