Không thể nghi ngờ, hiểm nguy ngay trước mắt !
Bùi Tín
Mấy tuần qua, nhiều sự kiện trong quan hệ Việt – Mỹ và Việt – Trung xảy ra, dẫn đến những phán đoán và nhận định khác nhau, có khi trái ngược nhau.
Có nhận định dễ dãi, hời hợt cho rằng tình hình đã và đang “thay đổi dồn dập” theo hướng chính quyền hiện nay đã dám đương đầu cứng cỏi với họa bành trướng và thực hiện một hướng mới thắt chặt quan hệ bè bạn, hợp tác về quốc phòng – an ninh với Hoa kỳ, châu Âu và Asean; người đưa ra nhận định này còn phán đoán sẽ có nhiều thay đổi dồn dập nữa theo hướng tiến bộ, tôt đẹp và dân chủ(!). Được vậy thì tốt quá! Nhưng… Tôi cũng ngờ ngợ điều đó, nhưng còn thận trọng đặt dấu hỏi “Bẻ lái chiến lược thật chăng?”. Có thể đây là một động tác giả, một biện pháp tình thế, chơi trò bắt cá 2 tay, một tay vẫn liên minh ma quỷ, một tay giả liên minh với phía khác, hòng thoát búa rìu phẫn nộ của đồng bàa, của trí thức đang thức tỉnh, của sỹ quan cựu chiến binh yêu nước…
Tình hình nay đã rõ.
Một loạt hành động có thể gọi đúng tên là bán nước, là phản bội Tổ quốc của một nhóm người trong bộ máy đảng CS và trong bộ máy nhà nước đang diễn ra nhãn tiền, rõ ràng, không sao còn che dấu được. Nhóm này cực kỳ nham hiểm, xảo quyệt, đã và đang lao vào một nước cờ liều, được ăn cả, ngã về không, do mù quáng đánh giá sai tình hình, coi thường nhân dân và công luận, khinh thường ngay cái cơ chế hiện hành.
Vì sao ngay sau khi tiếp thứ trưởng Quốc phòng Hoa kỳ ở Hànội, Nguyễn Chí Vịnh lại sang ngay Bắc kinh, xin gặp bộ trưởng quốc phòng Lê Quang Liệt để tường trình, thanh minh? - Rằng việc tàu quân sự Mỹ cặp bến Việt nam chỉ là thỏa thuận hình thức kỷ niệm 15 năm quan hệ ngọai giao, – rằng đây là theo yêu cầu của phía Mỹ, – rằng chỉ có quan chức điạ phương Việt Nam lên thăm tàu Mỹ… Việc gì mà phải thanh minh như thế?
Nghiêm trọng hơn, Vịnh dám đưa ra chính sách 3 không, nói rõ là: Việt nam sẽ không bao giờ tham gia một liên minh quân sự nào; Việt nam sẽ không là đồng minh quân sự của bất cứ nước nào; Việt nam sẽ không cho nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt nam, không dựa vào nước này để chống nước kia.
Ai cho phép Vịnh, một thứ trưởng quốc phòng, không có chân trong bộ chính trị, không có chân trong Ban chấp hành trung ương đảng, không có chân trong đảng ủy quân sự trung ương, cũng không hề là đại biểu quốc hội, lại dám khẳng định một đường lối chính trị – ngoại giao – quốc phòng trọng đại như thế? Và đường lối này chưa hề được bàn cãi, quyết định, công bố bởi quốc hội, ngay khi quốc hội chỉ là một công cụ của đảng. Chủ tịch nước, thủ tướng, bộ trưởng ngoại giao và cả đến tổng bí thư đảng CS cũng chưa bao giờ công bố một đường lối chính trị – quốc phòng – ngọai giao mang nội dung như thế. Đằng sau Vịnh là ai? Ai cho phép Vịnh công bố điều ấy? Sao lại công bố trên đất người ta?
Lý do duy nhất chỉ có thể là Vịnh đã nói theo sự mong muốn của bọn trùm bành trướng, theo chỉ thị của nhóm tay sai bọn bành trướng, nhằm tước đi quyền lựa chọn đồng minh khi cần thiết để bảo vệ lãnh thổ của Tổ quốc và cuộc sống an toàn của nhân dân. Vịnh đã dâng bọn trùm bành trướng chiếc dây thừng trói chặt tay dân ta, không còn được quyền tự do hành động khi Tổ quốc lâm nguy, khi gặp quốc nạn thì đành chịu chết, không được kêu cứu ai!
Hãy nghe phản ứng của phía Trung quốc. Ngay sau khi Vịnh cúi đầu khuất phục thiên triều, Trung quốc giở ngay trò cho tầu ngầm cắm cờ dưới đáy biển Đông, ra oai cho thiên hạ biết đây là vương quốc của ta, các nguồn tài sản dầu mỏ, hơi đốt, khoáng sản, hải sản vô tận vùng này là của ta hết. Chưa thấy phản ứng gì của các nhà lãnh đạo ở Hànội. Hay cũng chỉ phản ứng chậm, lấy lệ, vuốt đuôi, nhẹ nhàng. Báo chí bị bịt mồm. Các mạng yêu nước ở nước ngoài bị phá liên tiếp. Một kiểu trói tay, bịt mồm để cho quan thầy bành trướng của chúng tha hồ hoành hành.
Trên Nhân dân Nhật báo Bắc kinh, cây bút bình luận Lý Hồng Mỹ tỏ ra ngạo mạn với lời cảnh cáo: “Quan hệ Trung – Mỹ đang đi tới giai đoạn gay go, bất cứ quyết định thiếu khôn ngoan nào của Việt nam sẽ chỉ làm căng thẳng thêm khi tình hình đã tồi tệ”.
Bà Lê Hồng Mỹ còn chua ngoa: “đu dây là nguy hiểm, nếu Việt nam thúc đẩy 2 cường quốc xung đột thì Việt Nam sẽ bị thiệt hại trước hết”.
Đúng ngày 25-8, báo China Post ở Hồng kông đăng lời đe doạ của Khương Du, người phát ngôn của Bộ ngoại giao Trung quốc, rằng: “chúng tôi cảnh cáo Việt nam và Nam Hàn đã tập trận chung với Hoa kỳ, làm vậy là không tốt cho sức khỏe của họ”, ngụ ý là sẽ ăn đòn, ốm đòn đấy.
Khương Du còn láo xược và ngạo mạn khinh thường nhân dân ta, rằng “Việt Nam đang làm cho người Trung quốc không hài lòng; Hà nội có thể đánh giá quá cao khả năng bảo vệ của Mỹ; nếu Việt Nam và Trung quốc giao chiến thì không có hàng không mẫu hạm nào của bất cứ quốc gia nào có thể bảo đảm an ninh cho Việt Nam”.
Trên đà miệt thị Việt Nam, Khương Du lên giọng bĩu môi: “Với nhiều nguy cơ đến từ mọi phía, Việt nam hiện trong tình trạng mong manh như vỏ quả trứng“.
Vì sao có những lời lẽ hung hăng, xấc xược đối với nước ta đến vậy. Chỉ vì trên đất ta hiện có một nhóm lãnh đạo bạc nhược, tham nhũng, dấn thân vào con đường phản bội tổ quốc và nhân dân, nên mới bị họ khinh thị đến thế.
Vì sao họ thốt ra những lời thách thức Hoa kỳ, lên án Hoa kỳ, cảnh cáo Hoa kỳ mạnh mẽ như thế? Báo Trung quốc huênh hoang rằng Trung quốc đã đạt tổng sản lượng quốc gia lần lượt vượt Anh, vượt Đức, nay vừa vượt Nhật bản và không bao lâu nữa sẽ vượt Hoa kỳ để trở thành siêu cường số Một của thế giới; rằng Thế kỷ XXI là thế kỷ của Trung Hoa (!). Nhiều học giả trong các think-tank Mỹ đã bác bỏ thẳng thừng sự ngạo mạn ấy, vì tổng sản phẩm Trung quốc lớn do dân số quá đông, rằng tính sản phẩm theo đầu người, Trung quốc chỉ bằng 1/10 của Mỹ (3.600 US$ so với 38.000 US$), khoảng cách về tiềm lực quân sự giữa 2 nước còn rất lớn, phải 12 năm nữa Trung quốc mới gần bằng tiềm lực Hoa kỳ hiện nay, khi ấy tiềm lực Hoa kỳ đã tiến rất xa. Huống gì Trung quốc gặp hàng loạt thách thức nghiêm trọng về dân tộc, dân chủ, nhân quyền, chênh lệch giàu nghèo, khu vực, môi trường, khoa học, kỹ thuật, giáo dục… còn lạc hậu, lâu mới khắc phục được.
Vì sao phó trợ lý bộ trưởng quốc phòng Hoa kỳ Robert Scher sau khi gặp thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh tại Hànội ngày 17-8 vừa qua lại tỏ ra “phấn khởi, lạc quan về quan hệ quân sự – chiến lược giữa 2 nước đang được thắt chặt, nâng cao với nhiều triển vọng”, vì sao đại sứ Mỹ M.Michalak cũng tin rằng “quan hệ quân sự mạnh mẽ giữa 2 nước sẽ đóng góp cho hòa bình, ổ định của khu vực”? Họ không thấy được rõ bản chất của con người mà họ đối thoại cùng những mưu đồ của con người ấy chăng? Hay đó là những lời xã giao thuần túy của các nhà đối ngoại? Và vì sao nữa, khi quan hệ với Việt Nam và Asean đang mang nhiều triển vọng, Hoa kỳ lại không cử một đại biểu nào đến Đà nẵng để họp cuộc họp kinh tế của ASEAN mở rộng mới đây nhất?
Ở trong nước, có bạn lo ngại rằng Hoa kỳ chưa hiểu thật rõ nội tình chính trị ở Việt nam, nhất là về một nhóm từ 20 năm nay thực hiện quyết sách “nhất biên đảo” – ngả hẳn về một bên -, dưới chiêu bài “làm bạn với mọi nước”, thắt chặt liên minh – đồng chí anh em – đồng minh ưu tiên – quan hệ toàn diện gắn bó 16 chữ Vàng với Trung quốc, dưới chiêu bài “không liên minh quân sự, không đồng minh quân sự với ai”.
Hãy nghe nhà ngoại giao lão luyện Dương Danh Dy từng làm việc hơn chục năm ở Bắc kinh cho rằng hiểu cho thật rõ, thật sâu, thật đúng bản chất của chủ nghĩa Đại hán trong cái đầu các nhà lãnh đạo Trung quốc không hề giản đơn, phải là một quá trình lâu dài, quan sát, phán đoán, chiêm nghiệm mới ngộ ra được. Vì họ rất lắm mưu cực thâm, kế cực độc, với những ngón lọc lừa, đe dọa, mua chuộc khi thì tinh vi, khi thì xấc xược ra mặt, thù bạn xoay như chong chóng, thực hư hư thực đan xen, lồng vào nhau…
Hiện nay họ đang thao diễn trên đất nước ta một đại âm mưu, biến Việt Nam thành một thuộc địa kiểu mới, một chư hầu kiểu mới, một tay sai kiểu mới, nhằm đi đến khống chế, khuất phục toàn vùng Đông Nam Á có nhiều nước nhỏ, tài nguyên vô tận về khoáng sản, nhiên liệu, hải sản, có đường hàng hải huyết mạch …
Cái sai lầm lớn nhất của bọn Đại hán mới và bọn tay sai là chúng luôn chủ quan, duy ý chí, tham lam, nôn nóng, nghĩ rằng phương Tây đang lâm vào khủng hoảng kinh tế – tài chính và suy thoái, chính quyền B. Obama bị vướng vào chiến tranh, đây là thời cơ vùng dậy. Trong cơn say bành trướng, chúng quên khuấy lời khuyên của Đặng Tiểu Bình là hãy giấu mình, khiêm nhường trong vài chục năm, chờ cho khi có thực lực hãy khởi sự, cần “nín thở qua sông”, thu nhanh khoảng cách với thiên hạ đã.
Trong cơn liều có tính toán hiện tại ở Việt nam, xem ra bọn trùm bành trướng Bắc kinh và nhóm tay sai đang tính sai, đang phán đoán sai.
Cái sai lớn nhất là bọn chúng coi thường nhân dân ta, những người công dân bình thường, nông dân, lao động, trí thức, văn nghệ sỹ, học sinh …cho rằng đa số nhân dân trong thời “đổi mới” hài lòng với cuộc sống có được cải tiến ít nhiều, không còn nghĩ gì đến việc nước, đến quốc sự, hay có nghĩ thì cũng không dám dấn thân.
Bọn chúng cũng khinh thường cái cơ chế hiện hành, do chúng đã mua chuộc được một số nhân vật cốt cán, khống chế những người còn lại. Khi cần chúng có thể gạt bỏ dễ dàng chủ tịch nước, thủ tướng, phó thủ tướng kiêm bộ trưởng ngoại giao, các bộ trưởng, các tướng lĩnh, nếu không cúi đầu theo chúng. Vì chúng quen lộng quyền, và đàn áp.
Nguyễn Chí Vịnh không phải không có kẻ đối kháng trong quân đội. Gần 20 viên tướng trong uỷ ban trung ương đảng đều có quá trình, thành tích vượt xa Vịnh, trong khi Vịnh bị đánh giá là “không xứng đáng là một sỹ quan sơ cấp”, bị nhiều tướng lĩnh công khai ngăn cản “không được cử Vịnh đi dự Đại hội đảng toàn quân (sắp họp vào tháng 11 tới ) cũng như Đại hội đảng toàn quốc (tháng 1-2011). Hãy xem, dễ gì mà đại tướng Phùng Quang Thanh, đại tướng Lê Văn Dũng, đại tướng Nguyễn Huy Hiệu, thượng tướng Nguyễn Văn Được, thượng tướng Phan Trung Kiên cũng như các trung tướng Huỳnh Ngọc Sơn, Bùi Văn Huấn, Trương Quang Khánh, Nguyễn Khắc Nghiêm, tất cả đều có chân trong Ban chấp hành trung ương đảng, lại chịu để cho Vịnh vượt qua đầu mình, khi Vịnh đã bị loại dứt khoát tại cuộc họp trung ương cuối của khoá IX năm 2006, dù đã được chính tổng bí thư Nông Đức Mạnh đích thân giới thiệu.
Trong nước, các trí thức quan tâm đến việc nước, các văn nghệ sỹ có công tâm, các đảng viên cộng sản trung thực, các tướng lĩnh, sỹ quan, binh sỹ, cựu chiến binh thật lòng vì nhân dân đang tìm hiểu để xác định một vấn đề hệ trọng. Đó là có một nhóm có thể gọi là “nhóm tay sai của Bắc kinh”, nhóm tay trong của bọn bành trướng, nhóm tự nguyện làm chư hầu cho thiên triều, chúng gồm có những ai? Những ai là đầu sỏ, những ai là a dua, theo đóm ăn tàn, ai là cánh tay, bộ hạ tạo nên thế lực của chúng? Đã đến lúc những người yêu nước thương dân xem xét, lập hồ sơ, nhận rõ diện mạo của chúng.
Bọn bành trướng Đại Hán rât thâm, rất độc, chúng không nương nhẹ với bọn tay sai, chúng cố tình làm nhục chúng, dồn chúng vào đường cùng không chút nể nang, thương xót, vì chúng cho rằng càng ở thế cùng, chúng càng bám chân chủ. Những lời mắng mỏ trịch thượng gần đây nhất, dám cảnh cáo, đe doạ nhân dân ta, dù cho Nguyễn Chí Vịnh đã cúi mình thanh minh, chứng tỏ sự thâm độc của chủ và nỗi nhục ê chề của kẻ tôi tớ.
Thời cuộc tháng 9 và tháng 10 tới sẽ đầy những sự kiện nghiêm trọng. Đại lễ Ngàn năm Thăng long sẽ diễn ra từ 1-10 đến 10-10; 1-10 lại là ngày quốc khánh Trung quốc. 12-10 họp bộ trưởng quốc phòng các nước ASEAN mở rộng tại Hànội, có bộ trưởng quốc phòng Hoa kỳ và Trung quốc dự. Ngày 20-10 sẽ họp quốc hội cho đến 27-11. Chủ nhiệm Ủy ban quốc phòng – an ninh Lê Quang Bình yêu cầu sẽ nghe báo cáo về tình hình biển Đông, bị chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng gạt đi “vì một năm nay không có gì mới” (!). Nhiều đại biểu tỏ rõ ý định sẽ nhấn mạnh yêu cầu này.
Các đại hội đảng của Hà nội, Sàigòn, của quân đội, ngành công an, các cơ quan trung ương… sẽ họp, cử đoàn đại biểu đi dự đại hội toàn quốc. Những hoạt động của nhóm bán mình cho quỷ dữ sẽ dần dần lộ rõ, không sao còn che dấu được. Đây là thước đo tình trạng sức khỏe của đảng CS, xem trong đảng, lực lượng khoẻ khoắn lành mạnh có tồn tại và vươn dậy ra sao, hay toàn đảng đã suy yếu đến tận cùng, không còn một sức đề kháng nào trước hiểm họa dân tộc.
Đây cũng là thước đo xem trong xã hội ta, lực lượng yêu nước, thương dân, ngay thẳng, trỗi dậy trứớc hiểm họa dân tộc sẽ thể hiện ra sao trong cơn nguy biến của Quê hương, Tổ quốc.
Tôi bỗng nghĩ đến số phận của Lũ 4 tên (Tứ Nhân Bang) ở Trung quốc, thanh thế lên như diều trong 3 năm Cách mạng Văn hóa điên loạn, có hàng 50 vạn tay sai thân tín, thế mà sau khi ông Mao Trạch Đông chết (ngày 9-9-1976) chưa đầy tháng đã bị tóm gọn từ trên xuống dưới vào đêm 6-10-1976, dù cho Giang Thanh là vợ của Mao, là ủy viên bộ chính trị, cũng như Trương Xuân Kiều, Diêu Văn Nguyên, Vương Hồng Văn uy lực ghê gớm một thời, vẫn bị trói tay, tống giam, ra tòa và cúi đầu nhận tội với nhân dân, đất nước.
Đất nước đang lâm nguy thật sự. Sự phản bội đất nước đang diễn ra rõ ràng, nghiêm trọng.
Những người yêu nước thật lòng, thương dân thật lòng, – trong đảng CS và ngoài đảng CS, trong nước và ngoài nước -, các anh chị em trí thức, văn nghệ sỹ, các nhà báo chân chính, sinh viên, học sinh, tuổi trẻ, nông dân, lao động, nhà kinh doanh tự do… hãy tìm hiểu tình hình, tìm lối ra cho đất nước.
Xin chớ ai bàng quan, thờ ơ, buông trôi thời cuộc, hãy nói lên ý nghĩ của mình và tìm ra hành động chung để cứu dân cứu nước, cũng là cứu mình vậy.
Paris 28-8-2010
Nguồn: dailyvnews.wordpress.com
---------------ooOoo--------------
Làm sao thực hiện được tư tưởng Hồ Chí Minh: “NẾU CHÍNH PHỦ LÀM HẠI DÂN THÌ DÂN CÓ QUYỀN ĐUỔI CHÍNH PHỦ”?
– Quản lý kém làm cho nền kinh tế mất sức cạnh tranh (giá chi phí cho một đơn vị tăng trưởng cao gấp đôi, thậm chí gấp ba các nước Châu Á, Thái Bình Dương).
– Cho nước ngoài vào khai thác bauxite Tây nguyên gây bất an về quốc phòng và môi sinh; cho nước ngoài thuê rừng biên giới.
– Gần đây nhất là đề án đường sắt cao tốc bị toàn dân đặt ra nhiều nghi vấn...
Tuy nhiên tôi chỉ xin nêu ra đây một hiểm họa của đất nước: Tham nhũng – Giặc nội xâm!
Nếu chính phủ để tình trạng tham nhũng kéo dài và tăng lên vô hạn thì có phải là đã mang tội "làm hại dân"?
Tổng thống Mỹ, Thủ tướng Nhật bị mất chức chỉ vì “nghe lén” và “không thực hiện được một lời hứa”. Ngày 5-7-2010, Thủ tướng Hàn quốc từ chức vì đề án xây dựng một thành phố mới của ông đưa ra bị Quốc hội bác bỏ... So với người thì các vị lãnh đạo nước ta có lỗi nặng gấp nhiều lần, nhưng đã được xuê xoa quá mức, chính vì thế mà không có sức răn đe để sửa chữa sai lầm!
Vậy tìm điều kiện để thực hiện được tư tưởng Hồ Chí Minh “Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ” chính là tìm đơn thuốc hiệu quả trị được chứng nan y tham nhũng và nhiều khuyết điểm khác của hệ thống chính trị.
Bài viết này bắt đầu từ tình trạng tham nhũng; xác định chân tướng, nhân thân kẻ tham nhũng; phân tích nguyên nhân bất trị của tham nhũng; và cuối cùng là đề ra phương thuốc đặc trị tham nhũng. Phương thuốc ấy tạo ra điều kiện và khả năng thực hiện thắng lợi tư tưởng Hồ Chí Minh.
1. Khuyến nghị quốc tế: kiểm soát quyền lực
Nghị quyết Đại hội 8 năm 1996 kết luận tham nhũng là một trong bốn nguy cơ đe dọa đất nước.
Gần 10 năm sau, tham nhũng phình to, câu kết nhau như thành như lũy, khiến nguyên Phó trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng Trần Bạch Đằng kêu gọi: “Nã đại bác vào tham nhũng!” (Báo Tuổi trẻ xuân) với những lời lẽ thống thiết. Ông nói: "Tham nhũng đang đe dọa sự phát triển kinh tế cùng đạo đức xã hội"!
Gần một năm sau, tại Hội nghị Trung ương 3/7/2006, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh nhận định: "Tham nhũng là một trong những nguy cơ lớn đe dọa sự sống còn của chế độ".
Ba năm sau nữa, ông Đặng Quốc Bảo – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng – miêu tả hình dáng tham nhũng nằm lồ lộ ở nước ta với hai đặc trưng: (1) Kinh tế ngầm lộng hành, mafia cộng với cán bộ thoái hóa; (2) Bộ máy công quyền hư hỏng, vô cảm, tham nhũng, quan liêu, hách dịch, thiếu chuyên nghiệp, ít hiểu biết, xa rời nhân dân, dị ứng với dân chủ.
Các vị lãnh đạo Việt Nam cho rằng Đảng đã rất quyết tâm chống tham nhũng, nhưng do luật pháp còn bất cập, năng lực quản lý yếu, cán bộ bị sa sút đạo đức trong cơ chế thị trường, các hoạt động chống tham nhũng chưa đồng bộ.
Chủ tịch Nguyễn Minh Triết trong cuộc gặp Việt kiều dịp Tết 2010 nói: “Ở nước người ta đó thì muốn tiêu cực, muốn tham nhũng cũng khó, vì cái hệ thống luật pháp nó chặt chẽ. Còn ở Việt Nam mình thì có khi không muốn tham nhũng cũng động lòng tham".
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận định: "Có bốn nguyên nhân dẫn đến tham nhũng là: thể chế còn sơ hở, thủ tục hành chính rắc rối, phiền hà, tinh thần phê tự phê bình còn yếu, đặc biệt là vai trò của cấp ủy Đảng và người đứng đầu chưa được thể hiện" (Báo Tuổi trẻ ngày 13-1-2008).
Liệu những nguyên nhân mà các vị lãnh đạo Việt Nam nêu ra đã đủ chưa?
Năm 2009, chương trình Hỗ trợ Phát triển của Liên Hiệp Quốc (UNDP) có một công trình nghiên cứu quan trọng về vấn đề tham nhũng ở Việt Nam và đã trao kết quả công trình cho Chính phủ ta. Công trình này nêu rõ hình tướng của tham nhũng ở Việt Nam. Xin tóm lược:
- Do kinh tế tăng trưởng cho nên dù cho nạn tham nhũng đang tràn lan vẫn ít được đề cập. Tham nhũng hủy hoại dần tính chính danh của chế độ.
- Nông dân biểu tình chống tham nhũng đất đai gia tăng, doanh nhân bực dọc nạn nhũng nhiễu gia tăng.
- Nền kinh tế tự do hóa, nhưng vai trò quản lý của Nhà nước không giảm đã tạo điều kiện cho tham nhũng.
- Tham nhũng xảy ra dưới 3 hình thức: Hối lộ – còn gọi là "bôi trơn"; tư nhân hóa bất hợp pháp tài sản Nhà nước trong chính sách cổ phần hóa; mua bán quyền lực.
- Quan hệ mờ ám giữa cán bộ chính trị và doanh nhân được gọi là "doanh nghiệp sân sau", "công ty gia tộc", “thế lực đen móc ngoặc với các phần tử biến chất trong bộ máy cầm quyền".
- Đảng và Nhà nước Việt Nam cho rằng thực thi kém hiệu quả việc chống tham nhũng là do luật pháp bất cập, đạo đức suy đồi trước kinh tế thị trường. Thực ra đó chỉ là những yếu tố liên quan, chứ không phải vấn đề trung tâm của tham nhũng.
Tham nhũng ở Việt Nam thực chất là một vấn đề mang tính hệ thống.
Biểu hiện của tính hệ thống là: Tham nhũng vận hành phổ biến, bình thường, không phải biệt lệ, không thể tiến hành công việc nếu không chịu dính với tham nhũng! Hầu hết những người vốn là tốt,nhưng khi nằm trong guồng máy họ cũng phải chấp nhận tham nhũng để tồn tại.
- Các văn bản pháp lý ở Việt Nam thường thiếu rõ ràng và chồng chéo. Không phải người soạn thảo kém, mà do hệ thống đòi hỏi phải như vậy để dễ dàng lạm dụng quyền lực, tham nhũng. Đó là tác động của các nhóm lợi ích có quyền lực lớn. Bà Phạm Chi Lan – nguyên tư vấn Văn phòng Chính phủ phát biểu trong cuộc Hội thảo hồi tháng 3/2009 cho rằng đó là cách các nhóm lợi ích “cài cắm lợi ích cục bộ khi soạn thảo luật, cơ chế”.
- Xu thế coi công quyền như công cụ làm giàu, nên tệ nạn mua quan bán chức tràn lan. Tập tục “một người làm quan cả họ được nhờ” đang sống lại.
- Lương thấp, đạo đức xuống cấp chỉ là nguyên nhân thứ yếu. Không làm rõ các quy định được, chừng nào cái “logic” đang chi phối hệ thống vẫn tồn tại.
Nâng cao tính minh bạch và kiểm soát quyền lực bộ máy công quyền là khuyến nghị mấu chốt của UNDP.
Nâng cao tính minh bạch gồm: công khai tài liệu thanh tra; nâng cao tính độc lập của thanh tra, của hoạt động tòa án, của cơ quan giám sát; coi trọng giải quyết tố cáo của dân; nâng cao vai trò xã hội dân sự, các cơ quan truyền thông giám sát hoạt động của nhà nước, khuyến khích công dân tố giác, khuyến khích báo chí dám đứng ra điều tra tham nhũng.
Để làm rõ thêm bộ mặt của tham nhũng, xin nghe bà Lê Hiền Đức (tên thật là Phạm Thị Dung Mỹ) sinh năm 1932, giáo viên nghỉ hưu, người được Tổ chức Minh bạch quốc tế tặng Giải thưởng Liêm chính năm 2009 kể:
“Các cấp trung gian nó bao che cho nhau, bảo kê cho nhau mình không thể cựa được. Tôi nhận đơn từ của nhân dân 63 tỉnh thành tố cáo đủ các mặt, đất đai nhà cửa... Thanh tra Nhà nước đã đến [nhà tôi] chở đi hồ sơ 214 vụ rồi, nhưng chưa thấy thông báo việc này việc kia được giải quyết. Có người đi kiện lúc 27 tuổi tới năm 54 tuổi mà vẫn chưa được giải quyết! Ông Bí thư quận Cầu Giấy có biết bao tội, là kẻ bảo kê cho bà Hiệu trưởng tham nhũng. Tôi báo cáo việc này với ông Bí thư Thành ủy Hà Nội thì hai tháng sau được tin ông quận này đã được chuyển công tác… Ở cấp nào bọn tham nhũng cũng có ô dù cả”!
Tham nhũng ở Việt Nam năm 2008 được Tổ chức Minh bạch toàn cầu xếp ở đầu trong nhóm 1/3 nước cuối bảng xếp hạng. Chỉ số thứ hạng từ năm 1997 - 2008 hầu như không đổi: 2,8; 2,6; 2,7. So sánh với các nước trong vùng thì điểm số của Việt Nam khá hơn Indonesia 5 bậc, hơn Philippines 20 bậc, xấu hơn Thái Lan 41 bậc, Trung quốc 49 bậc, Malaysia 74 bậc, Hongkong 109 bậc, Singapore 117 bậc. Năm 2009, Tổ chức Tư vấn Rủi ro chính trị, kinh tế (PERC) xếp Việt Nam là nước tham nhũng đứng thứ 3 Châu Á, chỉ khá hơn Indonesia và Campuchia, tụt lại sau Philippines. Chỉ số minh bạch về thị trường bất động sản thì Việt Nam xấu hơn Indonesia 22 bậc, Philippines 29 bậc, Thái Lan 31 bậc, Malaysia 54 bậc, Singapore 68 bậc.
2. Tham nhũng là ai?
Tham nhũng là hành vi của kẻ có chức quyền.
Ngày xưa là quan lại. Do đó, Luật Hồng Đức của Lê Thánh Tông có 40 điều chống tham nhũng (trong tổng số 722 điều) đều là dành cho quan lại chứ không phải cho thứ dân.
Ngày nay, kẻ tham nhũng là viên chức trong hệ thống cầm quyền. Tham nhũng nhỏ xảy ra ở người có chức quyền nhỏ. Tham nhũng lớn ở người có chức quyền lớn. Tuy không có quy định thành văn nhưng trong thực tế từ cán bộ cấp trưởng ấp, trưởng khu phố đến phó trưởng phòng của phường xã, đều phải là đảng viên. Do vậy bệnh tham nhũng trong thực tế lại chính là bệnh của đảng viên từ thôn ấp cho tới những cơ quan cao nhất! Nhiều đảng viên không làm công tác chính quyền, nhưng với cơ chế Đảng lãnh đạo toàn diện, họ có điều kiện tham nhũng còn hơn cả viên chức chính quyền. Vậy tham nhũng là bệnh của Đảng, của cả hệ thống chính trị.
Xin nêu ra đây một số nhận định của các nhà nghiên cứu về tham nhũng ở nước ta.
Giáo sư Yoshiharu Tsuboi người Nhật Bản – là nhà Việt Nam học có nhiều công trình sâu sắc – đã nói như sau về tham nhũng ở Việt Nam:
– “Tham nhũng ở Việt Nam không đơn thuần là vấn đề đạo đức mà là cơ cấu trong tổ chức, để loại được tham nhũng phải cải thiện lớn cơ cấu tổ chức và quản lý tài chính”.
– “…Khó thúc đẩy tình hình nếu như không có một số lợi nhuận cho các đảng viên và cán bộ chính quyền. Vì vậy Đảng Cộng sản Việt Nam phải làm ngơ ở mức độ nhất định trước vấn đề biển thủ hoặc tham nhũng của họ”.
– “...Số lượng tham nhũng quá đông, nếu toàn bộ các vụ tham nhũng bị lật tẩy thì hệ thống hành chính có nguy cơ ngừng hoạt động, thậm chí dẫn tới khủng hoảng chính trị. Do vậy nếu khoản tiền tham nhũng không cao quá mức và được chia đều cho những người dính líu thì chính quyền để yên cho họ”.
– “…Tham nhũng ở Việt Nam có thể tóm gọn là “Ai lại sợ đèn đỏ, khi tất cả đều vượt đèn đỏ”!
– “...Hệ thống được thành lập theo kiểu khi bên trong xuất hiện có người có khả năng phản đối tham nhũng thì tham nhũng sẽ được dùng làm lý do để loại bỏ người đó”.
– “...Bằng cơ cấu nuôi dưỡng tham nhũng, nhà cầm quyền đặt gần như toàn bộ người dân vào vị trí tội phạm tiềm năng, với cung cách phán xử tùy tiện, những ai làm mất lòng hệ thống tham nhũng có thể bị trừng phạt đúng theo pháp luật”!
Giáo sư Carl Thayer người Úc, một chuyên gia nghiên cứu Việt Nam có uy tín trên thế giới, cũng có bài viết về tham nhũng ở Việt Nam. Nhận xét các vụ án tham nhũng lớn như PMU 18, Đại lộ Đông - Tây, giáo sư nhận định: “Các vụ tham nhũng lớn ở Việt Nam có trung tâm bảo trợ của những hệ thống quyền lực gồm những đảng viên cao cấp và gia đình họ, và ngay trong luật lệ... Khi tham nhũng bị phơi bày, chúng đều được chỉ đạo giải quyết từ “bên trong cánh cửa”.
...“Trong vòng 5 năm có 12 ủy viên Trung ương bị kỷ luật liên quan đến tham nhũng, nhưng rất ít vụ bị đưa ra tòa. Qua hai kỳ Đại hội, 12 năm, tham nhũng đã tăng nhiều hơn. Nguyên nhân là do Đảng cộng sản Việt Nam chống thực hiện tam quyền phân lập (hành pháp, lập pháp, tư pháp) mà nắm trọn, kiểm soát cả ba quyền này”.
Các tác giả Lê Đăng Doanh, Nguyễn Trung, Phạm Chi Lan, Hoàng Ngọc Giao... cũng có những bài viết miêu tả rõ nét khuôn mặt tham nhũng đang ngự trên chiếc ghế quyền lực của đất nước. Những đảng viên còn giữ lòng tự trọng hẳn sẽ luôn cảm thấy căm giận và xấu hổ!
3. “Tham nhũng nã đại bác vào Đảng”
Chúng ta đều biết rằng chủ nghĩa Mác – Lênin không có khái niệm Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa mà chỉ có các hình thức Nhà nước chuyên chính vô sản được "vận dụng sáng tạo thích hơp với thực tiễn của mỗi quốc gia".
Nhà nước xã hội chủ nghĩa là Nhà nước tập quyền và Đảng hóa. Trong một bài nói ở Hội nghị Trung ương khóa 3, ông Lê Duẩn cũng cho rằng Đảng Cộng sản Liên Xô không coi trọng nhà nước.
Thật ra các nhà nước toàn trị đều đặt Đảng trên nhà nước, nghị quyết Đảng cao hơn pháp luật.
Luật sư Nguyễn Mạnh Tường phân tích nguyên nhân chính gây ra sai lầm lớn của cải cách ruộng đất ở Việt Nam là không dùng luật pháp mà dựa vào đấu tố. Vì nhận định đúng đắn ấy mà ông bị sa thải. Sau Đổi mới, cùng với sự hội nhập quốc tế, khẩu hiệu “Sống và làm việc theo pháp luật” mới được xuất hiện.
Mãi đến 29/11/1991, tại Hội nghị lần thứ 2 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 7, Tổng Bí thư Đỗ Mười với tư duy bị trói bởi ý thức hệ đã khiên cưỡng lắp ghép từ “xã hội chủ nghĩa” vào "nhà nước pháp quyền”. Hơn 15 năm sau, tháng 4/2006, nghị quyết Đại hội 10 của Đảng Cộng sản Việt Nam đưa ra nội dung: “Xây dựng cơ chế vận hành của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, bảo đảm nguyên tắc tất cả quyền lực Nhà nước đều thuộc về nhân dân; quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp… Xây dựng, hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát tính hợp hiến hợp pháp trong các hoạt động và các quyết định của các cơ quan công quyền”.
Tiến sĩ Hồ Bá Thâm đã thắc mắc rằng: kiểm tra, giám sát được đặt riêng ra như vậy, không rõ là nó nằm bên trong hay nằm ngoài hệ thống quyền lực nhà nước?
Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh công bố nội dung học thuyết Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong bài diễn văn ở phiên khai mạc kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa 12, ngày 19/7/2007. Nhiều nhà lãnh đạo của Đảng, Nhà nước Việt Nam đã viết bài lý giải học thuyết mới mẻ này.
Với cương vị là Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, ông Trần Đức Lương có bài viết đăng trên tạp chí Cộng sản số 1 năm 2007 với tựa đề: “Xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân, ngày càng trong sạch vững mạnh là nhiệm vụ quan trọng thường xuyên của Đảng, nhà nước và nhân dân ta”. Xin trích ra đây một nội dung cơ bản:
“Một trong những điểm cơ bản của việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân là quyền lực Nhà nước thống nhất trên cơ sở phân công và phối hợp trong việc thực hiên quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Có thể hiểu rằng sự thống nhất là nền tảng, sự phân công và phối hợp là phương thức để đạt được sự thống nhất của quyền lực Nhà nước. Sự lãnh đạo của Đảng cũng nhằm đảm bảo cho sự phân công và phối hợp được thông suốt, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, đưa cương lĩnh, chủ trương, đường lối của Đảng vào cuộc sống”.
Các nhà nghiên cứu lý luận Việt Nam viết nhiều bài dẫn giải nội dung học thuyết Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đưa ra những khái niệm lạ lẫm như “tam quyền phân hợp", "tam quyền phân hợp giám". Nói chung, những khái niệm phân lập, đối trọng không được phép đặt ra. .
GS. TS. Tô Xuân Dân và cán bộ Mặt trận Tổ quốc Trung ương Nguyễn Thanh Bình có bài viết chung nhan đề “Xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân dưới sự lãnh đạo của Đảng” (Tạp chí Cộng sản số 1/2007). Hai ông đưa ra 7 vấn đề có tính nguyên tắc để thực hiện đúng đắn Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Đọc dẫn giải 7 vấn đề thấy hai ông là những lý thuyết gia chính trị hơn là nhà luật học. Tôi đặc biệt chú ý đoạn văn sau đây của hai ông:
“...Vấn đề là ở chỗ, bản chất của Đảng cầm quyền thế nào, mục tiêu chính trị của nó có phải vì lợi ích chung của dân tộc, vì con người hay không và do đó có sẵn sàng tuân theo những quy định của pháp luật hay không; có đủ phẩm chất đạo đức để vượt qua các cám dỗ quyền lực to lớn mà một Đảng cầm quyền duy nhất có nhiều khả năng gặp phải hay không và nó có tự đặt ra và thực hiện được những lề luật nghiêm khắc cho chính mình hay không?”.
Nêu ra nội dung trên hai ông không nhằm cảnh báo nguy cơ đối với Đảng mà ngay sau đó đưa ra khẳng định: “Thực tiễn phát triển của xã hội ta, đất nước ta xác nhận và khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng. Hơn 74 năm qua Đảng thể hiện tập trung ý chí nguyện vọng và trí tuệ của toàn dân tộc”. Hai ông tin rằng: “Hoàn thiện những cơ sở pháp lý đó sẽ giúp tránh được bao biện, làm thay hay can thiệp không đúng nguyên tắc của cấp ủy và cán bộ Đảng vào công việc của chính quyền mà có thời kỳ nhiều nơi đã mắc phải”.
Thực tiễn đất nước 3 năm qua đã bác bỏ nhận định nói trên của hai ông, và chứng minh rằng số đông đảng viên cộng sản không thể “vượt qua các cám dỗ quyền lực to lớn”!
Tiến sĩ Hồ Bá Thâm trong bài “Dân chủ hóa, phân quyền hóa cơ cấu hệ thống quyền lực Nhà nước theo tư duy pháp quyền biện chứng” đăng trên Tạp chí Nghiên cứu lập pháp tháng 11/2009 đã nêu ra nhiều điều còn băn khoăn. Đặc biệt là đoạn văn sau:
“...Với thực tế nảy sinh tràn lan và kéo dài ngày càng trầm trọng tệ nạn tham nhũng, cửa quyền, quan liêu và lãng phí hiện nay trong hệ thống chính trị và trong xã hội ta,càng thấy thiếu sót lớn trong một cơ chế thiếu giám sát và kiềm chế quyền lực tệ hại như thế nào. Đó là chỗ hổng và yếu kém nhất trong cơ chế hệ thống tam quyền của Nhà nước, phải được khắc phục sớm bằng cả nhận thức và thể chế”.
Tuy nhiên, Dự thảo Văn kiện trình Đại hội 11 của Đảng Cộng sản Việt Nam về quyền lực Nhà nước vẫn na ná như nội dung văn kiện Đại hội 10: “Quyền lực nhà nước là thống nhất; có sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp; có cơ chế kiểm tra, giám sát trong việc thực hiện ba quyền đó”.
Thực tế hiểm họa “nội xâm”của đất nước đã chứng tỏ sự “liệt kháng” của thể chế phân công ba quyền thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng. Xin dẫn chứng thêm hai câu chuyện:
(1) Cách đây 15 năm, ngày 16/11/1993, Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc trả lời phỏng vấn báo Lao động về việc “phải cấp bách cải cách Tư pháp để chấm dứt tệ nạn “thư tay gửi tòa án” và “những bản án bỏ túi” trước khi tòa xử. Cơ quan Nhà nước cũng như công chức Nhà nước khi thực thi công vụ phải trong khuôn khổ pháp luật và họ có thể bị kiện trước tòa nếu gây hại cho dân”.
Sau 15 năm cấp bách cải cách Tư pháp như ông Lộc nói, hiện trạng của quyền Tư pháp được thể hiện trong vụ án bà Ba Sương ở Cần Thơ là thế này:
UBND thành phố Cần Thơ có công văn số 1575/UBND -NC ngày 25/3/2008 nội dung: “Thực hiện ý kiến kết luận của thường trực Thành ủy tại Thông báo số 91-TB/VPTU ngày 20/8/2008, Chủ tịch UBND thành phố có ý kiến chỉ đạo như sau: Sau khi Thanh tra Thành phố chuyển một số nội dung sai phạm của Nông trường Sông Hậu sang Cảnh sát điều tra thì tổ chức họp báo, công khai với báo chí...”. Cơ quan Tư pháp các cấp đều không có phản ứng gì về cách chỉ đạo ấy, chỉ có nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt gửi thư phản đối: Tôi không rõ có những lý do gì bên trong mà cơ quan Đảng chỉ đạo cơ quan điều tra khởi tố vụ án? Việc này phải do cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát tiến hành chứ? (Có tin “lý do bên trong” mà cụ Võ Văn Kiệt hỏi là lãnh đạo Cần Thơ muốn tìm cớ để thu hồi đất của Nông trường Sông Hậu cho một dự án lớn!).
Như vậy là tệ nạn “thư tay”, “bản án bỏ túi” kiểu du kích thời Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc ngày nay đã được chính quy hóa thành những Công văn, Thông báo rất ngang nhiên!
(2) Ngày 19/9/1997, Thủ tướng Chính phủ có công văn số 4678/QT1 “chuyển khu dân cư ở số 2 Thụy Khuê, Hà Nội. Văn phòng Chính phủ xây dựng cơ sở hạ tầng tại khu đất phía sau khách sạn La Thành cho các hộ dân ở đó tái định cư”. Ngày 6/9/1998, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ có quyết định số 498/QĐ-VPCP phê duyệt phương án bố trí diện tích đất cho từng hộ gia đình, nhưng danh sách này thiếu 11 hộ, trong đó có bốn hộ do các ông bà Nguyễn Xông Pha, Chu Quang Biên, Lê Lục Công, Trần Minh Hồng làm đại diện. Văn phòng Chính phủ có công văn 6403/VPCP-QT1 giao cho UBND quận Tây Hồ bố trí tái định cư cho 4 hộ dân nói trên. Bốn hộ dân này tìm hiểu biết rằng Văn phòng Chính phủ làm trái công văn Thủ tướng, cốt để thừa ra 233 m2 đất ở một ví trí đắc địa xây chung cư đưa ra bán giá cao cho 15 hộ dân không thuộc khu nhà số 2 Thụy Khuê. Ngày 21/9/2009, bốn hộ dân nói trên làm đơn khiếu nại gửi Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, nhưng không được Bộ trưởng giải quyết. Ngày 2/11/ 2009, bốn hộ dân làm đơn gửi Tòa án nhân dân Hà Nội. Tòa án nhân dân Hà Nội thông báo trả lại đơn với lý do “Không thuộc thẩm quyền giải quyết bằng một vụ án hành chính tại Tòa án”. Bốn hộ dân khiếu nại Tòa án Hà Nội nhận lại đơn kiện, nhưng không được. Ngày 29/12/2009, bốn hộ dân gửi đơn kiện lên Tòa án nhân dân Tối cao. Tòa án nhân dân tối cao im lặng. Bốn hộ dân cầu cứu luật sư Cù Huy Hà Vũ. Luật sư Cù Huy Hà Vũ gửi hồ sơ vụ này lên Ủy ban Tư Pháp của Quốc hội. Và vụ việc được... nằm yên trên đó!
Vụ này không lớn, nhưng sự ách tắc của nó chứa 3 điều đáng suy ngẫm:
1/ Nó dính líu đến nhiều bộ luật: Luật đất đai, Luật khiếu nại tố cáo, Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính, Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao...
2/ Nó liên quan đến ba nhánh quyền lực nhà nước là hành pháp, tư pháp, lập pháp mà không giải quyết được.
3/ Nó liên quan trách nhiệm của các Ủy viên Bộ chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, Thủ tướng, Bộ trưởng, Chánh án tòa tối cao, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật mà vẫn bị tắc!
Điều ấy đủ để nói lên rằng, công thức pháp quyền xã hội chủ nghĩa hiện hành có nhược điểm lớn nhất là trao cho Đảng trực tiếp lãnh đạo cả ba quyền lực Nhà nước, tạo tình thế Đảng đứng trên pháp luật. Nhà tư tưởng Montesquieu từng cho rằng, khi quyền lực tập trung vào một mối, dù là một người, hay một tổ chức thì nguy cơ chuyên chế vẫn còn. Rõ ràng pháp quyền xã hội chủ nghĩa không tạo sức mạnh và uy tín cho Đảng mà nó tạo ra nguy cơ, tôi muốn dùng cách nói của ông Trần Bạch Đằng: “Hằng phút, hằng giờ tham nhũng nả đại bác vào Đảng”! Trong khi Đảng thì... ngay một nhà lý luận lớn của Đảng như Giáo sư Tiến sĩ Mạnh Quang Thắng cũng phải rầu buồn: “Thật đáng tiếc là cho đến nay vẫn còn một bộ phân không nhỏ cán bộ đảng viên suy thoái một cách nghiêm trọng...”.
4. Phải tam quyền phân lập mới có “thần linh pháp quyền”
Gần đây có nhiều bài viết tán dương việc cải cách tư pháp theo hướng không để tòa án ở cùng với cấp hành chính, cho rằng như vậy sẽ tránh được cơ quan hành pháp can thiệp vào việc xét xử của tòa án, và từ đó sẽ có tư pháp độc lập. Có đúng vậy không? E rằng những người nêu ý kiến này mới nhìn sự thật ở một nửa! Cần thẳng thắn đặt ra và bàn bạc thấu đáo trước thềm Đại hội 11 của Đảng là: Đảng có nên lãnh đạo tư pháp theo kiểu cầm tay chỉ việc như vậy hay không? Sự lãnh đạo của Đảng đối với quyền Tư pháp nên theo cách nào?
Mới đây, nguyên Ủy viên Bộ chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An có bài trả lời rất hay phỏng vấn của Thu Hà trên VietNamNet về việc sửa đổi Hiến pháp. Ông nói: “Còn quyền lực của cơ quan tư pháp thì sao? Trong thực tiễn thì nó yếu thế hơn các cơ quan lập pháp và hành pháp, và còn bị chi phối trong xét xử”.
Vậy ai chi phối? Và để chi phối được tư pháp, họ có cần phải ở cùng một cấp hành chính hay không? Nếu họ ở trên một cấp, hoặc trên hai, ba cấp hành chính, ở tận Hà Nội thì họ có thể chi phối được tòa án ở các tỉnh thành phía Nam hay không?
Mặc dù rất dè dặt khi phân tích những nguyên nhân yếu kém của quyền tư pháp, Tiến sĩ Hồ Bá Thâm cũng đã nêu ra một ý kiến rất đáng suy nghĩ về sự lãnh đạo của Đảng đối với quyền tư pháp: “Hơn nữa, khi đường lối của Đảng đã được cụ thể hóa thành Hiến pháp thì Hiến pháp là cao nhất chứ không phải Đảng cầm quyền khi thực thi quyền lực Nhà nước”.
Tiến sĩ Hồ Bá Thâm đã chỉ đúng chỗ mắc mứu lớn chính là vì học thuyết Pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã đặt “việc thực hiện ba quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam”. Lẽ ra sự lãnh đạo của Đảng chỉ nhằm đưa ra quan điểm lớn là: “Phải làm thế nào để thực hiện cho được quyền tư pháp độc lập, thượng tôn pháp luật, không chấp nhận bất cứ sự chi phối nào ngoài pháp luật”.
Với tinh thần nói thẳng, nói thật có từ Đại hội 6 - Đổi mới, nhưng từ đó đến nay không được nuôi dưỡng tốt, tôi muốn tiếp lời Tiến sĩ Hồ Bá Thâm đặt ra câu hỏi vốn rất kiêng kỵ này: Tại sao chúng ta không chấp nhận tam quyền phân lập? Đó là kết tinh tư tưởng cao cả của các hiền triết thời cổ đại từ Platon, Aristotle cho đến các nhà tư tưởng thế kỷ 18 như Lock, Montesquieu, J.J. Rousseau, Kant, Hegel... đã trở thành tài sản vô giá của toàn nhân loại trong tiến trình tranh đấu tìm đến Dân chủ - Tự do. Chính Marx, Engels lúc cuối đời cũng chấp nhận các phương pháp đấu tranh nghị trường trong thể chế của Nhà nước pháp quyền. Cương lĩnh của Quốc tế xã hội dân chủ do Engels sáng lập đã được phát triển và vận dụng ở nhiều nước, có xây dựng Nhà nước tam quyền phân lập, đưa các quốc gia ấy trở thành dân chủ, giàu mạnh. Sự nghiệp Đổi mới của chúng ta thực ra cũng đã vận dụng nhiều bài học của chủ nghĩa xã hội dân chủ, rất tiếc lại không vận dụng bài học xây dựng Nhà nước theo Tam quyền phân lập!
Tại sao? Vì sợ mất đi tính thống nhất của quyền lực Nhà nước chăng? Không đúng! Tính thống nhất của Nhà nước chính là lý tưởng của dân, do dân, vì dân. Một nền tư pháp độc lập mạnh mẽ sẽ kiềm chế được sự lạm quyền của hành pháp, hoặc sự vi hiến của lập pháp, sự bạc nhược của tư pháp thì đó mới là bảo vệ thành công sự thống nhất lý tưởng xây dựng một nhà nước của dân, do dân, vì dân!
Sợ mất đi trách nhiệm “phân công quyền lực”? Ai phân công? Các nghị quyết của Đảng đều dùng từ “phân công”. Bài viết của nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An cũng dùng từ “phân công quyền lực”. Tuy không nói rõ chủ thể phân công, nhưng Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo Nhà nước thì mặc nhiên phải hiểu rằng Đảng phân công ba quyền lực Nhà nước. Đúng ra, phải dùng từ phân quyền (decentralize) vốn là một thuật ngữ đã phổ biến thế giới về nhà nước pháp quyền. Còn từ phân công (to divide the work) là để chỉ việc phân chia lao động như phân công lao động theo ngành, giới tính, vùng đất, phân công lao động quốc tế... Có ý kiến cho rằng từ “phân công” tỏ ra nhẹ nhàng hơn "phân quyền" (Tiến sĩ Hồ Bá Thâm). Nhưng ở đây điều cần đạt tới không phải là cảm giác "nặng”hay "nhẹ”mà rất cần đạt được sự chính xác của thuật ngữ quốc tế giữa thời hội nhập toàn cầu.
Sợ mất sự “phối hợp”, tạo nên “sức mạnh tổng hợp” vốn là truyền thống? Xin thưa, các lý thuyết phân quyền chỉ nhấn mạnh kiềm chế, kiểm soát, đối trọng. Nếu muốn nói đến sự phối hợp thì cũng có thể tìm thấy được: Khi cả ba quyền kiểm soát, kiềm chế lẫn nhau sẽ bật lên một sức mạnh tổng hợp kéo nhà nước đang ở trên đầu nhân dân, phải hạ xuống nằm bên dưới luật pháp!
Sao lại kiêng kỵ tam quyền phân lập đã có mầm mống hằng ngàn năm, được hoàn chỉnh hằng trăm năm, tạo ra sự phân quyền cân bằng và độc lập giữa ba quyền lực nhà nước (Lập pháp, Hành pháp,Tư pháp), quyền lực này kiểm soát, kiềm chế quyền lực kia, tránh xảy ra lạm quyền, chuyên quyền, độc quyền, đảm bảo cho sự tự do chính trị của Nhà nước được lập nên từ quyền lực nhân dân?
Sợ thực hiện tam quyền phân lập sẽ làm cho ba quyền ấy vuột khỏi tầm tay lãnh đạo của Đảng? Rất sai! Trước hết, nó làm cho chúng ta có một Nhà nước dân chủ đáp ứng nguyện vọng của nhân dân và phù hợp với xu thế thời đại. Xu thế thời đại là: Pháp luật đứng trên Nhà nước. Chính quyền phục vụ nhân dân chứ không phải hành dân. Chính phủ có trách nhiệm tìm chính sách phù hợp để phát triển đất nước nâng cao phúc lợi nhân dân và bảo vệ an ninh Tổ quốc. Người dân được làm mọi việc mà luật pháp không cấm, còn chính quyền chỉ được làm đúng theo quy định của pháp luật. Quốc hội chỉ tuân thủ Hiến pháp lập nên từ ý chí, nguyện vọng và quyền lợi của nhân dân. Quốc hội không giơ tay theo nghị quyết đã có sẵn, để bị mang tiếng là nghị gật!
Hệ thống tư pháp độc lập ngăn chặn những việc làm sai trái của hành pháp và lập pháp gây hại cho quyền lợi và tự do của công dân. Tòa án độc lập xét xử mọi tranh chấp và mâu thuẫn xã hội theo luật pháp và chỉ tuân theo luật pháp, cho nên được coi là “thành trì của tự do”. Hôm qua, 6/7/2010, Chủ tịch Nguyễn Minh Triết nói với Hội nghị cải cách tư pháp, dặn rằng việc đầu tiên là phải bồi dưỡng một đội ngũ cán bộ tòa án trong sạch, vững vàng. E rằng điều ông dặn chỉ là vấn đề thuộc vào thứ yếu.
Lịch sử xây dựng quyền tư pháp của nhân loại đã chứng tỏ rằng, Bao Công chỉ xuất hiện được từ cơ chế. Cơ chế mới là vấn đế số một, vấn đề đầu tiên! Cơ chế tam quyền phân lập, dùng quyền lực hạn chế quyền lực, sẽ buộc được các Tổng Bí thư, Thủ tướng cũng như phó thường dân khi tòa gọi phải nhanh chóng kíp hầu tòa. Không còn chuyện Tòa án Hà Nội, rồi cả Tòa án tối cao đều bó tay không gọi nổi Thủ tướng! Như vậy có làm giảm quyền lãnh đạo của Đảng? Không! Vụ Quốc hội bác bỏ dự án Đường sắt cao tốc vừa qua đã làm cho nhân dân tin Đảng đã tôn trọng ý dân, đã có thêm động lực để “Đảng phải gần dân, hiểu biết dân, học hỏi dân” (Hồ Chí Minh). Nhân dân sẽ thấy Nhà nước của dân, do dân, vì dân không phải chỉ ở khẩu hiệu mà đã là sự thật nhìn thấy. Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước nhận được thêm năng lực mới. Quyền Tư pháp độc lập sẽ góp một trong những sức mạnh lớn nhất tẩy trừ tham nhũng. Đảng thải loại được lũ sâu mọt thoái hóa đang ẩn náu trong hàng ngũ của mình. Đảng viên sẽ gồm những người liêm khiết trong mắt của nhân dân. Hồ Chí Minh nói “chống tham ô lãng phí quan liêu là dân chủ”, có ý nghĩa như vậy. Nhân dân sẽ công nhận Đảng tích cực đổi mới toàn diện, từ đó mà tính chính danh được nâng lên.
“Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ”! Với tam quyền phân lập, “trăm điều phải có Thần linh pháp quyền” (Hồ Chí Minh), tư tưởng ấy sẽ hiện diện trong đời sống, nâng cao quyền dân, làm trong sạch Đảng, tăng cường sinh lực Nhà nước. Há chẳng phải là một việc cấp bách mà Đại hội Đảng rất cần quan tâm?
Đến đây, xin dùng một danh ngôn đã có sức sống 2500 tuổi của nhà hiền triết Platon thay cho lời kết: “Tôi nhìn thấy sự sụp đổ nhanh chóng của Nhà nước ở nơi nào mà pháp luật không có hiệu lực và nằm dưới quyền lực của một ai đó. Còn ở nơi nào mà pháp luật đứng trên các nhà cầm quyền và các nhà cầm quyền chỉ là nô lệ của pháp luật thì, ở đó tôi thấy có sự cứu thoát của Nhà nước”.
T. V. C
No comments:
Post a Comment