Sunday, July 18, 2010

Khi Người Rơm là phụ nữ ( Đất nước đã độc lập, tại sao người dân Việt phải tha phương cầu thực, làm nô lệ nơi xứ người ???... những thảm cảnh này chưa từng thấy trước năm 1975 .....)

Khu lều trại ở Calais

Vào một ngày nắng ấm cuối xuân, chúng tôi đã tiếp cận được 2 người rơm tại công viên Villemin quận 10 Paris. Đó là hai phụ nữ còn rất trẻ, dưới 20 tuổi và khá xinh. Nhưng đấy là những điều chúng tôi ghi nhận được sau khi đã tiếp xúc, chuyện trò. Còn ấn tượng ban đầu khi nhìn thấy họ thì hoàn toàn khác hẳn.
Họ đi đứng xiêu vẹo, quần áo tả tơi hoàn toàn giống hình ảnh của những người bù nhìn bằng rơm được sử dụng lâu ngày trên cánh đồng. Mặt mũi đầu tóc xơ xác bơ phờ. Họ đói và hôi. Mùi hôi của họ thật khủng khiếp đấm thẳng vào mũi chúng tôi.
Em Tr, 17 tuổi, cho chúng tôi biết các em từ một nơi gần thủ đô Prague của Czech, được đưa đến công viên Villemin này cả tuần nay, và các em uống nước lã cầm hơi là chính. T, 19 tuổi, với vẻ lúng túng, ngại ngần khi nhìn thấy được phản ứng tự nhiên của tôi, em cho biết đã 10 ngày nay các em chưa hề được tắm rửa mà một trong hai em lại đang trong chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ.
Khi tôi tỏ ý ái ngại khả năng các em sẽ mắc phải bệnh viêm nhiễm phụ khoa, em T cho biết vì đi theo đường bộ từ Trung Quốc sang nên có những lần cả nửa tháng các em không tắm gội, không làm vệ sinh ngay cả "trong những ngày ấy" và vẫn phải "đóng thuế" bằng thân xác trải dài qua những lộ trình "đường cỏ" cho các tay chăn dắt đường dây và các thành phần khác. "Kinh khủng lắm ạ, ban đầu em còn không chịu nổi mùi hôi hám từ chính cơ thể của em, nhưng rồi cũng phải cố mà quen thôi," T nói.
Hôm ấy, các em đang đợi người trong đường dây đưa đến một địa điểm gần cảng Calais chờ cơ hội để "nhảy bãi", tức là bám trên những chiếc xe tải chở containner để trốn sang Anh Quốc.
Vào rừng
Gặp và nghe những chuyện của hai em Tr và T, chúng tôi quyết định trở lại các cánh rừng quanh cảng Calais một lần nữa.
Một người phụ nữ Việt Nam trên đường vượt biên qua đất 
Pháp
Phụ nữ trên đường vượt biên phải đối mặt với nhiều nỗi tủi nhục
Một góc rừng Grande Synthe, đây là khu rừng gần nhất dẫn đến cảng Calais, cách cảng khoảng 40 km nên có rất nhiều khu vực trong rừng bị các nhóm người rơm chiếm đóng.
Vẫn những lều trại tạm bợ, nhếch nhác, nhưng lớp người cũ của lần trước không còn một ai. Số người lần này có ít hơn, và cũng "trẻ hóa" hơn nhiều. Tất cả cùng đang tìm cơ hội trốn được đến nước Anh "lao động" với giấc mơ có vài nghìn bảng gửi về nhà mỗi tháng, đầu tiên là để chuộc lại những quyển sổ đỏ đang thế chấp ở ngân hàng, sau đấy sẽ là một cuộc đổi đời cho cả dòng họ.
H, một phụ nữ Hà Tây 35 tuổi để lại chồng và 2 con, từ Cộng hòa Czech đến cánh rừng Grande Synthe này được khoảng 1 tháng. Cô cho biết tuy vấn đề thực phẩm và vệ sinh cá nhân tương đối ổn thỏa nhờ vào trợ giúp nhân đạo của các tổ chức từ thiện địa phương, nhưng là phụ nữ, H thường xuyên phải đối mặt với những cơn khủng hoảng vì bị bắt buộc phải quan hệ thân xác với những gã thanh niên có gốc Trung Đông, Nam Á vá một số nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ đang có mặt trong rừng.
Khi tôi hỏi tại sao những người trong nhóm không bảo vệ cho nhau, H nói: "Chúng nó rất hung dữ, nơi rừng rú này mạnh ai nấy lo thân, em mà chống cự lại thì đến xác cũng không còn".
Theo chúng tôi được biết, những thanh niên hung dữ nói trên thuộc thành phần bất hảo vô nghề nghiệp có gia đình sinh sống tại Pháp, thậm chí có những kẻ đến từ Anh. Chúng tụ tập thành từng nhóm lập lều trại ở bất cứ nơi nào có người rơm Việt Nam tập trung với mục đích "xin đểu" tất cả những gì có thể "xin" được của những người rơm này, từ thực phẩm, quần áo đến cả thân xác của người rơm phụ nữ.
Vừa "xin đểu", những thanh niên này vừa chi phối và kiểm soát tất cả các hoạt động của các nhóm người rơm theo những mệnh lệnh bí mật nào đấy từ các tay chăn dắt đường dây người rơm.
Nhà báo Huỳnh Tâm và ba người rơm
Hết nhóm này đi lại đến nhóm khác tới
Cũng như lần trước, tiếp xúc với nhóm 5 người rơm chưa đầy 15 phút, chúng tôi liền bị một đám thanh niên gốc Trung Đông và Nam Á bao vây đe dọa và hành hung "nhè nhẹ". Khi đám thanh niên này ngang nhiên có những hành động rất sỗ sàng với cả một phụ nữ đứng tuổi như tôi giữa ban ngày, tôi nhìn H và thấy một đôi mắt đầy vẻ chịu đựng và sợ hãi, đôi mắt cho tôi biết những nỗi đau mà H phải trải qua trong những ngày đi tìm miền đất mơ.
Rời Grande Synthe, chúng tôi đến rừng Tétéghem, cách cảng Calais khoảng 50 km về phía Đông Nam và gặp được C, một nữ người rơm gốc Thanh Hóa 22 tuổi, mới thử sức "nhảy bãi" lần đầu tối hôm trước thất bại vừa quay về trại. Sau ít phút chuyện trò với chúng tôi, em bức xúc kể: "Cháu bám trên mui bạt xe tải, khi xe chạy cháu mới thật sự thấy tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào, mà tai nạn có nghĩa là chết, thậm chí là chết không toàn thây".
Thủ đô Paris
Một chặng dừng chân của người rơm Việt Nam ở Paris
Khoảng 18 giờ, chia tay các em mà không biết phải chúc các em điều gì. Khi ra đến bìa rừng, chúng tôi gặp một đôi nam nữ mới được "xuống hàng" đang dò tìm đường vào lán trại. Những thanh niên gốc Trung Đông đang lượn lờ quanh đấy không thèm che giấu cái nhìn thèm thuồng trước con mồi mới. Tôi chợt nhớ đến chuyện một phiên dịch viên từ thiện kể về những phụ nữ lỡ có thai bất đắc dĩ trên con đường đi làm người rơm đã phải khốn đốn như thế nào để giải quyết bào thai đó, có khi nguy hiểm đến tính mạng.
Chặng về chúng tôi ghé qua rừng Angre, một khu rừng cách cảng Calais 50 km và gần Paris nhất (hơn 160 km). Có lẽ do phải bất đắc dĩ đón tiếp sự quan tâm của nhiều nhóm truyền thông Pháp cũng như quốc tế nên lán trại chỗ này đã được giải tán. Được biết hiện tại, trại đã được "ai đó" dời sang góc khác của khu rừng, kín đáo hơn nhiều.
Nơi đặt trại trước đây chỉ còn lại vài dấu tích của bếp lò dã chiến, của sàn nước tạm bợ. Tất cả những dấu vết khác gần như mất hẳn với sức sống của thiên nhiên, nhanh chóng trả lại cho rừng màu xanh bất diệt.

-------------------ooOoo------------------

Giáp mặt 'Người Rơm'

Cảnh sinh hoạt của 'người rơm' ở Pháp
Cảnh sinh hoạt của những người Việt nhập cư lậu
Một buổi chiều cuối tháng 10 chúng tôi đến rừng Grande Synth, cách thị trấn Téteghem bắc nước Pháp khoảng 10 km.
Men theo con đường mòn bé tí quanh co chìm sâu trong rừng và ngập sũng bùn đen, ít phút chúng tôi gặp được nhóm khoảng 10 “người rơm” đầu tiên.
Cần nói rõ, Grande Synthe chỉ là một trong số những khu rừng có người Việt nhập cư lậu ẩn nấp quanh cảng Calais chờ cơ hội đi lậu sang nước Anh.
Một người đầu tiên tôi bắt chuyện là một phụ nữ trên 30 tuổi, nói giọng Quảng Ninh, người đã “nhảy bãi” đến lần thứ sáu vẫn chưa thành công.
Theo lời kể, chị đã sống ở Praha gần 4 năm, sau đấy do việc làm ăn ngày càng khó khăn, chị quyết định gửi đứa con gái 6 tuổi về Việt Nam cho ông bà và đi chui đến Anh vì nghe nói “ở đấy dễ kiếm tiền hơn”.
Khi hỏi đến giấy tờ tùy thân và ảnh của con gái thì chị trả lời thật gọn: “Em xé bỏ hết trước khi đi rồi”.
Câu trả lời này là “nhất quán” ở mọi người đi lậu: không giấy tờ, không hình ảnh, không bất cứ một bằng chứng nào về xuất xứ nhân thân của mình. Cũng vì thế mà họ được gọi bằng một cái tên rất ấn tượng: “người rơm”.
“Các anh thanh niên ở đây cả tháng mới may ra được tắm một lần. Còn em là phụ nữ nên mỗi tối đều phải nấu nước để rửa ráy, nhưng cũng không nhiều. Ai cũng bị bệnh ngoài da hết chị ạ,” chị nói.
Chị cho biết việc ăn uống chủ yếu là nhờ vào thực phẩm cứu trợ nhân đạo do dân bản xứ và một số nhóm hoạt động từ thiện mang đến.
'Sổ đỏ'
Được biết mặc dù chính phủ Pháp đã có lệnh giải tỏa trắng để kết thúc nạn di dân lậu tập trung ở các cánh rừng xung quanh cảng Calais chờ trốn sang Anh, nhưng các hoạt động cứu trợ nhân đạo tại các địa phương vẫn được tiến hành, thậm chí có nơi còn khá quy mô.
Chia tay với nhóm người rơm này, chúng tôi tiếp tục len lỏi theo một đường mòn và gặp một nhóm nhỏ người rơm khác.
Người đàn ông gốc Thanh Hóa khoảng gần 60 tuổi đang ngồi hong chân bên một bếp lửa dã chiến. Chứng thấp khớp làm các khớp xương chân trái của ông sưng tấy vì thời tiết khắc nghiệt của rừng ôn đới vào đông. Tôi hỏi ông có thuốc men gì không, ông đưa cho tôi xem các loại thuốc giảm đau của hội từ thiện phát cho.

Họ tìm đến châu Âu với giấc mơ đổi đời
Khuôn mặt ông đầy vẻ căng thẳng, lo lắng vì thời gian ở rừng đã lâu, nhảy bãi nhiều lần mà vẫn không thành công.
Tôi đùa “nhảy bãi mãi thì cũng sẽ có lần thành công, lo gì”. Ông thể hiện ngay sự bực tức với người không hiểu chuyện và cho biết để có tiền đóng cho chuyến đi này ông đã phải thế chấp 5 cái “sổ đỏ” cho ngân hàng và hạn kỳ để chuộc lại sổ đã gần kề.
Ông đồng ý cho tôi chụp ảnh, nhưng khi tôi hỏi có muốn tôi giúp gửi những tấm ảnh này về nhà ở Việt Nam không thì ông bật khóc và giải thích rằng không muốn cho hai người con gái, 11 tuổi và 20 tuổi thấy cuộc sống thê thảm hiện tại của ông vì sợ “chúng nó không chịu đựng nổi”.
'Suýt chết đói'
Chúng tôi tiến sâu hơn nữa vào rừng với đường đi ngày càng lắt léo hơn.
Mười phút sau, một nhóm lán trại hiện ra giữa rừng sâu. Khoảng gần 30 người rơm mới đến trú chân tại đây vừa được 3 ngày.
Đa phần là người Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, một số ít là người Đắc Lắc, Quảng Ninh.
Tất cả họ, liều chết sang Anh với một niềm tin tuyệt đối là chỉ sau 2, 3 tháng làm việc ở Anh.
Một thanh niên ở Đắc Lắc với khuôn mặt hốc hác, đôi mắt trũng sâu cho tôi biết hành trình nhảy xe đi đường bộ từ Nga sang đến đây anh suýt chết đói dọc đường mấy lần.
Mấy người trong nhóm nói rằng có một nhóm người rơm nữa đóng lán trại không xa chỗ họ bao nhiêu, “nhưng họ xấu lắm, không chơi được”, anh thanh niên Đắc Lắc nói.
Được biết có rất nhiều nhóm người trong khu rừng Grande Synthe này hoạt động biệt lập nhau, theo lối “nước sông không phạm nước giếng”.
Đa số họ đi đường hàng không sang Nga, một số khác đi sang Trung Quốc để sau đấy sang Nga, và từ Nga họ bắt đầu thân phận “người rơm”, không giấy tờ tùy thân, sử dụng đường bộ bằng mọi cách tập kết đến các khu rừng xung quanh cảng Calais tìm cơ hội đi chui sang Anh quốc.
Tất cả họ, liều chết sang Anh với một niềm tin tuyệt đối là chỉ sau 2, 3 tháng làm việc ở Anh, họ có thể chuộc được các sổ đỏ đang thế chấp ở ngân hàng, hoặc trả hết nợ nần vay mượn và sau đấy là một cơ hội “đổi đời” to tát sẽ đến với gia đình họ, thậm chí là cả dòng họ của họ.
'Thuế thân'
Một phụ nữ người Nghệ An ở tuổi 50 khi được tôi cho biết thu nhập của một cư dân hợp pháp không trình độ làm nghề giữ trẻ hoặc trông nom người già trung bình khoảng 1 nghìn euro một tháng đã buộc miệng kêu lên “Sao ít thế?”
Chị cho biết là được hứa hẹn sang đến đấy sẽ có công việc, với thu nhập “5 nghìn euro mỗi tháng và còn được bao ăn ở!”
Thế nhưng khi được hỏi cụ thể họ sẽ làm những công việc gì, đa phần là những câu trả lời quanh co như đi giữ trẻ, làm nhà hàng…
Chỉ có một số ít hoặc “bạo miệng”, hoặc đang quá bi quan trước thực tế gần như không lối thoát thì nói thẳng là “đi trồng cỏ.”
Có lẽ tôi tạm kết thúc chuyện về những người rơm ở đây bằng một câu chuyện kể của một phụ nữ Nghệ An khác.
Bằng một giọng nói vô hồn, người phụ nữ này cho biết đã phải đóng “thuế thân” dọc đường cho nhiều gã, Việt có, gốc Ảrập có vì “nếu không như thế, mình sẽ không được đi tiếp”.
Phải chăng đấy là một trong những cái giá phải trả cho thân phận “người rơm” với giấc mộng đổi đời?

No comments:

Post a Comment