Monday, April 11, 2011

Một phiên tòa lưu manh, ô nhục.

Những đóa hoa tặng Hà Vũ
Ngô Nhân Dụng

Văn phòng của Luật Sư Nguyễn Thị Dương Hà đã nhận được rất nhiều bó hoa do người Hà Nội đem tặng trong buổi chiều ngày Luật Sư Cù Huy Hà Vũ bị xử, theo lời thuật của Mạng Người Buôn Gió.
Khi nghe tuyên án, ông Cù Huy Hà Vũ đã nói: “Tổ Quốc và Nhân Dân Việt Nam hãy phá án cho tôi.” Những chùm hoa tặng là bằng chứng: Nhân dân xoá bỏ phá bản án phi lý đó.
Những bản án dùng luật lệ của thực dân hay cộng sản cuối cùng đều bị lãng quên khi chế độ sụp đổ; còn những lời lên án trong lòng người sẽ tồn tại mãi mãi. Như Giáo Sư Phạm Toàn ở Hà Nội nhận xét về cung cách xét xử của tòa án: “Ðó là một phiên tòa lưu manh, ô nhục.“ Tòa án lương tâm của người Việt trong và ngoài nước cùng dư luận thế giới đã xử Luật Sư Cù Huy Hà Vũ thắng. Ðảng Cộng Sản thua.
Phê phán trên bình diện pháp lý, Luật Sư Nguyễn Thị Dương Hà vẫn tuyên bố rằng bản án bẩy năm tù giam và ba năm quản chế dành cho chồng bà là “một bản án trái với pháp luật,” chính thứ pháp luật mà chế độ cộng sản đang sử dụng.
Quan tòa tuyên án nói ông Cù Huy Hà Vũ đã vi phạm Ðiều 88, Bộ Luật Hình Sự: “Tuyên truyền chống Nhà Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.” Lý do vì ông đã có một số bài viết, bài trả lời phỏng vấn đài tiếng nói Hoa Kỳ, đài Châu Á Tự Do với nội dung kêu gọi cải tổ chính trị, xóa bỏ điều 4 Hiến Pháp, vân vân. Bà Hà nhắc lại những lý lẽ ông Vũ đã đưa ra chứng tỏ ông không hề vi phạm điều luật đó.
Ông Cù Huy Hà Vũ đã bị truy tố về những việc gì? Thứ nhất, ông đã phân tích và bác bỏ chủ nghĩa Mác-Lenin. Ý kiến đó không phải là chống nhà nước được, vì chủ nghĩa Mác Lê là một lý thuyết chứ không phải là nhà nước. Ông nêu ý kiến cần xóa bỏ quyền lãnh đạo của đảng Cộng Sản theo Ðiều 4 trong Hiến Pháp. Nhưng đảng Cộng Sản cũng không phải là nhà nước vì họ chỉ là một tập hợp của nhiều công dân. Nghĩa là trước pháp luật họ cũng chỉ là một pháp nhân không khác gì những hội, đoàn tư nhân khác! Chống chủ nghĩa Mác và đòi đề nghị thay đổi Hiến Pháp, ông Cù Huy Hà Vũ chỉ sử dụng những quyền tự do tư tưởng và tự do phát biểu được Hiến Pháp công nhận, thi hành các quyền hợp hiến đó không thể gọi là chống nhà nước! Nếu cứ xử tội như thế thì hầu hết nếu không phải là tất cả mọi người Việt Nam ai cũng có tội!
Mặt khác, những chứng cớ buộc tội do phiên tòa “lưu manh ô nhục” của đảng Cộng Sản đưa ra chỉ là các ý kiến; điều này không đủ buộc tội vì bản Hiến Pháp hiện hành nói các công dân đều có quyền “kiến nghị.“ Ông Cù Huy Hà Vũ chỉ viết những ý kiến hay nói khi trả lời phỏng vấn, chứ ông không hề hành động hay kêu gọi ai hành động lật đổ nhà nước cộng sản; cho nên không thể buộc tội ông phạm Ðiều 88. Hơn nữa, Ðiều 69 trong Hiến Pháp và Ðiều 19 của Công ước Quốc tế về các quyền kinh tế, chính trị mà cộng sản Việt Nam đã ký đều bảo đảm người dân Việt Nam có quyền tự do thông tin. Vì thế, ông Cù Huy Hà Vũ có quyền lưu trữ trong máy tính cá nhân một số tài liệu về tư tưởng và chế độ dân chủ tự do; tòa án đã dùng các tài liệu trong máy tính này để kết tội ông là vi phạm bản Hiến Pháp mà chính chế độ này đang sử dụng. Việc tịch thu máy tính của ông là một hành động phi pháp. Ai cũng biết, trong tinh thần tư pháp quốc tế, khi cảnh sát công an chiếm lấy các bằng cớ một cách phi pháp thì trước tòa án các chứng cớ đó cũng vô giá trị.
Phiên tòa ô nhục còn vi phạm nhiều thủ tục tư pháp khác. Các luật sư của ông Cù Huy Hà Vũ yêu cầu chánh án mời những người phỏng vấn ông và những trang mạng phỏng vấn ông tới làm nhân chứng, nhưng không ai được mời, mặc dù họ đều đã nói sẵn sàng tới tòa làm chứng. Khi các luật sư yêu cầu tòa đưa ra công khai các chứng cớ, quan tòa lại từ chối và còn đuổi Luật Sư Trần Vũ Hải ra ngoài. Hành động này vi phạm Ðiều 214 của luật Tố Tụng Hình Sự, điều đó nói rằng tòa án phải tuyên bố nội dung các tài liệu chứng cớ liên quan tới cáo trạng. Chính quan tòa đã bất chấp thủ tục, luật lệ xét xử, cho nên cho 3 luật sư khác quyết định bước ra ngoài để phản đối.
Tóm lại, chính đảng Cộng Sản Việt Nam đã bất chấp những luật lệ của họ khi tuyên án ông Cù Huy Hà Vũ. Họ bất chấp luật lệ. Ðiều này cũng không khác gì cảnh một viên chỉ huy công an lưu thông ở tỉnh Hậu Giang ra lệnh cho một tài xế taxi chở anh ta phải vượt đèn đỏ! Ông này không chịu nghe lời nên bị đánh thâm tím mặt mày. Có thể nói người tài xế này còn can đảm hơn ông Chánh án Nguyễn Hữu Chính ở Hà Nội! Ông Nguyễn Hữu Chính đã khiếp nhược không dám cưỡng lại lệnh miệng của Bộ Chính Trị đảng cộng sản, là những người ban chức và trả lương cho ông! Ông đã xử án gấp gấp để tuyên bố một bản án định sẵn, một bản “án bỏ túi,” tất cả chỉ diễn ra trong hơn 3 tiếng đồng hồ!
Bà Nguyễn Thị Dương Hà đã lập lại lời ông Cù Huy Hà Vũ nói rằng phiên tòa chỉ dựng lên một bản án để chống lại ông chồng bà. Nhưng chúng ta có thể nhìn rộng hơn và vượt lên trên thân phận của một cá nhân, để thấy rằng cả hệ thống pháp lý ở nước ta hiện nay chỉ là một “trò khỉ” của đảng Cộng Sản. Họ cũng lập ra quốc hội, có tòa án, giống như những con khỉ bắt chước loài người. Nhưng họ bất chấp các luật lệ do chính họ làm ra và trà đạp trên tinh thần trọng pháp của loài người văn minh.
Vì vậy, tại Việt Nam hiện nay các luật gia đã tích cực tham gia vào công cuộc đấu tranh đòi thực thi pháp luật. Các Luật Sư Nguyễn Văn Ðài, Lê Thị Công Nhân, Lê Công Ðịnh, Lê Quốc Quân, tích cực vận động cho dân quyền của mọi công dân Việt Nam, bằng cách sử dụng luật pháp của chế độ. Ông Cù Huy Hà Vũ và những luật sư biện hộ cho ông là Trần Ðình Triển, Trần Vũ Hải, Vương Thị Thanh và Hà Huy Sơn là những chiến sĩ dân chủ. Riêng ông Cù Huy Hà Vũ đã hai lần khởi đơn kiện Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng về tội quyết định cho khai thác bô xít; lần đầu ở tòa án Hà Nội (tháng 6, 2009) đã bị bác bỏ, lần sau lên thẳng tòa án tối cao (tháng 7, 2010) nhưng bị bỏ qua. Ông đã từng khởi tố chính quyền Thừa Thiên chiếm đất trên đồi Vọng Cảnh để xây khách sạn. Tháng 10 năm 2010 ông đã đứng ra bênh vực giáo dân xứ Cồn Dầu bị bắt khi phản đối chính quyền Ðà Nẵng chiếm đất. Cù Huy Hà Vũ cũng từng công khai kết tội tướng công an Vũ Hải Triều vi phạm tự do ngôn luận khi phá các mạng Internet và tố cáo ủy viên Bộ Chính Trị Lê Thanh Hải về tội ăn cướp đất của gia đình tử sĩ.
Cuộc tấn công của các luật gia ở Việt Nam có thể đang theo gót Thánh Gandhi khi phát động cuộc đấu tranh giành độc lập cho Ấn Ðộ trong thế kỷ trước, ông, cũng là một luật sư, đã sử dụng các luật lệ của chính chế độ thuộc địa Anh. Dùng ngay luật pháp của chế độ để vạch ra những chính sách bất công và hành động bất lương của chính quyền, trong thế kỷ này hàng ngàn các luật sư Pakistan đã xuống đường tranh đấu đòi luật pháp tự do dân chủ được thực sự thi hành; mà kết quả là một vị tổng thống quân phiệt phải từ chức để dân tự do bầu người khác..
Nhưng các chế độ chính trị ở Ấn Ðộ thời thuộc địa và ở Pakistan thời quân phiệt đều biết giữ tư cách, xử sự văn minh, tôn trọng pháp luật của chính họ. Còn chế độ cộng sản ở nước ta hiện nay không biết giữ liêm sỉ như vậy.
Vì bản chất chế độ cộng sản là chuyên chế. Họ nhân danh một chủ nghĩa trừu tượng và không tưởng, không khác gì một chế độ tôn giáo độc tôn. Những người cộng sản nhân danh một niềm tin để thống trị xã hội; tự coi họ là những người duy nhất đã “giác ngộ” chân lý của “Lịch sử!” Khi một nhóm người tự coi là độc quyền Chân Lý thì họ không ngần ngại làm bất cứ cái gì, có giết hàng triệu người cũng không từ! Hành động nào họ cũng có thể tự biện hộ vì nghĩ họ chỉ đi đúng con đường lịch sử; như khi Stalin hay Mao Trạch Ðông gây nạn đói làm chết mấy chục triệu người với các chính sách kinh tế sai lầm.
Hệ thống cai trị của đảng Cộng Sản Việt Nam cũng được thiết lập trên những căn bản như Stalin và Mao. Vì thế, họ đã lộng hành trong hơn nửa thế kỷ nay, bất chấp những cách cư sử văn minh của nhân loại, bất chấp ngay cả hệ thống luật pháp mà họ đặt ra. Dùng luật lệ để tranh đấu với những người bất chấp luật lệ sẽ không hiệu quả. Cho nên trong những ngày sắp tới, các chiến sĩ tranh đấu cho dân chủ tự do ở Việt Nam cần phải tiến thêm một bước mới. Phải thức tỉnh đồng bào và dư luận thế giới về tình trạng bất chấp luật pháp của chế độ cộng sản.
Người dân Việt Nam không thể chỉ tranh đấu đòi tự do dân chủ trong vòng luật lệ của chế độ. Như Luật Sư Nguyễn Văn Ðài mới nói về bản án xử Cù Huy Hà Vũ: Chính Ðiều 88 trong Bộ Luật Hình Sự là phản hiến! Hay Luật Sư Nguyễn Xuân Phước từng chỉ rõ, ngay bản Hiến Pháp hiện thời, và những bản Hiến Pháp sau năm 1946 đều vô giá trị. Vì tất cả các lần tu chính đó đều không thực hiện đúng như bản Hiến Pháp đầu tiên của nước ta vào năm 1946 đòi hỏi. Trong Hiến Pháp 1946, việc sửa đổi Hiến Pháp chỉ có giá trị sau khi được đem trưng cầu dân ý; nhưng đảng Cộng Sản Việt Nam đã khinh thường dân, không bao giờ làm thủ tục hợp pháp hóa đó.
Hiện nay Luật Sư Nguyễn Xuân Phước đã thay mặt gia đình Luật Sư Cù Huy Hà Vũ nộp đơn khiếu kiện trước Hội Ðồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc. Ðây là một bước đấu tranh mới, có thể áp dụng cho mọi cuộc tranh đấu khác để đòi cho người dân Việt Nam được sống trong dân chủ tự do xứng đáng làm người trong một xã hội văn minh. Thế giới loài người văn minh sẽ phải hỗ trợ nhân dân Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Dương Hà đang tiếp tục cuộc tranh đấu trong khi ông Cù Huy Hà Vũ bị tù. Những bó hoa người dân Hà Nội tặng ông bà chứng tỏ đồng bào Việt Nam chúng ta đã ý thức rất rõ về quyền lợi chính trị rất chính đáng của các công dân. Nhân dân Việt Nam đã sẵn sàng tranh đấu vì họ không còn sợ guồng máy công an nữa. Hàng ngàn dân chúng Hà Nội kéo đến quanh tòa án bất chấp công an chìm, nổi. Ðầu thế kỷ trước, dân Hà Nội cũng bày tỏ ý kiến giống như vậy trong phiên tòa thực dân Pháp đem xử Phan Bội Châu. Các blog cá nhân Ba Sàm, Người Buôn Gió, Anh Ba Sài Gòn, Quê Choa, mạng Dân Làm Báo loan tin nhanh chóng và chính xác; gọi Cù Huy Hà Vũ là “người trí thức yêu nước chân chính.” Hàng vạn giáo dân khắp nơi thắp nến cầu nguyện; Phật tử Chùa Liên Trì tụng niệm cầu an; các giáo hữu Tin Lành Mennonite lên tiếng ủng hộ. Phiên tòa ô nhục xử Cù Huy Hà Vũ đang đánh thức tinh thần đoàn kết của người dân Việt Nam trong công cuộc đấu tranh giành tự do dân chủ.
Truyện cổ tích kể người Việt đời xưa khi vào rừng hay đeo cái ống tre trên cánh tay trước. Loài đười ươi bắt được họ, chỉ nắm chặt lấy cái ống tre, người ta chạy thoát lúc nào chúng cũng không biết! Ðảng Cộng Sản Việt Nam sẽ còn tiếp tục làm “trò khỉ” pháp lý của họ, dựa vào đám công an. Nhưng cả xã hội Việt Nam đang thay đổi; chính các đảng viên cộng sản cũng thay đổi. Như một nhà trí thức Hà Nội đã nhận xét, đám lãnh tụ cộng sản cũng đang làm trò “đười ươi giữ ống!” Vì người dân Việt Nam đã hết sợ!
 
 Công An thực tập đạo đức Hồ ly tinh
Công An Cộng Sản VN Noi Gương và Học Tập Đạo Đức Cáo Hồ !


-----ooOoo-----


Người Việt khác người Nhật
 Ngô Nhân Dụng

Sau khi đọc tin, coi hình ảnh hoặc chứng kiến thái độ bình tĩnh của người Nhật Bản sau cuộc động đất và sóng thần vừa qua, chúng ta phải công nhận dân Nhật có những đức tính mà mình phải học. Thái độ khiêm cung này rất cần thiết; vì nếu mình không nhìn thấy, không biết thán phục những cái hay của người khác thì cũng không biết tự sửa chữa những cái dở của mình.
Nhưng không thể so sánh Việt Nam với Nhật Bản hay với bất cứ nước nào, để nói dân tộc này hơn hay kém một dân tộc khác. Người mình có những ưu điểm khác với người Nhật, cũng như người Nhật có những nhược điểm khác với mình. Chúng ta có thể nhìn lại với con mắt quân bình, không thiên kiến, để thấy không phải cái gì mình cũng nên giống như người Nhật Bản. Có thể rút kinh nghiệm vụ động đất vừa qua để thấy xã hội Nhật Bản có một tinh thần khắc kỷ và trật tự rất mạnh; nhưng ngược lại họ quá cứng rắn, có khi thành cố chấp. Trong khi cũng phải công nhận dân Việt mình thì có tính mềm dẻo, linh động nhiều khi quá đáng, cần phải tránh.
Tuần báo Economist tường thuật sau trận động đất và sóng thần đánh vào làng Kesennuma, nơi có hơn 25 ngàn người chết hoặc mất tích, cho thấy guồng máy chính quyền Nhật Bản quá cứng nhắc. Vì động đất người dân phải xếp hàng chờ đợi mua xăng; trong khi. Tuy các nhà máy lọc dầu gia tăng hoạt động, số cung cấp xăng dầu không giảm đến mức quá thiếu thốn; nhưng chính việc áp dụng luật lệ cũng làm cảnh thiếu xăng trầm trọng hơn. Một điều luật ở Nhật bắt các trạm xăng phải dự trữ một số lượng đủ cung cấp cho 70 ngày. Ngay trong cảnh mới động đất xong, các trạm xăng khi thấy số dự trữ xuống tới mức 70 ngày cũng ngưng bán. Tất nhiên người tiêu thụ ở Nhật bình thản chấp nhận cảnh khan hiếm xăng do luật lệ gây ra như thế; vì bản chất họ luôn luôn trọng kỷ luật. Nhưng người ngoài thì ai cũng thấy trong hoàn cảnh khẩn cấp thì bảo vệ một điều luật như vậy là cố chấp! Phải đợi 10 ngày sau, chính phủ trung ương mới cho phép các trạm xăng chỉ giữ một khoảng dự trữ cho 45 ngày mà thôi!
Có thể nói hệ thống chính trị nước Nhật được xây dựng rất kiên cố, xã hội quá trật tự, không uyển chuyển để thích ứng với cơn nguy biến. Ngay khi bại trận, họ đã xóa bỏ chế độ quân phiệt độc tài, nhưng cả xã hội và hệ thống hành chánh vẫn tổ chức theo lối hàng dọc từ trên xuống dưới. Mọi sinh hoạt chính trị, kinh tế đều đặt dưới sự điều hành của ba thế lực trong xã hội. Ðó là guồng máy hành chánh, các ngân hàng lớn, và các đại công ty. Chưa kể, một đảng chính trị gần như nắm độc quyền trong hơn nửa thế kỷ, vì đảng Tự do Dân chủ liên kết được cả ba thế lực trên. Người dân Nhật thản nhiên chấp nhận tình trạng đó từ năm 1947 khi bản Hiến Pháp dân chủ được áp dụng. Nhờ đảng Tự do Dân chủ và các đồng minh của họ trong guồng máy hành chánh và giới tài phiệt đã mang lại cuộc sống thịnh vượng, với những người lãnh đạo có tư cách đáng kính trọng cho nên dân Nhật vẫn chấp nhận. Nhưng một hệ thống chính trị tập trung và chỉ huy như vậy chứa sẵn mối rủi ro, nếu dân trí không cao hoặc nếu người cai trị không lương thiện. Thói quen răm rắp tuân theo lệnh trên của người dân và quyền hành tập trung vào guồng máy hành chánh đó không còn thích hợp khi phải đối phó với những biến cố bất ngờ lớn.
Người Nhật Bản đã nhìn thấy nhược điểm đó một lần trong vụ động đất ở Kobe năm 1995. Năm đó, chính phủ Nhật lúng túng và chậm chạp trước tai biến lớn lao (phải công bằng mà nói thêm rằng chính phủ Mỹ cũng lúng túng như vậy trong thời gian bão Katrina). Cuộc động đất Kobe đã khiến nhiều người Nhật cảm thấy mất lòng tin vào khả năng của họ. Năm nay chính phủ Naoto Kan đã phản ứng rất nhanh trong việc trấn an tinh thần dân chúng. Các công chức bộ Kinh Tế, Thương Mại và Công Nghệ làm việc ngày đêm, có lúc làm việc trong bóng tối để tiết kiệm điện. Nhưng guồng máy hành chánh vẫn chạy theo thói quen cố hữu.
Một nghị sĩ đảng đối lập, ông Kouta Matsuda đã cố gắng đi cấp cứu vùng Miyagi mà ông là đại biểu. Vốn là một nhà kinh doanh thành công, ông Matsuda đã lái một chiếc xe tải nhỏ 4 tấn chở phẩm vật tới giúp các cử tri của mình. Nhưng cảnh sát không cho phép ông lái chiếc xe đó trên con đường dành cho xe tải. Bởi vì đã có lệnh con đường đó được dành riêng cho các xe cấp cứu. Ông cho biết tại Miyagi còn rất nhiều thực phẩm nhưng thiếu một hệ thống phân phối hữu hiệu.
Sau đó, ông Matsuda đã mượn môt chiếc máy bay trực thăng chở thức ăn, thuốc men và dụng cụ để sạc điện cho máy điện thoại di động tới Miyagi; nhưng cảnh sát không cho phép máy bay đáp xuống. Cũng vì đã có lệnh cấm. Ông bèn xin phép được thả các phẩm vật từ máy bay xuống đất; lại bị từ chối, vì làm như vậy là trái luật lệ, mặc dù chiếc trực thăng bay là là chỉ cách mặt đất có một mét!
Người Nhật rất trọng kỷ luật. Một chuyến xe lửa phải ngưng chạy trong 16 tiếng đồng hồ, nhưng tất cả các hành khách vẫn bình tĩnh và lễ độ; các phòng vệ sinh vẫn sạch sẽ không một vết nhơ. Ðức tính kỷ luật của cả một dân tộc rất đáng kính phục. Nhưng thi hành luật lệ một cách cứng nhắc thì không nên, sẽ trở thành cố chấp. Người Việt Nam trái lại; có thói quen sống linh động, “chín bỏ làm mười.” Nhưng biến báo, uyển chuyển thái quá thì có khi sẽ thành vô kỷ luật.
Giữa hai thói xấu, tính cứng nhắc và thiếu kỷ luật, chúng ta không thể nói thói nào xấu hơn. Nhưng người ta chỉ phạm lỗi cứng nhắc hoặc cố chấp khi phải đối phó với những hoàn cảnh bất thường. Nghĩa là những trường hợp hiếm hoi. Trong hoàn cảnh bình thường, giữ đúng kỷ luật thì không gọi là cố chấp nữa. Còn thói “biến báo” có khi bất chấp kỷ luật thì nếu đã tập nhiễm sẽ khó bỏ; có thể sẽ trở thành một thói xấu thường xuyên, xã hội sẽ khó sống hạnh phúc.
Tại sao người Nhật với người Việt mình khác nhau như vậy? Những thói quen có tính cách tập thể này chắc đã thành hình suốt chiều dài lịch sử mỗi dân tộc. Trong hơn một ngàn năm gần đây, lớp người được kính trọng nhất trong xã hội Việt Nam là các nhà Nho. Ở Nhật Bản, lớp người ưu tú là những võ sĩ, đẳng cấp bushi xuất hiện từ thời đại Bình An (Heian, 794-1185). Năm 1185 Tướng quân Minamoto Yoritomo biến tầng lớp Samurai thành một định chế chính thức. Họ cũng được rèn luyện theo luân lý Nho giáo giống như các nhà Nho Việt Nam; nhưng người Nhật lấy các võ sĩ làm gương. Nho giáo truyền vào nước Nhật qua ngả Hàn Quốc. Năm 285, Vua Keun Ch'ogo thuộc triều đại Paekche đã cử một nhà Nho là Wang In đem 10 chương trong sách Luận Ngữ và cuốn Nhất Thiên Tự (Senjimon) sang Nhật Bản. Nho giáo được đưa sang Việt Nam sớm hơn; chính thức bắt đầu từ thời Sĩ Nhiếp (187-226). Cùng học một hệ thống đạo lý nhưng ở nước Nhật thì đẳng cấp võ sĩ là tiêu biểu cho nền đạo đức, nhấn mạnh đến lòng trung thành tuyệt đối với chủ nhân, tức là các sứ quân; trong khi đó ở nước ta chính các nhà Nho, tức là những văn nhân, là lớp người chuyên chở đạo lý.
Văn khác với võ; người Nhật cương còn người mình nhu. Vì kỷ luật là điều kiện sống còn của các người ra chiến trận, còn các nhà văn cần được tự do, và nghĩ đến tình hơn lý, trọng những cá tính đặc thù hơn tính chất đồng nhất của tập thể. Dân tộc nào cũng cần biết khai triển những ưu điểm của nền văn hóa mình trong khi phải học hỏi người khác.
Khung cảnh thiên nhiên có thể thay đổi lối sống. Khổng Tử đã nhận xét về ảnh hưởng của địa dư trên tính khí con người: “Khoan nhu dĩ giáo, bất báo vô đạo, nam phương chi cường dã; quân tử cư chi. Nhẩm kim cách, tử chi bất yếm, bắc phương chi cường dã; nhi cường giả cư chi” (Dạy dỗ người với lòng khoan nhu; không báo thù kẻ vô đạo, đó là sức mạnh của người phương Nam; người quân tử theo đó. Nằm ngủ với áo giáp, binh khí; chết cũng không sợ, đó là sức mạnh của người phương Bắc; người hùng mạnh theo đó, Trung Dung, chương 10). Trong câu trên Khổng Tử nói đến những giống dân không phải người Hán sống ở phía Nam Trường Giang và phía Bắc vùng châu thổ Hoàng Hà. Dân Nhật Bản có sức mạnh của người phương Bắc, người Việt Nam có sức mạnh của người phương Nam.
Nhu quá thành vô kỷ luật, cương qua thành cố chấp. Mỗi dân tộc Việt và Nhật có nhiều ưu điểm và nhược điểm khác nhau. Cả hai nước Việt Nam và Nhật Bản đều chịu ảnh hưởng của luân lý Nho giáo cũng như dân Hàn Quốc; và mỗi nước đã phát triển trên những con đường khác nhau. Chúng ta không nên thấy những thói quen xấu của người Việt Nam gần đây mà nghĩ rằng đó là những tật xấu có từ lâu, do bản tính dân tộc. Thực ra đại đa số những thói xấu như sống vị kỷ, vô kỷ luật, trọng tiền tài; đến cảnh quan chức tham nhũng, vô trách nhiệm, khinh dân, như chúng ta đang chứng kiến trong xã hội hiện nay đều là do ngoại cảnh hoặc gây ra, hoặc đẩy lên đến mức độ quá cao, quá lộ liễu. Vì thượng bất chính, hạ tất loạn, điều này ai cũng biết.
Nhật Bản là một nước dân chủ, tinh thần võ sĩ và luân lý Nho giáo vẫn tồn tại mặc dù chế độ chính trị thay đổi. Nhưng truyền thống của dân Nhật cũng đưa tới những nhược điểm trong hệ thống chính trị, hiện rõ qua vụ động đất vừa qua. Nổi bật nhất là trong vụ nhà máy điện nguyên tử Daiichi.
Như trên đã nói, hệ thống chính trị Nhật Bản tuy là dân chủ nhưng vẫn quá tập trung. Ðặc biệt là giới tư bản nắm guồng máy tài chánh, kinh tế, cộng tác quá chặt chẽ với hệ thống hành chánh. Người Nhật đoàn kết và tin cẩn nhau, nhìn ai cũng thấy người ta lương thiện, chính trực, ai cũng trọng công ích, có tinh thần trách nhiệm; đó là một ưu điểm tập thể nhờ truyền thống võ sĩ đạo. Nhưng khi những công chức có nhiệm vụ kiểm soát giới quản lý trong lãnh vực tư mà tin tưởng quá đáng vào những người mình phải kiểm soát, thì họ rất dễ phạm những sai lầm. Tình trạng cộng tác mật thiết đó khiến trong hệ thống bị thiếu thói quen chất vấn, tranh luận, thói quen nghi ngờ, phải kiểm tra và tái kiểm tra. Khi nhà quản lý bỏ qua không quan tâm đến những báo động về mối rủi ro mà giới công chức đồng ý một cách dễ dàng thì công chúng sẽ lãnh hậu quả xấu. Mặc dù giới công chức Nhật không cấu kết với giới quản lý kinh doanh, nhưng họ có thể làm không tròn nhiệm vụ kiểm soát chỉ vì hai bên đoàn kết và tin cẩn nhau quá đáng!
Từ mười năm qua nhiều chuyên gia độc lập đã báo động công ty điện lực TEPCO, chủ nhân nhà máy Daiichi rằng các lò nguyên tử ở đó, do các kỹ sư Mỹ thiết kế từ nửa thế kỷ trước, đã lỗi thời, Nhưng các báo động đó bị bỏ qua. Các chuyên viên ở nhà máy đã không thực hiện đủ những cuộc thanh tra kỹ thuật định kỳ bắt buộc, kể cả lần trước ngày động đất hai tuần. Khi động đất xẩy ra, các lò nguyên tử đang giữ chứa nhiều thỏi nguyên liệu hạt nhân đã dùng rồi, nhiều hơn con số tối đa được giữ. Một tháng trước ngày động đất, các công chức đã chấp thuận lời yêu cầu của công ty TEPCO triển hạn việc sử dụng sáu lò nguyên tử thêm 10 năm nữa mặc dù đã có những báo động là sức chịu đựng quá nặng nề rồi.
Không ai nghi ngờ giới công chức Nhật Bản đã dễ dãi với công ty điện lực vì được hối lộ. Tuy nhiên, trong hệ thống điều hành kinh tế cũng như chính trị một quốc gia, sau khi tạo ra những định chế cân bằng để tự kiểm soát thì vẫn còn phải tạo thêm thói quen chất vấn, tranh luận với nhau, chứ không thể nhân danh tình đoàn kết mà hoàn toàn tin tưởng nhau. Ðây là một vấn đề văn hóa chứ không còn là chính trị nữa.
Tất nhiên, dù hệ thống chính trị nước Nhật có nhược điểm như thế, nó cũng trăm lần tốt hơn một hệ thống chính trị hoàn toàn dựa trên tham nhũng và tinh thần bè đảng, bất chấp công ích và đạo lý. Nhưng xin đừng ai nghĩ rằng tình trạng xấu xa tàn tệ đó là do bản chất của người Việt Nam tạo ra! Không người Việt Nam nào chấp nhận tình trạng đó. Khi so sánh với nước ngoài, ai cũng cảm thấy nhục nhã.

No comments:

Post a Comment